Cùng với điểm nhìn và việc lựa chọn đề tài thì mỗi nhà văn đều có những vùng sáng tạo riêng, cảm hứng riêng, điều đó quy định giọng điệu của tác phẩm. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng là sự kết tinh của tư tưởng tâm hồn, tài năng nghệ thuật, vốn sống thực tế của nhà văn. Và trong đó dù ít hay nhiều, cách này hay cách khác đều là sự tự biểu hiện mình của tác giả, nghĩa là nơi đứa con tinhthần của nhà văn bao giờ cũng thể hiện hình hài, dáng dấp của người đẻ ra nó. Bằng chính tâm hồn vui tươi và những kinh nghiệm từng trải của cá nhân mà Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả rất sâu sắc thế giới tâm hồn trẻ thơ.
Suy tư, chiêm nghiệm là sự suy nghĩ, xem xét và đoán biết con người nhờ sự trải nghiệm của cá nhân. Khảo sát ba tập truyện của ông, ta thấy lồng vào những câu chuyện vui nhộn, kỳ thú của các em là những câu văn mang đậm tính triết lý. Có khi, nhà văn để nhân vật nói lên những suy nghĩ, xét đoán bằng chính sự trải nghiệm của họ. Tính chân thực trong những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh còn được gia tăng khi nhà văn trao cho nhân vật nói lên những trải nghiệm sau mỗi lần vấp ngã. Các nhân vật nhí của chúng ta có rất nhiều trải nghiệm sau mỗi lần vấp ngã. Những triết lý nho nhỏ rất thú vị. Đây là kinh nghiệm ngồi bàn cuối của cu Mùi :
“Trong lớp tôi luôn ngồi ở bàn chót. Ngồi bàn chót thì tha hồ tán gẫu, cãi cọ, cấu véo hay giở đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị cô giáo phát hiện, nhưng điều hấp dẫn nhất ở vị trí tối tăm đó là ít khi bị kêu lên bảng trả bài.
Điều đó có tính quy luật của nó. Bạn nhớ lại đi, có phải có rất nhiều bạn bè, yêu quý rất nhiều người nhưng không phải lúc nào bạn cũng nhớ tới họ...
Cô giáo của tôi cũng vậy thôi. Làm sao mà cô có thể nhớ tới tôi và kêu tôi lên trả bài giữa một đống đầu cổ lúc nhúc che chắn trước mặt” [1 ; 17].
Hay chân lý mà con Tí sún phát hiện ra:
“Đợi lớn lên đi anh. Khi trở thành người lớn mình có thể đi bất cứ đâu mà không có ai cấm cản” [1 ;140].
“Bàn tay của bạn không bao giờ chống lại bạn, nên người lớn thường sai bảo bàn tay làm đủ thứ việc... nếu bạn là trẻ con thì chắc chắn bạn cũng làm như tôi thỉnh thoảng vẫn làm tức là sai ngón tay ngoáy mũi hay sai nó bẹo tai cô bạn học ngồi cạnh, tức là những chuyện mà ba mẹ và cô giáo tôi cấm ngặt.
Nói chung, hai bàn tay của chúng ta rất ngoan, chúng thường nằm im chờ chúng ta sai khiến. Trong khi chúng ta chẳng hề thương xót chúng, thỉnh thoảng lại bắt chúng làm những việc nguy hiểm khiến chúng bị trầy xước hoặc chảy máu rất nhiều” [3 ; 17].
Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh khám phá thế giới trẻ thơ sinh động, nhiều màu sắc. Những suy tư, chiêm nghiệm được tác giả diễn đạt bằng giọng điệu hài hước, hóm hỉnh khiến những bài học giáo dục trong tác phẩm nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc.