Kết hợp các mặt đối lập trong toàn bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Một phần của tài liệu Sự kết hợp các mặt đối lập trong tiến trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 79 - 83)

lên chủ nghĩa xã hội.

2.2.2. Kết hợp các mặt đối lập trong toàn bộ nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa

Sự kết hợp các mặt đối lập trong tiến trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhìn chung, trên toàn bộ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bên cạnh kết hợp các mặt đối lập diễn ra trong nội bộ mỗi thành phần kinh tế thì đồng thời với nó cũng diễn ra sự kết hợp các mặt đối lập thông qua các mối quan hệ liên kết, hợp tác lẫn nhau giữa các thành phần kinh tế. Hiện nay, chúng ta chấp nhận nền kinh tế hàng hoá, cho nên kinh tế thị trường không thể không chấp nhận tồn tại nhiều loại hình sở hữu khác nhau. Việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung dựa trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, dẫn đến việc tất yếu phải đa dạng hoá các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất. Chỉ có đa dạng hoá các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất mới tạo ra cơ sở khách quan để thực hiện tự do kinh doanh, phát huy quyền tự chủ của các doanh nghiệp, đó cũng là đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường. Để thực hiện tốt quá trình đó, cần phải xác định vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần, đồng thời tạo lập mối quan hệ, tác động qua lại bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tiến hành kết hợp các thành phần kinh tế, tập trung hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Theo chúng tôi, tiêu chí cơ bản để phân định các thành phần kinh tế trước hết là ở các hình thức sở hữu cơ bản đang tồn tại trong thực tế hiện nay.

Và theo tiêu chí đó, thì nền kinh tế nước ta có hai thành phần cơ bản đó là thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân còn các thành phần kinh tế còn lại gọi là các thành phần kinh tế hỗn hợp. Ngày nay, trong quá trình phát triển các thành phần kinh tế, mặc dù có sự đối lập nhau về chế độ sở hữu, về lợi ích kinh tế và mục tiêu kinh tế song để có thể tồn tại và phát triển được, các thành phần kinh tế này không thể phát triển một cách đơn độc, mà phải đặt trong mối quan hệ liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với nhau.

Thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay cũng vậy, không thể phát triển một cách đơn độc mà nằm trong mối quan hệ liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác. Sự phát triển của kinh tế tư nhân (kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) trước hết, là ở sự hình thành các quan hệ hợp tác giữa các chủ thể của kinh tế tư nhân, từ đó hình thành và phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, bản thân hoạt động của kinh tế tư nhân không thể tách rời kinh tế nhà nước, vì vậy tất yếu sẽ ra đời và phát triển thành phần kinh tế hỗn hợp - kinh tế tư bản nhà nước. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân không phải đối lập nhau, loại trừ nhau mà luôn liên kết, hợp tác và cạnh tranh với nhau đồng thời có sự ảnh hưởng nhất định lẫn nhau. Trước đây, chính quan niệm không đúng về vai trò, vị trí của kinh tế nhà nước dẫn đến sự yếu kém của nó trong nhiều năm qua, điều đó đã làm cho kinh tế tư nhân cũng khó phát triển và phát sinh nhiều tiêu cực. Những hiện tượng định kiến, cạnh tranh không lành mạnh hoặc kinh tế tư nhân núp bóng kinh tế nhà nước đều là một phần do nguyên nhân ở sự yếu kém của kinh tế nhà nước. Do đó, hiện nay chúng ta đang tiếp tục đổi mới, sắp xếp và củng cố lại khu vực kinh tế nhà nước là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của kinh tế nhà nước đồng thời còn có ý nghĩa và tác dụng đối với thành phần kinh tế tư nhân.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bởi đây là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ để

nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế; giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả và chấp hành pháp luật đối với các thành phần kinh tế khác. Điều đó cũng có nghĩa, kinh tế nhà nước được củng cố vững mạnh sẽ là lực lượng nồng cốt hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thúc đẩy nền kinh tế theo xu hướng kết hợp hai thành phần kinh tế này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX chỉ rõ:

Đảng ta chủ trương phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh đan xen, hỗn hợp nhiều hình thức sở hữu, giữa các thành phần kinh tế với nhau, giữa trong nước và ngoài nước, phát triển hình thức tổ chức kinh tế cổ phần nhằm huy động và sử dụng rộng rãi vốn đầu tư xã hội; nhân rộng mô hình hợp tác liên kết công nghiệp và nông nghiệp; doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hộ nông thôn; phát triển các loại hình trang trại với quy mô phù hợp trên từng địa bàn [6, tr.32].

