VỀ PHƯƠNG DIỆN ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG

Một phần của tài liệu Gia đình phật tử và ảnh hưởng của nó trong thanh thiếu niên ở thừa thiên huế (Trang 25 - 28)

Từ những lý thuyết cơ bản trong nội dung giáo dục, Gia Đình Phật Tử giáo dục các đoàn sinh thông qua truyện ngụ ngôn, kinh Phật... điều này ảnh hưởng đến Thế giới quan và Nhân sinh quan của thanh thiếu niên khi nhìn sự vật trong mối quan hệ nhân quả có tính biện chứng sơ khai. Nó giúp cho thanh thiếu niên xây dựng lòng tin vào bản

chất tốt đẹp ”tính thiện” và “tính Phật’’ của con người, tin rằng dù con người chưa tốt, nhưng có thể cải hóa, giáo dục được. Giáo lý của Phật thấm nhuần tinh thần từ bi, vị tha phù hợp với xây dựng tình nhân ái, nhân đạo cho thanh thiếu niên.

“Nghiệp” là hành động tự thân, tự tâm con người gây ra do đó giúp cho thanh thiếu niên xác định thái độ, trách nhiệm về ý thức, hành vi của mình đã làm cho nên phải tu dưỡng, rèn luyện bản thân để tác nghiệp thiện, giải nghiệp ác, ở hiền, sống lành, tránh xa những điều ác. Phật giáo khuyên: ” ác hạnh không nên làm, làm xong chịu khổ lụy, thiện hạnh ắt làm nên, làm xong không ăn năn” [9; 318]. Điều đó giải thích vì sao 60% thanh thiếu niên phật giáo Thừa Thiên Huế thích hoạt động xã hội, từ thiện, trong lúc đó hoạt động khác chỉ chiếm 40%.

Mặt khác, giới luật có tác động tích cực đến việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên. ”Ngũ giới”, “Thập thiện” thể hiện tinh thần nhân bản của Phật giáo giúp cho thanh thiếu niên tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con người tốt, tự nhận thấy những sai lầm của mình và biết thành tâm sám hối, sống chân thành và thương yêu người khác, có thái độ tôn trọng và khiêm tốn đối với mọi người xung quanh... Điều đó, thể hiện rõ trong nhận thức của thanh thiếu niên sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, họ luôn mong muốn gia đình được hòa thuận, thích tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, muốn được phát triển tài năng, muốn hoàn thiện nhân cách...

Hiểu được “tam độc” của Phật giáo ”phân biệt rành rọt đâu là thiện, đâu là bất thiện mà con người cần phải theo và cần phải tránh. Tham là bất thiện, vô tham là thiện. Sân là bất thiện, vô sân là thiện. Si là bất thiện, vô si là thiện” [6; 273 ], “Chính tham- sân- si là ba cái phiền não nhất của con người. Con người sống mà không có lòng tham, không giận dữ, bực bội và không si mê, luôn tỉnh táo, sáng suốt, thì con người thanh thản và người quan hệ người luôn trong sáng và nhân ái” [6; 129- 130].

“Thương người” và “ở hiền” là nguyên lý đạo đức của Phật giáo tạo cho thanh thiếu niên đức tính trung thực, tận tụy, tín nghĩa, khoan dung, độ lượng...

Hiểu đúng tinh thần quy y Phật -Pháp -Tăng giúp cho thanh thiếu niên không mê tín dị đoan, tin rằng mình có thể làm chủ bản thân mình“ con người có khả năng sống một nếp sống đạo đức dựa trên sức mạnh của chính mình, không nhờ một thần lực nào. Hơn thế, con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân mình, không quy trách nhiệm cho một thế lực siêu nhiên nào; cũng từ nguyên lý đó, khái niệm “nghiệp” trong đạo đức Phật giáo rất xa với cái gọi là “Định mệnh” vì con người là chủ của nghiệp chứ không phải là nô lệ của nghiệp” [6; 181]

Để có thể làm chủ bản thân mình, thuyết ”Nghiệp quả‘’ của nhà Phật rút ra bốn bài học: nhẫn nại, tự tín, dựa vào sức mình và tự chế .Từ sự tiếp nhận nhận thức đó cho nên thanh thiếu niên Huế thường đến chùa trong tĩnh lặng, cung kính, không cầu tài, cầu lộc khác với thanh thiếu niên các tỉnh phía Bắc, Hà Nội... và trong những ngày rằm mồng một, mười bốn, ba mươi âm lịch họ thường hay ăn chay, thường thả phóng sanh trong những ngày này cầu mong bình an cho gia đình và cho bản thân mình...

