Liên văn bản là một trong những khái niệm qua trọng và có ảnh hưởng nhất trong các lí thuyết văn học thế giới suốt thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI. Theo Nguyễn Hưng Quốc, khái niệm tính liên văn bản chính thức có mặt trong tiểu luận Từ, đối thoại và tiểu thuyết của Julia Kristeva được hoàn tất vào giữa những năm 60 của thế kỉ XX. Tư tưởng của Kristeva được Nguyễn Hưng Quốc tóm lược như sau: “văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tac riêng tây của người cầm bút mà chủ yếu từ những văn bản đã hiện hữu trước đó: mỗi văn bản là sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói của các văn bản khác đã gặp gỡ nhau, tan loãng vào nhau và trung hòa sắc độ của nhau. Nói cách khác, không có văn bản nào thực sự cô lập, một mình một cõi, như một sự sáng tạo tuyệt đối: văn bản nào cũng chịu sự tác động của văn bản văn hóa (culural text), cũng chứa đựng ít nhiều cấu trúc ý thức hệ và quyền lực thể hiện qua các hình thức diễn ngôn khác nhau trong xã hội” [31]. Từ đó, đi xa hơn, Kristeva cho mỗi văn bản là một liên văn bản, ở đó, các văn bản cùng hiện hữu để góp phần chi phối và làm thay đổi những diện mạo của văn bản ấy; mỗi văn bản là một sự hấp thụ và chuyển thể của các văn bản khác, là một tấm vải được dệt từ những trích dẫn cũ, ở đó, có một số mảnh vụn của các mã ngôn ngữ, các quy ước văn học, các khuôn mẫu nhịp điệu, các hình thức diễn ngôn từng phổ biếntrong xã hội” [31].
Như vậy, nếu trước đây, người ta xem tác phẩm như là sản phẩm riêng của chủ thể sáng tạo thì giờ đây, dưới ánh sáng của lí thuyết liên văn bản, tác phẩm do nhà
văn, nhà thơ viết ra thực chất là sự “hội tụ của vô số các văn bản khác đến từ vô số các nền văn hóa khác nhau: tất cả đều tan loãng vào nhau và không có cái nào thực sự là độc sáng cả” [NHQ]. Rõ ràng, liên văn bản là thuộc tính tất yếu của tất cả các tác phẩm văn học. Vì vậy, khi nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ của tác phẩm và phong cách tác giả, không thể không đề cập đến vấn đề này. Thoạt nhìn, tính liên văn bản và vấn đề phong cách ngôn ngữ cá nhân là hai vấn đề hoàn toàn trái ngược nhau. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất từng vấn đề, chúng ta sẽ thấy chúng cùng có chung một địa hạt để tồn tại đó là văn bản. Các văn bản với những xuất xứ khác nhau có mặt trong một văn bản không phải là ngẫu nhiên mà là sự tất yếu mang tính quy luật. nó thuộc về tâm lí sáng tạo, quan niệm thẩm mĩ và cái “gu” nghệ thuật của từng chủ thể sáng tạo. Do đó, những yếu tố được hút vào trong tác phẩm của một nhà thơ, nhà văn nhiều khi cũng là một đối tượng thể hiện phong cách nghệ thuật của tác giả.
