Phương thức giải ngân vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo chủ yếu là ủy thác qua các tổ chức Chính trị- Xã hội vì vậy nếu không thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên sẽ dẫn tới việc vốn vay bị sử dụng sai mục đích, thậm chí bị bòn rút bất hợp pháp. Do đặc điểm của vốn tín dụng ưu đãi với hộ nghèo, đối tượng vay vốn tập chung rải rác ở vùng sâu, vùng xa là chủ yếu, mục đích sử dụng vốn đa dạng nên công tác kiểm tra, giám sát rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên việc làm này là rất cần thiết, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn sẽ góp phần nhắc nhở hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời góp phần tìm ra những bất hợp lý của chính sách tín dụng ưu đãi để sửa đổi cho phù hợp.
Công tác kiểm tra, kiểm soát phải được coi trọng, vì ngành mới thành lập, cán bộ phần đa là mới, trước chưa tiếp xúc nhiều với công việc nghiệp vụ chuyên môn ngày càng nhiều cho nên cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát từng chuyên đề theo kế hoạch kiểm tra điểm hoặc đột xuất để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thủ tục cho vay, nhắc nhở người vay trả nợ, lãi đúng hạn, đầy đủ, phát hiện và thông báo cho ngân hàng những trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, bị rủi ro. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của tổ chức hội trong việc kiểm tra vốn vay, đảm bảo việc kiểm tra phải kịp thời và có chất lượng.