Kỹ năng, kinh nghiệm quản trị của nhân lực lãnh đạo được khẳng định dựa trên trải nghiệm và thực tiễn đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp đa dạng, đa năng trên nhiều lĩnh vực:
Ban lãnh đạo có tâm huyết, bản lĩnh, chủ động và nhạy bén trong chỉ đạo hoạt động kinh doanh. Hầu hết các thành viên ban lãnh đạo BIDV đã nắm giữ các vị trí chủ chốt từ cấp cơ sở đến cấp ngành, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn ngành tài chính – ngân hàng, hiểu rõ đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng, miền, địa phương trong cả nước, có kinh nghiệm chỉ đạo điều hành hoạt động theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, hầu hết các vị trí trong Ban lãnh đạo đều đã qua đào tạo nâng cao về trình độ chính trị và kiến thức quản trị kinh doanh theo thông lệ (MBA) tại các trường Đại học uy tín trong và ngoài nước, đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thực tế trong những năm qua, Ban lãnh đạo BIDV đã tập trung chỉ đạo hệ thống thực hiện thành công quá trình cơ cấu lại ngân hàng theo chỉ đạo của Chính
phủ và Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch phát triển thể chế theo cam kết với Ngân hàng Thế giới. Tích cực chủ động triển khai các dự án hợp tác quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện có hiệu quả các dự án Tài chính Nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tăng cường uy tín của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, đóng góp thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây thông qua việc triển khai các dự án Hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng thế giới tài trợ (TA1,TA2) đổi mới quản trị NHTM hiện đại, đến nay về cơ bản BIDV đã chủ động hoàn thành cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ và quan hệ phối hợp của HĐQT, Ban điều hành.
Với bề dày hơn 50 năm hoạt động của một NHTMNN hàng đầu, một mặt là vốn kinh nghiệm quý báu cho tương lai phát triển của BIDV, nhưng mặt khác những tồn tại của thể chế nhà nước quan liêu bao cấp cũng tạo ra sức ỳ không nhỏ.
BIDV đang gặp khó khăn trong quản lý rủi ro vì chỉ mới thành lập Ban Quản lý rủi ro và chưa thành lập Ban Quản trị tài sản nợ và tài sản có nên trước mắt nghiệp vụ quản lý rủi ro vẫn còn nhiều tồn tại chủ yếu ở hai mảng quản trị rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tác nghiệp.
Đối với quản trị rủi ro tín dụng, mặc dù hiện nay BIDV đã triển khai nhiều quy trình, quy chế về quản trị rui ro tín dụng như Sổ tay tín dụng, quy chế cho vay tiêu dùng, cho vay các thành phần kinh tế khác nhưng hiện nay BIDV chưa có một khuôn khổ chung cho quản lý rủi ro tín dụng. Mặt khác, nhân sự chuyên sâu về quản trị rủi ro tín dụng, hệ thống thông tin khách hàng, ứng dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào trong việc lượng hóa các chỉ tiêu rủi ro cũng là thách thức lớn đối với BIDV. Do đó BIDV hiểu được tầm quan trọng và đang nỗ lực thực hiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao sự nhận biết rủi ro tín dụng toàn hệ thồng.
Đối với việc quản lý rủi ro thị trường và tác nghiệp, BIDV chưa có mô hình quản lý rủi ro được áp dụng để xác định mức độ rủi ro và mức độ rủi ro có thể chấp nhận được đối với ngân hàng, chưa có kế hoạch chính thức về dự phòng rủi ro thanh khoản cũng như đánh giá rủi ro trong phạm vi toàn ngân hàng hoặc ở cấp các đơn vị kinh doanh.
Do vậy, việc quản lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng bào gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý còn thiếu tính đồng bộ, chặt chẽ chưa tuân thủ đúng chuẩn mực quốc tế về quản lý rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của BIDV. Hạn chế này cũng là hạn chế phổ biến tại các ngân hàng thương mại. Đây vừa là khó khăn vừa là điểm yếu mà BIDV cần khắc phục trong tương lai để đảm bảo hoạt động của BIDV được an toàn và nâng cao khả năng sinh lời.