Thông qua các biện pháp giáo dục cho đoàn sinh từ các môn ứng dụng trong thực tiễn như cắm hoa, nữ công gia chánh, âm nhạc, trại... đến các kỹ năng hoạt động cộng đồng như truyền tin, cấp cứu ... và hiểu biết thêm nhiều danh lam thắng cảnh, con người trên mọi miền của đất nước,. Những hoạt động đa dạng trên tạo cho thanh thiếu niên thích ứng với cuộc sống, hình thành tính tự tin vào bản thân mình, đồng thời phát triển trí tuệ, đạo đức, sức khỏe trong một con người toàn diện.

Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đến thanh thiếu niên thì với những giáo lý của Đạo phật được giảng dạy cũng tác động tiêu cực tới thanh thiếu niên. Do phủ nhận vai trò của con người đối với xã hội và thế giới quan cùng với phương pháp luận để giải quyết các vấn đề xã hội của đạo Phật là phương pháp tư duy chủ quan. Ơ một góc độ nào đó, nó làm giảm tính tích cực xã hội của thanh thiếu niên, không động viên thanh thiếu niên đấu tranh, tham gia xây dựng xã hội mới.

Nhận thức luận của đạo phật có hạn chế, gần với thuyết “bất khả tri” xem vạn vật là vô thủy, vô chung, không nên đặt vấn đề tìm cái thủy, cái chung của vạn vật nên lối sống thanh thiếu niên Huế thường có thái độ hưởng thụ, không mạnh dạn trong cuộc sống như thanh thiếu

niên ở các tỉnh khác. Hơn nữa, do quá đề cao chữ "nhẫn” của đạo Phật nên thanh thiếu niên Huế nhiều khi thụ động, trầm lặng, cam chịu, dễ bằng lòng với hiện tại, không khuyến khích thanh thiếu niên xây dựng những ước vọng, hoài bão , phát huy sức lực, tài năng của mình; nhiều khi dễ bị kích động, cả tin dẫn đến lầm lạc. Điển hình là: những hành động sai trái của một số tăng sĩ ở chùa Linh Mụ Huế ngày 24/5/1993 đã có không ít thanh niên ủng hộ; sự kiện tổ chức đám tang cho cố hòa thượng Thích Đôn Hậu, hàng ngàn đoàn sinh gia đình phật tử nghe đọc lời xuyên tạc chính sách tự do, tín ngưỡng của đảng, nhà nước do nhóm Huyền Quang tuyên bố, mà không một đoàn sinh nào phản ứng bỏ về. Hay sự kiện một phật tử chỉ hơn 20 tuổi, dám viết lời phán nguyện, đòi tự thiêu nhân sự kiện ngày 27/11/1994 để chống chính quyền với nội dung: ”noi gương Bồ Tát Thích Quảng Đức và chư thánh, tăng thánh tử vì đạo, để bảo vệ đạo pháp và dân tộc, bằng cách lấy thân mình làm ngọn đuốc sống, soi sáng lương tâm những kẻ đang tiêu diệt GHPGVNTN và Gia Đình Phật Tử trong mọi trường hợp, trong mọi thời gian, trong mọi thời điểm. Vì đạo pháp trường tồn, chúng con xin nguyện quyết tử để đạo pháp quyết sinh” [Tâm thư- Hồ Tấn Anh, Huế ngày 27/11/1994] v.v...

Như vậy, nội dung giáo dục của Gia Đình Phật Tử có một số điều phù hợp với quan điểm đường lối của Đảng để xây dựng con người mới, có ảnh hưởng tích cực đến một số mặt đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên Việt Nam nói chung và thanh thiếu niên Huế nói riêng. Song, những ảnh hưởng tiêu cực từ những giáo lý Phật giáo đối với thanh thiếu niên là rất to lớn vấn đề là chúng ta cần phải có sự tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tích cực và có những biện pháp thích hợp để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực này trong thanh thiếu niên.

Một phần của tài liệu Gia đình phật tử và ảnh hưởng của nó trong thanh thiếu niên ở thừa thiên huế (Trang 25 - 28)