quốc tế
Theo Hội đồng Nhượng quyền kinh doanh thế giới (WFC), tại VN hiện có khoảng trên 70 hệ thống nhượng quyền thương mại (franchise) nhưng đa số là các thương hiệu nước ngoài như: Dilma, Swatch, Jollibee, KFC, Lotteria... Đón đầu cho sự kiện VN chuẩn bị chính thức gia nhập WTO, nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế cũng đang sẵn sàng bước vào thị trường VN bằng cửa ngõ franchise.
Các tập đoàn nước ngoài chờ đợi
Cách đây 2 năm, bà Đỗ Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty Âu Việt đã đặt hàng mua franchise của Tập đoàn thức ăn nhanh nổi tiếng nhất thế giới McDonald's (Mỹ) nhưng không thành. Lúc đó do chưa thực sự muốn thâm nhập thị trường VN nên McDonald's ra giá franchise lên tới... 1 triệu USD/cửa hàng kèm theo điều kiện phải nhập khẩu toàn bộ nguyên vật liệu từ Mỹ. Bây giờ thì khác, McDonald's đang chờ đợi cơ hội nhảy vào thị trường VN, cụ thể là thời điểm VN chính thức gia nhập WTO vào cuối năm nay. Họ chờ "hậu WTO" để "khung pháp lý về franchise của VN hoàn thiện". Chuỗi nhà hàng nổi tiếng thế giới Pizza Hut của tập đoàn Yums Brands của Mỹ, 1 trong 10 hệ thống franchise hàng đầu thế giới cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để vào thị trường VN.
Một chuyên gia về xúc tiến thương mại tại TP.HCM cho biết, rất nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, EU đang muốn dùng Singapore làm "cứ địa" để từ đây nhảy vào thị trường VN theo cửa ngõ franchise. Một trong số đó là công ty Manchester Club (công ty độc quyền khai thác hình ảnh của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh Manchester United) chuyên kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, nhà hàng.
Trong khi đó, các nhà franchise đã có mặt tại thị trường VN thì đang ra sức bành trướng thị phần. Nếu năm 2005, KFC (thức ăn nhanh của Mỹ) mới chỉ có 14 cửa hàng thì đầu năm 2006, con số đã tăng lên 17 cửa hàng. KFC không giấu tham vọng sẽ đạt 100 cửa hàng KFC trong cả nước vào năm 2010. Lotteria cũng đã có 9 cửa hàng; Dilma đang khuếch trương hàng loạt quán trà làm mưa, làm gió trên địa bàn TP Hà Nội...
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, ông Lương Văn Lý cho biết, liên tiếp thời gian gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được thư mời tham gia các hội thảo nói về thị trường nội địa của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nhóm đầu tư chuyên ngành của Mỹ cũng đề nghị có các cuộc hội thảo, tọa đàm để tìm hiểu về thị trường VN. Điều đó cho thấy mức độ quan tâm đến thị trường VN của các tập đoàn nước ngoài đang rất cao.
Doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà với Franchise
Ông Lý Quý Trung, Giám đốc công ty Phở 24, thương hiệu đã và đang bán franchise khá thành công không chỉ ở VN mà còn ở một số nước trong khu vực, cho rằng ở TP.HCM có rất nhiều thương hiệu đủ mạnh để làm franchise như: siêu thị Coop Mart, siêu thị nội thất Nhà Xinh; thời trang An Phước, bệnh viện Hoàn Mỹ... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn đứng ngoài cuộc. Theo giám đốc một hệ thống siêu thị ở TP.HCM, để làm franchise, ngoài việc sở hữu một thương hiệu đủ mạnh thì yếu tố quan trọng nhất là phải đủ năng lực quản lý. Nhưng đây lại là khâu yếu nhất của các DN trong nước. Chính vì vậy, mặc dù biết franchise là cách hiệu quả nhất để giữ thị phần nhưng nhiều hệ thống siêu thị, nhà hàng vẫn chưa dám mạnh dạn áp dụng.
Bên cạnh đó, muốn bán franchise, công ty mẹ phải "tiêu chuẩn hóa" tất cả các quy trình. Đơn cử như Phở 24, mọi công đoạn từ nguyên liệu, liều lượng, cách nấu, cách bưng bê cho đến nội thất, ánh sáng, đèn... đều được tiêu chuẩn hóa cụ thể để người mua franchise cứ thế áp dụng. Nhiều DN trong nước chưa làm được như vậy, đây cũng là một trở ngại cho việc hướng đến kinh doanh franchise.