Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của hoàng quốc hải trong bộ bão táp triều trần (Trang 68 - 83)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Đối với tiểu thuyết lịch sử, nghệ thuật xây dựng nhân vật là một phương diện quan trọng, là nhiệm vụ mà nhà văn phải quan tâm hàng đầu, cũng là nơi thử thách nhà văn nhiều nhất. Về điểm này, nhà lí luận văn học Lucas đã viết: “Các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử phải sống động hơn các nhân vật lịch sử vì các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử được trao sự sống còn các cá nhân lịch sử thì đã sống”[11].

Như vậy có nghĩa là khi nhà văn sáng tạo ra tác phẩm thì các nhân vật lịch sử đã có tên tuổi, hành động, việc làm được ghi trong sử sách. Đối với độc giả họ là những người quen biết cũ mặc dù người đọc chỉ biết về họ qua những ghi chép của các sử gia. Nhà tiểu thuyết phải làm thế nào biến các cá nhân lịch sử trở thành các nhân vật văn học có sức sống chứ không phải là triệu về những bức tượng vô hồn mà vẫn đảm bảo tính chân thực lịch sử, phù hợp với thời đại họ sống nhưng không quá xa lạ với người đọc. Nhà văn có quyền tưởng tượng, hư cấu, để xây dựng nhân vật một cách sống động nhất.

Với nhiều khía cạnh đặc sắc trong việc khám phá, sáng tạo về con người, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải được đánh giá là đã có những thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

3.2.1. Đặt nhân vật trong những tình huống thử thách ngặt nghèo

Dưới ngòi bút của Hoàng Quốc Hải, nhiều nhân vật bị đặt trong những tình huống thử thách.

Trần Thủ Độ trong Bão táp cung đình được xây dựng một hoàn cảnh lịch sử đầy nhạy cảm. Nhà Lý đã suy sụp đến cực điểm, không thể cứu vãn được. Vua Lý Huệ Tông đức mỏng, bất tài không thâu tóm được triều đình, không sai khiến được thiên hạ, khiến trăm dân nguyền rủa. Đi đến đâu cũng thấy cảnh tiêu điều, hoang phế. Ngả nào cũng có người chết đói, dịch bệnh tràn lan, giặc cướp, loạn lạc nổi lên khắp nơi, hai thế lực kình chống triều đình là Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn đang là mối đe dọa lớn.

Hoàn cảnh ấy đặt Trần Thủ Độ vào một tình thế bất khả kháng. Ông không thể tiếp tục trung thành và khuông phò nhà Lý bởi như vậy là ngu trung. Giết Huệ Tông là một điều tàn bạo, trong thâm tâm Trần Thủ Độ tự biết việc đối xử với vua như thế là bạo ngược nhưng ông đã phải dứt khoát với chính mình, tự nhủ phải lấy non sông xã tắc làm trọng. Nếu cứ giữ khư khư lấy điều thiện nhỏ thì chắc chắn sẽ phạm vào một tội ác lớn. Thái sư đã chọn con đường hại một người để cứu lấy muôn người. Xét trong hoàn cảnh đất nước năm bè bảy mối thì việc làm đó là vì đại nhân, đại nghĩa. Bởi nếu không khéo thu xếp mà để xảy ra huyết chiến thì cuộc tương tàn đến bao giờ mới kết thúc và đó sẽ là một vết nhơ trong lịch sử.

Các sử gia trung đại với quan điểm chính thống nhìn Trần Thủ Độ như là giặc của nhà Trần, một kẻ tàn bạo bất trung đáng khép vào tội khi quân loạn đảng, bức vua, cướp ngôi nhà Lý. Về đời tư, con người này cũng bị chỉ trích là dâm loạn, thất đức. Ngày nay, với cái nhìn dân chủ hơn, các nhà viết

sử không phê phán quá nặng nề song cũng chưa có một cách đánh giá khả dĩ về nhân vật.

Với những trang viết chân thực mà không kém phần biến ảo, Hoàng Quốc Hải đã xây dựng một nhân vật Trần Thủ Độ sinh động nhưng cũng rất gần gũi. Tác giả luôn cố gắng nhìn nhận nhân vật lịch sử này một cách khách quan nhất, đưa ra những đánh giá thật công bằng về một con người xuất hiện trong thời loạn lạc. Dưới sự phân tích tài tình của nhà văn, vị khai quốc triều Trần hiện lên là một con người lắm công, nhiều tội, vừa là người có tài thao lược, một anh hùng kiệt hiệt, biết dẹp những quyền lợi riêng tư để giữ nghiêm phép nước nhưng cũng là một kẻ gian hùng nhiều mưu mô sâu hiểm, một người làm ra lịch sử, tạo dựng cơ nghiệp nhà Trần bằng những việc làm mà từ trước đến nay chưa từng ai dám làm.

