Quan điểm phê bình

Một phần của tài liệu khuynh hướng phê bình mới trong lý luận phê bình văn học anh (Trang 35 - 42)

CHƯƠNG II CÁC TÁC GIẢ TIÊU BIỂU CỦA KHUYNH HƯỚNG PHÊ BÌNH MỚI TRONG LÍ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN

2.1.2)Quan điểm phê bình

Eliot có những đóng góp quan trọng đối với lĩnh vực phê bình văn học,

đặc biệt mạnh mẽ đến khuynh hướng Phê bình mới. Trong khi có phần tự đánh giá thấp tác phẩm của ông, ông đã từng nói phê bình của ông chỉ là một “sản phẩm phụ” của “phân xưởng thơ ca cá nhân” của ông, Eliot được một số

người xem như là một trong những nhà phê bình văn học lớn nhất của thế kỉ

XX. Nhà phê bình William Empson đã từng nói: “Tôi không biết được chắc chắn nhiều bao nhiêu trí óc của chính tôi mà Eliot đã tạo ra. Ông là một sự ảnh hưởng rất sâu sắc, có lẽ không khác gió đông”.

Đóng góp quan trọng của Eliot cho Phê bình mới chủ yếu được thể hiện

ở những quan niệm của ông trong những bài tiểu luận được ông viết trong quyển sách: “Rừng thiêng: những bài tiểu luận về thơ ca và phê bình”, cụ thể

là: “Tradition and The Individual Talent” (Truyền thống và tài năng cá nhân),

"Hamlet and His Problems” (Hamlet và những vấn đề của chàng), và “The perfect Ctictics” (Nhà phê bình hoàn hảo).

Có thể nói, “Truyền thống và tài năng cá nhân” là một trong những bài tiểu luận quan trọng nhất của khuynh hướng Phê bình mới. Trong bài tiểu luận phê bình này, Eliot đã cắt nghĩa một trong những khái niệm cơ bản của Phê bình mới là “Truyền thống” và khẳng định vai trò quan trọng của nó với tư cách là tiêu chí để định giá giá trị của nhà nghệ sĩ cùng tác phẩm của anh ta. Truyền thống, theo Eliot, trước hết đòi hỏi ý thức lịch sử. Ý thức lịch sử là chiếc cầu nối gắn kết quá khứ với hiện tại. Ý thức lịch sử mang trong mình cả

tính nhất thời và cả tính vĩnh hằng, cả quá khứ và hiện tại. Cho nên, Eliot cho rằng mỗi nhà thơ phải có ý thức lịch sử, ý thức về truyền thống văn học. Ý thức lịch sử là điều thiết yếu đối với ai muốn trở thành nhà thơ. Ông viết:

“chính ý thức lịch sử này cho nhà nghệ sĩ cảm nhận về quá khứ không đơn thuần chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại; Ý thức lịch sử này thúc giục nhà nghệ sĩ phải sáng tác, cảm nhận trong anh ta không chỉ thế hệ anh ta mà còn cả một nền văn học châu Âu như một chủ thể tồn tại cùng thời. Tạo nên một dãy cùng thời, ý thức lịch sử này là ý thức của sự nhất thời, của sự vĩnh hằng, là cảm nhận sự gắn kết giữa nhất thời và vĩnh hằng, đồng thời cũng xác định nhà thơ là thuộc về truyền thống. Chính ý thức này đã giúp cho nhà thơ với

độ nhạy bén cao có thể hiểu được vị trí của mình trong thời đại và cuộc sống hiện tại của mình”. Eliot cho rằng, nhà nghệ sĩ, dù ít hay nhiều, khi sáng tác và trong sáng tác, đều phụ thuộc vào truyền thống văn học, học tập, ảnh hưởng từ truyền thống. Không có một nhà thơ, một nghệ sĩ trong bất cứ ngành nghệ thuật nào lại tự mình bộc lộ tất cả. Eliot viết: “nếu tiếp cận với một nhà thơ mà không có định kiến trước, chúng ta sẽ thấy rằng không chỉ cái tốt nhất mà cả cái cá nhân nhất trong sáng tạo của anh ta cũng bắt rễở nơi mà tổ tiên

của anh ta, các nhà thơ quá khứ, khẳng định sự bất tử của mình mạnh mẽ hơn cả, tức là bắt rễ từ truyền thống văn học”. Từ việc cắt nghĩa truỵền thống và mối quan hệ của nó với nhà nghệ sĩ, Eliot đi đến kết luận về tiêu chí để định giá giá trị của nhà nghệ sĩ. Ông viết: “Ý nghĩa và giá trị sáng tạo của họ chỉ

thật sự trọn vẹn khi họ so sánh với các nhà thơ của quá khứ. Không thể đánh giá một nhà nghệ sĩ một cách riêng rẽ; nếu cần phải đối chiếu và so sánh thì hãy đặt anh ta vào cùng một hàng với các nghệ sĩ của các thời đã qua. Về một phương diện nào đó, nhà thơ cần phải hiểu rằng anh ta sẽ được đánh giá trên cơ sở những tiêu chí do quá khứ đề ra”. Như vậy, Eliot cho rằng, nghệ thuật phải được hiểu không phải trong một khoảng không, mà là trong bối cảnh của những mảnh trước của nghệ thuật. Một cách cụ thể, quan niệm này giới thiệu ý niệm rằng giá trị của một tác phẩm nghệ thuật phải được xem xét trong bối cảnh của tất cả những tác phẩm trước, một “ trật tự đồng thời” của những tác phẩm.

Một nội dung cũng không kém quan trọng được trình bày trong “Truyền thống và tài năng cá nhân” đó là lí thuyết nghệ thuật vô ngã của Eliot. Chính lí thuyết nghệ thuật vô ngã này đã góp phần đặt cơ sở nền tảng cho Phê bình mới. Trên cơ sở phản bác quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn cho rằng: “thơ ca là dòng chảy tự do của những cảm xúc”, hay thơ ca là “cảm xúc được hồi tưởng ở trạng thái tĩnh” ( Wordsworth), Eliot đã đi đến khẳng

định: cảm xúc của nghệ thuật thì phi cá nhân. Eliot cho rằng có ba yếu tố liên quan đến quá trình sáng tạo bài thơ là: nhận thức (mind), tình cảm (feeling) và cảm xúc (emotion) của nhà thơ. Nhận thức của nhà thơ, theo Eliot, một phần hay toàn bộ dựa vào kinh nghiệm nghiệm sống của nhà thơ. Nhận thức này

đóng vai trò trung gian, “thấm sâu và chuyển biến những tình cảm mãnh liệt, những niềm đam mê vốn là tư liệu, chất liệu của nhận thức”. Quá trình sáng tạo bài thơ không thể không có mặt của nhận thức, nhưng nó chỉ là trung gian

để “những tình cảm đặc biệt hoặc rất khác nhau được tự do để tham gia vào những kết hợp mới”. Những kết hợp mới được tạo thành hoàn toàn không có dấu vết của nhận thức bởi vì nhận thức này của nhà thơ, theo Eliot, thì thụ động, trung lập và không thay đổi. Ông viết: “nhận thức của nhà thơ là chiếc bình chứa đặc biệt thu thập và trữ trong mình vô số những tình cảm, câu thơ, hình tượng, những thứ này sẽ ẩn náu ở đó và chỉ thể hiện khi có đủ thành phần cần thiết để thiết lập một chủ thể mới hoàn chỉnh”. Tình cảm của nhà thơ, theo Eliot, được nhà thơ thể hiện cụ thể trong ngôn từ, câu chữ hay hình

ảnh. Do đó, Eliot cho rằng, tình cảm này chính là tình cảm của bài thơ và

được phép có mặt trong bài thơ. Eliot phân biệt sự khác nhau giữa tình cảm của bài thơ và cảm xúc của nhà thơ. Theo Eliot, cảm xúc của nhà thơ thì cụ

thể hơn, mang tính chủ quan, và do những sự kiện cụ thể trong cuộc sống nhà thơ khơi dậy. Cho nên nó chính là cảm xúc riêng tư, chủ quan của cá nhân nhà thơ. Eliot cho rằng những cảm xúc riêng tư này chỉ là những thành tố ban

đầu và không đóng vai trò quan trọng gì đối với bài thơ. Từ đó, Eliot đi đến khẳng định rằng: các nhà thơ tuyệt đối không thể hiện cái tôi cá nhân của mình mà chỉ đóng vai trò trung gian cho “những ấn tượng và những trải nghiệm kết hợp theo những cách thức cụ thể, riêng biệt và bất ngờ”. Ông viết:

