1.2.1. Khái niệm kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướngxã hội chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa
Khái niệm kinh tế thị trường
Lịch sử của xã hội loài người trước hết là lịch sử phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, đồng thời cũng là quá trình thay thế lẫn nhau của các phương thức sản xuất. Trong đó, kinh tế thị trường ra đời và tồn tại dựa trên yêu cầu tất yếu của lịch sử. Bất kỳ xã hội nào muốn tồn tại và phát triển cần phải có một tổ chức kinh tế - xã hội, trong lịch sử có hai kiểu tổ chức kinh tế - xã hội, đó là kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa (giai đoạn cao là kinh tế thị trường).
Kinh tế tự nhiên là hình thức kinh tế đầu tiên của xã hội loài người; trong đó, sản phẩm được sản xuất ra nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của người sản xuất trong nội bộ một đơn vị kinh tế nhất định, người sản xuất quyết định về số lượng, chủng loại sản phẩm theo nhu cầu của mình, gắn với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán cổ truyền, trình độ phân công lao động, công cụ lao động, phương thức tổ chức sản xuất còn rất thấp và giản đơn, sản xuất mang tính tự cấp, tự túc, khép kín theo từng vùng, địa phương, lãnh thổ. Nền kinh tế tự nhiên chủ yếu tồn tại trong các xã hội như công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến.
Kinh tế hàng hóa ra đời từ kinh tế tự nhiên, kế tiếp của kinh tế tự nhiên trên cơ sở phát triển của phân công lao động xã hội và sự tách biệt về kinh tế của những người sản xuất. Kinh tế hàng hóa là hình thức kinh tế trong đó con người sản xuất sản phẩm không phải để thỏa mãn nhu cầu trực tiếp của mình, mà nhằm để trao đổi, để bán trên thị trường. Vì vậy, số lượng và chủng loại sản phẩm đều do người mua quyết định, việc phân phối sản phẩm được thực hiện thông qua quan hệ trao đổi (mua - bán) trên thị trường.
Kinh tế hàng hóa ra đời từ rất sớm - vào thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất mà hình thức đầu tiên của nó là kinh tế hàng hóa giản đơn. Đó là kiểu sản xuất do những người nông dân, thợ thủ công tiến hành trên cơ sở tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và sức lao động của chính bản thân người sản xuất, họ trực tiếp trao đổi sản phẩm với nhau trên thị trường. Khi quan hệ hàng hóa - tiền tệ phát triển
mạnh, đặc biệt là trong thời kỳ tan rã của phương thức sản xuất phong kiến và quá độ sang chủ nghĩa tư bản, kinh tế hàng hóa giản đơn phát triển thành kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tư bản chủ nghĩa là hình thức sản xuất hàng hóa cao nhất, phổ biến nhất trong lịch sử dựa trên sự tách rời tư liệu sản xuất với sức lao động. Đặc điểm của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa là dựa trên cơ sở chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trải qua hai giai đoạn: kinh tế thị trường tự do (cổ điển) và kinh tế thị trường hỗn hợp (hiện đại). Như vậy, sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm cho kinh tế hàng hóa giản đơn phát triển thành kinh tế hàng hóa phát triển hay còn gọi là kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đồng nhất kinh tế thị trường với sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Khi nói sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa là muốn nhấn mạnh mặt xã hội của sản xuất, tính chất của nền sản xuất; còn nói kinh tế thị trường là muốn nhấn mạnh mặt tự nhiên của sản xuất dựa trên trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ngày nay, kinh tế hàng hóa đã phát triển và phổ biến trên phạm vi toàn thế giới. Kinh tế thị trường tiếp tục tồn tại và phát triển cả dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường trong xã hội chủ nghĩa khác với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, tiêu chí nói lên sự khác biệt giữa kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa với kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chủ yếu là mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường lớn có quan hệ giữa người lao động làm thuê và người thuê lao động do đó còn tình trạng bất công, còn kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế trong đó phải thực hiện và đảm bảo được công bằng xã hội. Thực tế, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa do chưa thực hiện được mục tiêu công bằng xã hội.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta khẳng định: sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay cho thấy, kinh tế thị trường không phải là đặc trưng riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà ngược lại nó đã từng có ở nhiều chế độ xã hội khác nhau trong lịch sử. Sự ra đời kinh tế tư bản chủ nghĩa chỉ đẩy kinh tế thị trường lên một giai đoạn phát triển cao hơn về chất, về cả quy mô, tính chất và mức độ bao quát của nó. Tiếp tục xu hướng tất yếu đó, nền kinh tế của chủ nghĩa xã hội nói chung và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nói riêng là một sự phát triển mang tính phủ định biện chứng đối với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, từ đấy ra đời nền kinh tế thị trường mới về chất. Nếu trong chế độ tư bản, kinh tế thị trường đặt dưới sự quản lý của nhà nước tư sản độc quyền vì lợi ích của giai cấp tư sản, thì trong chủ nghĩa xã hội nền kinh tế thị trường nằm dưới sự quản lý của nhà nước vô sản nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu giải phóng con người, vì con người.
