Vận đơn đường biển

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán hàng hoá và hợp đồng thuê tàu (Trang 52 - 57)

IV. Vận đơn đường biển và các loại chứng từ khác

1. Vận đơn đường biển

1.1. Khái niệm, chức năng

Vận đơn đường biển (Bill of Lading/Ocean Bill of Lading/Master Bill of Lading) là một chứng từ chứng minh cho một hợp đồng vận tải đường biển, cho việc nhận hàng hoặc xếp hàng của người chuyên chở và bằng vận đơn này người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình nó.

Người cấp vận đơn là người chuyên chở, chủ tàu hoặc người được họ uỷ quyền, khi hàng đã được xếp lên tàu hoặc khi nhận hàng để xếp. Khi cấp vận đơn, người chuyên chở, chủ tàu hoặc đại diện của họ phải ký vào vận đơn và ghi rõ tư cách pháp lý.

Vận đơn đường biển được phát hành theo các bản gốc (Original) và bản sao (Copy). Các bản gốc được phát hành theo bộ. Một bộ có thể gồm một bản gốc duy nhất hay hai, ba bản gốc giống nhau. Muốn nhận được hàng, người nhận hàng phải xuất trình một bản vận đơn gốc cho người chuyên chở. Khi một bản vận đơn gốc đã xuất trình để nhận hàng thì các bản gốc khác sẽ không còn giá trị.

- Là biên lai nhận hàng để chở của người chuyên chở. Vận đơn là bằng chứng hiển nhiên của việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở. Vận đơn chứng minh cho số lượng, khối lượng, tình trạng bên ngoài của hàng hoá đã được giao. Tại cảng đến, người chuyên chở cũng phải giao cho người nhận theo đúng trọng lượng, khối lượng, tình trạng bên ngoài của hàng hoá như lúc nhận ở cảng đi khi người nhận xuất trình vận đơn phù hợp.

- Là chứng từ sở hữu những hàng hoá mô tả trên vận đơn. Ai có vận đơn trong tay người đó có quyền sở hữu hàng hoá ghi trên đó. Do có tính chất sở hữu nên vận đơn là một chứng từ lưu thông được (Negotiable). Người ta có thể mua bán, chuyển nhượng hàng hoá ghi trên vận đơn bằng cách mua bán, chuyển nhượng vận đơn.

- Là bằng chứng của hợp đồng vận tải đã ký giữa các bên. Mặc dù bản thân vận đơn đường biển không phải là một hợp đồng vận tải vì nó chỉ có chữ ký của một bên, nhưng vận đơn có giá trị như một hợp đồng vận tải đường biển. Nó không những điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở mà còn điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở với người nhận hàng hoặc người cầm vận đơn.

Với những chức năng trên, vận đơn đường biển có ý nghĩa rất quan trọng trong buôn bán quốc tế. Nó là chứng từ giao nhận hàng hoá, chứng minh việc thực hiện hợp đồng mua bán, là chứng từ không thể thiếu trong thanh toán, bảo hiểm, khiếu nại.

Trong thương mại, hàng hải quốc tế thường gặp các loại vận đơn sau: - Vận đơn đã xếp hàng (shipped on board B/L) là vận đơn được cấp

sau khi hàng hoá đã thực sự xếp lên tàu. Trên B/L có ghi rõ ngày tháng xếp hàng.

- Vận đơn nhận để xếp (received for shipment B/L) là vận đơn được cấp trước khi hàng hoá xếp lên tàu. Trên vận đơn không ghi rõ ngày

tháng xếp hàng xuống tàu. Sau khi xếp hàng xuống tàu, người gửi hàng có thể đổi lấy vận đơn đã xếp hàng.

- Vận đơn theo lệnh (to order B/L) là vận đơn trên đó không ghi rõ người nhận hàng là ai mà chỉ ghi theo lệnh của ai. Có thể theo lệnh của người gửi hàng (to the order of shippes) hay của người nhận hàng (consignees). Người gửi hàng hoặc người nhận hàng có thể chuyển nhượng vận đơn cho người khác bằng cách ký hậu (endorsement).

- Vận đơn đích danh (straight B/L) là vận đơn ký phát cho một người nhận cụ thể mà không có thêm chữ “theo lệnh”. Chỉ có người nhận có tên trên B/L mới được nhận hàng. Loại vận đơn này không thể chuyển nhượng được cho người thứ ba bằng cách ký hậu được.

- Vận đơn đi thẳng (direct B/L) là vận đơn dùng trong trường hợp hàng hoá chuyên chở trực tiếp từ cảng xếp đến cảng dỡ hàng bằng một con tàu mà không phải chuyển tải dọc đường.

- Vận đơn đi suốt (through B/L) là vận đơn dùng trong trường hợp chuyên chở hàng hoá giữa các cảng bằng hai hoặc nhiều tàu thuộc hai hoặc nhiều chủ tàu khác nhau. Người cấp vận đơn đi suốt phải chịu trách nhiệm về hàng hoá trong suốt chặng đường chuyên chở từ cảng xếp hàng đến cảng dỡ cuối cùng. Trên từng chặng các tàu tham gia chuyên chở có thể cấp vận đơn địa hạt (local B/L) là vận đơn chỉ làm chức năng biên lai nhận hàng mà thôi.

