6. Kết cấu của khoá luận
2.2.5. Tư tưởng biện chứng của Hêraclít trong học thuyết về dòng chảy phổ biến (vận
chảy phổ biến (vận động phổ biến)
Cùng với những tư tưởng của mình về vũ trụ, tính thống nhất của vũ trụ, sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, sự thống nhất giữa Logos chủ quan và Logos khách quan… Học thuyết về dòng chảy phổ biến đã làm cho tên tuổi của Hêraclít còn lưu mãi đến sau này. Học thuyết về dòng chảy của Hêraclít được mọi người biết đến qua câu nói hết sức nổi tiếng của ông: “không thể lội xuống một con sông hai lần”. Xung quanh vấn đề về học thuyết dòng chảy phổ biến của Hêraclít đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.
Trong lịch sử triết học hai nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ đại là Platôn và Arixtốt đã chống lại và phê phán Hêraclít và trường phái Hêraclít với học thuyết dòng chảy phổ biến theo tinh thần của chủ nghĩa hoài nghi (mọi thứ đều trôi qua). Và trong số các nhà triết học có tên tuổi họ nghi ngờ đoạn trích thứ 91 của Hêraclít, mà đoạn trích “không thể lội xuống một con sông hai lần” là không phải của Hêraclít mà là của Pheđarkhơ. Látxan cũng đã từng đánh giá triết học của Hêraclít là thứ triết học “bí ẩn ở Êphexơ”. Tuy nhiên cho đến ngày nay người ta vẫn khẳng định những giá trị tích cực trong tư tưởng của ông về dòng chảy phổ biến, khẳng định những tư tưởng biện chứng sâu sắc của ông.
Trước Hêraclít câu nói cửa miệng “mọi thứ đều trôi qua” đã trở thành rất phổ biến ở thời cổ đại mà không phải là của Hêraclít. Các nhà triết học tự nhiên trường phái Milê đã nói nhiều đến vận động và biến đổi cho nên học
thuyết về dòng chảy phổ biến của Hêraclít được coi là một điều hiển nhiên. Dường như tất cả các nhà triết học trước và sau Hêraclít, tất cả mọi người đều đã nói về vận động và biến đổi. Hêraclít cũng đã cố gắng kiên quyết nhấn mạnh sự khác biệt giữa học thuyết của mình với học thuyết đa số các tác giả. Trên quan điểm đấu tranh là phổ biến, đấu tranh là quy luật, đấu tranh của các mặt đối lập sẽ tạo ra một trật tự mới, hài hoà mới, trật tự hài hoà mới khi được thiết lập lại bao gồm các mặt đối lập mới đấu tranh với nhau… và cứ như thế đấu tranh là vĩnh cửu. Ông đi đến khẳng định sự vật, hiện tượng luôn luôn biến đổi và biến đổi không ngừng. Quan điểm này của ông được thể hiện bằng một mệnh đề nổi tiếng: “không thể lội xuống cùng một dòng sông hai lần”. Nhưng chính mệnh đề này của Hêraclít đã gây ra nhiều tranh cãi đối với toàn bộ học thuyết về dòng chảy phổ biến của ông.
Nếu học thuyết về dòng chảy phổ biến của ông được nhìn nhận với tư cách là học thuyết về tính biến đổi tuyệt đối thì có thể thấy rằng mọi thứ đều trôi đi, chảy đi không ngừng nghỉ, không có gì là ổn định tương đối. Và như vậy nếu không có gì là xác định, không có gì là bất biến thì chúng ta không thể nói bất cứ điều gì cả và ngay cả sự biến đổi của một sự vật nào đó chúng ta cũng không thể nói tới. Vấn đề này đã được Platôn - một nhà triết học lớn Hy Lạp cổ đại lưu ý.
Tư tưởng vận động là phổ biến, mọi sự vật điều biến đổi không ngừng nghỉ của Hêraclít đã được người học trò của ông là Kratil phát triển theo hướng tuyệt đối hoá sự vận động, sự biến đổi của sự vật. Kratil chỉ nhìn thấy và nhấn mạnh tuyệt đối một mặt là vận động và biến đổi. Chính vì vậy Kratil đã nói rằng: “Không cần phải nói không lội xuống một con sông hai lần” mà phải nói “không thể lội xuống con sông thậm chí là một lần”, tức là “ chúng ta không thể lội xuống được cùng một con sông”.