“Những ấn tượng và những sự trải nghiệm quan trọng đối với tác giả có thể

không có mặt trong thơ ca, và những ấn tượng và những sự trải nghiệm đó quan trọng trong thơ ca có thể có một vai trò rất không đáng kể đối với con người cá nhân nhà thơ. Về bản chất, các nhà thơ thường từ chối chính bản thân mình vì một điều gì đó có ý nghĩa hơn. Hoạt động của người nghệ sĩ là sự hi sinh bản thân, là sự quên mình không ngừng”. Từ việc khẳng định cảm xúc nghệ thuật thì phi cá nhân, thơ ca không phải là sự thể hiện cảm xúc chủ

quan, riêng tư hay “cái tôi cá nhân” của nhà thơ, Eliot đi đến đề nghị quan trọng cho phê bình: một nhà phê bình đích thực và đánh giá đúng thực sự, xét

cho cùng, bao giờ cũng hướng vào thơ ca chứ không phải vào nhà thơ. Bởi vì ông cho rằng hướng sự tập trung chú ý đến bài thơ chứ không phải là nhà thơ

thì mới có thể đánh giá một cách công bằng hơn những bài thơ hay cũng như

những bài thơ dở. Đánh giá thơ chỉ nên dựa vào chính bản thân bài thơ và xem xét bài thơ đó với bối cảnh của tất cả những tác phẩm trước với một “ trật tự đồng thời” của những tác phẩm, chứ không phải dựa vào tác giả của nó là một nguyên tắc phê bình thơ ca quan trọng của Phê bình mới. Nguyên tắc này sau này được tiếp tục kế thừa và phát triển trong bài tiểu luận “ The Intentional Fallacy” (Ngộ nhận ý đồ) trong tác phẩm “The Verbal Icon” của hai nhà phê bình mới người Mỹ là William Kurtz Wimsatt và Monroe Beardsley. Nguyên tắc này cũng góp phần đưa đến kĩ thuật đọc khép kín và kĩ

lưỡng của phê bình mới trong đó văn bản tác phẩm được tập trung xem xét mà loại bỏ những yếu tố như là tiểu sử hay ý đồ của tác giả.

Trong bài tiểu luận: “Hamlet và những vấn đề của chàng”, Eliot đã đưa ra một ý niệm cũng quan trọng đối với Phê bình mới về một “objective correlative” (“Sự tương quan đối tượng”). Sự tương quan đối tượng này đặt một mối liên quan, quan hệ giữa những từ trong nguyên bản và những sự

kiện, những trạng thái tinh thần, hoặc những sự trải nghiệm. Eliot viết: “cách duy nhất thể hiện cảm xúc theo hình thức tác phẩm nghệ thuật là tìm ra một “tương quan đối tượng”; nói khác đi là một hệ các khách thể, một tình thế, một chuỗi sự kiện sẽ làm công thức cho cảm xúc đặc biệt đó; đến mức khi những sự kiện bên ngoài, thứ phải hoàn tất bằng cảm nhận giác quan đã sẵn sàng, cảm xúc này lập tức trỗi dậy”. Quan niệm này thừa nhận rằng một bài thơ có nghĩa là cái mà nó nói, do đó một sự phê bình, đánh giá khách quan cần phải dựa trên những sự diễn dịch, phân tích đối với tác phẩm. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong bài tiểu luận “ Nhà phê bình hoàn hảo”, Eliot đã đưa ra những quan niệm quan trọng của ông cho Phê bình mới về yêu cầu đối với phê bình

và nhà phê bình. Trên cơ sở phê phán hướng tượng trưng trong phê bình gắn liền với tên tuổi của hai nhà phê bình Coleridge và Matthew Arnold (đã định nghĩa thơ ca bằng cảm xúc chứ không phải bằng tri giác) và hướng phê bình

ấn tượng gắn với tên tuổi của nhà phê bình ấn tượng Symons (đã trộn lẫn cảm xúc và tri giác trong phê bình), Eliot đi đến đưa ra quan điểm của ông về phê bình và nhà phê bình. Theo Eliot, một bộ óc phê bình thích đáng của một nhà phê bình hoàn hảo, không có khiếm khuyết phải là một bộ óc “thông minh xuất chúng và bao quát”, nghĩa là khi xem xét bất cứ đối tượng khách thể nào thì phải quan sát một cách đơn độc và kiên định vào đối tượng, hoàn toàn vận dụng trí thông minh, khả năng hiểu biết, tri giác của mình mà không có sự

tham gia, can thiệp vào của mối quan tâm, sở thích cá nhân hoặc mong muốn thỏa mãn một xung lực cá nhân, riêng tư của người xem xét. Trí thông minh như thế được Eliot gọi là trí thông minh vô tư, không vụ lợi và mang tính tự

