Vai trò hậu phương đối với nước bạn Lào

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 57 - 63)

Việt Nam và Lào là hai nước cùng thuộc trên bán đảo Đông Dương. Từ xưa hai dân tộc Việt - Lào đã cùng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, bảo vệ đất nước. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, đã giành được thắng lợi lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa nó là nguồn cổ vũ cho nhân dân Lào, cùng với sự hỗ trợ của nhân dân Việt Nam, nhân dân các Bộ tộc Lào cũng đã nội dậy giành lại chính quyền thành lập Chính phủ Lào độc lập.

Ngày 16 tháng 10 năm 1945, tại Viêng Chăn, hai Nhà nước Viêt - Lào đã ký hiệp định tương trợ Lào - Việt nhằm hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Từ đây Liên minh hai nước, hai dân tộc được chính thức xác lập về mặt Nhà nước.

Từ cuối năm 1946, khi thực dân Pháp gây lại chiến tranh ra miền Bắc Đông Dương. Việt Nam một mặt vừa đối phó với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đồng thời còn làm nhiệm vụ quốc tế với chiến trường Lào.

Đầu năm 1953, sau khi bị thất bại ở chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rút hết tàn quân về Nà Sản, xây dựng tuyến phòng thủ Thượng Lào, biến thị xã Sầm Nưa thành một cứ điểm mạnh. Tháng 4 năm 1953, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân đội giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào.

Hai Tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa được giao trọng trách phục vụ chiến dịch này. Riêng Nghệ An được giao nhiệm vụ phụ trách hoàn toàn việc cung cấp cho mặt trận Xiêng Khoảng.

Từ tháng 2 năm 1953, Tỉnh Nghệ An đã huy động 72.920 dân công để sửa chữa 170 km đường, làm 100 cầu phao, cầu tạm, đoạn đường từ Đô Lương lên Mường Xén sang Lào, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, sửa chữa nền đường, hạ độ dốc của các đèo Cao, đèo Chó, …[19; 236].

Để nhanh chóng đưa hàng lên vị trí tập kết, Tỉnh Nghệ An đã tổ chức hệ thống trạm trung chuyển. Trạm Anh Sơn (mật danh Quang Trung) vừa tổ chức huy động thóc vừa tiến hành phát xay, sau đó bốc gạo xuống thuyền, ngược dòng Sông Lam lên tập kết ở trạm TLA4 (Con Cuông). Trên tuyến đường sông này, Tỉnh đã huy động 180 chiếc

thuyền có trọng tải từ 2,5 đến 3 tấn hoạt động liên tục. Từ trạm Con Cuông, dân công tiếp tục vận chuyển gạo lên tập kết ở trạm TLA (Cửa Rào), TLD (Mường Xén).

Khi chiến dịch bắt đầu, tiểu đoàn 195, các đại đội 121 và 123 cùng với 12.000 dân công theo đường số 7 và đường sông Lam, vận chuyển 700 tấn gạo, hàng trăm trâu bò, 50 tấn muối, cá khô, nước mắn kem và các thứ khác sang Lào phục vụ chiến dịch.

Vùng Thượng Lào rừng núi hiểm trở, khí hậu lại khắc nghiệt, đường vận chuyển hết sức khó khăn và cách xa đồng bằng Nghệ An 400 - 500km nhưng cán bộ, bộ đội, dân công đã không quản ngại hy sinh gian khổ, vượt núi tình nguyện sang cùng tác chiến với nhân dân Lào với tinh thần quốc tế vô sản.

Sau một tháng chiến đấu, Liên quân Lào Việt đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và Tỉnh Phong Xa Lỳ với hơn 30 vạn dân; tiêu diệt 3 trung đoàn và 10 đại đội địch, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng. Trong chiến công đó, riêng các đơn vị vũ trang của Nghệ An đã tham gia đánh địch 10 trận, tiêu diệt và bắt sống 150 tên, thu 134 khẩu súng; 5 tấn chiến lợi phẩm. Khi chiến dịch kết thúc, tiểu đoàn 195 của Nghệ An được giao nhiệm vụ tiếp tục ở lại giúp nước bạn cũng cố, xây dựng vùng giải phóng Xiêng Khoảng.

Chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi liên minh chiến đấu của hai dân tộc Việt - Lào, mở ra một cục diện mới trên chiến trường Đông Dương. Tạo điều kiện cho việc xây dựng và bảo vệ hậu phương của ta và mở rộng vùng giải phóng nước bạn.

