Cũng như nhiều nhà thơ khác, để tạo ra những ấn tượng thẩm mĩ mới mẻ
trong lòng người đọc, trong Khối vuông rubic, Thanh Thảo đã rất nhiều lần sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Điều này thể hiện rõ qua bảng so sánh số lượng và tỉ lệ sử dụng biện pháp so sánh của Thanh Thảo trong Khối vuông rubic và Chế Lan Viên trong 113 bài của Di cảo thơ mà chúng tôi lựa chọn để khảo sát..
Bảng 2.3. Thống kê số lượng và tỉ lệ sử dụng biện pháp so sánh của Thanh Thảo trong Khối vuông rubic và Chế Lan Viên trong Di cảo thơ
Tác giả Tác phẩm Số lần sử dụng biện pháp so sánh
Số trang thơ Tỉ lệ Thanh
Thảo
Khối vuông rubic 88 86 1.02/1
Chế Lan Viên
Di cảo thơ 63 92 0.6/1
Qua bảng thống kê trên, có thể thấy, biện pháp tu từ so sánh được Thanh Thảo sử dụng với tỉ lệ khá cao. Trung bình, một trang thơ trong Khối vuông rubic có
khoảng 1 đơn vị so sánh. Trong khi đó, cứ gần hai bài trong Di cảo thơ mà chúng tôi khảo sát mới có một đơn vị so sánh. Trên những nét chung nhất, vẫn có thể thấy rằng, biện pháp tu từ so sánh được Thanh Thảo sử dụng với tần số khá cao.
Cũng như biện pháp tu từ ẩn dụ, trong Khối vuông rubic, biện pháp so sánh được Thanh Thảo khai thác rất nhiều lần và sử dụng một cách linh hoạt xét cả trên bình diện cấu trúc hình thức và bình diện cấu trúc ngữ nghĩa.
Về bình diện hình thức, theo kết quả khảo sát của chúng tôi, từ mô hình cấu trúc so sánh đầy đủ với bốn yếu tố, Thanh Thảo đã tạo ra rất nhiều biến thể khác nhau để phù hợp với yêu cầu biểu đạt trong từng trường hợp cụ thể. Kiểu so sánh theo mô hình cấu trúc đầy đủ rất ít xuất hiện, thay vào đó là những kiểu cấu trúc tỉnh lược yếu tố chỉ phương diện so sánh. Ví dụ:
Đá như người già ngồi im hút thuốc
hoặc yếu tố chỉ quan hệ so sánh. Ví dụ: Tổ quốc
tôi vụt thấy đáy sâu quằn quại của tâm hồn Nga miệng núi lửa dưới tầng tầng tuyết phủ.
Kiểu cấu trúc so sánh tỉnh lược này tạo ra cho người đọc sự liên tưởng rộng rãi, kích thích trí tưởng tượng và tình cảm nhiều hơn để tìm ra điểm tương đồng giữa hai đối tượng. Song song với kiểu cấu trúc tỉnh lược, Thanh Thảo còn sử dụng kiểu cấu trúc so sánh phức hợp, tức là cái so sánh chỉ có một đối tượng nhưng cái được so sánh là nhiều đối tượng, ví dụ:
lòng vô tư như gió chướng trong lành như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh
Hoặc:
ở tuổi bốn mươi
câu thơ trong tay người vụt sáng chói là lửa giữa bóng đêm, là hoa không biết sợ
là khẩu súng năm xưa nhưng người lính khác xưa rồi
Với kiểu cấu trúc phức hợp này, đối tượng so sánh được khắc họa một cách rõ nét hơn, hình ảnh thơ vì thế cũng được cảm nhận một cách đa chiều, giàu khả năng biểu hiện hơn.
Ngoài hai kiểu cấu trúc này, trong Khối vuông rubic, Thanh Thảo còn sử dụng những cấu trúc đảo ngược, ví dụ:
như cây non ngày cả gió
tôi run lên trước làn roi ngôn ngữ
và sử dụng rất đa dạng các yếu tố chỉ quan hệ so sánh. Cấu trúc so sánh trong Khối
vuông rubic vì thế mà không bị khuôn vào một dạng thức nhất định mà luôn biến
hóa một cách linh hoạt để phù hợp với yêu cầu biểu đạt của từng đối tượng.
Như vậy, xét về phương diện hình thức, cấu trúc so sánh trong Khối vuông
rubic của Thanh Thảo rất đa dạng và được sử dụng một cách linh hoạt. Tuy nhiên,
đó chưa phải là đặc điểm nổi bật, bởi trong nhiều tác phẩm của các nhà thơ khác, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những đặc điểm này. Cũng như từ ngữ, điểm nhấn mà Thanh Thảo tạo ra ở biện pháp so sánh tu từ không nằm trong phương diện hình thức mà nằm ở phương diện ngữ nghĩa. Cũng như nhiều nhà thơ khác, khi sử dụng biện pháp so sánh, Thanh Thảo luôn cố gắng tạo nên những hình ảnh so sánh độc đáo, thể hiện cách cảm nhận riêng của mình. Và qua những hình ảnh so sánh ấy, ông luôn để lại một dấu ấn riêng, dấu ấn của một người luôn trăn trở về lẽ sống, về cái bản thể của con người, cái lõi sự thật của cuộc đời. Và vì thế, hình ảnh so sánh trong thơ ông không chỉ mới lạ mà còn mang nặng chiều sâu triết lí. Ở phương diện này, Thanh Thảo trong Khối vuông rubic dường như có sự gặp gỡ với Chế Lan Viên trong Di cảo thơ. Tuy nhiên, nếu trong thơ Chế Lan Viên, hình ảnh so sánh luôn luôn thể hiện một cái tôi băn khoăn, trăn trở mong muốn tìm một câu trả lời cho sự tồn tại của bản thể:
giấu đi ba còn lại đấy là anh
hoặc:
tôi tự ví mình với ông vua Thục
chạy thục mạng trước thời gian truy bức
và một cái tôi mang trong mình nỗi ám ảnh về thời gian chảy xiết:
cái vòng tròn của xe, của vầng trăng làm anh khổ
nhưng thời gian như thạch nhũ thời gian ùa nước lũ
(Thời gian nước xiết) nỗi ám ảnh về cái chết:
Số ngày còn lại cho anh trên trái đất, đếm rồi Như thóc giống đếm từng hạt một.
Chỉ còn chừng ấy hạt thôi anh phải tạo ra mùa.
(nghề của chúng ta)
Và một cái tôi với những trăn trở khôn nguôi về thơ, về nghề làm thơ: Thơ là tình của anh và thú của người chứng kiến.
Không thú vị họ bỏ đi mặc xác anh ngồi đếm. Cái đồng tiền vàng kho báu của anh.
(Tìm)
Thì trong Khối vuông rubic, Thanh Thảo lại không trăn trở về cái bản thể của mình mà trở về với cái bản thể của con người nói chung, của cuộc đời nói chung để chiêm nghiệm, để suy tư, để phơi bày. Hình ảnh so sánh trong thơ ông không chỉ mang tính triết lí mà còn nặng tính khái quát. Theo Thanh Thảo: Càng từng trải,
anh có thể khôn ngoan hơn, nhưng anh sẽ làm hả nhạt đi hương vị chân chất của đời mình; nó là cách nói lên sự thật như từ miệng một đứa trẻ nói. Cũng sẽ mất dần độ nhạy cảm của đôi cánh chuồn chuồn trước thời tiết thay đổi, những phản ứng
khó nhận biết của lá non, những phản ứng không nhằm khẳng định mình mà khẳng định cái thế giới mình đang sống. nhưng anh làm sao khác được, anh phải lớn lên như một cái cây lớn lên, nếu không, anh sẽ có số phận của cây cảnh trang trí cho hòn non bộ.