Như vậy, kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa, trong đó toàn bộ các yếu tố đầu vào và đầu ra của sản xuất đều thông qua thị trường. Kinh tế thị trường chỉ có thể được xác lập và phát triển trên cơ sở đảm bảo những điều kiện sau:
Thứ nhất, phải tồn tại nền kinh tế hàng hóa. Việc đẩy mạnh phân công lao động xã hội và đa dạng hóa các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm được coi là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế thị trường.
Thứ hai, phải dựa trên cơ sở tự do kinh tế, tự do sản xuất, tự do kinh doanh. Đây là điều kiện hết sức cần thiết cho quá trình giải phóng sức lao động và điều hòa lợi ích giữa người mua và người bán, đồng thời giúp cho thị trường tuân theo sự chi phối của các quy luật kinh tế trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Thứ ba, nền kinh tế phải đạt đến một trình độ phát triển nhất định được thể hiện ở sự phát triển các ngành kinh tế thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật cùng với hệ thống tiền tệ, phương tiện để lưu thông hàng hóa.
Trong lịch sử thế giới, kinh tế thị trường xuất hiện như một tất yếu gắn với sự tồn tại của mọi quốc gia, là con đường dẫn đến giàu có, văn minh. Tất nhiên, không phải quốc gia nào chuyển sang kinh tế thị trường cũng đều giàu có cả; điều đó còn tùy thuộc vào nổ lực, bản lĩnh, vai trò và trí tuệ của nhà nước, của thể chế chính trị. Thực tế, nền kinh tế thị trường trên thế giới cho chúng ta thấy, các nước khác nhau có trình độ kinh tế, kết cấu xã hội, phong tục tập quán và truyền thống không giống nhau nên cùng một mô hình kinh tế thị trường nhưng các thể chế kinh tế sẽ khác nhau. Chẳng hạn: ở Mỹ là nền kinh tế thị trường tự do, Cộng hòa liên bang Đức kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường kiểu Thụy Điển, ở Nhật kinh tế thị trường cộng đồng, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam... Như vậy, không có một nền kinh tế thị trường nào là bản sao của nền kinh tế thị trường khác, mỗi nước cần phải tìm ra cho mình một thể chế kinh tế thị trường thích hợp, một cách thức riêng để can thiệp vào thị trường, định hướng nền kinh tế đến mục tiêu mong muốn, trên cơ sở tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa như: Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam... nhưng các nước đó lại lựa chọn cho mình một thể chế kinh tế không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc đang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo quan điểm "Bản chất xã hội chủ nghĩa là giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ phân hóa hai cực, cuối cùng đạt đến sự giàu có" [38, tr. 32], Việt Nam định hướng về mục tiêu xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường là "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" [6, tr. 85,86]... Với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định khuôn khổ vận hành của thị trường một cách có tổ chức, có định hướng nhằm thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Có thể
nói cho đến nay, lý luận kinh tế học vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể hiểu một cách chung nhất đó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa dựa trên những nguyên tắc, quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên sự dẫn dắt chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, là nền kinh tế chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng cũng không còn hoàn toàn là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Điều này cho thấy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về bản chất đó là nền kinh tế hỗn hợp mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa vừa kế thừa những thành tựu của loài người lại vừa gắn liền với đặc điểm và mục tiêu chính trị, là sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Muốn giữ vững định hướng chính trị, nhà nước bằng hệ thống chính sách, công cụ để quản lý, điều hành nền kinh tế, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của thị trường nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.
Tóm lại, kinh tế thị trường được coi là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội, trong đó sản xuất và toàn bộ quá trình tái sản xuất gắn chặt với thị trường, quan hệ kinh tế giữa người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm đều biểu hiện qua thị trường, qua việc mua bán sản phẩm với nhau. Ngày nay, kinh tế hành hóa đã phát triển và phổ biến trên phạm vi toàn thế giới, sản xuất hàng hóa tiếp tục tồn tại, phát triển dưới các chế độ nhà nước khác nhau. Ở nước ta, trong những năm qua, nhờ chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế đã có những thay đổi căn bản và có những bước khởi sắc rõ rệt. Điều đó, khẳng định mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới vừa phù hợp với mục tiêu xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.