Trong Khối vuông rubic, có rất nhiều bài thơ mà ở đó, “mỗi từ ngữ, mỗi chi tiết, hình ảnh và cả hình tượng trung tâm trong đó đều là đầu mối của một quan hệ giao tiếp nghệ thuật rộng lớn mà nếu thiếu các tri thức về văn bản (hiểu theo nghĩa rộng) có trước đó thì độc giả không thể cảm nhận được, hiểu được ý nghĩa của chúng” [6, tr.209]. Trong tập thơ này, có rất nhiều dẫn chứng cho thấy tính liên văn bản rộng lớn, mà đáng chú ý nhất là những tác phẩm viết về các nhân cách nghệ sĩ cao quý như Cao Bá Quát, L. Aragông, G.Lorca, Maiaôpxki. Trong những bài thơ này, Thanh Thảo đã thực sự nhập thần vào thế giới nghệ thuật của từng nghệ sĩ để lẩy ra và đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh, biểu tượng của chính người nghệ sĩ đó. Và vì thế, bài thơ trở thành một liên văn bản mà ở đó, nhiều hình ảnh, biểu tượng đòi hỏi người đọc phải tìm đến những văn bản đã làm nền cho nó thì mới có thể hiểu hết được ý nghĩa của chúng. Chẳng hạn, trong tác phẩm Đàn ghita
của Lorca, cả bài thơ được bật lên từ một câu thơ dẫn dắt: nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita, và từ đó, từng hình ảnh thơ được tung ra một cách tự nhiên và
đầy sức ám gợi. Nó dẫn dụ ta đến với một không gian Tây Ban Nha rất đặc trưng với màu áo choàng đỏ gắt, với vầng trăng đỏ chuếnh choáng, với màu xanh rợn ngợp của những rặng ô liu, với âm thanh nức nở, thở than làm vỡ tan cốc rượu bình minh của tiếng đàn ghita huyền hoặc… Tất cả đều là những thi liệu quen thuộc trong thơ Lorca, và rộng hơn nữa là trong dân ca Tây Ban Nha. Có thể nói, trong
Đàn ghita của Lorca, Thanh Thảo thực sự đã làm sống lại những biểu tượng ám
ảnh bồn chồn của chính thi hào Tây Ban Nha. Nói cách khác, mỗi hình ảnh, biểu tượng trong tác phẩm này lại khiến ta nhớ đến những hình ảnh thường xuất hiện trong thơ Lorca. Hình ảnh vầng trăng chuếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn nhắc ta nhớ đến câu thơ quen thuộc con ngựa đen vầng trăng đỏ trong thơ Lorca. Hình ảnh
giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng không chỉ đưa ta trở về với
“cái chết của một thi tài mãnh liệt” (chữ dùng của Phan Huy Dũng) mà còn gợi cho ta nhớ đến câu thơ trong Bài ca mộng du cuả Lorca:
Lan can của vầng trăng nơi nước gieo vang dội
Đặc biệt, hình ảnh áo choàng bê bết đỏ vừa khắc họa cái chết đầy thảm khốc của “con sơn ca xứ Tây Ban Nha” lại vừa gợi nên một câu thơ mà Lorca đã thảng thốt kêu lên trong một bài thơ định mệnh của mình: tôi không muốn nhìn thấy máu
(que no quiero verla). Lorca không muốn nhìn thấy máu, nhưng máu đã chảy tràn.
Linh cảm về một cái chết được báo trước luôn ám ảnh Lorca, và giờ đây, sự ám ảnh đó lại quay trở về tái sinh trong khúc ca tưởng niệm ông. Tuy nhiên, nó không còn là nỗi ám ảnh của riêng Lorca mà là ám ảnh ghê rợn của toàn nhân loại trước cái chết của người nghệ sĩ vĩ đại này.
Cùng với Đàn ghita của Lorca, Đêm trên cát cũng là một tác phẩm cho thấy tính liên văn bản rộng lớn của thơ Thanh Thảo. Có thể nói, sau hơn một thế kỉ, những vần thơ của Cao Bá Quát lại trở về hiện diện và tái sinh trong một văn bản
mới. Chén rượu và vầng trăng trên sông Trà trong Trà giang thu nguyệt ca của Cao Bá Quát ngày nào đã trở về với Đêm trên cát trong những vần thơ đầy tâm trạng: trăng trong chén anh
là giọt rượu cặn cuối cùng của sông Trà một đêm khói sóng
nhìn mắt bạn thấy bóng mình lẳng lặng
mỗi hận bỗng trào lên cuộn xoáy con thuyền
Và con người đã tự nhận mình là anh bộ binh trong bọn Trúc Lâm gặp bước
đường cùng (ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh) giờ đây cũng đã trở về thành kẻ
hành nhân cô độc trong đêm trên cát mịt mù:
hố thẳm
bao năm ròng chới với
lòng mê man vin một chút danh hờ
ta chỉ là gã nhà thơ cùng đường quay trở lại lòng ước ao thoáng hạnh phúc mơ hồ
Có thể nói, trong Đêm trên cát, những hình ảnh, chi tiết hiện lên trong tác phẩm luôn gợi cho ta nhớ đến những thi liệu của thơ Cao Bá Quát. Và rộng hơn nữa, những hình ảnh trong bài thơ này còn gợi cho ta liên tưởng đến một văn bản khác của đời sống xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XIX. Đó là những năm tháng ngột ngạt nhất của xã hội phong kiến, những năm nạn dịch châu chấu hoành hành, tàn phá mùa màng:
trên đất nước trận bão đen tàn hại
bầy châu chấu từ đâu về che kín mặt trời
những năm hạn hán, mất mùa, thiên tai, lụt lội: cấy xuống đồng sâu
đời người – dảnh mạ phải mùa nắng nỏ
gặp bấc tháng ba héo quắt xương da
Đó còn là những năm tháng đói khổ, cực nhọc vô cùng của nhân dân: lúa te tướp mặt người xanh xám
bụng quắt queo kiến bò
cái đói thật tình xuống hai hàng nước mắt nào phải chuyện văn thơ
Và đó cũng là những năm tháng đê hèn nhấtcủa triều đình nhà Nguyễn: mục nát lại chồng lên mục nát
những chiếc ngai sơn son thiếp vàng những võng lọng đình đám những tiệc tùng thừa mứa hệt như thời Nguyễn Du đã thấy
và mặt trời cứ lẩn tránh
không rõ vì xót thương hay xấu hổ bỏ mặc dân đen cho lũ sói diều
Nhờ những chi tiết, những hình ảnh này mà dù không có sự kiện nào trong cuộc đời của Cao Bá Quát được kể lại rành mạch nhưng người đọc vẫn cảm nhận được từng bước chân của người anh hùng lỡ vận trong đêm trên cát mịt mờ giữa thế kỉ XIX, dù bước chân ấy đã cách xa chúng ta hơn một thế kỉ.
