6. Cơ cấu báo cáo
2.3. KẾT LUẬN PHẦN II
Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt của TP đã được xã hội hóa tương đối mạnh, phần lớn rác thải sinh hoạt do lực lượng ngoài công lập thực hiện bằng nguồn kinh phí do các chủ nguồn thải chi trả. Tuy nhiên còn một số hạn chế sau:
1. Các hình thức tổ chức thu gom rác sinh hoạt hiện còn nhiều bất cập, cụ thể:
- Công ty công ích là đơn vị chuyên ngành, có năng lực về tài chính và tổ chức hoạt động tương đối mạnh, chất lượng thu gom rác tương đối đảm bảo, người lao động được hưởng các chế độ chính sách theo luật định. Tuy nhiên, mức độ tham gia thu gom rác thải sinh hoạt còn rất hạn chế, hơn nữa sẽ phải thực hiện sắp xếp lại theo hướng cổ phần hóa trong thời gian tới, khả năng tham gia thu gom rác của một số đơn vị có thể sẽ bị thu hẹp;
- Số lượng Hợp tác xã thu gom rác đã hình thành còn rất ít, qui mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính và quản lý điều hành yếu, chất lượng dịch vụ chưa được bảo đảm, khả năng tiếp cận để đổi mới công nghệ và thực hiện chế độ chính sách cho người lao động rất hạn chế;
- Nghiệp đoàn Rác dân lập là tổ chức xã hội, không có chức năng quản lý điều hành hoạt động thu gom rác, phạm vi hoạt động đang bị thu hẹp dần;
- Lực lượng lao động thu gom rác hoạt động tự do còn quá lớn, đảm nhiệm thu gom rác khoảng 60% hộ dân. Trong đó đã hình thành nên một số chủ đường rác có thuê mướn lao động, có qui mô hoạt động tương đối lớn nhưng tổ chức hoạt động còn tùy tiện, chưa có đầu mối quản lý tập trung, khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ và phối hợp thực hiện trong qui trình chung. 2. Nguồn thu cho công tác thu gom rác thải sinh hoạt chưa được tính đúng tính đủ và chưa có các qui định thống nhất về mức thu và quản lý nguồn thu, việc thu phí
thu gom rác còn rất tùy tiện. Hầu hết người lao động thu gom rác có mức thu nhập còn rất thấp, đặc biệt tỷ trọng nguồn thu từ phế liệu trong thu nhập của người thu gom rác khá lớn là một vấn đề cần được lưu ý khi thực hiện phân loại rác tại nguồn. 3. Hoạt động thu gom rác là hoạt động có tính chất độc hại và đôi khi còn ảnh hưởng đến tính mạng nhưng phần lớn người lao động ở các tổ chức Hợp tác xã, Nghiệp đoàn và lao động tự do không được hưởng các chế độ chính sách, đặc biệt là các chế độ cần thiết như bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.
4. Phần lớn phương tiện thu gom rác không đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị và thuộc loại phương tiện phải thay thế theo qui định của Nghị quyết 38/CP của Chính phủ. Chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và các qui định về mẫu mã phù hợp.
5. Mặc dù đã có các văn bản của Trung ương và Thành phố qui định về vấn đề vệ sinh môi trường và xử lý các vi phạm nhưng công tác kiểm tra giám sát và xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, đặc biệt là các vi phạm của người dân và lực lượng thu gom rác chưa được quan tâm đúng mực. Việc quản lý lực lượng thu gom rác còn mang nặng biện pháp hành chính, chưa chú ý đến quyền lợi của người lao động nên kết quả mang lại còn rất hạn chế.
6. Trên địa bàn TP trong thời gian qua đã thí điểm một số biện pháp tổ chức quản lý rác dân lập như: UBND trực tiếp quản lý lực lượng Rác dân lập có sự phối hợp của Công ty công ích, tổ dân phố hoặc sự hỗ trợ của một số dự án (dự án 415, ENDA, ECDDA) và đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm để có biện pháp duy trì và mở rộng phạm vi áp dụng nên hiệu quả còn bị hạn chế .
PHẦN III
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ HÌNH THỨC TỔ CHỨC
THU GOM RÁC SINH HOẠT, CƠ CHẾ QUẢN LÝ
VÀ CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN TP.HCM
3.1. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC YÊU CẦU ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HCM