Công nghiệp Thủ công nghiệp.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 34 - 41)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền Dân chủ Nhân dân được thiết lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ nô lệ trở thành người chủ của đất nước, nhưng bọn đế quốc thực dân dùng mọi thủ đoạn để cướp lại nước ta. Bọn tàn quân Pháp chạy trốn sau cuộc đảo chính của Nhật, quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa đồng minh kéo vào tước vũ khí Nhật ở phía Bắc đưa theo bọn phản động Quốc dân đảng và Cách mạng đồng minh, âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ của nước ta.

Trước tình hình ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động tỉnh Nghệ An cùng với đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.

Vì vậy, sau cách mạng Tháng Tám cùng với nhu cầu phát triển của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và do việc giao lưu kinh tế thì hoạt động trong ngành công nghiệp - thủ công nghiệp được mở rộng hơn, chuyên hóa hơn, dần hình thành một hoạt động tương đối độc lập.

2.2.2.1 Ngành sản xuất vũ khí

Tháng 9 năm 1945, Chính phủ thành lập Cục Quân giới tỉnh Nghệ An, lập ban chế tạo vũ khí - ngay sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Hà Nội. UBND Tỉnh giao cho đồng chí Đinh Văn Đức, phó ủy viên

quân sự tỉnh, tập hợp công nhân lành nghề, chuyển một số máy móc của nhà máy Trường Thi lên xã Thanh Thủy nay là Nam Thanh - Nam Đàn lập xưởng Đặng Thái Thân, cùng lúc này xưởng sửa chữa vũ khí Rạng Đông được lập làm việc ở trong chùa Lề, thuộc xã Vinh Tân, thị xã Vinh.

Đầu năm 1946, xưởng Đặng Thái Thân được chuyển lên xã Cao Điền - nay là xã Thanh Liên - Thanh Chương. Cuối năm 1949, Xưởng Đặng Thái Thân chuyển lên vùng Hạnh Lâm sát nhập với cơ sở khác lập thành ba xưởng. Từ đó xưởng Đặng Thái Thân trở thành công binh xưởng lớn nhất ở Nghệ An. Xưởng A ở làng Văn Đình nay là xã Hạnh Lâm mới; Xưởng B, trước là Hưng Cung ở làng Nhuận Trạch nay thuộc xã Thanh Mỹ - Thanh Chương; Xưởng C, trước là xưởng thuốc đen Ngô Cẩm, ở làng Sung Nho nay là Thanh Nho - Thanh Chương. Bộ phận quản lý, văn phong ở làng Hòa Mỹ - Thanh Mỹ. Từ năm 1947 đến 1949, xưởng Đặng Thái Thân chuyên sản xuất lựu đạn. Từ năm 1950 đến 1951 sản xuất súng cối 80, 120 milimet.

Xưởng Rạng Đông được bổ sung máy móc và công nhân đổi tên là Lê Viết Thuật, chuyển lên xã Đông Thanh, nay là Thanh Lĩnh - Thanh Chương và ở đó tới khi giải thể.

Giữa năm 1946, Quỳnh Lưu lập xưởng sửa chữa vũ khí Hoàng Văn Thụ ở Tam Lễ, làm việc trong đình làng gần chợ Tuần, rèn đại đao, đúc mìn, lựu đạn, sửa chữa súng trường - tiểu liên cùng với đó là ở Nghi Lộc lập xưởng Thịnh Trường, Thanh Chương có xưởng thuốc đen ở Hòa Quân, nay là xã Thanh Hương, sau bị cháy và nhập với xưởng Hưng Nguyên, lấy tên là Hưng Cung, dời lên làng Nhuận Trạch, Thanh Mỹ - Thanh Chương.

Tháng 10 năm 1946, Cục quân giới cử kỹ sư Lê Đình Tạo nguyên phó trưởng Ty quân giới Quân khu VI vào Nghệ An tổ chức sản xuất thử Zbazoca 60.

