Các đặc điểm và một số yếu tố liên quan dến bệnh nhân ĐTĐ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu hình thái, sinh lý ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại bệnh viện nội tiết tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ sinh học (Trang 46 - 53)

* Tuổi và giới.

Tuổi có liên quan với sự phát triển bệnh đái tháo đường. Hầu hết các nghiên cứu đều thấy độ tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc đái tháo đường càng tăng và tỷ lệ gia tăng nhiều nhất là nhóm tuổi từ 50 trở lên.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tuổi trung bình của bệnh nhân là 58,5 ± 13,5. Bệnh nhân ít tuổi nhất là nữ 19 tuổi, cao tuổi nhất là nữ 91 tuổi. Bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên chiếm 74,5%, trong đó gặp nhiều nhất là nhóm tuổi 60 - 69, chiếm 32,6%.

Nghiên cứu của Welborn ở Australia thấy tỷ lệ đái tháo đường tăng nhanh theo tuổi từ 50 trở lên [21]. Trần Văn Hiên khi nghiên cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương thấy tuổi trung bình của bệnh nhân là 54,1 ± 8,8; nhóm tuổi 50 - 59 chiếm tỷ lệ 33,3% [23]. Võ Bảo Dũng nghiên cứu tại Bệnh

viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho thấy tuổi trung bình là 52 ± 7,6 [14]. Đào Thị Dừa nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, tuổi trung bình là 56,9 ± 16,4 [13]. Theo nghiên cứu của Bùi Thế Bừng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, tuổi trung bình của bệnh nhân là 55,4 ± 7,2, nhóm tuổi gặp nhiều nhất là 50 - 59, chiếm tỷ lệ 62% [8]. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương kết quả nghiên cứu của các tác giả trên.

Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, tuổi thọ của con người ngày càng cao và bệnh tật thường gia tăng với tuổi già, nhất là đái tháo đường. Khi cơ thể già chức năng tụy bị suy giảm; đồng thời những thay đổi về chuyển hoá glucose cũng tiến triển song hành với tuổi. Quá trình lão hoá là nguyên nhân quan trọng nhất của sự đề kháng insulin, cơ chế làm tăng tỷ lệ đái tháo đường típ 2. Đồng thời những thay đổi về lối sống do tuổi tác là yếu tố đóng góp quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay đái tháo đường típ 2 ở trẻ nhỏ, tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành đang là thực tại đáng lo ngại. Nghiên cứu của chúng tôi có 7,7% bệnh nhân dưới 40 tuổi. Vì vậy, cần tuyên truyền, giáo dục những kiến thức chung về bệnh đái tháo đường rộng rãi trong cộng đồng nhằm phát hiện bệnh sớm, làm chậm sự xuất hiện và làm giảm mức độ nặng các biến chứng của bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường giữa nam và nữ có sự khác nhau trong các nghiên cứu. Theo Marisa.J và cộng sự, tại Nhật Bản, Ấn Độ tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nam cao hơn nữ, nhưng tại Mỹ tỷ lệ mắc đái tháo đường đối với nữ cao gấp 3 - 4 lần so với nam [trích từ 1]. Theo nghiên cứu của Khăm Pheng Phun Ma Keo tại một số bệnh viện Viêng Chăn - Lào, tỷ lệ nam là 46,9%, tỷ lệ nữ là 53,1% [27].

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cũng cho kết quả tương đối khác nhau về tỷ lệ mắc đái tháo đường theo giới. Kết quả của chúng tôi là tương đương (p>0,05) sự khác nhau có thể do cỡ mẫu nghiên cứu.

* Khu vực phân bố.

Ảnh hưởng của các yếu tố về địa lý tới sự phát triển bệnh đái tháo đường cũng đã được chứng minh. Điều tra dịch tễ học ở khu đô thị Madras - Ấn Độ, tỷ lệ đái tháo đường tăng lên 40% trong khoảng từ năm 1988 đến

1995, tỷ lệ bệnh là 16% vào năm 2000 nhưng tỷ lệ bệnh ở nông thôn chỉ tăng 2% [4]. Nghiên cứu ở Malaysia cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở thành phố là 6,59%, còn ở nông thôn là 2,63% [37].

Tại Việt Nam, điều tra quốc gia về tình hình bệnh đái tháo đường và yếu tố nguy cơ được tiến hành trên cả nước cho kết quả, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở vùng núi là 2,1%, vùng đồng bằng ven biển là 2,7%, vùng đô thị và khu công nghiệp là 4,4 % [4].

Chúng tôi thu được kết quả số đối tượng nghiên cứu cư trú đông nhất tại khu vực nông thôn chiếm 82,2%. Kết quả này không khẳng định chắc chắn tại Thanh Hóa tỷ lệ đái tháo đường ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thị xã, thị trấn vì đối tượng nghiên cứu chỉ là bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Để có được số liệu trên địa bàn toàn tỉnh cần phải có một điều tra dịch tễ học tại cộng đồng.

* Biến chứng của ĐTĐ típ 2.

Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường có ít nhất một biến chứng trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 89,1%. Trong đó, biến chứng tim mạch là 42,6%, biến chứng thận 32,6%, biến chứng thần kinh 9,3%. Tỷ lệ các biến chứng tăng theo tuổi và tăng theo thời gian mắc bệnh của bệnh nhân. Nếu như ở nhóm tuổi dưới 40 và 40 - 49 số bệnh nhân có biến chứng là trên 50% thì tỷ lệ này là 92,9 % ở nhóm tuổi 60 - 69 và rất cao ở nhóm tuổi trên 70, chiếm 96%. Ở nhóm bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh trên 5 năm, biến chứng tim mạch là 19,2%, biến chứng thận 30,8%. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân có thời gian phát hiện bệnh 1 - 5 năm có tỷ lệ biến chứng cao nhất có thể do tỷ lệ bệnh nhân ở nhóm này chiếm 69% tổng số bệnh nhân.

Đái tháo đường là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Người ta cho rằng đây là một quá trình xảy ra lâu dài và liên tục với hai yếu tố xơ vữa mạch và tăng huyết áp. Chúng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của nhau, thúc đẩy nhau tiến triển. Nghiên cứu của chúng tôi thấy, trong 39 bệnh nhân biến chứng tim mạch có 11 bệnh nhân suy tim và 1 bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp ở người mắc bệnh đái tháo đường do rất nhiều yếu tố phối hợp

với nhau. Người bệnh đái tháo đường ở các týp khác nhau khi có tăng huyết áp đều làm tiên lượng bệnh xấu đi rõ rệt [4]. Tỷ lệ tăng huyết áp trong nghiên cứu của chúng tôi là 33,3%. Trong đó, tăng huyết áp độ I chiếm 15,4 %; tăng huyết áp độ II 13,2 % và tăng huyết áp độ III 4,7%. Bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp đều được phát thuốc ngoại trú điều trị tăng huyết áp. Có thể vì điều này mà đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu là tăng huyết áp độ I. Nghiên cứu của Đào Thị Dừa cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường là 50% [13]. Trương Văn Sáu cho kết quả tỷ lệ tăng huyết áp 38,3% và tỷ lệ này tăng lên theo thời gian phát hiện bệnh [38]. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình 27,6% bệnh nhân đái tháo đường có tăng huyết áp [5].

Một biến chứng nữa gặp tương đối nhiều trong nghiên cứu của chúng tôi đó là biến chứng thận. Biến chứng thận là do glucose máu tăng cao kéo dài cũng như các yếu tố ảnh hưởng khác như tăng huyết áp, nhiễm trùng tiểu… làm các mạch máu nhỏ ở thận bị dày lên, chức năng thận dần dần bị ảnh hưởng. Khi xuất hiện protein trong nước tiểu (đạm niệu) chứng tỏ có các tổn thương tại thận. Bệnh thận do đái tháo đường càng phát hiện muộn, màng đáy cầu thận tổn thương càng nặng, sau 7 năm khi bắt đầu phát hiện protein niệu thì 50% số bệnh nhân đã tiến tới suy thận giai đoạn cuối. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 50/129 bệnh nhân (38,8 %) có biến chứng thận (protein niệu dương tính). Trong 42 bệnh nhân có mức creatinin máu cao. Tỷ lệ biến chứng thận của chúng tôi tương tự với kết quả nghiên cứu của Bùi Thế Bừng (39,2%); Lý Thị Thơ (39%) [8], [42].