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương đổi mới, cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước nhằm phát triển các doanh nghiệp, sao cho đáp ứng tốt hơn, hiểu quả hơn yêu cầu của kinh tế thị trường. Một trong những giải pháp đối với doanh nghiệp nhà nước là tiến hành cổ phần hoá, đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực hiện sự liên kết với doanh nghiệp nhà nước nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các hình thức để kinh tế tư nhân liên doanh với khu vực kinh tế nhà nước đó là hình thức liên doanh giữa nhà nước với các tư nhân trong nước hoặc nước ngoài; hình thức các công ty cổ phần mà cổ đông là nhà nước và tư nhân; xây dựng các đặc khu kinh tế, các khu chế xuất; hình thức cho tư nhân trong nước hoặc ngoài nước thuê kinh doanh các cơ sở sản xuất hoặc đất đai thuộc sở hữu nhà nước; xây dựng các hợp tác xã cổ phần của những người sản xuất nhỏ. Chủ trương cổ phần hoá thực hiện giao, bán, cho thuê các doanh nghiệp loại nhỏ mà nhà nước không cần nắm giữ chính là để củng cố và lành mạnh hoá kinh tế nhà nước nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển và hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật.

Như vậy, giữa thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế nhà nước có mối quan hệ biện chứng rất rõ rệt. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, trên mọi phương diện phát triển, giữa chúng luôn có sự kết hợp, tác động qua lại lẫn nhau. Việc củng cố và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả tất yếu sẽ làm cho tỷ trọng kinh tế nhà nước mà nồng cốt là doanh nghiệp nhà nước giảm xuống nhưng chất lượng, vai trò, vị trí của nó lại tăng lên, đủ sức làm công cụ để nhà nước quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Điều đó, đã tác động vào tất cả các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân. Đồng thời, do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước bằng các biện pháp: đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tiến hành cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu tất yếu sẽ làm tăng tỷ trọng của kinh tế tư nhân, sẽ tạo nên một môi trường cạnh tranh và kinh doanh lành mạnh; đi đôi với nó là thực thi cơ chế, chính sách nhất là luật doanh nghiệp sẽ hạn chế bớt các tiêu cực của kinh tế tư nhân, tạo điều kiện và hướng dẫn cho nó đi vào làm ăn theo đúng pháp luật và có hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay ở nước ta, ngoài kinh tế nhà nước có vai trò, vị trí ảnh hưởng nhất định đến kinh tế tư nhân thì các thành phần kinh tế hỗn hợp còn lại cũng có quan hệ gắn bó và gần gủi với thành phần kinh tế này. Bởi trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của kinh tế tư nhân tất yếu dẫn đến nhu cầu hợp tác và ra đời các hình thức hợp tác đa dạng, đa phương mà nồng cốt là các hợp tác xã. Sự lành mạnh của kinh tế hợp tác được thể hiện rõ ở bộ phận kinh tế tập thể đây là lực lượng có vai trò và tác động tích cực với kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, ở đâu kinh tế tập thể mạnh thì kinh tế hộ nông dân cá thể cũng có điều kiện phát triển thuận lợi và đúng phương hướng, chúng không cản trở và loại trừ nhau mà cùng thúc đẩy nhau phát triển.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, còn có một bộ phận kinh tế có vị trí hết sức quan trọng đó là kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, hai thành phần

kinh tế này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và đều dựa trên cơ sở kinh tế tư nhân, một phần là kinh tế tư bản tư nhân trong nước liên doanh, hợp tác với kinh tế nhà nước và một phần là kinh tế tư bản tư nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Như vậy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đa thành phần ở nước ta hiện nay, giữa các thành phần kinh tế luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, giữa chúng luôn có một sự kết hợp, dung hòa các yếu tố đối lập để cùng nhau phát triển. Điều này, dễ nhận thấy khi phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các thành phần kinh tế.

Một phần của tài liệu Sự kết hợp các mặt đối lập trong tiến trình xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w