1.8.1. Tình hình đái tháo đường trên thế giới
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia sức khoẻ trên Thế giới, bệnh lý đặc trưng của thế kỷ 21 là bệnh lý của các rối loạn chuyển hoá đặc biệt là bệnh ĐTĐ.
Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh không lây phổ biến nhất hiện nay trên toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường quốc tế, năm 2000 có khoảng 151 triệu người tuổi từ 20 - 79 mắc bệnh đái tháo đường, chiếm tỷ lệ 4,6%. Trong đó, nơi có tỷ lệ đái tháo đường cao nhất là Khu vực Bắc Mỹ, Khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông với tỷ lệ tương ứng là 7,8% và 7,7%; tiếp đến là Khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ là 5,3%; châu Âu 4,9%; Trung Mỹ 3,7%; Khu vực Tây Thái Bình Dương 3,6%; và châu Phi 1,2% [3].
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ĐTĐ gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu, WHO đã lên tiếng báo động về vấn đề nghiêm trọng này trên toàn Thế giới, số người bị ĐTĐ năm 1985 là 30 triệu người [2].
Theo công bố của WHO đến năm 1995 có khoảng 135 triệu người mắc. Năm 2000 có khoảng 157,3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Năm 2011 có khoảng 346 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh [2], [20]. Trong năm 2004, ước tính khoảng 3,4 triệu người đã chết vì hậu quả của lượng đường trong máu tăng cao. Hơn 80% các trường hợp tử vong do bệnh đều sảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. WHO cũng đưa ra dự đoán tỉ lệ tử vong sẽ tăng gấp đôi từ năm 2005 đến 2030. ĐTĐ và các biến cứng của nó gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế đối với cá nhân, gia đình, hệ thống y tế và các quốc gia. Cả thế giới hàng năm chi phí 1030 tỷ USD cho chữa bệnh, tại Mỹ với 13 triệu người ĐTĐ hàng năm chi phí chữa bệnh khoảng 44,1 tỷ USD, tại Trung quốc sẽ mất 558 tỷ USD trong thu nhập quốc gia do hệ lụy của các biến chứng đột quỵ, tim mạch và tiểu đường đơn thuần[2].
Hiện khu vực Tây Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á là hai khu vực có số người măc đái tháo đường cao nhất tương ứng là 44 triệu người và 35 triệu người [22]. Những báo cáo mới đây của Hiệp hội đái tháo đường
quốc tế cũng khẳng định tỷ lệ bệnh đái tháo đường típ 2 chiếm khoảng 85 - 95% tổng số bệnh nhân đái tháo đường ở các nước phát triển và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các nước đang phát triển.
Năm 1994 cả thế giới có 110 triệu người đái tháo đường. Năm 1995 tăng lên 135 triệu người (chiếm 4% dân số thế giới). Năm 2000 có khoảng 157,3 triệu người đái tháo đường. Và dự báo năm 2025 sẽ là 300 triệu người (chiếm 5,4% dân số thế giới). Hậu quả của lối sống ít hoạt động thể lực, môi trường sống và làm việc căng thẳng, chế độ ăn không cân đối, nhiều mỡ là những yếu tố môi trường quan trọng làm tăng tỷ lệ bệnh đái tháo đường. Những yếu tố khác như sự già hóa của quần thể, bệnh béo phì cũng là những yếu tố nguy cơ quan trọng làm tăng nhanh tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường [7].
Hiện nay, tại Mỹ có khoảng 16 triệu người bị bệnh đái tháo đường với 90% là đái tháo đường típ 2, hàng năm có 800.000 người mắc bệnh [56], [57]. 1.8.2. Tình hình đái tháo đường ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tình hình mắc bệnh có chiều hướng gia tăng nhanh theo thời gian và tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Theo kết quả của một số cuộc điều tra đầu những năm 1990, tỷ lệ đái tháo đường tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh tương ứng là 1,2%; 0,96%; và 2,52% [8].
Năm 1990 lần đầu tiên nghiên cứu dịch tễ bệnh đái tháo đường được tổ một cách tương đối khoa học, đưa ra được các tỉ lệ tương đối chính xác ở các khu vực Hà Nội (1,2%), Huế (0,95%), Thành phố Hồ Chí Minh (2,52%), nghiên cứu được tiến hành ở lứa tuổi từ 20 – 74 tuổi [16], [13].
Năm 2001, lần đầu tiên điều tra dịch tễ bệnh ĐTĐ của Việt Nam được tiến hành theo các quy chuẩn quốc tế. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu WHO, điều tra được tiến hành ở bốn thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng điều tra lứa tuổi 30 đến 64. Kết quả điều tra này thật sự là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng bệnh ĐTĐ nói riêng và bệnh không lây nói chung ở Việt Nam. Tỉ lệ bệnh ĐTĐ là 4,0%; tỉ lệ dung rối loạn dung nạp glucose là 5,1%; tỉ lệ các yếu tố nguy cơ dẫn đến
ĐTĐ là 38,5%; nhưng điều đặc biệt quan tâm là có tới 64,9% số người mắc bệnh ĐTĐ không được phát hiện và không được hướng dẫn điều trị.
Năm 2002, báo cáo kết quả của một đề tài nghiên cứu được tiến hành từ năm 1999 được tiến hành ở Hà Nội, lứa tuổi 20 đến 74 tuổi, cùng một phương pháp và địa bàn như nghiên cứu năm 1990. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh ĐTĐ đã tăng gấp đôi (2,16%) so với 10 năm trước [14].
Kết quả nghiên cứu thu được ở Thành phố Yên Bái cho thấy tỉ lệ bệnh trên 3,0%, nhưng có tới xấp xỉ 70% người mắc bệnh ĐTĐ không được phát hiện. Đến năm 2001 tỷ lệ mắc đái tháo đường tại khu vực nội thành của bốn thành phố lớn là 4,0%, tỷ lệ RLDNG là 5,1%.
Năm 1990 – 1991 điều tra của Lê Huy Liệu, Phan Sỹ Quốc và cộng sự cho thấy tỷ lệ đái tháo đường chung ở Hà Nội là 1,2%. Trong đó, nội thành: 1,44% và ở ngoại thành là: 0,63%; tỷ lệ giảm dung nạp Glucose là 1,6%. năm 2000, tiến hành điều tra ở Hà Nội, Tô Văn Hải và cộng sự đã xác định tỷ lệ mắc đái tháo đường chung ở Hà Nội là 3,6% [26].
Theo điều tra của Tạ Văn Bình và cộng sự năm 2001, tỷ lệ đái tháo đường ở thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh là 4,9%. tỷ lệ dung nạp Glucose là 5,9% và tỷ lệ người có yếu tố nguy cơ phát triển thành đái tháo đường là 38,5% [14]. Năm 2002 lần đầu tiên một cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc được bệnh viện Nội tiết tiến hành kết quả cho thấy tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 2,7%, khu vực thành phố là 4,4%, miền núi và miền trung du là 2,1% và đồng bằng là 2,7% [8]. Kết quả điều tra sơ bộ ĐTĐ quốc gia do Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiến hành năm 2008 cho thấy, tỷ lệ ĐTĐ khoảng 5,4%. Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm tỷ lệ ĐTĐ ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi.Theo GS. VS Phạm Song - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam: “Việt Nam có 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, nhưng trong đó có đến 65% người bệnh không hề biết mình mắc bệnh. Với tỉ lệ bệnh nhân tăng từ 8-10%/năm, Việt Nam sẽ trở thành nước có tỉ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới”.
Chương 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU