Không chỉ có thế giới phẳng và thế giới không phẳng. Nhiều người sống ở vùng giáp ranh giữa hai bên. Trong số đó có những người mà tác giả cho là quá ít quyền. Họ là một nhóm lớn người dân không bị sự làm phẳng thế giới bao vây hoàn toàn. Không giống người quá ốm yếu, người vẫn còn phải kiếm cơ may để bước vào thế giới phẳng, người quá ít quyền là những người mà có thể nói là phẳng một nửa. Họ là những người khỏe mạnh sống ở các nước có các khu vực lớn đã phẳng nhưng lại không có các công cụ hoặc kĩ năng hoặc cơ sở hạ tầng để tham gia vào một cách có ý nghĩa hoặc bền vững. Họ chỉ có đủ thông tin để biết là thế giới xung quanh mình đang phẳng ra và họ thật sự không thu được bất cứ lợi lộc nào. Trở nên phẳng là tốt nhưng đầy áp lực, là không phẳng thật khủng khiếp và đầy đau đớn, nhưng trở nên nửa phẳng lại có mối lo âu đặc biệt riêng.
Những người nửa phẳng là hàng trăm triệu người, đặc biệt ở nông thôn Ấn Độ, nông thôn Trung Quốc và nông thôn Đông Âu, những người sống đủ gần để thấy được, chạm được, và đôi khi hưởng lợi từ thế giới phẳng, nhưng bản thân họ không thực sự sống ở trong đó. Những người ở nông thôn - nông dân và chủ trang trại, dâu cư ở những vùng nửa phẳng chỉ cần bỏ một ngày vào bất cứ thành phố lớn ở gần nào để thấy các lợi ích của thế giới phẳng: ôtô, nhà cửa, cơ hội học hành. “Mỗi khi một người trong làng xem TV cộng đồng và thấy một quảng cáo xà phòng hay dầu gội đầu, cái mà họ nhận thấy không phải xà phòng hay dầu gội mà là lối sống của những người dùng chúng – kiểu xe gắn máy họ đi, quần áo của họ, và nhà cửa của họ,” Nayan Chanda, biên tập tờ YaleGlobal Online, một người gốc Ấn, giải thích. “Họ thấy một thế giới mà họ muốn vào. Cuộc bầu cử này là về ghen tị và giận dữ. Đó là một trường hợp kinh điển về việc cách mạng bùng nổ khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn nhưng không đủ nhanh cho nhiều người.”
Cùng lúc, những người này hiểu được chính xác tại sao cái đó không đến với mình: vì các chính quyền địa phương ở nước họ ăn đút lót quá nhiều, quản lí quá kém, đến mức không thể mang lại trường học và cơ sở hạ tầng mà người nghèo cần để có được phần công bằng của chiếc bánh.