Điểm nhìn thời gian

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đảo mộng mơ và tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nguyễn nhật ánh luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 33 - 36)

Về điểm nhìn thời gian, thời gian trong các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh thường là thời gian hiện tại. Từ hiện tại có thể trở về quá khứ hay hướng tới tương lai. Điểm nhìn này tuy không có gì mới mẻ so với kết cấu của truyện hiện đại nhưng nó lại rất hiệu quả khi viết về nhân vật trung tâm là trẻ em. Cách viết giản dị dễ hiểu là sự phù hợp với lứa tuổi của các em.

Từ thời điểm hiện tại câu chuyện được phát triển theo tuyến tính. Đảo mộng mơ bắt đầu từ thời điểm mà đống cát xuất hiện trên sân nhà Tin – lý do có đống cát là do bố của Tin mua về để xây nhà kho ở phía sau:

“Trong khi công trình xây cất chưa bắt đầu, vào một đêm tối trời nọ, Tin nai nịt gọn gàng, một mình lẻn ra khỏi nhà đánh chiếm đống cát. Sau khi chiến đấu mệt nhoài với bọn hải tặc vô hình cuối cùng Tin đã đặt chân lên đảo. À quên, đêm đó hòn đảo vẫn là đống cát. Chỉ đến khi Tin đào một cái mương nhỏ quanh đống cát, hì hục đổ nước vào đó thì biển mới xuất hiện và sáng hôm sau thì hòn đảo ra đời” [2; 13].

Tin đã thuyết phục được mọi người công nhận đống cát là một hòn đảo. Đầu tiên là ba mẹ Tin, chị hai Tin, các bạn trong lớp, hàng xóm của Tin.

Ba đứa trẻ đã sung sướng tận hưởng cảm giác đi lạc vào một hòn đảo hoang cho đến khi công trình nhà kho của ba mẹ chuẩn bị được xây dựng thì nỗi buồn vô hình bao trùm lên chúng. Nhưng cuối cùng hòn đảo vẫn tồn tại vì ba Tin đã quyết định giữ hòn đảo cho con trai và các bạn của con. Thế là niềm vui đã trở lại với chúng. Đảo Rôbinson được đổi tên thành Đảo Cát và thế giới mơ mộng của chúng tiếp tục được mở ra.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng có kết cấu điểm nhìn tương tự như vậy. Phần đầu của tác phẩm là Hoa tay. Đầu tiên chú Đàn xem hoa tay cho Thiều, tiếp đó hàng loạt các nhân vật xuất hiện với những câu truyện riêng về họ: chị Vinh, thằng Tường, thầy Nhãn, thằng Sơn, con Mận, căn gác nhà con Mận … và kết thúc là phần 81 “tôi thấy hoa vàng trên cổ xanh”.

Từ hiện tại Thiều ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ, nó mộng mơ về một tương lai xa xôi - ở đó có nhiều khả năng có thể xảy ra:

“Tôi cũng nói luôn là khả năng chú Đàn và chị Vinh quay về làng là rất cao, tôi cũng đang thấp thỏm mong chờ ngày gặp lại hai người mà tôi đặc biệt yêu mến đó…

Còn thằng Sơn và bé Ba thì tôi chịu, không thể biết được hậu vận của bọn nó. Con Mận thì chắc chắn tìm được ba nó và kết cuộc đẹp nhất là ba nó, mẹ nó kéo nhau quay trở về làng khi phát hiện ra ba nó không bị bệnh phong như thiên hạ đồn….

Con Mận về thì có thể cuộc sống của tôi sẽ khác, chắc chắn là xáo trộn, nhưng vui hơn hay buồn hơn thì tôi không biết được. “Tình yêu” mà! Nhưng tôi tin là vui hơn. Bạn cũng biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lại bằng ánh mắt u ám thì làm sao mà sống nổi!” [3; 371].

Với thời gian tuyến tính, câu chuyện được kể trở nên nhanh hơn, người đọc hồi hộp theo dõi tới cuối tác phẩm. Đặc biệt viết theo điểm nhìn này rất

thích hợp với cách tư duy của các độc giả nhỏ tuổi. Chính việc lựa chọn điểm nhìn cũng là một thành công trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.

Tuy nhiên không phải lúc nào c âu chuyện cũng diễn ra theo thời gian tuyến tính như vậy. Cũng bắt đầu từ điểm nhìn hiện tại nhưng Cho tôixin một vé đi tuổi thơ lại có sự đan xen thời gian quá khứ và hiện tại rất đặc biệt.

Từ hiện tại người đàn ông lớn tuổi đã dẫn dắt bạn đọc lên “chuyến tàu không có người soát vé”, về những kỉ niệm tuổi thơ trong trẻo của mình. Người đọc thấy thú vị và như tìm lại chính được tuổi thơ của mình trong đó. Nhưng thú vị hơn ở chỗ trong khi trần thuật ta tác giả luôn luôn đối sánh giữa thời gian quá khứ và hiện tại - tức là hai thế giớ trẻ con và người lớn. Qua đó hai thế giới sẽ hiện lên rõ ràng mà không cần chỉ ra cụ thể ta vẫn có thể cảm nhận:

“Mẹ tôi luôn luôn quan tâm đến sức khỏe và cụ thể hóa mối quan tâm của mình bằng cách bắt tôi và cả nhà ăn những món ăn có nhiều chất dinh dưỡng trong khi tôi chỉ khoái xực những món mà bà cho rằng chẳng bổ béo gì, như mì gói chẳng hạn

Quan tâm đến sức khỏe là điều tốt, và càng lớn tuổi mối quan tâm đó càng tỏ ra đúng đắn. Chẳng ai dám nói quan tâm như vậy là điều không tốt. Tôi cũng thế thôi. Khi tôi trưởng thành có nhà báo phỏng vấn tôi, rằng giữa sức khỏe, tình yêu và tiền bạc, ông quan tâm đến điều dì nhất. Lúc đầu tôi nói nhiều về tình yêu, về sau tôi nói nhiều hơn về sức khỏe. Tôi phớt lờ tiền bạc, mặc dù tôi nhận thấy đó là một bất công: tiền bạc chưa bao giờ được con người ta công nhận là mối quan tâm hàng đầu dù tiền bạc ngày nào cũng chạy đi mua quà tặng cho tình yêu và thuốc men cho sức khỏe” [1; 13].

Như vậy điểm nhìn thời gian đã giúp cho tác giả phát triển, dẫn dắt câu chuyện một cách hợp lý, logic. Cách trần thuật đó vừa dễ hiểu dễ nhớ nhưng cũng rất độc đáo, nó phù hợp với tư duy tiếp nhận của trẻ em. Đó chính là điểm hấp dẫn độc giả của các sáng tác Nguyễn Nhật Ánh.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, đảo mộng mơ và tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nguyễn nhật ánh luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 33 - 36)