Các thủ pháp ngoại hiện

Một phần của tài liệu Nhân vật của liêu trai chí dị (Trang 114 - 121)

7. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

4.1.1.Các thủ pháp ngoại hiện

Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc khi triển khai câu chuyện lấy nhân vật làm trung tâm. Đây là một bút pháp nghệ thuật độc đáo tiếp thu từ Sử ký. Các nhà tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc cũng thường coi trọng bút pháp nghệ thuật này. Ở Liêu Trai chí dị, Bồ Tùng Linh chú trọng đến các thủ pháp miêu tả chân dung và miêu tả hành động của nhân vật.

4.1.1.1. Miêu tả chân dung

Chân dung nhân vật bao gồm ngoại hình, phục trang, phục sức, cử chỉ, ngôn đàm,...của nhân vật. Nói đến các thủ pháp miêu tả chân dung nhân vật là đề cập đến cách xử lý nghệ thuật trong việc thể hiện các biểu hiện trên của nhân vật nhằm phục vụ một mục đích, một ý đồ tư tưởng nhất định của tác giả.

Trước hết, Bồ Tùng Linh khi miêu tả chân dung nhân vật nhiều chỗ còn chịu ảnh hưởng của thi pháp văn học cổ trung đại, miêu tả ngoại hình nhân vật theo bút pháp ước lệ tượng trưng. Khi nhắc đến ngoại hình nhân vật, đôi lúc tác giả chỉ tóm gọn ở những cụm từ cố định: “đẹp như tiên”, “đẹp quá lắm”, “đẹp tuyệt trần”,...

Tuy nhiên, ông đã cố gắng vượt ra khỏi những công thức ước lệ định sẵn, miêu tả chân dung nhân vật một cách sống động hơn. Với ngòi bút tài hoa Bồ Tùng Linh đã dùng những ngôn từ đẹp nhất khi miêu tả chân dung của hầu hết các nhân vật nữ. Ví dụ Nàng Tiểu Thiện trong truyện cùng tên được tác giả miêu tả một cách tỉ mỉ, chi tiết: “da nõn nà như trứng gà bóc, chân thon thả như búp măng non”. Nàng Cát Cân trong truyện cùng tên thì “áo xiêm rực rỡ, chàng đoán là tiên nữ chứ người dưới trần làm gì có thế”. Trong truyện Kiều Na, sự xuất hiện của các giai nhân mỗi người một vẻ: “Giây lát,

một nàng hầu bước vào, mặc áo đỏ tuyệt đẹp”, Kiều Na “mười ba mười bốn tuổi vẻ hoa lộng lẫy, vóc liễu thướt tha”, còn A Tùng: “mắt vẽ mày ngài, chân mang giày phượng, vẻ đẹp xấp xỉ Kiều Na”. Truyện Thuỷ mảng thảo, tác giả miêu tả sự xuất của nhân vật Khấu Tam nương hết sức đáng chú ý: “giây lát, có một thiếu nữ bưng trà từ sau quán bước ra, tuổi chừng mười bốn mười lăm, nhan sắc tuyệt đẹp, tay đeo nhẫn và vòng vàng bóng lộn, có thể soi gương được”. Người đẹp trong truyện Thiên cung dưới con mắt của kẻ đa tình Quách Sinh hiện lên thật lộng lẫy: Bước vào, thấy một mỹ nhân, “tuổi trạc hai mươi, ngồi quay hướng nam, trang sức cực kỳ hoa lệ, đầu đính minh châu, áo gấm hoa mắt, quần sa bóng lộn đúng là người trời”. Cô công chúa trong truyện Chúa Tây Hồ được được miêu tả là một người con gái xinh đẹp, dễ thương: “Cô công chúa đưa hai bàn tay nõn nà nắm lấy dây đu, chân thì nhún nhảy trên bàn đạp, nhẹ nhàng như chim én bay lượn trên mây”.

