Nghệ thuật kết cấu

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của hoàng quốc hải trong bộ bão táp triều trần (Trang 61 - 68)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1. Nghệ thuật kết cấu

Kết cấu là phương tiện cơ bản của sáng tác nghệ thuật và được xem như một phương diện hình thức của tác phẩm. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kiểu kết cấu nhất định tuỳ thuộc vào đặc trưng thể loại. Kết cấu tác phẩm được hiểu là “toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật và nhiệm vụ nghệ thuật cụ thể mà nhà văn tự đặt ra cho mình”[43, 295]. Như vậy, kết cấu không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng trong tác phẩm.

Đối với thể loại tiểu thuyết lịch sử thì các nhà văn truyền thống thường tái hiện bức tranh hoành tráng của dân tộc trong quá khứ, qua đó thể hiện thái độ ngưỡng vọng, tự hào của người viết. Các tác giả này mong muốn tác phẩm của mình sẽ là tư liệu lịch sử sinh động, góp phần “truyền lửa” cho hậu thế. Họ quan niệm tiểu thuyết lịch sử phải trung thành tuyệt đối với những ghi chép trong chính sử. Chính quan niệm và mục đích sáng tác này đã chi phối đến hình thức kết cấu tác phẩm. Hình thức kết cấu phổ biến của các tác phẩm này là viết theo lối ghi chép biên niên.

Đi theo lối kết cấu truyền thống nhưng Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải không đơn thuần chỉ là sự ghi chép, minh họa lại các sự kiện, biến cố lịch sử. Nội dung tác phẩm được triển khai theo trình tự thời gian, ít có sự xáo trộn. Các câu chuyện được kể theo dòng sự kiện, đi theo những cái đã biết nhưng người đọc vẫn nhận thấy ở đó dấu ấn sáng tạo của nhà văn.

3.1.1. Tạo tính độc lập cho từng tập và tính chỉnh thể của cả bộ sách

Bão táp triều Trần là một bộ tiểu thuyết lịch sử chứ không phải một cuốn tiểu thuyết liên hoàn. Sáu tập có sự khởi đầu và kết thúc theo văn bản, mang các tựa đề khác nhau, mỗi tập phản ánh một giai đoạn lịch sử. Vì thế, mỗi cuốn sách có tính độc lập tương đối, tách riêng ra mỗi tập hoàn toàn có thể trở thành một cuốn tiểu thuyết độc lập. Nếu độc giả không có trong tay trọn bộ mà chỉ đọc riêng từng quyển vẫn nắm được trọn vẹn giai đoạn lịch sử mà tác phẩm phản ánh.

Nhưng nếu chúng ta đọc cả sáu tập theo thứ tự Bão táp cung đình, Đuổi quân Mông Thát, Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng, Huyền Trân công chúa, Vương triều sụp đổ thì sẽ có một cái nhìn đầy đủ, hệ thống về cả một triều đại lịch sử tồn tại suốt gần hai thế kỷ. Mặc dù các tập không được viết lần lượt, tuần tự theo thời gian từ trước đến sau mà vào những thời điểm khác nhau nhưng sự sắp xếp đó của tác giả không hề tỏ ra khiên cưỡng mà trái lại nó tạo ra một sự liên tục, một chỉnh thể hài hoà. Câu chuyện lịch sử trở nên liền mạch và hoàn chỉnh.

Mỗi cuốn sách là một câu chuyện riêng gắn với những diễn biến lịch sử khác nhau song nó đều xoay quanh trục chính là vương triều nhà Trần. Các lát cắt ghép lại với nhau tạo thành một bức tranh tổng thể, bao quát gần như tất cả các sự kiện chính, các nhân vật chủ chốt của triều đại.

Với lối dựng chuyện này rất riêng này, tác giả đã tạo được tính độc lập cho từng tập và tính chỉnh thể cho toàn bộ sách. Đây chính là điểm độc đáo của bộ tiểu thuyết lịch sử này.

3.1.2. Tạo mối liên kết nhuần nhị giữa các tiểu vùng không gian

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không có hình tượng nghệ thuật nào lại không có không gian và không có nhân vật nào lại không xuất hiện trong một nền cảnh nào đó. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định của tác giả về cuộc sống.

Không gian nhân vật là một yếu tố của hệ thống không gian nghệ thuật. Không gian nhân vật giúp người đọc cảm nhận được dấu ấn của từng cá nhân trong tác phẩm văn học. Ở Bão táp triều Trần có rất nhiều các tiểu không gian gắn với tính cách, cá tính của các nhân vật khác nhau.