Tháng 12 năm 1946, sau khi có lệnh sơ tán triệt để, các cơ sở công nghiệp ở Vinh với gần 2000 tấn máy móc, công cụ, nguyên vật liệu đều được chuyển lên vùng trung du miền núi dọc theo các triền Sông Lam, Sông Giăng, một bộ phận theo đường ga Yên Lý bằng ô tô chuyển ngược lên Nghĩa Đàn, lên vùng Sông Hiếu, sông Con. Những bộ phận nặng, cồng kềnh đưa lên Đông Thanh (Thanh Chương) chuẩn bị xây dựng lò luyện thép, do kỹ sư Võ Quý Huân phụ trách nhưng việc luyện thép không thành vì thiếu điều kiện vật chất kỹ thuật. Các công cụ đưa lên Phủ Quỳ lập thành xưởng gia công cơ khí, không có bộ phận thuốc nổ, gồm các xưởng :

Xưởng Huỳnh Thúc Kháng, ở Sẻ, huyện Nghĩa Đàn; Xưởng Hoàng Hữu Nam, ở bến Hới, huyện Tân kỳ; Xưởng Thái Văn Lung, ở Tri Lễ huyện Anh Sơn;

Xưởng Quách Văn Cự, ở làng Vàng, huyện Nghĩa Đàn [18; 25]. Đầu năm 1947, một số đồng bào chủ yếu là học sinh từ Bình - Trị - Thiên sơ tán ra vùng Nghệ - Tĩnh, công binh của xưởng Quảng Trị hợp nhất với nhà đèn Đông Hà, chuyển sang Sở quân giới khu VI quản lý, xây dựng cơ sở sản xuất tại Khe Dầu, theo chuyến xe lửa cuối cùng từ ga Sa lung đến Yên Xuân - trước khi cầu bị ta đánh sập - đi tiếp bằng thuyền lên Đô Lương và xe ba gác chuyển tiếp vào xã Tiên Nông nay là xã Hồng Sơn, Đô Lương - Đầu năm 1948, theo chủ trương của Cục Quân giới, xưởng để lại một số công nhân hợp cùng các xưởng phân về lập tổ sửa chữa lưu động ở các huyện ở Nghệ An và một số trở về Quảng Trị lập phân khu quân giới Trị Thiên. Một bộ

phận lớn của nhà máy Trường Thi chuyển vào Hương Khê, xây dựng xưởng Chu Lễ, trực thuộc UBKH Hành chính Trung Bộ, chế tạo vũ khí, in giấy bạc và hoạt động các ngành nghề khác.

Sáu tháng vừa nghiên cứu, thiết lập quy trình công nghệ chế tạo, vừa xây dựng cơ sở sản xuất, những quả đạn Bazooca đầu tiên đã chế thử xong và đã bắn thử. Đồng chí Lê Đình Dụ đã hy sinh trong khi thí nghiệm, nhưng những thiếu sót đó sau đã dần được khắc phục và hoàn thiện. Sau đó xưởng này mang tên đồng chí và chuyển về bến Vẽ tiếp tục sản xuất.

Giữa năm 1948, Cục quân giới lập phân nha kỹ thuật ở Nghệ An, phân nha gồm hai bộ phận: Bộ phận cơ, nghiên cứu các phương pháp công nghệ và chế tạo các cộng cụ như ép, thổi thuốc nổ,… ở xóm Cây Xi, làng Yên Lạc nay thuộc Hạnh Lâm mới; Bộ phận hóa, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc nổ như: Phuy ni mát thủy ngân, clorát, thuốc đen,… ở làng Sung Nho nay là xã Thanh Nho - Thanh Chương.

