Khả năng cạnh tranh trên phương diện quốc gia của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tài liệu Đề tài "Xây dựng một số biện pháp phi thuế bảo hộ sản xuất của Việt Nam" doc (Trang 45 - 47)

2. Đánh giá khả năng cạnh tranh của Việt Nam thời kỳ 1996-2000.

2.1. Khả năng cạnh tranh trên phương diện quốc gia của Việt Nam.

Khả năng cạnh tranh quốc gia có thể được hiểu là việc xây dựng một môi trường kinh tế chung, đảm bảo phân bố các nguồn lực, đạt và duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững. Môi trường cạnh tranh kinh tế chung có ý nghĩa rất lớn đối với việc thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh, lựa chọn của các

nhà kinh doanh theo tín hiệu của thị trường được thông tin đầy đủ. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng ngày càng hiệu quả hơn với tốc độ tăng trưởng nhanh, phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của các doanh nghiệp/ngành.

Cho đến nay Việt Nam vẫn được đánh giá có khả năng cạnh tranh quốc gia thấp. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xét theo tính cạnh tranh tầm quốc gia thì:

- Năm 1997 Việt Nam đứng thứ 49 trong 53 nước được phân hạng.

- Năm 1998 Việt Nam đứng thứ 39 trong 53 nước được phân hạng

(Chỉ số khả năng cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên chủ yếu do sự giảm sút kinh tế của nhiều nước do bị khủng hoảng, chưa phải là do kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam mang lại.)

- Năm 1999 Việt Nam đứng thứ 48 trong 59 nước được phân hạng. Tuy nhiên, cũng cần thấy Việt Nam đã có những bước đi tích cực để nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn quốc gia, và trên thực tế khả năng cạnh tranh của Việt Nam đã ít nhiều được cải thiện. Những bước đi đó phần nào được thể hiện bằng việc cải thiện đáng kể chế độ quản lý thương mại trong thời kỳ 1996-2000 theo hướng nới lỏng bớt quản lý của nhà nước, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Cụ thể như sau:

- So với thời kỳ trước 1996, biểu thuế nhập khẩu đã được hoàn thiện dần với việc áp dụng hệ thống mã HS, cấu trúc biểu thuế đã được đơn giản hóa rất nhiều và khá ổn định, thể hiện bằng việc giảm số mức thuế. Thuế suất của rất nhiều mặt hàng đã được cắt giảm phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập. Thực tế hiện nay cho thấy hầu hết các sản phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu đều có mức thuế nhập khẩu danh nghĩa thấp hoặc không bị đánh thuế.

+ Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép hoặc hạn ngạch đã được thu hẹp dần. Chế độ phân bổ hạn ngạch và cấp phép đã được cải tiến theo nguyên tắc phân bổ phù hợp với khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển;

+ Từ chỗ chỉ một số ít các doanh nghiệp được phép kinh doanh xuất - nhập khẩu, đến nay tất cả các doanh nghiệp đã được phép, trừ một số mặt hàng chiến lược phải thông qua đầu mối như xăng dầu, phân bón, gạo, xi-măng;

+ Nhiều biện pháp quản lý mới có tính khách quan hơn và ít cản trở thương mại đã được đưa vào sử dụng, chẳng hạn các biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, kiểm dịch động thực vật, các thủ tục hải quan phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế;

+ Các thủ tục quản lý hành chính đã dần dần được hoàn chỉnh và đơn giản hóa hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động kinh doanh được thuận lợi.

Các yếu tố về khả năng cạnh tranh quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp/ngành, đến thu hút đầu tư nước ngoài trong điều kiện cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia và duy trì khả năng đó là yêu cầu quan trọng đối với mỗi nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Tài liệu Đề tài "Xây dựng một số biện pháp phi thuế bảo hộ sản xuất của Việt Nam" doc (Trang 45 - 47)