Sau chiến thắng Thượng Lào ngày 15 tháng 5 năm 1953, Nghệ An lại được giao nhiệm vụ cho chiến dịch Trung Lào, hơn 20 ngàn

dân công, gần 1.500 dân công xe đạp thồ, hơn 1.000 dân công thuyền của Nghệ An tham gia phục vụ chiến dịch trung Lào. 1500 dân công xe đạp thồ cùng với 2 vạn dân công bộ là lực lượng chủ lực phục vụ trung tuyến và hỏa tuyến.

Qua 7 tháng đoàn dân công xe đạp thồ đã khắc phục nhiều khó khăn, vận chuyển hàng đạt năng suất cao.

Các phương tiện bảo đảm cho dân công được chuẩn bị chu đáo, từ gạo ăn, đường, thực phẩm, bao bì, quang gánh, đến bông băng, nhân viên cứu thương,… Lực lượng dân công hỏa tuyến đảm bảo hai chức năng, vừa vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí cho bộ đội, vừa chuyển thương binh liệt sĩ về hậu tuyến. Dân công hỏa tuyến được lựa chọn trong số thanh niên nam nữ có tinh thần, đủ sức khỏe để theo bước hành quân chiến đấu của bộ đội. Với tinh thần đó, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã bảo đảm cho chiến dịch Trung Lào, góp phần đưa chiến dịch đến thắng lợi. Chiến dịch Trung Lào đã góp một phần quan trọng làm phá sản kế hoạch tập trung quân của NaVa tạo điều kiện cho quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

KẾT LUẬN

Nghệ An là một trong những vùng có tầm chiến lược quan trọng trong bản đồ của tổ quốc. Tầm chiến lược quan trọng đó không những vì xứ Nghệ có vị trí địa lý núi rừng hiểm trở, đất rộng người đông hay lắm của …Song đó chỉ là “thiên thời, địa lợi” mà thôi. Điều chủ yếu là “nhân hòa”, là con người, là ý chí và tinh thần sắt đá của nhân dân. Chính truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân Nghệ An đã tạo nên sức mạnh to lớn phục vụ kháng chiến tại chỗ và hậu phương vững chắc của các chiến trường trên địa bàn cả nước.

Nhận thức được vị trí quan trọng, nằm kẹp giữa chiến trường Bắc Bộ và chiến trường Bình Trị Thiên, lại có phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông nên Nghệ An quyết định không cho địch dễ dàng đặt chân vào lãnh thổ của mình. Nhanh chóng thực thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Trung Ương, công tác phá hoại đã trở thành một chiến dịch lớn với đó là công tác di chuyển, sơ tán các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, nhà xưởng ra khỏi thành phố về nông thôn hẻo lánh.

Song song với những việc làm đó, nghệ An chú ý xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa và đẩy mạnh công tác xóa nạn mù chữ, nông dân khắp nơi thi đua khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích ruộng đất, thâm canh tăng năng suất.

Kinh tế Nghệ An trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, là một mô hình tiêu biểu cho sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật - con người - địa hình, chiến đấu với sản xuất và chi viện. Tiềm năng kinh tế - chính trị - xã hội - quân sự được khai thác toàn diện với đường lối đáp ứng nguyện vọng của cả dân tộc trong hoàn cảnh cụ thể

đã tạo ra một sức mạnh cách mạng toàn diện, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, giành thắng lợi cuối cùng.

Có thể nói chiến thắng ở đây là chiến thắng của hậu phương giữa ta và Pháp, những hậu phương nhỏ, phân tán, thô sơ với một bên là Pháp có sự trợ giúp của Mỹ. Chính thực dân Pháp đã muốn xây dựng hậu phương tại chỗ ở Đông Dương nhưng trong tình thế đi xâm lược, kế hoạch đó đã thất bại.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng hậu phương Nghệ An là cái nôi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhiều nam nữ học sinh trong và ngoài Tỉnh trở thành cán bộ khoa học, lớp đầu tiền của chế độ mới. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ, xây dựng được hậu phương chiến lược vững chắc và và cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Có thể nói, kinh tế Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống pháp 1946 - 1954 là một nền kinh tế thời chiến định hướng vào hai nhiệm vụ: Sản xuất những thứ thiết yếu phục vụ cho kháng chiến và đời sống nhân dân. Nền Kinh tế đó đã hoàn thành trách nhiệm với những thành tích to lớn, đặt nền móng và để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các giai đoạn lịch sử sau này.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 57 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w