2.1.1. Từ ngữ trong thơ và các hướng tiếp cận
Theo quan điểm của lí luận văn học hiện đại, cấu trúc của văn bản văn học được tạo nên từ ba yếu tố cơ bản, đó là: văn bản ngôn từ, hình tượng văn học, ý nghĩa (hàm ý). Trong đó, “văn bản ngôn từ là yếu tố nền tảng của cấu trúc văn bản nghệ thuật, đảm bảo sự tồn tại ổn định và chất văn của nó. Yếu tố này bao gồm mặt ngữ âm, ngữ nghĩa và đặc sắc thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật (như vần, nhịp, điệu, sự trùng điệp, nói lái…)” [35, tr.40]. Như vậy, nằm trong tính toàn vẹn của chỉnh thể tác phẩm văn học, ngôn từ là yếu tố nền tảng tạo nên thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
Ngôn từ trong tác phẩm văn học được tạo nên từ nhiều phương diện, nhiều cấp độ, như từ, câu, đoạn văn (đoạn thơ), văn bản. Trong đó, từ ngữ là cấp độ đầu tiên phải xem xét khi nghiên cứu một văn bản nghệ thuật, bởi đúng như Đỗ Hữu Châu đã nhận định: “Trong tiếng Việt những bản sắc độc đáo cũng là bản sắc của từ" [2, tr.11].
Do những quy định của thể loại, trong tương quan với từ ngữ văn xuôi, từ ngữ trong thơ có những đặc trưng riêng. Từ ngữ trong thơ, xét từ góc độ ngôn ngữ học thuần túy, không phải là thứ sản phẩm gì xa lạ. Đó vẫn là những từ ngữ được rút ra chủ yếu từ vốn từ toàn dân, có ý nghĩa xác định, được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau với nhiều người sử dụng khác nhau, Tuy nhiên, bằng năng lực sáng tạo của mình, nhà thơ đã “làm mới” những từ ngữ quen thuộc ấy bằng những hình thức tổ chức ngôn từ khác nhau, khiến cho những từ ngữ ấy không chỉ là những kí hiệu ngôn ngữ mang trong nó những nội dung ngữ nghĩa thuần túy mà
còn có giá trị thẩm mĩ riêng, chứa đựng quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. Nghĩa của từ ngữ trong thơ không chỉ nằm ở nghĩa độc lập, nghĩa tự vị của mỗi từ mà còn nằm ở “cấu trúc ngôn từ của văn bản - một kiểu cấu trúc tạo nên những “mã”, cất giấu những “mật ngữ”, thách thức cái nhìn của “người trần mắt thịt” [23, tr.60]. Do đó, nhiều người cho rằng, nghĩa của từ trong thơ là thứ nghĩa tạo sinh bởi quan hệ chứ không còn là nghĩa tròn trặn trong từ điển.
Cũng do quy định của thể loại, từ ngữ trong thơ được lựa chọn dưới nhiều áp lực: cảm hứng đề tài, chủ đề, cá tính sáng tạo của cá nhân nhà thơ… Về mặt lí thuyết, mọi từ ngữ trong vốn từ toàn dân đều có thể đi vào thơ nhưng trên thực tế, không phải mọi loại từ ngữ đều được các nhà thơ lựa chọn và sử dụng. Từ ngữ trong thơ vì thế thường mang nặng tính đặc tuyển, đã được gọt giũa, chắt lọc một cách công phu. Ngược lại, để phản ánh hiện thực bề bộn của đời sống và sự phức tạp của con người, ngôn ngữ tự sự chấp nhận mọi lớp từ trong vốn từ toàn dân, miễn sao chúng thể hiện được dụng ý nghệ thuật của người viết.