Như vậy, có thể thấy, trong Khối vuông rubic, tính liên văn bản được bộc lộ rất rõ trong các tác phẩm, đặc biệt là những tác phẩm viết số phận của những nghệ sĩ có nhân cách cao quý. Trong tập thơ này, rất nhiều hình ảnh, biểu tượng là sự tái sinh của những hình ảnh, biểu tượng khác tồn tại trong những văn bản đã làm nền cho nó mà trong giới hạn của đề tài này, chúng tôi không thể khái quát hết được. Đó có thể là những văn bản của chính những nghệ sĩ mà Thanh Thảo khắc họa (những hình ảnh trong thơ Lorca, Maiacôpxki, L. Aragông, Cao Bá Quát). Đó cũng có thể là những
“văn bản” khác tồn tại trong đời sống chính trị, lịch sử, xã hội, bối cảnh văn hóa mà người nghệ sĩ đó đã từng sống (xã hội Việt Nam thế kỉ XIX, xã hội Tây Ban Nha những năm phát xít hoành hành…). Đó còn là những văn bản có tác dụng khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho nhà thơ (bản giao hưởng số bảy trongg tác phẩm Có một lần tôi
nghe bản giao hưởng số bảy). Tất cả những văn bản ấy đã trở về hội tụ tái sinh trong Khối vuông rubic. Mặc dù tính liên văn bản là một thuộc tính tất yếu của tác phẩm
nghệ thuật nhưng qua Khối vuông rubic, qua tìm hiểu sơ lược về các văn bản đã tồn tại trong tập thơ này, có thể thấy, những văn bản được Thanh Thảo đưa vào trong tác phẩm của mình đã thể hiện một vốn đọc và sự am tường của tác giả đối với thơ ca, văn hóa, xã hội đông tây kim cổ, mặt khác, thể hiện một nỗ lực tu dưỡng rất cao về nghề, muốn học theo, hướng về những đỉnh núi sừng sững trong văn học dân tộc và thế giới. Và hơn thế nữa, nó cũng thể hiện sự gặp gỡ của Thanh Thảo với những con người được ông nói đến cách nhìn nhận về mọi vấn đề của cuộc sống, của nghệ thuật bởi viết về người khác thực chất cũng là một cách bộc lộ chính bản thân mình. Nhờ những liên văn bản này, Thanh Thảo đã tạo cho Khối vuông rubic một độ mở rộng để kích thích sự liên tưởng, sự sáng tạo của độc giả. Mỗi bài thơ của ông lúc này như một Khối
vuông rubic, đằng sau một mặt đã nhìn thấy luôn là một mặt khác còn đang ẩn tàng.
Và đó chính là một điểm sáng tạo của Thanh thảo trong tập thơ này.
Tiểu kết chương 3
Trong chương 3, chúng tôi đã lần lượt đi vào tìm hiểu những đặc điểm của ngôn
ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông rubic qua cách tổ chức bài thơ. Qua đó, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các bài thơ trong Khối vuông rubic được tổ chức theo thể thơ tự do với cấu trúc mở. Các yếu tố khác trong chỉnh thể bài thơ như dòng thơ, nhịp điệu, vần thơ được tổ chức một cách tự do, linh hoạt, biến hóa theo sự vận động của cảm xúc và từng nội dung cụ thể được biểu hiện. Bên cạnh đó, ở tập thơ này, mỗi bài thơ là kết quả của quá trình giao tiếp nghệ thuật rộng lớn, là một liên văn bản hội tụ trong nó nhiều văn bản. Những thi liệu trong nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ lớn,
những sự kiện chính trị, văn hóa, xa hội của các thời đại khác nhau cùng trở về hội tụ, tái sinh trong các tác phẩm của Khối vuông rubic. Tất cả những điều đó đã tạo cho bài thơ một cấu trúc mở với nhiều khoảng trống, kích thích sự sáng tạo của người tiếp nhận. Đó chính là những điểm nổi bật nhất của tổ chức bài thơ trong Khối vuông rubic.
KẾT LUẬN
Qua quá trình tìm hiểu ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông
rubic, chúng tôi rút ra một số kết luận sau.
1. Trong nền thơ ca Việt Nam đương đại, Thanh Thảo là nhà thơ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách tân thơ Việt. Những nỗ lực cách tân của ông đã được ghi nhận và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thơ Việt giai đoạn này. Ra đời năm 1985, tập thơ Khối vuông rubic có thể coi là cột mốc đánh dấu bước chuyển của hai giai đoạn thơ Thanh Thảo và cũng là tập thơ kết tinh rất nhiều ngững nét đặc sắc của ngôn ngư thơ Thanh Thảo.
2. Là một vấn đề có tính bao trùm, tất nhiên, những nét đặc sắc của ngôn ngữ thơ Thanh Thảo được biểu hiện ở mọi cấp độ ngôn từ trong Khối vuông rubic. Khóa luận đã tìm hiểu những nét đặc sắc này trước hết ở cấp độ từ. Qua đó, chúng tôi thấy, trong tập thơ này, từ ngữ được Thanh Thảo sử dụng khá đa dạng (xét cả về phương diện ngữ nghĩa, phong cách và nguồn gốc). Đặc điểm cơ bản nhất của phương diện từ ngữ trong tập thơ này là nhà thơ đã sử dụng rất nhiều những từ ngữ
chỉ những sự vật nhỏ bé, mộc mạc và giản dị trong cuộc sống và tạo điểm nhấn cho nó bằng những định ngữ nghệ thuật giàu giá trị thẩm mĩ. Ngoài ra, Thanh Thảo còn đưa vào trong tập thơ này khá nhiều từ ngữ mang phong cách sinh hoạt và những từ mới xuất hiện trong xã hội hiện đại. Với cách làm này, Thanh Thảo đã tạo cho từ ngữ trong thơ ông nét đẹp giản dị, mộc mạc và gần gũi với đời thường. Qua đó, nhà thơ có thể đưa vào trong thơ không khí nóng hổi của cuộc sống hiện đại.
Bên cạnh việc sử dụng đa dạng các lớp từ ngữ, Thanh Thảo còn sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ, đặc biệt là biện pháp so sánh tu từ và ẩn dụ tu từ. Với mỗi biện pháp, Thanh Thảo luôn có cách xử lí linh hoạt và tạo được điểm nhấn riêng để thể hiện phong cách nghệ thuật của mình.
3. Ở phương diện tổ chức bài thơ, trong Khối vuông rubic, Thanh Thảo đã khai thác tối đa hiệu quả của thể thơ tự do và thể thơ văn xuôi, nới lỏng cấu trúc của những thể thơ này nó có thể vận động linh hoạt theo cảm xúc cũng như từng nội dung biểu hiện. Ranh giới của câu thơ bị phá vỡ, dòng thơ vận động, co duỗi linh hoạt. Nhịp điệu và vần thơ cũng chuyển biến tự nhiên theo sự biến chuyển của cảm xúc. Nội dung và cảm xúc của bài thơ vì thế không chỉ được biểu hiện trên phương diện ngữ nghĩa của ngôn từ mà còn có thể cảm nhận được qua chính hình thức của bài thơ.
4. Ngôn ngữ nghệ thuật nói chung, ngôn ngữ thơ nói riêng là một hiện tượng có tính lịch sử. Nó biến chuyển theo từng chặng đường phát triển của văn học. Qua tìm hiểu ngôn ngữ thơ Thanh Thảo trong tập Khối vuông rubic và đối chiếu với những tác phẩm cùng thời, chúng ta không chỉ nhận ra đặc sắc của ngôn ngữ thơ Thanh Thảo mà còn nắm bắt được những đặc điểm vận động của ngôn ngữ thơ Việt Nam đương đại.