Hoàng Quốc Hải đã khắc hoạ một nhân vật lịch sử mà tính cách có cả ưu lẫn nhược điểm. Tác giả nhìn nhận công lao khai nghiệp nhà Trần của ông, thừa nhận việc thay đổi triều đại của Trần Thủ Độ là vì dân, vì nước, vì dòng họ Trần chứ tuyệt đối không vì lợi ích của bản thân song cũng không cố gắng biện minh cho những việc làm trái với cương thường đạo lý của nhân vật như gả công chúa Thuận Thiên là vợ Trần Liễu cho Trần Cảnh - em ruột Liễu trong khi nàng đang có thai với Liễu, rối chính Trần Thủ Độ cũng lấy Trần Thị Dung là chị mình và là vợ Lý Huệ Tông… Đặt nhân vật trong một hoàn cảnh đầy thử thách, Hoàng Quốc Hải vừa phê phán, vừa ngợi ca; nhìn nhận nhân vật khá khách quan và chân thật; công bằng phân tích tính hai mặt của nhân vật, đưa ra những kiến giải đúng đắn về một nhân vật còn gây nhiều tranh cãi. Điều này làm những người có “ghét” Trần Thủ Độ cũng không thể phản đối được, mà người có cảm tình với ông cũng không thấy khó chịu.

Nhân vật Trần Nhân Tông cũng được xây dựng theo hướng này. Những sự kiện trong lịch sử vẫn là những trụ bám để từ đó nhà văn triển khai ý tưởng riêng của mình. Những sự kiện đó được nhà văn hư cấu thêm tạo ra một hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ hết phẩm chất, trí tuệ. Một đấng quân vương mới có hai mươi bảy tuổi bị đặt trong một tình thế đầy cam go. Sứ đoàn Đại Việt do Trần Di Ái sang Yên Kinh cống tiến bị Hốt Tất Liệt giữ lại, lập ra triều đình bù nhìn, cử Sài Thung dẫn về Thăng Long cùng đội quân năm nghìn tên hộ tống. Đây là một cuộc bang giao có vũ trang, nếu vua tôi nhà Trần cưỡng mệnh sẽ là cái cớ để khơi ngòi cuộc chiến. Tình thế đó đòi hỏi nhà vua phải rất sáng suốt để khu xử cho khéo làm sao để cuộc chiến nổ ra càng chậm càng tốt vì lúc này ta chưa đủ lực để sẵn sàng nghênh chiến.

Đoán biết Sài Thung với danh nghĩa sứ giả sẽ đi trước còn triều đình bù nhìn núp bóng theo sau, Trần Nhân Tông đã gửi chiếu thư cho Hưng Đạo vương phải đón đánh bọn này ngay khi chúng đặt bước chân đầu tiên vào đất ta và bắt cho được bè lũ phản bội đem về trị tội và cử tướng quốc thái uý Chiêu Minh vương Trần Quang Khải lên tận biên ải tiếp rước đoàn sứ giả về Thăng Long vừa là một sự nhún nhường cũng là để giám sát không cho bọn chúng nghênh ngang dò xét nội tình nước ta từ biên thuỳ vào nội địa.

Sài Thung nghênh ngang, phách lối luôn tìm cớ để gây hấn, Nhân Tông nhún nhường nhưng không làm mất thể diện quốc gia. Những gì hắn đòi nếu không phạm vào quốc thể nhà vua đều đáp ứng. Còn như việc y đòi xây cầu vồng vắt qua cửa Dương Minh (là cửa chỉ có kiệu nhà vua và thượng hoàng được phép qua lại) để y vào đại điện thì tuyệt nhiên nhà vua không đả động gì tới. Đối với các yêu sách của nhà Nguyên như đòi quân trưởng tới chầu, nộp sổ kê biên dân số… Trần Nhân Tông cũng khéo léo biện bác để cự tuyệt: “Xin các hạ về tâu giùm thiên tử, tôi sinh trưởng ở chốn thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường lại nhọc lòng thiên

tử xót thương. Ngoài ra, con em từ bậc thái uý trở xuống cũng đều như thế cả. Còn như thiên tử lên ngôi đó là việc lớn của toàn thiên hạ, tiên quân tôi trước đây tuổi cao sức yếu không đi được đã cử sứ sang dâng biểu cùng các đồ phương vật tiến cống”[22, 204].