Do những đặc trưng nêu trên, từ ngữ trong thơ trở thành vấn đề được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, ở mỗi ngành khoa học khác nhau, từ ngữ trong thơ lại thường được các nhà nghiên cứu tiếp cận ở những góc độ khác nhau. Nhà từ vựng học thống kê vốn từ của nhà thơ, khảo sát những lớp từ nổi bật (từ Hán Việt, từ địa phương, tiếng “lóng”,…), đặt những từ này trong tương quan với vốn từ toàn dân để rút ra hiệu quả nghệ thuật mà lớp từ đó mang lại cho tác phẩm cũng như thấy được dấu ấn riêng của nhà thơ trong cách sử dụng lớp từ đó. Nhà ngữ pháp học quan tâm đến đặc điểm cấu tạo của từ ngữ mà nhà thơ thường sử dụng, đặc biệt là từ láy và cách tạo từ trong tác phẩm. Người làm phong cách xem xét từ ngữ trong thơ dưới góc độ phong cách chức năng và sự lựa chọn từ ngữ của nhà thơ. Nhà thi pháp học thống kê tần số sử dụng của một số lớp từ nổi bật, qua đó, rút ra quan niệm nghệ thuật của nhà thơ từ cách sử dụng ấy… Như vậy, từ ngữ trong thơ được tiếp cận dưới rất nhiều góc độ. Trong khóa luận này, chúng tôi chỉ
đưa ra hai hướng tiếp cận mà chúng tôi cho là có hiệu quả nghệ thuật hơn cả, đó là hướng tiếp cận từ góc độ phong cách học và hướng tiếp cận từ góc độ thi pháp học. “Trong những nét chung nhất, phong cách học được hiểu là khoa học nghiên cứu sự vận dụng ngôn ngữ, nói khác đi, đó là khoa học về các quy luật nói và viết có hiệu lực cao” [18, tr.7]. Theo đó, một trong những đối tượng nghiên cứu cơ bản của phong cách học đó là nguyên tắc lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ, trong đó có từ ngữ.
Từ ngữ trong thơ, ngoài giá trị thông báo còn mang giá trị thẩm mĩ, giáu sức biểu cảm. Theo Jakobson, trong thơ, “những con chữ và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội tại không phải chỉ là những kí hiệu vô vị của thực tế, trái lại, những con chữ đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng” [dẫn theo 39, tr.13]. Nhưng để mỗi từ trong thơ đều có giá trị biểu cảm thì hơn ai hết, người làm thơ không thể bỏ qua một thao tác quan trọng, đó là lựa chọn và sử dụng từ ngữ. Cảm xúc mà từ ngữ trong thơ đưa lại, xét cho cùng, chính là do sự lựa chọn cách biểu đạt có giá trị tạo nên. Và do đó, phong cách học nghiên cứu từ ngữ trong thơ bằng cách khảo sát và phân tích các kiểu lựa chọn ấy. Như vậy, khi tìm hiểu từ ngữ trong thơ, người làm phong cách chú ý đến mặt biểu cảm của từ ngữ được lựa chọn, đối lập nó với các kiểu lựa chọn khác có giá trị ngữ nghĩa tương đương. Đồng thời khảo sát những từ ngữ thuộc cùng một kiểu lựa chọn của tác giả. Nếu những từ ngữ thuộc kiểu lựa chọn đó có mặt trong tác phẩm với một tần số cao thì đó là dấu hiệu để nhận ra phong cách của nhà thơ.
Bên cạnh việc nghiên cứu từ ngữ trong thơ từ góc độ phong cách học, nhiều nhà nghiên cứu còn hướng đến tiếp cận từ ngữ trong thơ từ góc độ thi pháp học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên), thi pháp học là “khoa học nghiên cứu thi pháp, tức hệ thống phương thức, phương tiện biểu hiện đới sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn học. Mục đích của thi pháp là chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản
nghệ thuật tham gia vào sự hình thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mĩ, chiều sâu phản ánh của sáng tác nghệ thuật” [11, tr.206].
Với mục đích chia tách và hệ thống hóa tất cả các yếu tố của văn bản nghệ thuật trong tính chỉnh thể của nó, thi pháp học quan tâm tới tất cả các phương tiện biểu hiện của tác phẩm như thể loại, phong cách, kết cấu, không gian - thời gian nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ. Theo đó, người nghiên cứu tác phẩm văn học từ phương diện thi pháp sẽ miêu tả đặc điểm hình thức của các yếu tố nói trên một cách có hệ thống, qua đó, phát hiện những yếu tố lặp đi lặp lại trong tác phẩm một cách có quy luật để xác định tính chỉnh thể của hệ thống thi pháp, đồng thời nhận ra nét độc đáo của một tác giả, một thể loại, thậm chí là một trào lưu, một trường phái văn học.
Khi tiếp cận từ ngữ trong thơ từ góc nhìn thi pháp học, người nghiên cứu vận dụng các lí thuyết của thi pháp học để soi chiếu vào tác phẩm, nhận ra những từ ngữ xuất hiện nhiều trong tác phẩm một cách có quy luật, thể hiện sự lựa chọn của tác giả để tìm ra điểm độc đáo của tác phẩm. Đồng thời, qua đó, chỉ ra quan niệm nghệ thuật của tác giả thể hiện qua hình thức lặp lại ấy. Bởi theo quan điểm của thi pháp học, bất cứ hình thức nào trong tác phẩm được nhà thơ, nhà văn tập trung xây dựng có hệ thống cũng là hình thức mang tính quan niệm.
Như chúng tôi đã khẳng định, có rất nhiều hướng tiếp cận từ ngữ trong thơ. Trên đây chỉ là một số hướng nghiên cứu cơ bản mà trong quá trình tìm hiểu từ ngữ trong Khối vuông rubic của Thanh Thảo chúng tôi có sử dụng. Có thể hướng nghiên cứu ấy không bao quát được hết toàn bộ những đặc điểm nổi bật của từ ngữ nhưng hy vọng lại cho thấy một số dấu hiệu đặc trưng về phong cách sử dụng từ ngữ trong thơ Thanh Thảo. Như thế, có thể sẽ chưa khái quát được hết đặc trưng của từ ngữ trong tập thơ này nhưng chúng tôi mong muốn phân tích được những nét độc đáo trong cách sử dụng từ ngữ của thanh Thảo.
Là một nhà thơ có tài năng và trách nhiệm với nghề nghiệp, Thanh Thảo luôn luôn theo đuổi những dự định sáng tạo mới. Sáng tạo và cách tân đối với ông không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê. Cũng chính vì vậy, mỗi tác phẩm của ông đều có những nét cách tân vô cùng táo bạo, quyết liệt, đặc biệt là những cách tân trên phương diện hình thức ngôn từ. Trong Khối vuông rubic cũng như những tập thơ khác sau này, Thanh Thảo luôn có những cách xử lí nghệ thuật riêng để tạo ra dấu ấn phong cách của mình, tạo ra một hình thức ngôn từ mới cho thơ Việt. Điều này được thể hiện trên tất cả mọi cấp độ của ngôn ngữ trong tác phẩm của Thanh Thảo mà trước hết là cấp độ từ ngữ.
Từ là đơn vị cơ bản của hệ thống ngôn ngữ, có “hình thức ngữ âm và ý nghĩa, có tính sẵn có, cố định, bắt buộc và là những đơn vị thực tại, hiển nhiên của ngôn ngữ, lớn nhất trong hệ thống của một ngôn ngữ và nhỏ nhất để tạo câu” [2, tr.8]. So với từ, ngữ là đơn vị được cấu tạo nên từ từ nhưng hai đơn vị này đều có chức năng định danh và dùng để cấu tạo câu, nên trong khóa luận này, chúng tôi xem xét cả hai đơn vị.
Lấy ngôn ngữ làm chất liệu duy nhất để sáng tạo, nhà văn, nhà thơ trong quá trình sáng tác luôn chú ý lựa chọn và kết hợp từ ngữ. Trong kho từ ngữ vô cùng phong phú của mỗi dân tộc, nhà văn, nhà thơ luôn hướng đến sự lựa chọn và sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả nhất, làm cho nó không còn là những “kí hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên”, cũng không phải là những “kí hiệu vô vị của thực tế” mà còn “có trọng lượng riêng, có giá trị riêng” [Jakobson, dẫn theo 39, tr.13]. Đúng như Jakobson nhận định: “chúng ta đều biết rằng từ ngữ là những kí hiệu, nhưng giữa chúng ta, thi sĩ là kẻ cuối cùng còn sót lại biết rằng từ ngữ, xưa kia cũng là những giá trị” [dẫn theo 39, tr.13].
