Vì ý tưởng cũng cần tiền và thời gian nên cần phải "cắn răng" đầu tư. Tuy nhiên, trước khi đầu tư cần tự kiểm tra lại ý tưởng bằng những phương pháp khá đơn giản, đảm bảo cho tính khả thi của mỗi ý tưởng.
Ý tưởng cũng cần tiền và thời gian
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu bạn đã tự tin vào ý tưởng của mình, cách tốt nhất để có được một thành quả gì đó là phải đầu tư tiền của và thời gian để phát triển nó.
Cho dù bạn không có ý định thành lập công ty để hưởng trọn thành quả về sau mà chỉ muốn bán đứt bản quyền ý tưởng cho ai đó thì bạn vẫn không tránh khỏi việc phải phải đầu tư tiền của và thời gian.
Bởi bạn vẫn phải bảo vệ bản quyền của mình trước pháp luật và cũng phải lập một số tài liệu để chứng minh tính khả thi về mặt thương mại của ý tưởng đó. Và để làm việc đó thành công, ít nhất bạn cũng phải thuê nhân viên pháp lý và những người quen viết dự án làm cho mình để có một bộ hồ sơ chính xác, chuyên nghiệp và thuyết phục được người mua.
Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế Mỹ, trước khi muốn kiếm lợi từ một ý tưởng nào đó, cho dù bỏ qua bước nào đi chăng nữa, cần theo ít nhất các bước cơ bản sau đây.
Đặt các câu hỏi
Tại sao chưa ai nghĩ ra và làm việc với ý tưởng này? Đó là một trong số những câu hỏi cần đặt ra để tự xác minh tính khả thi của ý tưởng kinh doanh.
Những câu hỏi khác thường gặp như "Cần ít nhất những thứ gì để theo đuổi tới cùng ý tưởng đó?", Tốn kém thời gian và tiền của bao nhiêu? Cần dùng tới những nguồn lực nào hiện có? Có thể chia ý tưởng đó ra thành những hợp phần quan trọng nào?...
Càng tự đặt ra nhiều câu hỏi và tìm cách trả lời thích đáng cho chúng, tính khả thi của dự án mới được khẳng định và khả năng thành công càng cao.
Xác định những điểm mạnh của bản thân
Sẽ rất có ích nếu nhìn lại bản thân để xem khả năng của mình là gì. Nó giúp đi đến một ý tưởng kinh doanh phù hợp với các kỹ năng và sở thích của bạn. Công việc kinh doanh phải phù hợp và khiến người ta luôn cảm thấy hứng thú để có thể phát triển trên con đường dài phía trước.
Mọi người đều có điểm mạnh trong một lĩnh vực nào đó và nhiều kỹ năng có thể sẽ là nền tảng cho một công việc kinh doanh cụ thể. Vì vậy hãy lập danh sách những năng khiếu vượt trội của mình.
Cũng nên viết ra tất cả những trách nhiệm công việc mà bạn đã từng đảm nhận vì đó là kinh nghiệm quý giá cho việc đi những bước đầu tiên của một dự án tương lai. Và cũng cần lên danh sách những việc bạn thích làm.
Xác định khách hàng mục tiêu
Khi nghĩ tới khách hàng, ai cũng muốn có một lượng đông đảo tới vô hạn. Song không bao giờ được nghĩ tới "mọi người" trong giới hạn khách hàng của mình, nếu không muốn thất bại. Thay vào đó, cần phải xác định một nhóm nhỏ hoặc thật nhỏ những đối tượng khách hàng mình định hướng tới. Theo các chuyên gia kinh tế và quản trị doanh nghiệp đa quốc gia hiện nay, chỉ cần suy nghĩ tìm ra điểm chung của một nhóm người nhất định và tạo ra sản phẩm thích hợp nhất đối với họ thì không cần phải lo lắng xem làm cách nào để làm vừa lòng tất cả mọi người nữa.
Cần hướng ngoại để phát hiện xem trên thị trường có nhu cầu nào chưa được lấp đầy mà bạn có thể đáp ứng với sản phẩm hay dịch vụ của mình. Ý tưởng kinh doanh tốt phải dựa trên cơ sở bạn là ai và thị trường đang cần gì.
Nhờ thẩm định
Có thể bạn đã suy tính thật kỹ về dự án mới của mình, song cũng không thừa nếu tham khảo thêm ý kiến của người khác. Trong thời đại chuyên nghiệp hoá ngày nay, các công ty tư vấn doanh nghiệp đã ra đời và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó của những ông chủ tương lai.
Những nhà tư vấn có thể không tâm huyết bằng bạn, không trăn trở về đề tài đó bằng bạn, nhưng họ là người có thể phát hiện rất nhanh những lỗi sai trong từng dự án để giúp bạn tránh những hậu quả đáng tiếc. Họ cũng có thể dẫn ra những ví dụ thành công hay thất bại trước đó họ đã gặp để bạn tham khảo và học tập...
Theo VietNamNet