Trần Ích Tắc là một người có đầu óc thông tuệ khác thường, một con người tài hoa bậc nhất kinh thành được biểu hiện qua không gian của một dinh phủ đẹp và sang quý nhất Thăng Long. Nhưng từ việc xây cất dinh thự đến trồng tỉa cây cảnh, cách bài trí, sắp đặt khuôn viên cũng thể hiện một nét tính cánh khác của con người này. Chỉ cần bước qua vườn cây cảnh, nhìn ngắm những đôn chậu, và các loài cây, thế cây khách có thể đoán được tính tình của chủ nhân. Đó là tính phô trương, sự xa hoa, kênh kiệu, hiếu thắng và cả khát vọng muốn ở ngôi quân trưởng.

Những tướng tài dũng lược như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản thì không gian hành động của nhân vật là ở những bãi tập với những ngựa chiến, thuyền chiến, voi trận hoặc ở ngoài chiến trận với những binh đao máu lửa.

Một ông vua ăn chơi trụy lạc, phóng đãng như Dụ Tông không mấy khi xuất hiện ở những nơi triều chính mà luôn gắn liền với những khung

cảnh đàn phách rộn ràng, xốn xang của các trò diễn hoặc trong cảnh lầu son điện ngọc với “những chiếc long sàng trải nệm gấm, tấm màn the buông rủ và phía ngoài che hờ một bức bình phong”[24, 17].

Người đã chán thời thế và có cái chí muốn đi ở ẩn như Trần Nguyên Đán lại gắn với những khung cảnh thiên nhiên đượm vẻ thanh tao, Thanh hư động của ông giống như là nơi tu tĩnh của các bậc tiên thánh. Đường lên động trải qua ba con đường. Đầu tiên là Tiểu lộ tùng. Đây là con đường nhỏ uốn lượn quanh co theo dòng suối. Đường lên theo các bậc thang được xếp đá phẳng phiu, hai bên đường là hai hàng tùng thẳng tắp. Qua rặng tùng là vào Đào hoa lộ. Đây là con đường trồng thuần một giống đào Mẫu Sơn nở hoa vào giáp tết, hoa dải tới Thượng Nguyên thì kết trái, trái to bằng nắm tay, thơm ngon kỳ lạ đem cất rượu có mầu hồng, hương thơm, vị đậm, thường gọi là Bồ đào mỹ tửu. Con đường càng dẫn lên cao thì tầm mắt càng mở rộng. Bầu trời bao la, rừng núi điệp trùng. Khung cảnh đẹp như một khuôn tranh, loáng thoáng đó đây dựng lên những mái đình lục giác, bát giác, cột gỗ, lợp tranh nom vừa mộc mạc vừa thanh tao. Đi hết Đào hoa lộ lại đến

Mai hoa lộ. Những cây mai khẳng khiu thân cành nhuốm màu nâu mốc, tưởng như nó từ khe đá mộc lên. Vào mùa sương móc, hai con lộ này phô sắc thắm đỏ và trắng tuyết làm cho cảnh động trở nên rực rỡ. Ấy là chưa kể đến những vạt kim cúc, phơi màu vàng óng như tơ tằm vào mỗi độ thu sang.

Trong tác phẩm tương ứng với những nhân vật khác nhau sẽ có rất nhiều các tiểu không gian khác nhau nhằm khắc hoạ tính cách nhân vật. Hoàng Quốc Hải đã xem việc mô tả không gian nghệ thuật như là một biện pháp hữu hiệu để tô đậm cá tính nhân vật.

Ngoài không gian nhân vật, trong Bão táp triều Trần còn có các tiểu vùng không gian địa lý. Các nhân vật và sự kiện rải rác trên nhiều không gian khác nhau từ Đại Việt sang Yên Kinh rồi đến cả vương quốc Chiêm

Thành xa xôi với cuộc viếng thăm của vua Trần Nhân Tông, cuộc nam chinh của vua Trần Duệ Tông; từ kinh thành Thăng Long đến các vùng Yên Sinh, Thiên Trường, Đà Giang, Yên Tử…

Khi viết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, tác giả đã miểu tả diễn biến chiến sự ở tất cả các nơi từ các vùng Nội Bàng, Chi Lăng về Vạn Kiếp, Thiên Trường, Trường Yên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hàm Tử, Tây Kết… đều được tác giả miêu tả tạo nên cả một mặt trận quy mô.

