Khái niệm bài thơ và quan niệm mới về bài thơ trong thơ Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn ngôn ngữ thơ thanh thảo trong tập khối vuông rubic (Trang 69 - 72)

hiện đại

“Bài thơ là đơn vị chỉnh thể lớn nhất của kết cấu văn bản ngôn từ thơ trữ

tình, là sản phẩm hoàn chỉnh của sự sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ tuân theo sự chi phối của một cái tứ chủ đạo, quán xuyến và chịu sự ràng buộc của “thiên pháp”

từng thời đại” [5, tr.45]. Khi nghiên cứu về thơ, muốn khái quát đặc điểm nổi bật của toàn bộ tập thơ hoặc bình giá một câu thơ, người nghiên cứu đều phải xuất phát từ nền cảm nhận chung về cả bài thơ.

Khi tìm hiểu về phong cách ngôn ngữ của một tác giả hoặc một tác phẩm, chúng ta không thể không bỏ qua đơn vị bài thơ. Bởi nếu cho rằng phong cách là sự lựa chọn thì phải hiểu sự lựa chọn ấy diễn ra trên tất cả mọi cấp độ ngôn từ của văn bản nghệ thuật, từ cấp độ nhỏ nhất (từ ngữ) đến cấp độ lớn nhất (văn bản). Như vậy, việc lựa chọn cách tổ chức bài thơ cũng là một đối tượng để chúng ta tìm hiểu phong cách tác giả.

Cũng như các cấp độ khác của kết cấu văn bản ngôn từ, bài thơ cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ của quan niệm thẩm mĩ, tư duy nghệ thuật của nhà thơ trong từng thời đại. Bài thơ, trong cách nhìn của các nhà thơ cổ điển là “một cấu trúc khép kín, có lớp lang rõ ràng, dễ nhận biết và nói khác hơn là có tính hoàn chỉnh tự thân. Các tác giả gần như ý thức được điều mình nói, và khi cho tác phẩm “hành thế”, họ muốn độc giả hiểu bài thơ đúng như ý mình, rút ra được cái nghĩa của bài thơ đúng như mình dự kiến” [5, tr.169]. Do đó, vô hình trung, các nhà thơ cổ điển đã xem bài thơ “như một sản phẩm của tạo hóa” và công việc của họ chỉ là “sắp đặt vật liệu theo quy luật, hướng về một sự hài hòa đã được ấn định từ trước” [5, 107]. Bài thơ, vì thế, đến với độc giả như một sản phẩm đã hoàn kết. Nó đòi hỏi được tiếp nhận như một cái gì đã hoàn chỉnh. Người đọc không có quyền giải thích một cách tùy tiện mà chỉ đi vào tìm hiểu cái “tiên ý” của nhà thơ đã gửi gắm trong đó. Vì là một sản phẩm đã hoàn kết nên những đơn vị chỉnh thể của bài thơ (khổ thơ, câu thơ) cũng mang tính hoàn chỉnh tự thân, có tính độc lập cả về phương diện hình thức và phương diện ý nghĩa. Đến văn học hiện đại, bắt đầu từ phong trào Thơ mới, do sự bùng nổ của ý thức cá nhân, quan niệm về bài thơ cũng đã đổi khác. Bài thơ được giải phóng khỏi mọi giới hạn quy phạm của thể tài và trở thành một cấu trúc vận động, mang trong nó những đơn vị chỉnh thể chưa thật định hình. Nói cách

khác, bài thơ lúc này gắn với cá tính sáng tạo của cá nhân, mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ. Khi sáng tác, điều mà các nhà thơ hiện đại quan tâm trước hết là việc trình bày khoảnh khắc hiện tại của cảm xúc. Và vì thế, những yếu tố hình thức được họ lựa chọn cũng trở nên linh hoạt hơn để phù hợp với việc thể hiện khoảnh khắc cảm xúc ấy. Bài thơ vì thế, có thể mở đầu và kết thúc một cách chơi vơi, các đơn cị chỉnh thể của nó cũng vận động vô cùng linh hoạt. Lúc này, bài thơ không phải là một sản phẩm sáng tạo đã hoàn kết mà là một cấu trúc “mở ngỏ”, còn nhiều khoảng trống để độc giả “cộng cảm” và đông sáng tạo. Nói cách khác, đến thơ ca hiện đại, bài thơ đã thực sự là một cấu trúc mở, đến với người đọc trong một không khí đối thoại hết sức dân chủ.

Sau phong trào Thơ mới, quan niệm về bài thơ trong giai đoạn văn học cách mạng vẫn chưa có nhiều thay đổi. Phải đến sau 1975, bài thơ mới được cách tân một lần nữa. Nếu như từ phong trào Thơ mới, bài thơ đã mang trong nó một cấu trúc vận động với nhiều khoảng trống để “vẫy gọi” sự tiếp nhận sáng tạo của độc giả thì đến sau 1975, độ mở của bài thơ còn được đẩy lên một mức độ cao hơn nữa khi các nhà thơ đương đại lược bỏ dần dấu hiệu liên kết của câu thơ (như từ nối, vần), khai thác tối đa hiệu quả biểu đạt của thể thơ tự do cũng như làm mới các thể thơ truyền thống, tạo nên tinh đa thanh, đa nghĩa cho ngôn từ. Dưới áp lực của cảm xúc, của mạch liên tưởng, cấu trúc bài thơ nhiều khi không còn tuân theo logic của tư duy mà biến hóa linh hoạt, đa dạng. Câu thơ, khổ thơ vì thế cũng vận động hết sức tự do. Chính những điều này đã làm cho bài thơ trong thơ Việt Nam đương đại trở nên nhạy cảm với sự vận động của thời đại, thích hợp với yêu cầu tái hiện sự bề bộn của xã hội và sự phức tạp trong tâm hồn mỗi con người.

Trở lên, chúng tôi đã trình bày về khái niệm bài thơ và quan niệm mới về bài thơ trong thơ Việt hiện đại. Mặc dù những nội dung được trình bày còn khá sơ lược nhưng cũng có thể coi đây là một số tiền đề lí thuyết cơ bản để khi soi chiếu vào tổ

chức bài thơ của Khối vuông rubic, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Luận văn ngôn ngữ thơ thanh thảo trong tập khối vuông rubic (Trang 69 - 72)