7. Cấu trúc của luận văn
2.2. Nghệ thuật phục dựng không gian văn hoá lịch sử trong Bão táp triều Trần
táp triều Trần
Từ trước đến nay, qua tư liệu, sử sách và văn học, chúng ta ít nhiều có những hiểu biết về quá khứ nhưng dường như đó chỉ là những hiểu biết mơ hồ, đứt gẫy. Vì vậy, các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử không thể không dựng lại bối cảnh của thời đại. Trong Bão táp triều Trần, bằng năng lực hư cấu và tưởng tượng cùng với vốn kiến thức, vốn văn hoá uyên thâm phong phú, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phục dựng cả một xã hội xưa, khôi phục lại diện mạo, linh hồn của thời đại nhà Trần. Xuyên suốt tác phẩm là một không khí cổ được dựng lại qua việc miêu tả không gian cung đình, không gian chiến trận và bức tranh thiên nhiên đất nước.
2.2.1. Phục dựng không gian cung đình
Bão táp triều Trần là tiểu thuyết lịch sử về một triều đại phong kiến. Vì vậy, không gian chính trong tác phẩm là không gian cung đình. Không gian này trước hết được hiện lên qua khung cảnh của những cung điện được xây cất và trang hoàng rất kỳ công: “Nóc điện cao gần bằng tháp Báo Thiên, là ngọn tháp cao nhất Thăng Long hồi đó. Cũng trên nóc điện ấy đắp hai con rồng, vây cẩn toàn bằng ngọc bích, hai mắt là hai viên ngọc minh châu, chầu về chiếc mặt nhật bằng vàng hình lá đề to bằng cái mẹt, giữa cẩn một viên hồng ngọc to như cái đấu. mái điện lợp ngói lưu ly men vàng…”[24, 103]. Trong nội thất thì “Ánh sáng trắng như ban ngày mà không thấy một ngọn bạch lạp nào. Thềm điện lát bằng gỗ gụ đánh bóng. Các khe ghép giữa hai mảnh ván là trầm hương xẻ mỏng ép vào. Vì vậy, trong điện không đốt trầm, không có hương khói mà mùi cứ thơm ngào ngạt. Quanh bốn vách tường cao trên độ hơn gang tay, cũng ghép gỗ thơm như thế. Từ ghép gỗ ép tường phía trên, bao kín bốn mặt tường là những tấm gương có chiều cao bằng nửa thân người… Xung quanh điện kê tám chiếc án với tám màu sắc, kiểu dáng khác
nhau và mười sáu cái đôn sứ cứ hai chiếc một cùng màu với chiếc án. Án được cẩn bằng những thứ ngọc quý. Trên mỗi án có một lọ hoa, trong đó cắm những thứ hoa lá khác nhau… Lùi dần về góc phía tây nội điện kê một chiếc long sàng, trên trải nệm gấm và chăn gối tinh nguyên, thơm phức. Ở đây không giăng màn the mà chỉ có bức bình phong sáu tấm có thể dồn khép lại, hoặc kéo dài, che lửng được hai mặt long sàng…”[24, 114].
Phải nghiên cứu rất công phu và có một hiểu biết kỹ lưỡng về xã hội xưa thì Hoàng Quốc Hải mới có thể miêu tả tỉ mỉ khung cảnh điện Song Quế như thế. Những khung cảnh vàng son lộng lẫy, kiến trúc nguy nga tinh tế ấy không chỉ cho chúng ta thấy lại một công trình kiến trúc của thời đại đã lùi xa vào dĩ vãng, sự khéo léo, tinh xảo của bàn tay người thợ tài hoa xưa mà còn cho thấy sự xa hoa của Dụ Tông và bọn gian thần.
