Với trần thuật theo quan điểm không tham dự, người trần thuật không là nhân vật tôi trực tiếp kể chuyện mà ẩn sau nhân vật để phản ánh hiện thực và miêu tả tâm lý một cách sâu sắc.
Nếu ở trần thuật khách quan, người trần thuật luôn chọn một điểm nhìn khách quan bên ngoài nhân vật, tả và kể lại với một thái độ điềm nhiên (F. Sehelling) thì người trần thuật trong các truyện sử dụng quan điểm không tham dự đã di chuyển điểm nhìn trần thuật vào bên trong nhân vật để tái hiện sinh động thế giới tâm hồn họ.
Khi có sự thâm nhập của chủ thể trần thuật vào trong các nhân vật của mình, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật được rút ngắn. Ta thấy rõ điều này trong Đảo mộng mơ.
Tác phẩm kể về câu chuyện của ba đứa trẻ làm chủ hòn đảo hoang. Ở đây chúng đã xây dựng một thế giới của riêng mình.
Kể lại câu chuyện không phải là Tin không phải Bảy cũng không phải là Thắm.
Người trần thuật ở đây đã không tham dự vào cốt truyện mà đứng vào quan sát và thuật lại. Người trần thuật biết tất cả mọi việc làm hành động cũng như tâm lý của nhân vật. Ngay từ những trang đầu ta đã thấy ấn tượng về cách kể này:
“Nếu định nghĩa đảo hoang là hòn đảo ngoài mình ra không còn người nào ở trên đó nữa thì đúng là thằng Tin đang ở trên đảo hoang.
Lúc này Tin đang nằm trên một tàu lá dừa khô, đầu gối trên một khúc gỗ ngắn, cưa phẳng ở hai đầu, thơm phảng phất.
Đảo toàn cát là cát. Cát vàng ruộm. Tàu lá dừa trải dọc triền cát thoai thoải chắc chắn đó là lý do tại sao thằng Tin cứ rung đùi hoài, chân này chéo
qua chân kia. Nó cảm thấy thích thú như đang ngả lưng trên một ghế xếp đó mà” [2; 5].
Với cách trần thuật này tác giả hay chính là người trần thuật được tự do tung hoành vượt ra khỏi khuôn khổ của những sự kiện thâm nhập sâu hơn vào nhân vật. Người kể chuyện này biết được tất cả mọi việc, biết được mọi suy nghĩ của nhân vật.
“Ngay cả trong giấc mơ, Bảy cũng chưa một lần nghĩ đến chuyện vật nhau với thằng Phàn. Thậm chí nó tin chắc đến khi nó đã già, nó đã chết đi cũng không có chuyện đó.
Thế mà trong một chớp mắt nó đã gặp mình ôm lấy cổ thằng Phàn, mím môi mím lợi cố vật ngã thằng này để giải thoát cho bạn mình” [2; 42].
Như vậy vận dụng quan điểm này Nguyễn Nhật Ánh đã tỏ ra rất thành công khi hóa thân vào nhân vật, tái hiện lại câu chuyện như một quá trình khách quan. Thành công của ông là sự kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về thế giới trẻ thơ. Tất cả những điều đó làm cho các nhân vật hiện lên một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu, sống động, gây ấn tượng thú vị cho người đọc.