Ngược lại, Nguyễn Thị Thịnh khi nghiên cứu trên 91 bệnh nhân bằng sinh thiết thận thấy 100% có biểu hiện tổn thương vi mạch cầu thận [29].

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy tổn thương mô bệnh học xuất hiện rất sớm ngay cả khi bệnh thận đái tháo đường chưa có biểu hiện trên lâm sàng và cận lâm sàng. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có điều kiện sinh thiết thận.

xét nghiệm phát hiện đạm trong nước tiểu. Nhưng khi xét nghiệm protein niệu âm tính cũng không cho phép kết luận chắc chắn bệnh nhân không có tổn thương thận. Khi đó cần xét nghiệm microalbumin niệu để chẩn đoán sớm hơn tổn thương thận, từ đó có biện pháp điều trị tích cực hơn làm giảm số bệnh nhân tiến triển đến suy thận. Mặt khác, microalbumin niệu phản ánh tổn thương vi mạch không chỉ ở thận mà còn ở các cơ quan khác của cơ thể như tim, não. Vì vậy, microalbumin niệu không chỉ là biểu hiện sớm của tổn thương thận mà còn là chỉ điểm nguy cơ cao các biến chứng tim mạch và tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh lý thần kinh đái tháo đường cũng là biến chứng thường gặp, với tổn thương đặc hiệu nhất là tổn thương thần kinh ngoại vi. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng thần kinh là 9,3%. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Minh, biến chứng thần kinh là 10,8% [31]. Nghiên cứu của Trương Văn Sáu cho thấy biến chứng thần kinh chiếm 9% [38]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại thấy biến chứng thần kinh cao hơn như nghiên cứu của Khăm Pheng Phun Ma Keo 43,07% [28]. Nghiên cứu của Hoàng Trung Vinh ở bệnh nhân dưới 60 tuổi thấy biến chứng thần kinh là 39% và tăng lên 60% ở bệnh nhân trên 60 tuổi [46]. Sự khác nhau này là tuỳ thuộc vào độ tuổi và thời gian mắc bệnh của bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tuổi càng cao, thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng tăng nguy cơ biến chứng thần kinh.

Ngoài các biến chứng trên, bệnh nhân đái tháo đường còn gặp rất nhiều biến chứng khác như biến chứng hô hấp, răng lợi, da … Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi tần suất xuất hiện các biến chứng này không nhiều. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong các nghiên cứu tiếp theo.

* Hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong bệnh sinh của đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới, đặc biệt là những nghiên cứu UKPDS đã cho thấy việc luyện tập thể lực thường xuyên có tác

dụng làm giảm nhanh nồng độ đường máu, đồng thời giúp duy trì sự ổn định của lipid máu, huyết áp và giúp cải thiện tâm lý. Sự phối hợp hoạt động thể lực thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp làm giảm 58% tỷ lệ mắc mới đái tháo đường típ 2 [55]. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình, nhóm đối tượng ít vận động (dưới 30 phút/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gấp 2,4 lần so với nhóm chứng [4].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân không tập thể dục thể thao chiếm 78,2%. Chỉ có 7,8% bệnh nhân thường xuyên tập thể dục thể thao, chủ yếu là cán bộ hưu và một số cán bộ công chức ở khu vực thị xã. Những người làm ruộng hầu như không có thói quen này. Vì vậy bệnh nhân cần được tư vấn cụ thể về chế độ sinh hoạt và hoạt động thể lực phù hợp.