Con người bao giờ cũng giữ vị trí trung tâm của mọi thời đại. Cách ăn mặc, đi đứng, nói năng của họ trở thành một khía cạnh quan trọng mang dấu ấn thời đại. Ngôn ngữ, cách xưng hô của các nhân vật như “tâu”, “bẩm”, “bệ hạ”, “quan gia”, “thượng hoàng”, “trẫm”, “các khanh” hay những trang phục của vua quan, tướng lĩnh, công chúa như “bộ áo hoàng bào, trước ngực thêu hai con rồng chầu cái mặt trời đỏ choé, lại đính thêm viên hồng ngọc to bằng chiếc trứng chim sâu, và loáng thoáng vài gợn mây thêu ngũ sắc”[24, 20]; “Quang Khải vận áo bào thượng tướng. Hình hổ phù thêu trước ngực gắn đôi mắt ngọc lấp lánh hào quang như mắt thật và những chiếc móng sắt dữ dằn. Thượng tướng đội mũ trụ dát vàng, lưng dắt thanh bảo kiếm chuôi ngọc nạm vàng, chân đạp đôi hia màu tím sẫm thêu chim phượng trắng”[22, 304]; công chúa An Tư “vận bộ quần áo bằng nhiễu tím thêu những con phượng hoàng màu kim tuyến. Lưng thắt một chiếc đai da rái cá có đính mấy viên ngọc lưu ly toả sáng. Ngay lưng dắt một thanh đoản kiếm. Chân đi đôi hia màu xanh
thêu đôi hạc trắng mỏ đỏ”[22, 172]… là các phương diện mà nhà văn đã sử dụng để làm sống lại diện mạo cổ xưa trong sáng tác của mình.
Tác giả còn tái hiện không gian của một xã hội phong kiến phương Đông xưa qua các hoạt động trong đời sống cung đình như sinh hoạt của vua chúa với những bữa điểm tâm mà Hoàng Quốc Hải miêu tả: “Ba mươi hai món bầy kín trên hai chiếc mâm đồng chạm lộng sáng loáng, mỗi món một màu sắc và cảnh vẻ như một món đồ chơi. Ví như món khai vị làm bằng thịt nai rừng giã nhuyễn, trộn với gia vị viên tròn, ngoài bọc lòng đỏ trứng tráng mỏng như giấy hoa tiên, nhồi vào trong những chiếc nấm hương chỉ to bằng chiếc cúc áo. Rồi thả vào nước đã hầm tắc kè núi đá và hạt bạch liên, múc vào những chiếc bát men, chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, mỗi bát độ dăm bảy viên. Lại như món “thất hồng ngọc”, dùng trứng chim quốc luộc lên lấy lòng đỏ, ngâm với mật ong rừng bảy ngày đêm, lấy long nhãn bọc ngoài, nấu với đường phèn và thả vào mấy sợi yến sào để làm món ăn tráng miệng. Bát chè trong vắt với sắc trắng của nước đường, ngả sắc xanh của cùi nhãn, và sắc đỏ của loài yến huyết, nom đẹp như mấy nét vờn trong tranh thuỷ mạc”[24, 350]…
Hay những buổi thiết triều, các cuộc tiếp sứ, khung cảnh bữa tiệc đại yến trong vườn ngự uyển vua ban cho các bậc đại khoa: “Trước khi vào dạ yến, quan chủ khảo dẫn các người đậu tam khôi vào vào lạy vua. Đi đầu là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, tiếp đến là bảng nhãn Bùi Mộ, sau rốt là thám hoa lang Trương Phóng”[23, 208]...
Tất cả đã đem lại cho người đọc những hiểu biết sâu sắc về đời sống xưa.
2.1.2. Phục dựng không gian chiến trận
Phương diện thứ hai góp phần tạo nên không khí lịch sử cho tác phẩm là không gian chiến trận. Bão táp triều Trần chứa đựng những không gian chiến trận sinh động, mang đậm tính sử thi.
Trong các cuốn Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận,Huyết chiến Bạch đằng có trong tay những tài liệu lịch sử rất đầy đủ cộng với những kiến thức về quân sự, tác giả đã dựng lại những bức tranh toàn cảnh ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông của dân tộc với những chiến thắng ghi đậm dấu ấn võ công oanh liệt của nhà Trần.
