Bước sang năm 2011, nước ta có những thuận lợi cơ bản: Nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thành công tốt đẹp, tạo sức mạnh và niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tốc độ tăng trường GDP quý I/2011 đạt 5,43% so với quý I năm trước.
Tuy nhiên các khó khăn thách thức vẫn còn nhiều. Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay và trong thời gian tới chính là lạm phát. Với việc giá xăng chính thức được điều chỉnh tới 2 lần và giá bán điện cũng tăng từ ngày 1/3/2011 khiến cho tình hình lạm phát tăng rất cao.Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 là 2,17% so với tháng trước làm cho CPI của 3 tháng đầu năm đã lên đến 6,12% (so với tháng 12-2011). CPI quý I so với cùng kỳ năm trước đã tăng 12,79%. Nếu muốn đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là CPI cả năm không quá 7% thì mức tăng CPI của cả 3 quý còn lại chỉ còn 0,82%. Để có thể kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế vĩ mô, chính phủ đã ban hành nghị quyết số 11/NQ-CP, theo đó, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát.
Cụ thể, theo chỉ thị 01/CT-NHNN được thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu công bố ngày 1/3/2011 thì trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thắt chặt tín dụng, giảm dư nợ và tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22%, và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp tổ chức tín dụng chưa
thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Đến 30/6/2011, nếu tốc độ tăng tín dụng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng.
Như vậy để thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ bị hạn chế, đặc biệt với nhu cầu tín dụng phi sản xuât. Tuy nhiên, tín dụng dành cho sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể lại không bị hạn chế. Đây có thể là một mảng tín dụng tiềm năng cho ngân hàng khi nhu cầu vay vốn của tiểu thương, hộ nông dân là cũng khá lớn, trong khi họ chưa thực sự biết nhiều về mảng dịch vụ này của ngân hàng.