Trong Liêu Trai chí dị, tác giả dùng thủ pháp “dĩ hình truyền thần” nghĩa là miêu tả dáng vẻ bên ngoài để biểu hiện, làm toát lên tính cách, nguồn gốc, thần thái của nhân vật. Vị Lục Phán quan trong truyện cùng tên là một vị thần có tài “thay tim đổi mặt”, sống cương trực ân nghĩa thì có bộ dạng: “mặt xanh râu đỏ, diện mạo dữ dằn”. Đôi mắt vốn được xem là cửa sổ tâm hồn. Trong truyện Thanh Nga, đôi mắt của chàng Hoắc sinh được tác giả chú trọng miêu tả toát lên vẻ thông minh hơn người: “cặp mắt long lanh như sao băng”. Võ Thừa Hưu trong truyện Điền Thất lang là người ắt sẽ gặp hoạ lớn nên tác giả miêu tả một cách gián tiếp qua lời của mẹ Điền Thất lang: “dòm mặt công tử, thấy có nám đen”. Con người nham hiểm, độc ác như Vương Thập Bát trong truyện Canh Nương được Bồ Tùng Linh miêu tả gián tiếp qua lời nhận xét của Canh Nương: “Hắn hay dòm liếc, đôi mắt nhấp nháy mà sắc mặt biến đổi, trong bụng hẳn là nham hiểm khó lường đó”. Nếu nhân vật là ma xuất thân là con gái nhà lương thiện thì xuất hiện với dáng vẻ khác, ví dụ nhân vật

Lý nữ trong truyện Liên Hương: “cô này mới độ mười lăm, mười sáu tuổi, áo choàng tóc vấn trông ra vẻ phong lưu xinh đẹp”. Nếu là tinh loài hoa thì chân dung nhân vật toát lên vẻ khác lạ, ví dụ như nàng Cát Cân trong truyện cùng tên: “cô nàng xiêm y rực rỡ, chàng đoán là tiên nữ chứ dưới trần làm gì có người như thế (...) từ người cô ta mùi hương toả ra sực nức (...) da thịt cô mềm mại, nõn nà”. Cô gái mà Mã Thiên Vinh gặp ở ngoài ruộng trong truyện

Mao Hồ là cô gái vốn xuất thân từ loài chồn cho nên về ngoại hình: “mình mẩy nàng mềm nhũn, thắp đèn lên soi, da đỏ và mỏng manh như đứa trẻ mới sơ sinh lông tơ đầy mình, phải lấy làm lạ”. Còn loài quỷ Dạ Xoa trong truyện

Dạ Xoa quốc thì Bồ Tùng Linh miêu tả: “răng tua tủa, mắt đỏ đòng đọc như ngọn đèn”.

Có lúc tác giả miêu tả vẻ bề ngoài đối lập với bản chất bên trong. Chẳng hạn như nhân vật Kiều nữ, Giang Thành trong truyện cùng tên. Ngoại hình nhân vật Kiều nữ được miêu tả: “vừa đen vừa xấu, khuyết mũi, thọt chân” nhưng nàng lại có “tấm lòng vàng”: luôn giữ gìn đức hạnh, phẩm cách của mình trong mọi hoàn cảnh, sống có trách nhiệm, ân tình ân nghĩa, cương trực thẳng thắn, bản lĩnh hơn người. Đến cuối truyện, tác giả cảm khái viết: “Người đàn bà kia hỏi có hiểu biết gì nhiều lắm mà lại hành động cao cả lạ lùng đến thế?”. Ngược lại, Giang Thành được miêu tả là “một cô gái tuyệt đẹp” nhưng trước khi gặp sư tăng, nàng là một người vợ “dữ hơn cọp”, bạo ngược, cay nghiệt với chồng, bất hiếu với bố mẹ đẻ, coi thường bố mẹ chồng, sẵn sàng đánh nhau với chị ruột và đối xử độc ác với người ăn kẻ ở,... Qua đó, Bồ Tùng Linh muốn gửi gắm một thông điệp thẩm mỹ: “Phải coi trọng cái tinh thần bên trong và không nên chú ý đến những hình thức bên ngoài”.

Bồ Tùng Linh cũng giống như các nhà tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc “khi miêu tả tính cách nhân vật không đứng vị trí ở người thứ ba giới thiệu

nhân vật đó. Tác giả thông qua việc miêu tả hành động bằng ngôn ngữ nhân vật, khắc họa bộ mặt tinh thần và tính cách của nhân vật[18 ,10].

Ngôn ngữ của nhân vật trong Liêu Trai chí dị mang tính cá thể sinh động nhất là ngôn ngữ đối thoại. Nhân vật khác nhau thì lời ăn tiếng nói khác nhau tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn tính cách hiền lành, ít quan tâm tới việc đời của nàng Thanh Nga trong truyện cùng tên được tác giả miêu tả: “Nàng hiền lành, ít nói, mỗi ngày ba lượt đến thăm hầu mẹ chồng, còn thì đóng cửa ngồi, lặng lẽ một mình”. Ngôn ngữ của nhân vật Vân Thê trong truyện Trần Vân Thê, phần nào thể hiện được tính cách cứng cỏi, ít quỳ lụy, nàng nói là sẽ làm. Khi chàng Sinh nguyện kết ước trọn đời, nàng đã nói: “Công sư phụ em chăm nom nuôi dưỡng cũng không phải dễ. Nếu quả chàng thực bụng thương em thì chàng phải chạy hai mươi lạng chuộc về. Em đợi chàng ba năm nữa. Còn như muốn bày tỏ “trên bộc trong dâu” thì không thể được đâu”. Lời lẽ rất thấu tình đạt lý. Cô gái đúng là một con người vừa sâu nặng ân tình vừa rõ ràng, dứt khoát, có khí tiết của một đạo cô. Cách ăn nói của nhân vật Kiều nữ trong truyện cùng tên với Mạnh sinh, với Lâm sinh bạn của Mạnh sinh, với quan huyện, với vợ chồng Ô Đầu và với con Mục đã chứng tỏ nàng là con người đầy bản lĩnh, hiền đức, giàu tình nghĩa, thẳng thắn, cương trực. Trong truyện Tư Văn Lang, qua ngôn ngữ đối thoại đã thể hiện mỗi nhân vật một tính cách. Dư Hàng là một kẻ ngạo mạn, khinh người nên khi nói chuyện với mọi người hắn tỏ vẻ “ta đây”. Ví dụ: “Cả Sơn Đông, Sơn Tây, không có một ai đáng là bậc thông giả”; “Toàn là những kẻ không biết làm văn”. Còn Tống là một người cao nhã, vừa chân tình vừa thẳng thắn. Đối với Dư Hàng, anh bốp chát thẳng thắn, không kiêng dè: “Người không thông chưa hẳn đã là kẻ tiểu sinh này, song bậc “thông giả” cũng vị tất đã là túc hạ”. Đối với Vương, Tống chân tình hết mực, đặc biệt là ở đoạn Tống giãi bày, tâm sự với Vương: “tôi không phải là người sống mà là hồn quỷ phiêu

bạt (...) Nay may mắn được anh yêu mến, cho nên định đem hết sức tài mọn ra giúp bạn để tuy cái ước nguyện bình sinh của tôi chưa đạt thì mượn bạn để thực hiện như một điều khoái riêng vậy”. Vương là một người có nghĩa khí, trọng tình, luôn giữ mình nên khi đối đáp lời ăn tiếng nói đều nhã nhặn, ôn hoà. Vị sư mù qua lời nói bất cần, khinh mạn, thẳng thắn, có lúc mỉa mai, chế giễu sâu cay đã thể hiện được ông là người giỏi văn chương, trọng cốt cách nhưng cũng ngạo nghễ, khác đời, coi thường phú quý, quyền uy và bất mãn với chế độ khoa cử đương thời.

Qua chân dung, hình tượng nhân vật hiện lên sắc nét, sinh động- đó là chỗ tài tình trong khi viết bộ truyện truyền kỳ Liêu Trai chí dị của văn sĩ Bồ Tùng Linh!