do. Như vậy, không chỉ thơ ca không thể hiện cảm xúc cá nhân của nhà nghệ

sĩ mà cảm xúc cá nhân, riêng tư của nhà phê bình cũng không được thể hiện trong phê bình. Chính ởđây, Eliot kêu gọi các nhà phê bình phải khách quan, công bằng trong khi đánh giá tác phẩm. Phê bình phải đạt được yêu cầu khách quan, nó không phải là địa hạt để thể hiện cảm xúc riêng tư, cá nhân của nhà phê bình. Eliot viết: “nhà phê bình văn học nên không có những cảm xúc ngoại trừ những cảm xúc được gây ra một cách trực tiếp, tức thì bởi một tác phẩm nghệ thuật và những cái này thì, khi có giá trị, có lẽ không được gọi là những cảm xúc chút nào hết”. Eliot chỉ ra sự phân biệt thơ ca với trạng thái cảm xúc được gợi lên trong chính bản thân người đọc bởi thơ ca, một trạng thái mà có thể chỉđơn thuần là một sự đam mê, ham thích của những xúc cảm của chính bản thân người đọc. Eliot cho rằng người đọc không hiểu biết thì hoàn toàn không có khả năng để phân biệt thơ ca với trạng thái cảm xúc được gợi lên trong chính bản thân anh ta bởi thơ ca. Trong khi đó, Eliot yêu cầu nhà

phê bình hoàn hảo phải phân biệt được sự khác biệt này và hoàn toàn loại bỏ

cảm xúc riêng tư cá nhân của anh ta với tư cách là nhà phê bình. Bởi vì, Eliot viết: “thơ ca có thể là một sự kích thích tình cờ, ngẫu nhiên. Mục đích của sự

thích thú thơ ca là một sự trầm tư suy tính thuần túy, hoàn toàn mà từ đó tất cả những sự tình cờ, ngẫu nhiên của sự xúc cảm của cá nhân bị loại trừ ra”. Chính sự phân biệt giữa thơ ca và trạng thái cảm xúc được gợi lên bởi thơ ca, sự loại trừ hoàn toàn cảm xúc riêng tư, cá nhân của nhà phê bình khi đánh giá tác phẩm, theo Eliot, sẽ giúp phê bình đạt được mục đích xem xét đối tượng bài thơ như nó thật sự là.

Quan niệm của Eliot về sự phân biệt giữa thơ ca và trạng thái cảm xúc

được gợi lên bởi thơ ca, sự loại trừ hoàn toàn cảm xúc riêng tư, cá nhân của nhà phê bình khi đánh giá tác phẩm, yêu cầu tính khách quan, công bằng trong phê bình, xem xét bài thơ như nó thật sự là, đã đặt cơ sở nền tảng vững chắc cho Phê bình mới. Quan niệm trên của Eliot về sau được tiếp thu và kế

thừa trong bài báo “The Affective Fallacy” của hai nhà phê bình mới người Mỹ William Kurtz Wimsatt và Monroe C. Bearsley trong tác phẩm “The Verbal Icon” (“Biểu tượng bằng lời nói”). Thông qua bài báo này, hai tác giả

này cũng cho rằng bài thơ khác với tác động, hiệu quả của nó lên người đọc; cái mà nó là (what it is) thì khác với cái mà nó làm (what it does). Từ lập luận

đó, họ yêu cầu phân tích bài thơ hoàn toàn khép kín trong cấu trúc nội tại của chính bản thân nó, thoát ly hoàn toàn với tác giả và người đọc.

Nói tóm lại, những quan niệm của Thomas Stearn Eliot về truyền thống, tiêu chí đểđánh giá giá trị của nhà nghệ sĩ cùng tác phẩm của anh ta, lí thuyết nghệ thuật vô ngã, ý niệm về sự tương quan đối tượng, phản đối thuyết biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn, yêu cầu đối với phê bình và nhà phê bình khi xem xét tác phẩm, ý niệm về nhà phê bình hoàn hảo, sự phân biệt giữa tác phẩm văn học với những hiệu quả, tác động của nó lên người đọc…đã đặt nền

tảng cho lí thuyết Phê bình mới trong lí luận văn học Anh. Nhưng, mặc dù những đóng góp nền tảng của Eliot cho Phê bình mới, những ý niệm và lí thuyết của ông chưa thể trở thành một hệ thống. Đúng như giáo sư danh dự

khoa Anh ngữ, đại học Kansas, Mỹ, R. John Willingham nói: “nhưng ngay cả

Eliot cũng không sản sinh ra một lí thuyết mang tính hệ thống nào, không có một hệ “thực tiễn” nào để đọc và phê bình một cách chặt chẽ” (Trường phái Phê bình mới: xưa và nay).

Một phần của tài liệu khuynh hướng phê bình mới trong lý luận phê bình văn học anh (Trang 35 - 42)