IV. THANH TRA
1. Mục đích tự đánh giá
Tự đánh giá trường học là kiểu đánh giá nội bộ của trường mà ở đó người quản lý nhà trường, các bộ phận trong trường (tức là hiệu trưởng, cán bộ và giáo viên) tiến hành đánh giá về chính tổ chức của mình.
Thông qua việc đánh giá tất cả các lĩnh vực lớn, nhà trường xác định được những vấn đề hoặc những bất cập cần phải cải tiến để đảm bảo chất lượng hoạt động. Các chỉ số được sử dụng trong quá trình tự đánh giá nhằm đo lường mức độ thành công. Tiến hành tự đánh giá là đi tìm lời giải cho các câu hỏi:
- Học sinh đạt được tiến bộ ở mức độ nào? - Công tác quản lý nhà trường ra sao?
- Các hoạt động nhà trường đạt được hiệu quả như thế nào?
Hoạt động tự đánh giá đồng nghĩa với việc tự báo cáo của nhà trường trong đó người đánh giá vừa đảm nhận vai trò của người làm công tác đánh giá/người quan sát vừa là đối tượng được đánh giá hay quan sát. Báo cáo tự đánh giá phải đáp ứng hai yêu cầu:
(i) cung cấp cho các chuyên gia, cán bộ đánh giá ngoài thông tin về những hoạt động của nhà trường để họ chuẩn bị cho việc đánh giá ngoài và lập bản báo cáo đánh giá cuối cùng; và
(ii) tạo điều kiện cho nhà trường có cơ hội chuẩn bị báo cáo trình bày một khung làm việc đầy đủ để phân tích các chủ đề phù hợp, đồng thời hình
thành cơ sở cho những cải tiến về chất lượng hoạt động của trường sau này.
Như vậy, việc tự đánh giá nhằm chỉ ra một định hướng về trách nhiệm giải trình và tự nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không phải chỉ để đối phó.
Tự đánh giá trường học bao gồm cả khả năng rút ngắn khoảng cách giữa đánh giá và nâng cao hiệu quả hoạt động của trường học, đặc biệt là khi giải quyết vấn đề này như một kinh nghiệm chung giữa những người tiến hành bên ngoài và bên trong nội bộ như các nhà quản lý, các lãnh đạo của trường và các nhà nghiên cứu bên ngoài. Điều này được xem như một đòn bẩy quan trọng để đổi mới và tạo ra các thay đổi trong giáo dục, nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động.
Tự đánh giá trường học là hoạt động đánh giá toàn trường hoặc các đơn vị trong trường nhằm:
Nâng cao chuẩn giáo dục cho tất cả mọi người học trong trường học. Công tác tự đánh giá có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của người học trong nhiều hoàn cảnh học tập. Việc này làm tăng khát vọng, động lực, và thành tích của người học với năng lực và sở thích khác nhau.
Xây dựng môi trường dạy và học hiệu quả. Công tác tự đánh giá làm cho các hoạt động và phương pháp học tập đáp ứng được nhu cầu cá nhân người học và nhấn mạnh các giai đoạn học tập tiếp theo. Người học được khuyến khích học tập tốt và say mê môi trường học tập của mình.
Tăng cường sự bình đẳng và giúp người học hưởng lợi từ giáo dục. Công tác tự đánh giá có thể mang lợi ích đến cho người học có năng lực và nguyện vọng khác nhau. Các chương trình thành công đào tạo được những người học có hiểu biết tốt hơn, có thái độ tích cực hơn, có kỹ năng tốt hơn cho cuộc sống bên ngoài nhà trường. Các chương trình cũng đáp ứng được nhu cầu của cả những người học có thành tích cao và những người cần được hỗ trợ thêm do có khó khăn trong học tập hoặc có thái độ thách thức, hay những người có nguy cơ phải thôi học.
Phối hợp với người khác để dạy người học tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Công tác tự đánh giá liên quan nhiều đến quyền công dân. Các mối liên kết kéo theo các quan hệ đối tác chặt chẽ giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Cả hai đều đòi hỏi sự tham gia tích cực của thanh, thiếu niên trong những quyết định có ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Cả hai đều nhằm mục tiêu phát triển thái độ tích cực ‘có thể làm được’ trong khuôn khổ tôn trọng và có trách nhiệm với nhau.
Trang bị cho người học các kỹ năng, thái độ và các mong đợi cần thiết để thành đạt trong một xã hội có nhiều thay đổi. Công tác tự đánh giá giúp phát triển thái độ, kỹ năng, kiến thức và hiểu biết được xã hội coi trọng. Việc tự đánh giá khuyến khích thái độ tích cực đối với giá trị của việc học tập suốt đời bằng cách lồng sự phát triển các kỹ năng chính và chung khác vào hoàn cảnh thực tế của đời sống thực. Ngoài ra, chúng mở rộng tầm hiểu biết của người học bằng cách nâng cao nhận thức về các cơ hội tiềm năng về việc làm hoặc tiếp tục học tập lên cao.