4.1.1.2. Miêu tả hành động

Một thành công không thể không kể đến khi khắc hoạ nhân vật của Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai chí dị đó chính là việc chú trọng miêu tả hành động của nhân vật.

Thứ nhất, tác giả sử dụng thủ pháp “đồ tô” để miêu tả hành động của nhân vật. “Đồ tô” vốn là một thuật ngữ của hội hoạ, được hiểu một cách nôm na là vẽ đi vẽ lại, tô đậm lên, làm nổi bật những đường nét, mảng màu có sẵn. Ở đây, chúng tôi dùng thuật ngữ này với nghĩa là “kết hợp với đặc điểm truyện ngắn, khi tả nhân vật, tác giả không tả tỉ mỉ mọi mặt, mà theo lối vẽ rồng chấm mắt, nắm lấy những chi tiết có tính chất đặc trưng mà khắc họa” [29, 609], đặc biệt là nắm lấy những hành động cụ thể của nhân vật để làm nổi bật bản chất, tính cách của nhân vật. Như trong truyện Giang Thành, Cao sinh là một nhân vật sợ vợ điển hình còn Giang Thành là một người vợ ghê gớm, đanh đá tiêu biểu. Tác giả lược bỏ hết những chi tiết khác, chỉ tập trung ngòi bút miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ tính nhu nhược với những hành vi kiểu cắn răng chịu đựng, không dám trái lệnh vợ của Cao sinh và những hành động

mang tính chất bạo ngược, độc ác, đầy ghê rợn của người vợ. Tác giả liên tiếp miêu tả, tô đậm những hành động của anh ta như: “chuyện chi cũng cố nhịn” ,“quỳ gối xin nàng hết giận làm lành”; bị vợ đánh dữ quá “phải chạy vụt sang nhà cha mà trốn, run rẩy xanh xám giống như chim sẻ bị cò ó mổ vậy”; “chàng sẵn sợ vợ như hùm beo, cho nên dù khi được nàng nguôi ngoai mơn trớn, cho nằm chung trên giường nhưng trong lúc đầu gối tay ấp, chàng vẫn run sợ hãi hùng(...) hằng ngày được ở trong khoảng hương xông xạ ủ, mà như ở tù, thấy bóng người canh ngục là chết khiếp”;...Còn Giang Thành đối xử với chồng tàn nhẫn và ngày càng thậm tệ. Ban đầu nàng chỉ “có tính hay giận hờn, hơi một chút là trở mặt, coi chàng y như người lạ. Miệng lưỡi la lối, chàng nghe đinh tai nhức óc”; “nàng coi chồng y như kẻ thù”, ông bà can thiệp trách nàng, “nàng vung tay khoa chân, bộ điệu hỗn hào không thể tả hết”; nàng “dần dà hung dữ, trên mặt chàng thường có dấu vết móng tay cào cấu”; thậm chí còn “xách roi xồng xộc chạy vào đến ngay bên cạnh ông túm lấy chàng, vụt lấy vụt để”; khi phát hiện chồng dẫn gái về nhà học, nàng liền đóng giả cô gái nọ rồi “xách tai chồng kéo về buồng mình, lấy kim thật nhọn đâm vào hai bắp đùi hầu khắp, rồi bắt nằm dưới gậm giường, hễ tỉnh hồi nào thì mắng chửi và kể tội hồi đó”; khi chồng sợ hãi ngay cả trong chuyện chăn gối, nàng liền “vả vào mặt và thét đuổi đi, tỏ ý khinh khi và chán ghét, không coi chàng là hạng người nữa”; “độc ác hơn, nàng thường lấy cẳng chân chà đạp chiếc bánh nhão nhoẹt, lại ném đất cát bụi bặm rồi thét bảo chàng phải lượm lên mà ăn”. Do vậy, ấn tượng mà nhân vật điển hình Cao sinh và Giang Thành để lại cho người đọc không những không yếu đi, mà trái lại, càng rõ ràng, sâu sắc hơn. Tương tự như vậy, bản chất của nhân vật Canh Nương, Kim Đại Dụng trong truyện Canh Nương, Kiều Nữ trong truyện cùng tên, cô gái hồ ly trong truyện Hồ hài, Hiệp nữ trong truyện cùng tên,được tác giả khắc hoạ một cách nổi bật thông qua những hành động cụ thể. Như vậy, thành

công của những thiên truyện đó gắn liền với tài khéo chọn lọc các tình tiết, các hành động cụ thể để làm nổi bật hình tượng nhân vật cuả tác giả.

Thứ hai, khi lựa chọn tài liệu và khi hạ bút, tác giả luôn chú ý những tình tiết éo le thú vị để làm nổi bật hình tượng nhân vật qua các hành động cụ thể. Chẳng hạn như trong truyện Thương Tam Quan để làm toát lên hình tượng nhân vật Thương Tam Quan- một người con gái hiếu thảo vừa giàu tình cảm vừa mạnh mẽ cương quyết, Bồ Tùng Linh khi kể chuyện đã không giới thiệu gì cả, người đọc đọc truyện xong mới vỡ lẽ. Tác giả để cho Thương Tam Quan giả nam trả thù cho cha trong một vai đào kép lấy tên là Lý Ngọc. Ông không dùng lối kể trực tiếp mà dùng lời kể gián tiếp qua những lời thì thầm của bọn đầy tớ với nhau để cho nhân vật được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau. Từ đó làm cho câu chuyện thêm khách quan, sinh động. Nhân vật Lâm Tứ Nương trong truyện cùng tên từ dáng vẻ đến cung cách đều mang dấu ấn của thời đại. Đây là một chi tiết được Bồ Tùng Linh xử lý thành công. So với Trì bắc ngẫu đàm, sự cải tác của Bồ Tùng Linh đã đạt đến trình độ tinh tế để tạo nên một hình tượng nhân vật sinh động. Trong Trì bắc ngẫu đàm, Lâm Tứ Nương là một thiếp yêu ở phủ Hành Vương còn trong truyện của Bồ Tùng Linh, là một cung nữ bình thường. Vì vậy bậc thang giá trị của người thương nhớ và người được thương nhớ trong truyện của Bồ Tùng Linh được nâng lên rất nhiều. Việc xây dựng nhân vật như thế khiến cho tác phẩm được xem là một giai tác, “một áng văn chương ưu tú nhất phản ánh diện mạo thật của lịch sử” [76, 75]. Truyện Hoạn Nương, tác giả lúc đầu giấu rất nhiều manh mối như chơi trò ú tìm với người đọc, cuối cùng mới vỡ lẽ ra. Bao nhiêu tình huống ngẫu nhiên, tình cờ xảy ra để Ôn Như Xuân và con gái quan Lang trung họ Cát nên duyên vợ chồng đều do một tay Hoạn Nương sắp xếp. Đó là những chi tiết như: trên chỗ ngồi của công tử họ Lưu bỗng rớt lại chiếc giày con gái; bài từ “Tiếc xuân thừa” bỗng bay đến nơi nhà

con gái họ Cát, sau bỗng dưng bay đến vườn nhà chàng Xuân, ông Cát đến nhà học của Xuân ngẫu nhiên ông thấy bài từ,… Tương tự, những hành động “bí ẩn” khó hiểu của nàng Hiệp nữ, của nàng Canh Nương trong những truyện cùng tên tương ứng, lúc đầu đã khiến cho người đọc băn khoăn, tò mò, đặt nhiều câu hỏi nhưng càng về cuối truyện, bao thắc mắc đó được giải đáp, được bóc tách, vỡ vạc dần dần. Như vậy, với việc tạo nên nhiều chi tiết “bí ẩn”, lạ lùng trong hành động của nhân vật khiến cho hình tượng nhân vật hiện lên đầy thú vị, bất ngờ và làm cho câu chuyện bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Một phần của tài liệu Nhân vật của liêu trai chí dị (Trang 114 - 121)