Đầu năm 1950, phân nha giải thể, cán bộ của phân nha chuyển về Ty quân giới lập phòng hóa chất. Cùng với phân nha kỹ thuật, có phân nha mậu dịch chuyên thu mua vũ khí và nguyên liệu chế tạo thuốc nổ, sau đổi thành diêm tiêu, thuộc ty Quân giới, chuyên sản xuất diêm tiêu ở Tri Lễ, Khai Sơn - Anh Sơn ngày nay

Tháng 5 năm 1949, ban vũ khí dân quân khu III đưa xưởng Lê Lai vào ngã ba Cây Chanh (vùng Tam - Định - Cẩm huyện Anh Sơn) nhập vào Sở quân giới Khu VI - thành Sở quân giới Liên khu III - VI sản xuất các loại vũ khí theo hướng chuyên môn hóa; Xưởng Lê Đình Dụ chuyển về Làng Điền (nay là xã Lạng Sơn - Anh Sơn) tiếp tục sản xuất súng đạn Bazooka. Năm 1950, chuyển sang sản xuất đạn cối 51,

60, 81 milimet. Năm 1951, nhập với xưởng Lê Đình Dụ, lấy kí hiệu là k106.

Xưởng Hoàng Hữu Nam từ bến Hới chuyển về Yên Phúc (nay là xã Phúc Sơn - Anh Sơn) sản xuất súng và đạn cối. Xưởng Thái Văn Lung vẫn ở Tri Lễ (nay là xã Khai Sơn - Anh Sơn), lấy kí hiệu là k107.

Xưởng Hưng Cung giải thể, bộ phận sản xuất thuốc đen được bổ sung thêm lực lượng từ Chu Lễ ra lập xưởng Vũ Tiến Tới ở xã Thanh Bình (nay là xã Phong Thịnh - Thanh Chương).

Cơ xưởng Hưng Cung (sau này là Đặng Thái Thân B) chuyển thành trường hội họa bổ túc tay nghề cả về lý thuyết và thực hành cho công nhân quân giới.

Xưởng Huỳnh Thúc Kháng vẫn ở Sẻ. Xưởng Quách Văn Cự chuyển về Kim Bảng, hữu ngạn Rào Rỗ nay là xã Võ Liệt Thanh Chương.

Ngành quân giới còn tổ chức kèm cặp, đào tạo công nhân tại xưởng để tăng thêm thợ lành nghề. Tỉnh đã mở trường dạy nghề cho 200 học sinh làm cho đội ngũ công nhân ngành quân giới ngày càng tăng. Ở nhiều huyện đã thành lập tổ công nhân kỹ thuật để hướng dẫn và sử dụng các loại vũ khí. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã có sáng kiến tổ chức “ tuần lễ kim khí ” vận động nhân dân thu gom kim loại cung cấp cho các xưởng. Trong đợt vận động cuối năm 1950, Nghệ An đã thu được 144.808 kg kim loại sắt, đồng, chì kẽm và 5 tấn tôn [18; 121].

Từ cuối năm 1950, do nhu cầu kháng chiến kiến quốc được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, của khu VI, của Tỉnh trong điều kiện hết sức khó khăn thiếu thốn, ngành công nghiệp địa phương đã gây

dựng được một số cơ sở sản xuất, tạo ra những sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

2.2.2.2 Ngành sản xuất giấy.

Trong kháng chiến, nhu cầu về giấy rất quan trọng, nên ngành sản xuất giấy đã phát triển ở nhiều nơi. Hầu hết đều sản xuất theo phương pháp thủ công, nguyên liệu chủ yếu là nứa non cán dập ngâm vôi, sản phẩm giấy viết hai mặt, màu nâu, không trơn và giấy in màu xám. Tuy chất lượng thấp nhưng đã đáp ứng được nhu cầu khẩn thiết của thời bấy giờ.

Ở xã Lĩnh Sơn - Anh Sơn có xưởng Chấn Hưng, ở xã Bắc Sơn - Đô Lương có xưởng Văn Châu, Hưng Long, sau chuyển về Cát Văn, đều là xưởng tư nhân.

Ở xứ Cồn Mối - Vực Lồ xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ có xưởng Việt Thành, thuộc Ban Tài chính huyện ủy Nghĩa Đàn sau thuộc Ban Tài chính Tỉnh ủy Nghệ An.

Ở làng Đức Nhuận, Thanh Liên - Thanh Chương có xưởng xà phòng, giấy. Là xưởng có quy trình công nghệ tốt, xưởng có đông công nhân và có phong trào sôi nổi. Ở Cát Văn có xưởng giấy Lao động, thuộc Bộ công thương, thành lập năm 1948, chuyên sản xuất giấy bình dân, nơi tiêu thụ là thị trấn Đô Lương.

2.2.2.3 Ngành in.

Từ năm 1947, Nghệ An đã có nhiều xưởng in của tư nhân và của các đoàn thể như: Vương Đình Châu, Nguyễn Đức Tư từ Vinh di tản lên Bạch Ngọc - Đô Lương; Lam Hồng của Mặt trận Việt Minh ở Thanh Khai - Thanh Chương.

Đến năm 1950, nhà in quân sự Liên khu IV từ làng Lúng, Như Xuân - Thanh Hóa chuyển về Tào Sơn - Anh Sơn đổi tên thành nhà in

Tiền Phong, trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, in báo Tiền tuyến của Bộ Tư lệnh Quân khu IV; Báo Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh; Báo Học tập của Tuyên huấn Khu ủy. Giữa năm 1953, thành lập Nhà in Quốc gia 4, các xưởng in của các tỉnh đổi tên thành các nhà in: Ấn 6 ở Thanh Hóa, Ấn 7 ở Nghệ An, Ấn 8 ở Hà Tĩnh. Năm 1954, Nhà in Quốc gia 4 quyết định chuyển dần cơ sở in về thành phố, một bộ phận chuyển về Đền Voi Mẹp - Vân Diên - Nam Đàn in báo Cứu quốc ra hàng ngày, một bộ phận về Vinh.

2.2.2.4 Các ngành nghề thủ công khác.

Nghề dệt: Trong khi các khung dệt nhỏ ở các hộ gia đình chưa phát triển thì một số cơ sở dệt thủ công tập trung đã hình thành.

Các xưởng Hoàng Ngân của Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh, Chính ủy của Quân khu IV, Huỳnh Ngọc Huệ của tư nhân, bên hữu ngạn Sông Cả, đều đặt tên xã Đặng Sơn, Đô Lương - vùng trù phú, vốn có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa.

Nghề tơ tằm phát triển ở Diễn Thịnh (Diễn Châu); Thanh Văn (Thanh Chương); Nam Hoành (Nam Đàn); Hưng Long, Hưng Xá (Hưng Nguyên). Nghề trồng bông, kéo sợi ở hầu khắp các huyện, tự túc được phần lớn nhu cầu may mặc của nhân dân trong thời chiến.

Nghề ép mía và nghề nấu mật, sản xuất đường phèn là nghề truyền thống của các xã thuộc hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên. Nghề thuộc da từ cầu Cửa Tiền trở vào và hầu hết địa phận Hưng Thịnh vẫn duy trì sản xuất để có da phục vụ cho nhu cầu quốc phòng.

Nghề đóng tàu thuyền dọc Sông Lam và một số xã ven biển ở Nghi Lộc, và nghề làm nón ở Rú Ráng, đặc biệt là nghề mũ lá ở vùng Hưng Thịnh đã phát triển mạnh phục vụ và cung cấp cho nhu cầu các chiến trường.

Nghề muối ở các vùng ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc không những đảm bảo được muối ăn cho nhu cầu toàn tỉnh mà còn cung ứng cho chiến trường.

Nhìn chung, trong những năm 1945 - 1954, các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Nghệ An đã sản xuất được hầu hết các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đã kích thích nền kinh tế trong tỉnh phát triển, tạo sự ổn đỉnh và từng bước nâng cao dần mức sống của nhân dân. Đồng thời phục vụ nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w