Trên thực tế, bên cạnh những nguyên nhân không thể can thiệp như tuổi thọ tăng lên, những thay đổi về gen theo quốc gia, dân tộc, thì những yếu tố có thể can thiệp như lối sống, yếu tố môi trường... đối với bệnh nhân đái tháo đường cũng rất khó thay đổi. Trong nghiên cứu này chúng tôi mới chỉ bước đầu tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến bệnh. Thiết kế nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu mô tả vì vậy việc đánh giá mối tương quan giữa các yếu tố liên quan với bệnh đái tháo đường có phần nào hạn chế. Để khẳng định chắc chắn cần có một nghiên cứu dịch tễ học rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, có thể nhận thấy vai trò quan trọng của hệ thống quản lý bệnh, phát hiện sớm để can thiệp và vai trò to lớn của công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ trong phòng chống bệnh đái tháo đường.

* Tiền sử gia đình, tiền sử sản khoa.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiền sử gia đình (quan hệ huyết thống) là một yếu tố nguy cơ thực sự của đái tháo đường típ 2. Theo nghiên cứu của Tạ Văn Bình nhóm có tiền sử gia đình bị mắc bệnh cao gấp 2,68 lần nhóm người không có tiền sử gia đình [4]. Phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh trên 4000g hay dưới 2500g ...) cũng được coi là yếu tố nguy cơ cao dễ có khả năng phát triển đến bệnh đái tháo đường.

có tiền sử sinh con trên 4kg là 11,5% [12]. Nghiên cứu của Khăm Pheng Phun Ma Keo cho thấy người có tiền sử gia đình mắc bệnh là 8,45%, số phụ nữ có tiền sử sản khoa liên quan đến đái tháo đường là 15,6% [27]. Nghiên cứu của Lý Thị Thơ có 6,2% bệnh nhân có tiền sử gia đình và 7,1% phụ nữ có tiền sử sinh con trên 4kg [42]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân đái tháo đường có tiền sử gia đình là 0 % có thể do việc khai báo. Hiện nay, tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường và phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt, trong đó có tiền sử sinh con trên 4kg (một số tác giả cho rằng ở Việt Nam nên lấy ngưỡng trên 3,6 kg) là yếu tố nguy cơ được chú ý tới khi tiến hành khám phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường.

* Thói quen uống rượu, hút thuốc lá

Rượu và các dẫn xuất của rượu đã được ghi nhận có liên quan đến một số bệnh như tim mạch, loét dạ dày... và đái tháo đường. Rượu có tương tác với các thuốc hạ glucose máu . Người bệnh đái tháo đường đang sử dụng các sulphonylurea mà uống rượu sẽ gây ra đỏ da, đau đầu, bồn chồn. Uống rượu khi đang dùng metformin dễ gây nên nhiễm toan máu, có thể gây nguy hiểm như nhiễm axit lactic. Rượu cũng gây hạn chế sự sản xuất và phóng thích glucose từ gan, do đó dễ gây nên biến chứng hạ đường huyết ở người đái tháo đường, tình trạng này rất khó phân biệt với say rượu, nên hay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do không được phát hiện và xử lý sớm.

Tỷ lệ bệnh nhân có thói quen uống rượu trong nghiên cứu của chúng tôi là 22,5%, trong đó có 100% nam giới có thói quen này và tập trung ở khu vực nông thôn nhiều hơn. Điều này có thể do tập quán sinh hoạt của người dân tại địa phương. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị đái tháo đường có nghiện rượu, thì hiểm họa tử vong tăng 50% so với những người đái tháo đường không uống rượu [50]. Chính vì vậy, người bệnh nên tránh uống rượu nhưng tốt nhất là không uống rượu.

Thói quen hút thuốc lá gặp ở 31% bệnh nhân, trong đó có một bệnh nhân nữ có thói quen này. Hút thuốc lá không chỉ có hại cho người bệnh đái tháo đường mà còn rất có hại cho sức khoẻ con người nói chung. Thói quen

này có liên quan đến nhiều yếu tố khác như trình độ văn hoá, nghề nghiệp, kinh tế, xã hội.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số chỉ tiêu hình thái, sinh lý ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại bệnh viện nội tiết tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ sinh học (Trang 46 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w