Thành công của Hoàng Quốc Hải là đã tạo được sự liên kết nhuần nhị giữa các tiểu vùng không gian từ đó tạo sự móc nối, liên hệ giữa các nhân vật, sự kiện trong tác phẩm, tạo sự liền mạch, hoàn chỉnh cho đời sống quá khứ.

3.1.3. Xử lý mối quan hệ giữa cái tất yếu và cái ngẫu nhiên

Để khắc phục những hạn chế của hình thức kết cấu biên niên và tránh sự nhàm chán cho người đọc, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã xử lí hài hoà mối quan hệ giữa cái tất yếu và cái ngẫu nhiên để tạo ra sự hấp dẫn trong cách kể chuyện, xâu chuỗi các sự kiện với nhau một cách hợp lí và lôgic.

Ví dụ, với một con người kiệt hiệt và mưu lược như Trần Thủ Độ thì cơ đồ nhà Lý về tay nhà Trần là một tất yếu lịch sử nhưng việc để Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Hoàng, sau đó để Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh là một điều ngẫu nhiên. Sau khi ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út là Lý Chiêu Hoàng, quan phụ quốc thái uý Trần Thừa bèn hoạch định một số chính sách như lấy danh nghĩa đấng quân vương, xuống chiếu chọn con em nhà Trần xung vào các sắc dịch trong nội cung, Trần Cảnh (con nhỏ của thái uý, mới tám tuổi) cũng được bổ làm chánh thủ, thăng Trần Thủ Độ làm tri thành nội ngoại chư quân sự thâu tóm trong tay hầu hết binh lực. Điều bất ngờ là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh lại quyến luyến nhau. Và chỉ từ những câu nói tình cờ của Trần Thị Dung và Trần Thừa mà Trần Thủ Độ đã

nảy ra một ý định và tương kế tựu kế làm một cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử dưới hình thức của một trò chơi con trẻ. Chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai là điều tất yếu vì trước đó quân dân nhà Trần đã có tới hai năm để chuẩn bị lương thực, vũ khí, binh hùng tướng mạnh, khích lệ khí thế trong dân và binh sĩ. Nhưng chiến thắng đó cũng có sự góp mặt của không ít những yếu tố ngẫu nhiên.

Đó là việc Yến Ly – một cô gái người Tống vốn là con nhà đại gia vọng tộc ở Yên Kinh, loạn lạc chạy sang ta và trôi dạt tới phủ Chiêu Quốc vương. Công chúa An Tư cảm mến nên xin về làm bạn. Sau này, Hưng Đạo vương thương xót giúp trở về đoàn tụ gia đình. Tình cờ Yến Ly bị Sài Thung tiến dẫn làm tì thiếp cho Thoát Hoan nên đã biết được nhiều thông tin cơ mật. Tất cả những tin tức ấy lập tức được chuyển đến Đỗ Vỹ - người của ta đang hoạt động gián điệp trên đất Yên Kinh. Nhờ vậy mà quân dân nhà Trần mới nắm được tình hình và có sự chuẩn bị cũng như ứng biến kịp thời.

Dưới ngòi bút của Hoàng Quốc Hải, cuộc chiến diễn biến với đầy những bất ngờ. Lúc đầu Hưng Đạo vương dự liệu nếu quân ta đủ sức cản giặc từ biên ải, thì trung quân sẽ tiếp ứng đánh bật chúng trở lại đất Nguyên. Nhưng tình thế thay đổi, giặc liều chết đánh vào như lũ thiêu thân, thêm nữa binh lực chúng hùng hậu, binh sĩ của ta đang gồng sức lên đánh giặc. Đó lại là điều đáng lo vì ta đang cần bảo tồn lực lượng hơn là tung quân ra đánh giữa lúc sức giặc đang cường. Hưng Đạo đang căng mắt nhìn tấm bản đồ “bỗng ông hình dung ra một dải đê cao vút và một dòng sông đầy ắp nước, gió mưa vần vũ, sóng vỗ ào ào, nước sông réo sôi như có cả trăm ngàn loài thuỷ quái đang nổi cơn cuồng nộ. Rồi áo một tiếng như trời long đất lở, một mảng đê vỡ. Và chỉ trong chốc lát, chúng đã nuốt phăng cả một dải đê dài lút mắt. Nước trắng trời”[22, 351]. Ảo giác đó vô tình đã gợi ý cho quốc công kế sách đánh giặc đó là vừa đánh vừa lui nhưng không được để quân tan vỡ để

dàn mỏng lực lượng của địch. Lúc này, thế giặc không khác gì một con lũ lớn nếu ta mở nhiều cống cho giặc tràn đi khắp các ngả thì đê sẽ không vỡ. Khi giặc tiến đánh Nội Bàng ta vừa đánh lại vừa lui về Vạn Kiếp vừa để tập cho quân quen dần với chiến trận, quen với kể thù thiện chiến vừa để tạo sở hở cho địch. Nếu giặc đánh tới ba trận mà trận nào cũng ưu thắng, ắt cả tướng lĩnh và binh sĩ của chúng đều tự phụ coi thường ta, khinh mạn ta và tin rằng chúng là đạo quân vô địch. Khi chúng sơ hở ta mới đánh và làm xoay chuyển cuộc cờ.

Khi giặc đang bị rơi vào cảnh bị bao vây, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang dự liệu một thế trận to lớn nhằm đuổi giặc ra khỏi Thăng Long thì Toa Đô phá vỡ ải Nghệ An. Thế giặc như nước vỡ bờ đang tràn ra Thanh Hoá. Bọn Chương Hiến hầu Trần Kiện, Lê Trắc phản bội dẫn giặc đi các đường hẻm đánh úp quân ta gây thiệt hại lớn cho quân và làm nản lòng binh sĩ. Trần Ích Tắc và nhiều kẻ khác cũng ra đầu hàng. Tình thế mỗi ngày một bức bách. Trần Thánh Tông phải gạt nước mắt để An Tư sang trại giặc.

Nhưng vào Thăng Long, An Tư vô tình lại gặp được Yến Ly lúc này đã trở thành tì thiếp của Thoát Hoan. Hai nàng đã góp sức đánh giặc bằng cách dụ cho giặc đắm chìm trong tửu sắc trở nên hao mòn, bạc nhược, ý chí nhụt dần.

Cũng vừa lúc mùa hè đến, thời tiết khác thường, mưa nhiều, nắng ít, lụt lớn làm phát sinh nhiều loại bệnh, loáng thoáng đã có vài trăm tên giặc chết vì các bệnh thời khí như trướng bụng, ỉa chảy, đau lưng, nhức xương, sốt rét cùng các loại cảm mạo. Số còn lại đứa nào không ốm cũng mệt mỏi, tinh thần bải hoải, chân tay không muốn cử động. Người đã vậy, ngựa của chúng cũng không hơn gì. Lũ ngựa chiến Mông Cổ quen ăn loại cỏ thảo nguyên ngọt và thơm. Nay thứ cỏ khô trong kho giặc đã cạn, chúng phải gậm loài cỏ tranh, cỏ gừng, cỏ chỉ, cỏ màn thầu của ta vừa ngắn ngủn vừa đất cát bụi

bặm, chát đắng. Không quen thung thổ lại gặp thức ăn lạ nên con nào con ấy đứng gục dầu lắc bờm, quật đuôi đuổi ruồi và ra khỏi tầu là lội bì bõm, lầy thụt, nhiều con không đủ sức nhấc chân lên nữa nói gì đến chạy. Kỵ binh với bộ binh như thế, đám thuỷ binh cũng chẳng hơn gì. Thuyền thì nhỏ bé ọp ẹp nhiều cái quân ta đã bỏ chúng đem sửa lại, lính thì suốt ngày nôn mửu lại sợ nước, nhiều đứa còn không biết bơi. Sức chiến đấu của giặc đã suy giảm. Khắp các mặt trận giặc lại rơi vào thế thất lợi. Quân ta thừa thế mở một loạt các cuộc tiến công và tiến vào giải phóng Thăng Long.

Nhiều yếu tố ngẫu nhiên đã được nhà văn hư cấu thêm và xử lí một cách hài hoà làm cho các sự kiện được nối tiếp, dễ chấp nhận, các tình tiết li kỳ và hấp dẫn người đọc hơn. Lịch sử được tái hiện lại là một lịch sử đầy đặn, sống động, có diễn biến chứ không phải là những dòng sử chết.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của hoàng quốc hải trong bộ bão táp triều trần (Trang 61 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(101 trang)
w