Như vậy, trong cái được luôn tồn tại cái mất, và ngược lại. Đó là một quy luật. Có những lúc, Thanh Thảo tự lật ngược chính mình, lộn trái chính mình để thấy rõ hơn cách suy nghĩ chung của con người. Đó là khi ông nhận ra: hơn cả tắm trong lửa, trong nước là tắm trong ý nghĩ trung thực và cảm thấy: thì ra, yêu thương cha mẹ, vợ con, bạn bè, hàng xóm… lắm khi là một gánh nặng với những cực nhọc, phiền toái thực sự, trong lúc yêu thương toàn nhân loại là một gánh nặng tưởng tượng thật dễ chịu, nó lâng lâng trong ta cái cảm giác thấy mình tốt, thấy mình cần thiết cho tất cả mọi người. Mà lưng lại nhẹ như không. Không chỉ vậy, trong nhiều
trường hợp, Thanh Thảo còn tổ chức cấu trúc so sánh thành những mẩu đối thoại nhỏ. Và qua những mẩu đối thoại đó, Thanh Thảo như muốn đối thoại với chính mình, đối thoại với người đọc để truy tìm đến cùng cái bản chất của sự vật. Hình ảnh so sánh trong Khối vuông rubic vì thế vừa đậm chất triết lí lại vừa mang tính đối thoại. Đó là khi Thanh Thảo viết:
Tôi xoay những ô vuông. Đôi khi những đồ vật đã che khuất chúng ta - Còn sự thành đạt?
- đôi khi, nó cũng là một thứ đồ vât
- như một chiếc áo đẹp, một căn phòng đầy tiện nghi? - nó làm ta thấy dễ chịu
- thấy mình hơn những người khác
- hơn cả những đồng đội của mình đã chết?
Và chính trong những cấu trúc so sánh theo hình thức đối thoại này và những hình ảnh thơ đậm chất triết lí cũng đã phần nào làm nên dấu ấn phong cách nghệ thuật của Thanh Thảo.
Như vậy, qua những phân tích trên, có thể thấy, trong Khối vuông rubic, biện pháp so sánh tu từ xuất hiện với tỉ lệ cao và được sử dụng rất linh hoạt cả về phương diện cấu trúc hình thức cũng như phương diện ngữ nghĩa. Trong đó, những hình ảnh so sánh mang tính triết lí, những cấu trúc so sánh được tổ chức theo phương thức đối thoại là những dấu hiệu để chúng ta xác định dấu ấn phong cách của Thanh Thảo trong tập thơ này
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2, chúng tôi đã đi sâu phân tích hai vấn đề chính là vấn đề từ ngữ và các biện pháp tu từ trong Khối vuông rubic của Thanh Thảo. Qua phân tích, có thể thấy, trong Khối vuông rubic, Thanh Thảo đã sử dụng đa dạng nhiều lớp từ, xét cả về phương diện phong cách chức năng cũng như nguồn gốc, ngữ nghĩa, trong đó có bốn lớp từ nổi bật là từ thi ca, từ sinh hoạt, từ mới và từ chỉ chiến tranh. Bên cạnh việc sử dụng đa dạng nhiều lớp từ, trong Khối vuông rubic, Thanh
Thảo còn tạo điểm nhấn cho từ ngữ của mình bằng cách sử dụng những từ ngữ giản dị, mộc mạc, tự nhiên rồi kết hợp với những định ngữ nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ cao để biểu đạt vẻ đẹp thô sơ và hực sáng - vẻ đẹp mà nhà thơ luôn khao khát kiếm tìm.
Ngoài ra, để làm mới ngôn từ và tăng cường khả năng biểu đạt cho từ ngữ trong thơ, Thanh Thảo còn sử dụng trong tập thơ Khối vuông rubic nhiều biện pháp tu từ, trong đó, nổi bật nhất là biện pháp ẩn dụ và biện pháp so sánh. Với mỗi biện pháp, Thanh Thảo luôn có cách xử lí linh hoạt và tạo được điểm nhấn riêng để thể hiện phong cách nghệ thuật của mình.
Chương 3