Tuy nhiên, ở Hêraclít thì vận động và đứng im về một sự thống nhất của các mặt đối lập, giống như đấu tranh và hài hoà. Chúng không thể tồn tại thiếu nhau, chúng tồn tại thông qua nhau. Từ quan điểm này của Hêraclít có thể khẳng định một điều rằng chúng ta không nên có cách nhìn phiến diện về học thuyết dòng chảy phổ biến của ông, không nên chỉ biết nhấn mạnh một mặt, tuyệt đối hoá vận động, biến đổi của sự vật theo tinh thần của Kratil. Điều đó là trái ngược với quan điểm của Hêraclít. Lại nói về luận điểm của Hêraclít: “không thể lội xuống một con sông hai lần”, suy ra rằng dòng sông phải chính là dòng sông do vậy mà chúng ta mới lội xuống nó và đồng thời dòng sông cũng không phải là nó nên chúng ta không lội xuống nó. Đương nhiên là dòng sông luôn chảy, chảy là bản chất của tất cả những con sông, song điều đó không có nghĩa là trong nó không có gì là ổn định, là bất biến, là xác định. Chính trong sự vận động biến đổi liên tục ấy lại biểu hiện tính ổn định, bất biến của dòng sông đó là chảy. Nhờ chảy mới là sông, cái biến đổi biểu hiện cái xác định và vì vậy nên sông mới chảy, cái xác định biểu hiện cái biến đổi. Đó chính là mối quan hệ giữa vận động và đứng im mà Hêraclít muốn nói tới. Ở đây Hêraclít cũng đã từng khẳng định rõ ràng: “Chúng ta lội xuống và không lội xuống cùng một con sông” [17, 135]. Tinh thần của Hêraclít cần phải được hiểu rõ ràng như vậy.
Nói về vận động và biến đổi của các sự vật Hêraclít cho rằng không những dòng sông mà cả mặt trời cũng thường xuyên và liên tục đổi mới. Nhưng mặt khác ông lại khẳng định không có gì ổn định và bất biến hơn là dòng sông luôn chảy và mặt trời luôn chiếu sáng. Nói cách khác sự biến đổi không loại trừ sự đứng im, sự đứng im và tính xác định không loại trừ vận động, và Hêraclít còn nói rõ hơn “khi biến đổi, nó đứng im (nghỉ ngơi) và khi đứng im (nghỉ ngơi) nó biến đổi). Từ điều trình bày trên chúng ta cũng có quyền khẳng định chính Hêraclít là người đã nói về hài hoà trong đấu tranh,
thống nhất trong phân đôi, bất biến trong biến đổi, đồng nhất trong khác biệt, vĩnh cửu trong nhất thời, hiện hữu trong sinh thành.
Từ hình ảnh dòng sông Hêraclít đã so sánh với cuộc sống của con người: “Chúng ta lội xuống và không lội xuống cùng một con sông, chúng ta tồn tại và không tồn tại” [17, 136]. Nói cách khác nếu trong ta mọi thứ đều biến đổi và không có gì là ổn định, bất biến, nếu mỗi lần chúng ta lại là khác thì liệu có thể nói tới sự tồn tại hiện thực nào là của chúng ta chăng? Cũng như vậy Hêraclít lý luận “cái chết” của chúng ta sinh ra từ đâu nếu sự sống của chúng ta là bất biến, ổn định và không chịu sự biến đổi nào? Mặt trời, Hêraclít khẳng định: “Không những mỗi ngày là mới mà là mới vĩnh cửu và liên tục”. Tuy vậy, chính Hêraclít cũng nói: “Mặt trời không vượt quá độ, nếu không thần chết, trật tự viên của Đike sẽ trừng phạt nó”[17, 136].
Từ sự trình bày trên có thể khẳng định rằng, trong học thuyết về dòng chảy phổ biến Hêraclít đã cho thấy sự thống nhất mâu thuẫn của sự vận động và đứng im, sinh thành và hiện hữu chứ không phải ở việc bảo vệ phiến diện sự vận động nhờ hi sinh sự đứng im, không phải ở việc thừa nhận trắng trợn sự vận động nhờ sự vắng mặt của đứng im, không phải khẳng định rành rọt sự sinh thành và phủ định cái hiện hữu. Học thuyết về dòng chảy phổ biến của Hêraclít với những tư tưởng biện chứng sâu sắc và tiến bộ đã làm nên sự khác biệt giữa tư tưởng của ông với tư tưởng của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Chính vì vậy cần có sự đánh giá đúng đắn đối với học thuyết dòng chảy phổ biến của ông cũng như phải có thái độ khách quan đối với toàn bộ triết học của ông.