Đọc tác phẩm, người đọc được theo dõi biến của các cuộc chiến như thể nó vừa diễn ra trước mắt. Đây là trận giao chiến giữa quân Trần và quân Nguyên ở Nội Bàng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai: “Mặt trời càng lên cao, hai bên càng đánh nhau quyết liệt. Khi giặc lọt vào khe hẻm núi rừng có quân phục kích, thường là chúng không lùi, lớp trước ngã, lớp sau vọt lên. Gặp khi có bẫy đá từ trên hai sườn núi lăn xuống, quân giặc chết như ngả rạ. Chúng không lấy xác nhau, không lấy cả khí giới mà dùng thây người và ngựa làm vật lót đường đi. Chỗ nào có thể đặt được hoả pháo, hay thạch pháo, chúng chôn bệ bắn như mưa vào quân ta. Nhưng phần nhiều chúng bắn vào sau lưng bọn kỵ binh, bộ binh nhà để xua bọn kia tiến nhanh hơn. Quân ta kịch chiến với quân giặc thế đã hơi núng. Hưng Đạo bèn cho lui trung quân lại phía sau hơn mười dặm. Quân ta cự địch suốt từ đầu giờ Sửu tới cuối giờ Thìn, giết có tới hàng nghìn tên giặc trước cửa ải. Máu người, máu ngựa chảy thành dòng lênh láng trên mặt đất. Máu nhuộm đỏ tím cả một vùng cây cỏ. Mùi máu tanh lợm. Mùi khói toả cay xè. Từng cơn lốc bụi bởi người ngựa quần đảo bốc lên phủ kín cả một vùng trời. Lại ầm ầm trong đó tiếng ngựa hí dài, tiếng hò la thét lác, tiếng rống như tiếng bò bị chọc tiết của những tên lính Mông Cổ trúng lao. Tiếng rên, tiếng khóc của những tên bị thương chưa chết hẳn, tiếng thét thất thanh của những tên bị đá đuổi chưa kịp tránh thì ngựa giẫm trúng mặt. Thúc giục hơn cả là tiếng kèn xung trận của quân Mông – Thát. Nhưng chắc khoẻ hơn, vang xa hơn vẫn là tiếng trống đồng của quân ta ném vào mặt quân thù lớp lớp những sóng âm như búa bổ. Tất cả những âm thanh, màu
sắc mùi vị đó, đều chìm trong trăm ngàn ngọn lửa reo phần phật cùng với tiếng tre nứa, chum vại nổ lép bép, lốp đốp từ vạn mái nhà do dân tự đốt, khi quân triều đình vừa rút khỏi. Thế là trận tuyến lửa ngăn giữa quân ta và quân thù đùng đùng nổi dậy và khói nung chín đen cả một vùng trời”[22, 366]…
Nhiều cuốn sách lịch sử đã viết lại những sự kiện lịch sử hào hùng này nhưng cái làm cho Bão táp triều Trần khác các cuốn ghi chép lịch sử là ở chỗ tác giả không đơn thuần liệt kê các sự kiện, mà miêu tả các trận đánh, các giai đoạn tấn công, phản công, cách bài binh bố trận một cách rất cụ thể, sinh động; sáng tạo thêm việc xử trí lực lượng giữa hai bên; thế trận giằng co, kháng cự giữa ta và địch. Nhà văn còn chú ý đến cả suy nghĩ tâm trạng của những người tham dự cuộc chiến. Ví dụ như sự đau lòng của Trần Quốc Tuấn khi thấy cảnh vua tôi lam lũ, sự tức giận của tướng giặc là A-lí-hải-nha khi mắc mưu Hưng Đạo, hay sự kính nể của y với quốc công…
Với niềm tự hào và ngưỡng mộ các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, Hoàng Quốc Hải đã tạo nên những trang viết vừa đạt độ chân xác về lịch sử vừa đậm chất văn chương, đầy hào khí, khích lệ lòng tự tôn dân tộc.
