Trong tác phẩm tự sự, ngôn ngữ trần thuật thường bao gồm mạch kể và mạch tả, mạch bình luận, triết lí, trữ tình ngoại đề hay phân tích, cắt nghĩa. Các tác giả của cuốn Từ điển thuật ngữ văn học khẳng định rằng thành phần trần thuật không chỉ là lời thuật và chức năng của nó không chỉ là kể việc. Nó
bao gồm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiếu sử nhân vật, lời bình luận, lời trữ tình ngoại đề, lời ghi chú của tác giả.
Ngôn ngữ trần thuật trong ý nghĩa trực tiếp, chặt chẽ là lời thuật lại những gì đã xảy ra một lần, nó khắc họa sự vận động của cuộc đời. Ngoài trần thuật đích thực ra thì miêu tả đóng vai trò không nhỏ. Đó là sự tái hiện thế giới nhân vật trong trạng thái tĩnh tại. Nó bao gồm miêu tả chân dung, phong cảnh, các trạng thái tâm hồn. Miêu tả cũng là việc tái hiện bằng lời những sự kiện và sự việc xảy ra đều đặn. Trong tác phẩm tự sự chúng ta cũng thường gặp những lời bình luận, triết lý được ghép vào. Nó giúp tác giả soi sáng thêm nội dung, tư tưởng của tác phẩm; bộc lộ đầy đủ, tập trung hơn thái độ, sự đánh giá của tác giả đối với nhân vật của mình, thể hiện trực tiếp những điều muốn nhắn gửi của mình đến người đọc.
Sự kết hợp các thành phần trần thuật một mặt tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, mặt khác sự kết hợp đó khiến hiện thực trong tác phẩm thêm sâu sắc và toàn diện.
Trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, mạch kể và mạch tả thường đan cài, xen lẫn một cách tự nhiên tạo nên mạch chuyện hết sức linh hoạt. Dòng nghệ thuật miêu tả chủ yếu trong tác phẩm gồm miêu tả phong cảnh và các trạng thái tâm hồn của các nhân vật là trẻ em. Sử dụng lối trần thuật kết hợp giữa kể và tả, ngôn ngữ trần truật thấm đẫm cảm xúc.
Ấn tượng đầu tiên ta thấy trong các truyện của Nguyễn Nhật Ánh là nghệt thuật miêu tả ngoại cảnh của ông. Tác giả đã bám theo dòng cảm xúc của nhân vật chính để mà miêu tả. Ngoại cảnh mà cụ thể ở đây là phong cảnh thiên nhiên thật trữ tình, nên thơ :
“Chúng tôi thích nhất là ngồi trên đảo Robinson ngắm hoàng hôn trên biển. Mặt trời như hòn lửa ai ở trên trời vô ý đánh rơi xuống đại dương...”
“Mặt biển lúc đó trông phẳng lì, êm đềm như một miếng xu xoa khổng lồ và màu sắc của miếng xu xoa này thay đổi không ngừng” [2 ; 102].
Dưới con mắt của Nguyễn Nhật Ánh miêu tả thiên nhiên không chỉ là cảm nhận vẻ đẹp bên ngoài vốn có của nó mà còn là phương tiện nghệ thuật để nhà văn xây dựng một thế giới trẻ thơ đầy màu sắc. Chính những khung cảnh thiên nhiên ấy mà các nhân vật của ông xuất hiện, vui chơi và tha hồ sáng tạo.
Nếu quan niệm chất thơ là tính trữ tình của ngôn ngữ thì trong truyện Nguyễn Nhật Ánh thấm đẫm chất thơ. Mỗi tác phẩm của ông như một bài thơ trữ tình dài, chính chất thơ ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ta thêm trong trẻo, dịu nhẹ, sâu lắng.
Đặc sắc ngôn ngữ trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn thể hiện ở ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ chính là phương tiện hiệu quả bộc lộ tính cách nhân vật. Trong ba tập truyện mới đây nhất của ông ta thấy ngôn ngữ của nhân vật khá sinh động. Các nhân vật trong truyện có cá tính rõ nét thể hiện qua lời nói, hành động. Và điều đặc biệt là ngôn ngữ nhân vật rất hiện đại, chính là ngôn ngữ của trẻ em thời đại ngày hôm nay.
Kết luận
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn của thiếu nhi, ông đã mệt mài sáng tạo nghệ thuật để dâng tặng cho các em những món ăn tinh thần quý giá. Đến nay tên tuổi của ông đã được khẳng định trên văn đàn và trong lòng bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc nhí.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tiếp tục ghi dấu ấn, khẳng định tài năng và thành quả lao động của ông. Đặc biệt nó thể hiện sự nỗ lực đổi mới nghệ thuật không ngừng của tác giả, phần nào cứu vãn tình trạng “ngoại nhâp” ồ ạt của các tác phẩm thiếu nhi nước ngoài.
Ba tác phẩm hấp dẫn người đọc, trước hết ở cách thức trần thuật và cách tổ chức điểm nhìn. Tác giả đã cố gắng đến mức tối đa trong việc đổi mới cách thức và điểm nhìn trần thuật. Không chỉ là cách trần thuật tuyến tính mà ở đây tác giả đã đan xen, xáo trộn và sắp đặt lại cốt truyện để tạo ra những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Mạch truyện phát triển liên tục, quá khứ và hiện tại như đồng hiện, điều này rất hữu hiệu trong việc tái hiện những ký ức tuổi thơ. Truyện của ông chính vì thế giống như những trang nhật ký xé vụn nhưng lại có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Bên cạnh đó, giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật trong ba tác phẩm cũng hết sức đặc sắc. Trải qua những bước thăng trầm của cuộc đời song Nguyễn Nhật Ánh luôn giữ được chất giọng hài hước hóm hỉnh rất đặc trưng trong các tác phẩm của mình. Truyện của Nguyễn Nhật Ánh có cốt truyện đơn giản, nhưng qua cách dẫn dắt khéo léo, giọng điệu và ngôn ngữ bám sát hành động, tâm lý của nhà thơ đã khiến độc giả thấy thú vị và muốn hóa thân thành nhân vật trong tác phẩm.
Đặc biệt ta thấy trong các tác phẩm của ông là một lối tư duy hiện đại. Nó không bị bó hẹp, nó không bị tập trung vào một góc nhìn mà luôn mở rộng, luân chuyển, nó cho phép trí tưởng tượng của các em được phát triển tối
đa. điều này tạo sự hấp dẫn cho tác phẩm, không chỉ đối với trẻ em mà còn ở cả các độc giả lớn tuổi.
Trong bối cảnh nền văn học thiếu nhi Việt Nam đang “già đi” và chịu sức ép rất lớn của các tác phẩm nước ngoài, thì những tác phẩm mang phong vị Việt, nhẹ nhàng, trong trẻo, hài hước của Nguyễn Nhật Ánh thật sự có giá trị. Để có một nền văn học phát triển - đặc biệt là văn học thiếu nhi thiết nghĩ rất cần những nhà văn tài năng và tâm huyết như Nguyễn Nhật Ánh. Đến đây ta có thể khẳng định vị trí tiên phong của Nguyễn Nhật Ánh trong mảng văn học dành cho thiếu nhi.