Đối với mỗi nhà thơ, việc lựa chọn và sử dụng từ ngữ không chỉ là thao tác quan trọng để tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mà còn là dấu ấn để tác giả thể hiện phong cách nghệ thuật của mình. Tùy vào chủ đề, đề tài, cảm hứng
sáng tạo và phong cách nghệ thuật, mỗi nhà thơ có thể lựa chọn cho mình một mảng từ ngữ khác nhau trong vốn từ toàn dân. Và khi lựa chọn, họ luôn có ý thức “làm mới” từ ngữ, để lại “dấu vân tay trên từng con chữ”. Thanh Thảo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trước ông, các nhà thơ mới đã lựa chọn và sử dụng “một vốn từ mới và loại bỏ hầu hết những từ sáo rỗng, ước lệ của thi ca cũ”, hoặc có thể dùng lại một số từ cũ nào đó nhưng đã “đem vào nội dung và cách diễn tả mới” [29, tr.84]. Cũng để phục vụ cho sự diễn tả những cảnh sinh hoạt và những trạng thái tình cảm phong phú và phức tạp, “trong vốn từ của nhà thơ mới đã có thêm nhiều từ mới, đặc biệt là các loại giới từ, liên từ và thán từ, v.v..Việc sử dụng những loại từ này làm cho cảm xúc bộc lộ tự nhiên, câu thơ thêm duyên dáng, ý nhị” [29, tr.84]. Như vậy, từ ngữ đến phong trào Thơ mới đã thoát hẳn tính ước lệ của thơ ca cổ điển. Nó phát triển phong phú hơn và vì thế cũng trở nên gần gũi hơn với đời sống thường nhật. Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã khai thác triệt để nét tinh tế của từ ngữ để thể hiện tất cả các cung bậc cảm xúc của mình. Đến thơ ca cách mạng, mặc dù từ ngữ trong thơ có xu hướng tìm đến một hình thức mới giản dị, chân thực mang tính đại chúng nhưng cũng vì thế mà từ ngữ trong thơ còn mang tính chất ồn ào và nhiều khi sáo rỗng. Là một nhà thơ trưởng thành trong cách mạng, đối với Thanh Thảo, làm thế nào để từ ngữ trong thơ vượt qua sự sáo mòn của nhiều từ ngữ trong thơ ca cách mạng cũng như vượt qua những giới hạn kết tinh mà các nhà thơ mới đã tạo ra, đó là một thách thức lớn. Tuy vậy, bằng tài năng và lòng nhiệt huyết của mình, Thanh Thảo đã thực sự để lại dấu ấn phong cách riêng trên phương diện từ ngữ trong nhiều tập thơ, trong đó có Khối vuông rubic. Trong tập thơ này, nhà thơ đã khai thác triệt để vốn từ toàn dân, đưa vào trong thơ những lớp từ ngữ vô cùng đa dạng (xét cả về phương diện ngữ nghĩa, nguồn gốc, phong cách). Trong đó, xét về phương diện ngữ nghĩa, có thể kể đến hai trường từ nổi bật là trường từ chỉ những sự vật nhỏ bé, mộc mạc, giản dị và trường từ chỉ những hiện tượng thiên nhiên kì vĩ, lớn lao. Xét về phương diện phong cách chức
năng và nguồn gốc của từ, có thể kể đến lớp từ mang phong cách khẩu ngữ sinh hoạt và lớp từ mới. Bên cạnh việc sử dụng đa dạng các lớp từ ngữ, Thanh Thảo còn tạo cho từ ngữ trong Khối vuông rubic giá trị thẩm mĩ riêng bằng việc sử dụng các định ngữ nghệ thuật. Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi không có điều kiện để khái quát toàn bộ đặc điểm từ ngữ trong Khối vuông rubic mà chỉ đi vào tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật nêu trên .
2.1.2.1. Sự đa dạng của các lớp từ ngữ và các trường từ vựng
Trước hết, để có cái nhìn chung nhất về sự đa dạng của các lớp từ ngữ trong Khối vuông rubic, chúng ta cần xem xét kết quả thống kê số lượng các từ ngữ trong
một số trường từ vựng nổi bật và các lớp từ tiêu biểu của Khối vuông rubic. Từ đó, qua so sánh với các lớp từ và các trường từ tương ứng trong tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ - tập thơ đầu tiên của Thanh Thảo, chúng ta nhìn nhận rõ hơn về sự thay
đổi của từ ngữ trong thơ Thanh Thảo và sự đa dạng của từ ngữ trong Khối vuông
rubic.
Bảng 2.1: Thống kê số lượng từ ngữ của một số trường từ và lớp từ tiêu biểu trong Dấu chân qua trảng cỏ và Khối vuông rubic
Lớp từ Tập thơ Trường từ chỉ những sự vật nhỏ bé, giản dị, gần gũi Trường từ chỉ những hiện tượng thiên nhiên kì vĩ Từ ngữ sinh hoạt Từ mới Số lượng Lượt dùng Số lượng Lượt dùng Số lượng Lượt dùng Số lượng Lượt dùng
Dấu chân qua trảng cỏ 118 147 34 55 24 35 0 0 Khối vuông rubic 263 302 63 78 187 203 33 43
Nhìn từ góc độ phong cách, từ ngữ có mặt trong các văn bản bao giờ cũng là kết quả của một sự chọn lựa. “Trước cùng một đề tài, trường từ vựng của nhà văn