Không khí chiến trận thời xưa còn được Hoàng Quốc Hải tái hiện một cách chân thực và sống động qua cảnh ra trận của vua Trần Duệ Tông “Mười hai vạn quân đổ lên đen kịt cả một vùng bờ biển bao la, không có một đạo quân Chiêm Thành nào dám chống cự. Vua sai lập trại trước động. Tiền quân hiệu uý do đại tướng Đỗ Lễ; tả hữu rực do các tướng Nguyễn Nạp Hoà, Phạm Huyền Linh đảm trách. Vua thân giữ trung quân có Ngự câu vương Húc con thứ của thượng hoàng Nghệ Tông dưới trướng. Lại thêm các tướng Trần Trung Hiếu, Trần Thế Đăng, Trần Khắc Trấn, Bùi Ba Nang, Hoàng Phụng Thế, Lê Mật Ôn, Ôn Dã Kha, Nguyễn Kim Ngao, Nguyễn Tiến Luật… quản các vệ quân Thiên đình, Bảo tiệp, Thần dực, Thần sách, Thánh
dực, Thiên uy, Thị vệ, Thần vũ… theo hầu nhà vua. Đỗ Tử Bình lĩnh hậu quân; Lê Quý Ly đốc quân tải lương ở mãi phía sau”[24, 304].
Hay trận quyết chiến giữa Trần Khát Chân và Chế Bồng Nga: “Lập tức Trần Khát Chân cho bắn hoả pháo vào chiếc thuyền có màu xanh sẫm. Thế là từ hai bên bờ sông, các loại song sảo pháo, ngũ sảo cự thạch pháo ào ào bắn vào tiêu mục đã xác định. Rồi tứ phía, nỏ cứng, tên độc nhất tề trút xuống như mưa giông chớp giật”[24, 453], “Chế Bồng Nga chết bởi hàng loạt mũi tên bắn ghim chặt ông vào mạn thuyền. Nhiều mũi tên xuyên qua cổ qua đầu, xuyên từ cả phía trước ngực và cả phía sau lưng, ghim đứng ông vào mạn thuyền”[24, 454].
Bằng tài năng văn chương, Hoàng Quốc Hải đã dựng lại một cách sống động khung cảnh chiến trận với đầy đủ những sự kiện chính, những chi tiết tiêu biểu và không khí của thời đại; biến những dòng sử hoá thạch thành những trang viết giàu cảm xúc.
2.1.3. Miêu tả bức tranh thiên nhiên đất nước
Bão táp triều Trần còn có nhiều trang viết hay về thiên nhiên đất nước. Nhiều phong cảnh đẹp, phảng phất cái hồn đất Việt đã hiện lên qua cảm nhận tinh tế của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Đó là khung cảnh Thăng Long ở thời khắc cuối đông: “Tháng chạp, Thăng Long lạnh giá, cây cối lá rụng thưa dần. Các cây bàng, cây sầu đông lấp ló phía sau những mái nhà tranh, cành lá trơ trụi như đang thu mình sởi hơi ấm từ các mái rạ bốc lên lờ mờ như sương, như khói”[22, 341].
Nhưng sang xuân, lại là một Thăng Long mang vẻ đẹp tươi mới, tràn đầy sức sống: “Sau lễ thượng nguyên rồi mà trong các ngõ xóm, các vườn nhà, đào, mai vẫn còn phô sắc thắm. Nhất là trong vườn ngự uyển, thôi thì đủ sắc, trăm hồng ngàn tía. Đào phai, đào thắm xen lẫn hồng trà, bạch trà, hải đường. Lại có cả hoàng mai, bạch mai điểm xuyết một cách kín đáo nhưng
không kém phần rực rỡ. Và kia, những khóm quất, quả còn sai trĩu trịt, thắm một màu vàng. Nhưng các cành nhánh lại bật nở những nụ hoa trắng phau như những hạt bỏng thoang thoảng đưa hương. Hương quất, hương bưởi, hương nhài, hương lan, cùng các loài hoa thơm khác hoà quyện với nhau. Và gió đem mùi thơm đi khắp kinh thành”[21, 311].
