Các giao thức áp dụng cho việc truyền tin dạng End-to-End có độ tin cậy như TCP làm việc tốt với mạng có dây nhưng với mạng hỗn hợp có dây và không dây thì giao thức TCP đã bộc lộ nhiều nhược điểm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất của nó. Một trong những nhược điểm đó là cơ chế truyền lại gói tin và khôi phục lỗi mất gói tin. Với mạng hỗn hợp đường truyền trở nên không đồng nhất dẫn đến việc quản lý các tác vụ khi truyền tin End-to-End (từ phía có dây sang không dây hoặc ngược lại) trở nên khó khăn hơn (so với mạng có dây). Các vấn đề về cái tiến giao thức TCP nhằm nâng cao hiệu quả truyền tin trong các mạng hỗn hợp đã được nghiên cứu trong những năm gần đây và nhiều sửa đổi khác nhau đối với TCP đã được đề xuất đồng thời các ứng dụng đa phương tiện, các giao thức không tin cậy như UDP, RTP cũng đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, các giao thức này làm việc tốt như thế nào trong môi trường mạng hỗn hợp vẫn là một vấn đề quan trọng cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Một vấn đề khác là đặc tính không đối xứng băng thông của đường truyền theo hai hướng [3]. Đó là vấn đề không tương thích về băng thông giữa hai vùng của phần mạng có dây và không dây. Băng thông khả dụng theo hướng từ máy chủ trên mạng cố định đến đầu cuối di động thường lớn hơn băng thông theo chiều ngược lại. Kết quả là gây ra trễ không đối xứng giữa các hướng ngược nhau (đi và về).
Đối với mạng LAN có phần mở rộng không dây, tuy giao thức TCP vẫn có thể phát huy hiệu quả điều khiển mạng nhưng giao thức này đã bộc lộ 3 nhược điểm chính như sau:
Thứ nhất: Trong 1 luồng TCP vẫn có sự tranh giành đường truyền giữa các gói tin dữ liệu và ACK có thể “hủy hoại” tổng thể toàn bộ đường truyền.
Thứ hai: Khi trạm gửi phát hiện có mất gói tin, TCP sẽ phản ứng với sự kiện này bằng cách lập tức điều khiển trạm gửi khởi động chế độ phòng tránh tắc nghẽn mà không phân biệt được nguyên nhân gây lỗi gói tin đó là do tắc nghẽn hay bị lỗi do nhiễu hay khi chuyển vùng trên đường truyền không dây. TCP sẽ phản ứng sai lầm bằng cách thực hiện thuật toán Slow-start - giảm kích thước cửa sổ truyền xuống mức thấp nhất (bằng 1) sau đó tăng từ từ kích thước cửa sổ để dò tìm băng thông của đường truyền. Do mạng hỗn hợp gồm đường
truyền có dây và không dây nên nhìn chung chất lượng đường truyền trên 2 chặng này là khác nhau; TCP sẽ mất nhiều thời gian để đạt thông lượng cực đại của đường truyền (từ trạm nguồn đến trạm đích) điều này sẽ gây nên sự lãng phí đường truyền và tăng độ trễ của gói tin. Ngoài ra, ngay cả khi mạng hoạt động tốt (không có tắc nghẽn và mất gói tin) thì vẫn có những khoảng thời gian lãng phí do thời gian chờ bản tin ACK của trạm đích gửi trạm nguồn; lẽ ra phải tận dụng thời gian chờ đợi này để thể tham gia những giao tác khác.
Thứ ba: Trong chuẩn IEEE 802.11 có chế độ tiết kiệm năng lượng - PSM. Chế độ PSM có thể làm giảm hiệu quả điều khiển lưu lượng của giao thức TCP. Khi PSM của một trạm đã được kích hoạt, nếu AP cần trao đổi dữ liệu đến trạm đó thì phải chờ đến beacon tiếp theo, điều này sẽ làm tăng thời gian trễ.
Như vậy, giao thức TCP/IP chỉ tốt với mạng có đường truyền có dây (không có lỗi bit); trong khi trên thực tế mạng hỗn hợp có dây và không dây ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì những lý do đó mà nhiều nhóm giải pháp cải tiến giao thức TCP/IP nhằm giải quyết vấn đề điều khiển lưu lượng và phòng chống tắc nghẽn đã được đề xuất. Các cải tiến TCP trước hết nhằm làm cho TCP phản ứng đúng với sự mất gói tin sau đó là nâng cao hiệu suất của mạng thông qua các độ đo hướng đến hệ thống như băng thông, thông lượng, độ trễ,…