“Quả như lời các hạ nói. Nhưng nước chúng tôi tuy nhỏ, đáng gì để thiên tử bận tâm. Vả lại trong thôn ấp khó tìm ra được người thạo thông chữ nghĩa thì làm sao mà kê khai được. Nếu như đưa tất cả quan lại của triều đình đi làm việc này, phải gần hai chục năm mới xong. Tới lúc ấy còn ích gì nữa mà làm. Sợ sổ sách dâng lên không được như ý, chỉ làm thiên tử nổi giận”[22, 205].

Đây không phải một sự cự tuyệt trắng trợn mà chỉ xin với thiên triều thương tình soi xét gia ân. Mặc khác, vua sai biếu dâng Sài Thung thật hậu hĩnh để đẩy y vào thế khó xử.

Trong Huyền Trân công chúa, Trần Nhân Tông khi quyết định gả con gái về Chiêm cũng đứng trước sự phản đối cả triều đình. Hầu hết các đại thần đều muốn cất quân đòi lại miền đất hai châu Ô, Lý chứ không muốn gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Không mấy ai hiểu được cao ý của nhà vua là muốn “gây tình hoà hiếu cốt nhục để cùng nhau chống cái hoạ phương Bắc. Hai nước dựa vào nhau làm thế ỷ dốc để cùng trường tồn”[23, 215]. Họ cho rằng con vua một nước lớn, đang ở thế mạnh mà lại vô cớ đem gả cho một nước phên thuộc là một việc làm trái đạo.

Đặt nhân vật trước những thử thách như vậy, Hoàng Quốc Hải đã khắc hoạ nổi bật một ông vua sáng trong lịch sử.

Trong sử sách, chúng ta cũng chỉ biết đến một công chúa An Tư bị đem cống nạp cho Thoát Hoan để làm thuyên giảm nạn nước. Nhưng trong Thăng Long nổi giận, nàng công chúa này được xây dựng thành một nhân vật đầy đặn, có hình dáng, cá tính và đặc biệt được đặt trong một cảnh ngộ éo le.

Thoát Hoan ngang ngược đòi bằng được An Tư, triều đình bàn đến nát nước, các đại thần không dám quyết, hai vua băn khoăn, day dứt cuối cùng chẳng đi tới quyết sách gì. Tác giả đặt nhân vật vào một tình thế khó xử. An Tư buộc phải lựa chọn hoặc giữ trọn tình yêu hoặc đem thân vào chốn ô nhục để cứu vãn tình thế đất nước. Cuối cùng nhà văn để cho nhân vật gác tình riêng đền nợ nước.

Đưa nhân vật vào một hoàn cảnh tâm lí, Hoàng Quốc Hải đã sáng tạo ra một nhân vật An Tư với tính cách riêng sắc nét. Chỉ với vài chi tiết ít ỏi trong sử liệu, nhà văn đã tưởng tượng, hư cấu nên một nhân vật văn học giàu cá tính, tiêu biểu cho mẫu người phụ nữ biết hi sinh vì nghĩa cả.

Bằng việc xây dựng những tình huống thử thách, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã khiến cho các nhân vật không chỉ được nhìn trong các sự kiện, biến cố lịch sử mà còn được nhìn như những con người có tính cách, có đời sống và số phận riêng. Vì thế, nhân vật trở nên chân thực hơn, sống động hơn.

3.2.2. Đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật

Để khắc hoạ tính cách, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật. Đời sống nội tâm, tâm trạng, tình cảm của các nhân vật lịch sử không được các sử gia ghi chép nhưng đối với các nhà tiểu thuyết, nó lại là yếu tố quan trọng làm cho các nhân vật của tiểu thuyết sống động hơn chứ không phải là những cái xác cứng đờ.

Trong khi trần thuật, cùng với việc miêu tả ngoại hình, hành động, cử chỉ, tác giả luôn chú ý miêu tả tâm trạng nhân vật. Đọc tác phẩm người đọc cảm thông với những trăn trở của Trần Quốc Tuấn: “Nỗi xót xa cay đắng dâng lên nghẹn ứ lòng vị quốc công tiết chế. Quốc Tuấn tự hỏi, vậy là bấy lâu nay ta đã làm tất cả, mà vẫn chưa hoá giải được lòng nghi kỵ cố chấp của anh em Thánh Tông. Phần vì căm tức loài giặc dữ; phần giận mình chưa đủ lực quật ngã chúng ngay từ biên ải để nhà vua phải lận đận lo âu; phần tủi vì