Với ngòi bút bay bổng, dạt dào cảm xúc, nhà văn đã dựng lên trước mắt ngưòi đọc những bức tranh thiên nhiên đất nước, từ phong cảnh Thăng Long đến những cảnh yên ả, bình dị nơi thôn dã với “những trà ngô trổ hoa trắng trời, những trà lúa mơn mởn xanh chạy tít tắp từ xa tơi tận mép sông… Bầu trời xanh thẳm cao vời vợi, mấy cánh cò trắng dập dờn trong sóng nắng gợi một cái gì vừa trong trẻo thanh bình, lại vừa cao khiết nơi con người. Phía xa kia hiện lên một dãy núi xanh mờ. Đỉnh núi mây trắng đùn lên ngùn ngụt”[21, 175]. Và cả khung cảnh hùng vĩ của miền rừng núi Đà Giang xa xôi: “Trời quang, mây tạnh, chim hót, vượn kêu, tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng gió ngàn reo…”, “đang đi giữa một ngàn hoa trắng, tưởng phải trải đến vô tận nhưng vừa chớm ngoặt sang một nẻo đường quanh, lại đột ngột hiện ra một khung cảnh khác lạ. Đó là một khu rừng già với những cây cổ thụ thẳng tắp, thân cao vời vợi, muốn nhìn thấu ngọn cây phải ngả người ra phía sau, chóng cả mặt. Cây nào, cây ấy to đến mấy người ôm không xuể. Đúng là rừng trong cảnh, cảnh trong rừng”[22, 62].
Tác giả còn đưa người đọc trở về với khung cảnh mỹ lệ, nguyên sơ của dòng sông Hương qua những trang văn mượt mà, đầy chất thơ: “Dòng sông như một dải lụa xanh bất tận, chia thung lũng làm hai phần. Rực rỡ nhất là hai bên bờ, hoa lốm đốm đủ màu, nom có vẻ như hai bờ của một dải sông ngân”[23, 251], “càng ngược lên thượng nguồn, dòng sông càng hẹp dần, nhưng hương thơm đặc sánh tới mức mọi người đều có ý ngồ ngộ: con thuyền đang đi trên một dòng mật ngọt giữa hai bờ hoa thơm. Không có ai có
thể đếm hết được các loài hoa, cũng như không thể biết hết tên gọi của các màu hoa. Trên hai bờ, không chỉ có hoa dại thân mềm mọc cao hơn mặt đất dăm bảy gang tay mà có cả rừng hoa với những thân cao to tới mấy người ôm. Càng lên sát thượng nguồn, càng nghe rõ tiếng rì rầm của bướm, của ong. Đôi lúc, có những đàn bướm bay rợp dòng sông, khiến người trên thuyền ngờ rằng một lốc xoáy vừa ập đến, đã bốc cả ngàn hoa ném lên không trung” [23, 252].
Có khi, thiên nhiên được miêu tả qua cảm nhận của nhân vật: “Gió xuân hây hẩy, hơi xuân ấm áp, thật là một ngày tốt trời. Công chúa khẽ hé rèm nhìn quang cảnh phố phường. Đúng là từ tết Đại nguyên, hôm nay trời mới hửng nắng. Sóng nắng như còn đang ngập ngừng, như còn e ngại trước uy quyền ngạo nghễ của thần băng giá nên chưa ào ạt tuôn chảy xuống mặt đất như những ngày cuối xuân đầu hạ. Mới vậy thôi cũng đủ cho muôn vật hồi sinh. Cây cối trong các vườn nhà đã bật nẩy những chồi non, lá nõn.