- Vận đơn hoàn hảo hay vận đơn sạch (clean B/L) là vận đơn được thuyền trưởng cấp khi hàng hoá đã xếp lên tàu “trông bề ngoài có vẻ tốt và ở trong điều kiện tốt”, là vận đơn không có những ghi chú rằng hàng hoá hay bao bì có tì tích khiếm khuyết. Loại vận đơn này được ngân hàng chấp nhận để thanh toán tiền hàng.

- Vận đơn không hoàn hảo (unclean B/L) là vận đơn trên đó thuyền trưởng có ghi chú, nhận xét xấu về tình trạng bên ngoài của hàng hoá

và bao bì như: “một số kiện bị vỡ”, “thùng chảy”, “bao bì ướt”, “bao rỗng”... Loại vận đơn này không được ngân hàng chấp nhận để thanh toán tiền hàng.

- Vận đơn theo hợp đồng thuê tàu (charter party B/L) là vận đơn thuyền trưởng thay mặt người thuê tàu (charterers) cấp cho người gửi hàng trong trường hợp hàng hoá được chuyên chở theo một hợp đồng thuê tàu chuyến (voyage charter). Vận đơn này điều chỉnh mối quan hệ giữa người chuyên chở với người gửi hàng nếu người gửi hàng không phải là người thuê tàu, đồng thời nó điều chỉnh quan hệ giữa người chuyên chở với người cầm vận đơn (người nhận hoặc người được chuyển nhượng). Trong trường hợp này vận đơn cũng phải phù hợp với quy tắc Hague (Hague Rules) và chỉ làm hai chức năng: biên lai nhận hàng và chứng từ sở hữu hàng hoá.

- Vận đơn xuất trình (to Bearer B/L) là vận đơn trên đó không ghi rõ theo lệnh của ai, nên còn gọi là vận đơn vô danh. Thuyền trưởng sẽ giao hàng cho người cầm vận đơn (B/L holder) và xuất trình cho họ. Vận đơn này được chuyển nhượng bằng cách trao tay.

1.2. Nội dung

Cho đến nay chưa có mẫu B/L thống nhất trong chuyên chở quốc tế. Mỗi chủ tàu, mỗi người kinh doanh chuyên chở đều soạn thảo và cấp phát một loại vận đơn riêng.

Một bản vận đơn chính thường gồm có nhiều mục, nhiều điều khoản được in sẵn. Theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chuyên chở hàng hoá bằng đường biển ký kết tại Hamburg ngày 31/3/1978 (còn gọi là Quy tắc Hamburg), vận đơn phải bao gồm, ngoài các chi tiết khác, những chi tiết sau đây:

- Tính chất chung của hàng hoá, những ký hiệu chủ yếu cần thiết cho việc nhận biết hàng hoá, một ghi chú rõ ràng về tính chất cơ bản của

hàng hoá, nếu cần, số kiện khác số chiếc và trọng lượng hàng hoặc số lượng hàng được thể hiện bằng cách khác, tất cả các chi tiết đó do người gửi hàng cung cấp;

- Tình trạng bên ngoài của hàng hoá;

- Tên và địa điểm kinh doanh chính của người chuyên chở; - Tên người gửi hàng;

- Tên người nhận hàng nếu người gửi hàng chỉ định;

- Cảng xếp hàng theo hợp đồng chuyên chở bằng đường biển và ngày hàng được trao cho người chuyên chở tại cảng xếp hàng;

- Cảng dỡ hàng theo hợp đồng chuyên chở bằng đường biển; - Số bản gốc của vận đơn, nếu có hơn một bản;

- Nơi cấp phát vận đơn;

- Chữ ký của người chuyên chở hoặc của người thay mặt người chuyên chở;

- Tiền cước trong phạm vi mà người nhận hàng phải trả hoặc chỉ dẫn khác nói lên tiền cước do người nhận trả;

- Điều ghi chú, nếu có áp dụng, là hàng hoá sẽ hoặc có thể được chở trên boong;

- Ngày hoặc thời hạn giao hàng tại cảng dỡ hàng, nếu điều này được các bên thoả thuận rõ ràng

Ngoài ra còn có các điều khoản quy định về điều kiện, thể thức, phương pháp thực hiện chuyên chở, về trách nhiệm của người chuyên chở và chủ hàng... Các điều khoản này được in sẵn ở mặt sau của vận đơn.

Mỗi khi thuê tàu chợ chủ hàng mặc nhiên phải chấp nhận các điều khoản quy định đã được in sẵn trong vận đơn.

Mặc dù chủ tàu đơn phương quy định các điều kiện về chuyên chở in sẵn trong B/L nhưng họ vẫn phải tôn trọng luật pháp quốc gia và quốc tế về B/L.

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán hàng hoá và hợp đồng thuê tàu (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(83 trang)
w