nhà vua chưa cảm thông được với tình thế và nỗi gian truân của kẻ làm tướng. Việc đánh giặc đâu có như đánh bạc, dốc túi đánh một nước liều, được ăn cả ngã về không. Đánh giặc mà liều, là đem cả một dân tộc, một quốc gia dâng hiến cho chúng, và tự biến mình thành một tên hề của lịch sử”[22, 372]. Hay nỗi khắc khoải của nhà trí thức Chu Văn An: “Chu An đau buồn đến bực giận. Ông bỏ cơm tới mấy bữa liền. Rằng nước không phải không có người tài, chỉ vì người tài không được cất nhắc, xếp đặt đúng người, đúng việc. Chắc chắn sự dối loạn sẽ phát sinh từ bộ máy trái khoáy này, thế nước lâm vào suy yếu lại cũng từ bộ máy này”[24, 260]…

Những đoạn miêu tả tâm trạng như vậy không có trong chính sử. Nó góp phần làm cho con người trong tiểu thuyết lịch sử gần gũi với cuộc sống hơn, đời thường hơn, sống động hơn, tính chất văn chương của tác phẩm vì thế cũng đậm đà hơn.

Đối với một số nhân vật, tác giả sử dụng nhiều tâm lí, đi sâu miêu tả diễn biến tâm lí phức tạp để khắc hoạ nổi bật tính cách.

Viết về công chúa An Tư, Hoàng Quốc Hải đặc biệt quan tâm tới đời sống nội tâm của nhân vật. Sự băn khoăn đến rối dạ không biết phải làm một việc gì để hướng về cuộc bảo vệ giang sơn; nỗi ngậm ngùi tự thẹn khi thấy ngay cả bọn nàng hầu còn quan hoài đến vận nước trong khi mình chỉ ham mải các cuộc vui; tâm trạng lo lắng, âu sầu, nhớ nhung da diết khi không có tin tức gì của Chiêu Thành vương từ biên ải xa xôi, suốt ngày miên viễn, ủ dột đặt ra nhiều cảnh ngộ éo le, đêm về trằn trọc ôm gối, vò chăn tự vẽ ra mối sầu chinh phụ. Đặc biệt là tâm trạng nàng khi biết Thoát Hoan đòi cống nạp mình. An Tư: “đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan. Đêm nằm nhức nhối không sao ngủ được. Phần vì thương anh, thương cháu, thương nước, thương dân. Phần xót xa cho mối tình trong sáng giữa nàng với Chiêu Thành vương”[22, 441].

Diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật đã được nhà văn miêu tả rất chân thực và sâu sắc. Từ nỗi day dứt, xót xa đến sự rối bời không biết tìm ai, hỏi ai, không biết phải làm thế nào, coi như không biết hay vì nước mà dứt bỏ tình sâu nghĩa nặng? Cả sự dịu lòng, thanh thản của nàng sau khi tìm đến Chiêu Thành vương để kể hết nỗi niềm và sự khó xử của mình, nghe những lời gan ruột của chàng để rồi tự nguyện hiến mình cho nước.

Nhà văn không chỉ đưa ra một hoàn cảnh tâm lí mà còn sử dụng khá nhiều độc thoại nội tâm để diễn tả sự đau xót, giằng xé trong lòng An Tư, phân tích rất tinh tế những mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật, những chuyển biến logic của tâm lí dẫn tới diễn biến hành động làm cho tính cách nhân vật trở nên sắc nét.

Hoàng Quốc Hải cũng thành công khi thể hiện những nỗi niềm sâu kín của nhân vật Huyền Trân. Khi được vua cha bày tỏ về việc đã hứa gả nàng cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, nàng: “không hề có mặc cảm gì oán thán vua cha hoặc tiếc nuối cho thân phận mình mà chỉ thấy xót thương cho vua cha suốt một đời lận đận hết lo đánh giặc lại lo an dân. Nay muốn an thân nương mình nơi cửa Phật vẫn không đành lòng phó thác việc nước cho vương huynh và triều đình”[23, 168].

Biết chuyện các đại thần không thuận lắm với việc thượng hoàng quyết gả nàng về Chiêm, Huyền Trân rất tức giận. Công chúa tự nhủ: “Đây là việc làm ta tự nguyện gánh lấy chứ phụ vương và vương huynh ta không ép. Khốn thay cả triều đình mù quáng, chỉ có vài người hiểu được cao kiến của phụ hoàng. Ta quyết sẽ vì nền hoà bình trường cửu của Đại Việt và Chiêm Thành mà làm tất cả những gì cần thiết”[23, 217].

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của hoàng quốc hải trong bộ bão táp triều trần (Trang 68 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w