Ngành giao thông vận tải.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 43 - 53)

2.2.4.1 Giao thông vận tải trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 10 năm 1945, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An họp đề ra nhiệm vụ khẩn cấp trong đoạn nêu: “ khôi phục lại hệ thống giao thông liên lạc ” giữa các cấp.

Nhiệm vụ giao thông vận tải đã được xúc tiến một cách khẩn trương. Về đường sá, chú trọng sửa chữa các đường giao thông lớn như: đường 1, đường 7 và đường 8 cùng các nội tỉnh từ Vinh đi chợ Tràng, Cầu Giát, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Mường Xén. Cầu Cấm và cầu Yên Xuân được khôi phục tạm thời đảm bảo cho xe tàu qua lại (chạy chậm). Về phương tiện vận tải chủ yếu dựa vào thuyền sông và thuyền biển có trọng tải từ 2 tấn trở lên, ngoài ra còn có một số xe ô tô của các hạng tư nhân và các loại xe thô sơ xe bò, xe cút kít, xe ba gác. Ngày 31 tháng 3 năm 1946, quân Pháp trở lại chiếm đóng miền Bắc nước ta, tỉnh Nghệ An đã tìm cách ngăn cản quân Pháp chuyển bằng đường không. UBND Tỉnh liền bố trí kế hoạch phá sân bay Vinh. Đúng 1 giờ ngày 31 tháng 3, một lực lượng quân đội và nhân dân Nghi Lộc dỡ phá đường băng và sân bay.

Hoạt động vận tải lúc này chủ yếu là phục vụ nhu cầu cứu đói trong tỉnh. Xe, thuyền chở gạo về các vùng đã xảy ra nạn đói vào cuối năm 1944 đầu năm 1945 tại nhiều huyện đồng bằng và trung du miền núi. Sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946, đến ngày 06 tháng 02 năm 1947, Chủ Tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến. Thực hiện chủ trương Tiêu thổ để kháng chiến chỉ trong một thời gian ngắn bộ

đội và nhân dân trong tỉnh đã phá hủy 302 công sở và nhà của tư sản Pháp, 11.046 nhà dân trong đó có 301 nhà hai tầng [16; 202 ].

Xẻ đường cùng với đắp ụ (lấy đất đá chỗ đào đường đắp thành ụ) trên đoạn đường ngã tư thị xã Vinh đến Bến Thủy (khoảng 4 km) đã được đắp thành 31 ụ lớn, dọc các đường 1, đường 7,… đều có các ụ chấn ngang mặt đường. Trên các dòng sông, nhất là mạn dưới sông Lam, ta sử dụng các đường ray xe lửa (đã dỡ phá) cắm ở cửa sông, bến sông. Cầu Cấm, cầu Yên Xuân, bị đánh sập giữa các dòng sông tạo nên vật cản lớn.

Trên mặt đường luôn có hàng trăm người đào và đắp ụ. Từ mặt và thân đường phẳng và thẳng biến thành đường chữ Z, chữ T,… nhiều đoạn mất lòng đường khó đi lại.

Ngày 09 tháng 07 năm 1948, UBKH Hành chính Liên khu IV phải ra thông tư uốn nắn việc đào đường, đảm bảo lòng đường khoảng 0,8 đến 1m để cho các loại xe thô sơ như xe đạp, xe cút kít,… cùng người đi bộ qua lại theo phương châm phá đường ngăn địch vẫn có đường ta đi.

Hai đợt phá hoại từ tháng 6 năm 1947 đến giữa năm 1948, nhân dân trong tỉnh đã đào, đắp hàng chục vạn mét khối đất, đá, phá hoại 231km đường bộ, 30 chiếc cầu to nhỏ, trong đó có gần 200m cầu bê tông cốt thép. Toàn bộ đường sắt ở Nghệ An bị tháo dỡ. Do không có điều kiện di chuyển nên hàng trăm toa xe lửa cũng bị tháo dỡ [14; 31]. Cùng thời gian phá đường là tổ chức sơ tán xí nghiệp kho tàng ở Vinh đến các vùng phía tây bắc Nghệ An.

Hệ thống đường bộ cũng như các loại xe cơ giới không còn phát huy tác dụng. Tỉnh và ngành giao thông vận tải tính đến kế sách huy động lực lượng giao thông vận tải nhân dân, cụ thể là dùng sức người,

thuyền mảng và trâu bò kéo, theo phương án chung và cụ thể cho mỗi loại máy nặng, nhẹ, to, nhỏ khác nhau, loại nào đi theo thuyền, mảng, loại nào dùng phương tiện xe thô sơ khác theo các đoạn đường và địa hình khác nhau.

Kết quả chung là đưa được 2 vạn tấn máy móc thiết bị từ Vinh lên các vùng Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn trong đó có 12 đầu xe lửa và hàng chục đầu máy ô tô, thiết bị khác. Máy móc vận chuyển tới đâu, lắp đặt ngay cơ sở sản xuất tại đó. Lãnh đạo Liên khu IV và Tỉnh thống nhất chỉ đạo nhiệm vụ tiếp tế vào ban tiếp tế kháng chiến ở mỗi cấp. Các địa phương ở Nghệ An sửa chữa ngay một số đường giao thông vận tải.

Về đường bộ, bắt đầu từ tháng 5 năm 1947, tập trung sữa chữa đường 7 Đô Lương - Mường Xén (170 km), các đường Phủ Quỳ - Kẻ Bọn 58 km, đường Vinh - Đô Lương 63 km và Đô Lương - Sen 36 km, cộng là 327 km.

Về đường thủy vét kênh Vạn Hòa (Quỳnh Lưu) để thuyền vận tải 5 tấn qua lại

Về phương tiện vận tải thủy bộ, chủ yếu dựa vào thuyền của tư nhân có trọng tải 2,5 tấn trở lên, đóng một số ca nô, lắp động cơ xe ô tô, số xe tải chỉ có 33 chiếc cỡ lớn và vừa [14; 34].

Tháng 4 năm 1949, Đại hội Tỉnh tập trung nhiệm vụ “xây dựng vững mạnh vùng hậu phương làm căn cứ vững chắc đảm bảo thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Ngày 19 tháng 04 năm 1949, UBKC Hành chính Liên khu IV đề ra chủ trương, nhiệm vụ tổ chức các Vạn đò. Vạn là nơi quần tụ những ghe đò vận tải, thương mại, đánh cá ở một giang phận nhất định và coi như một đơn vị phụ thuộc vào chính quyền sở tại. Có một trưởng vạn

làm đại biểu cho vạn đò trong mối quan hệ với chính quyền địa phương cũng như ngành giao thông vận tải. Từ đó trên trục Sông Lam và một số nhánh sông khác “đẻ” ra các vạn đò, quy tụ vào một mối quản lý phương tiện vận tải đường thủy, lực lượng thuyền vận tải lên tới hàng trăm chiếc có trọng tải 2,5 tấn trở lên, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ vùng nọ tới vùng kia trong hoạt động kinh tế - dân sinh, đồng thời là lực lượng vận tải sẵn sàng phục vụ tiền phương.

2.2.4.2 Huy động sức mạnh tổng hợp giao thông vận tải nhân dân xây dựng hậu phương phục vụ tiền tuyến.

Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 20 quyết định “tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến mau chóng đi đến thắng lợi”.

Nhiệm vụ của giao thông vận tải Tỉnh lúc này là làm thế nào đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho đời sống nhân dân ở địa phương, đồng thời cung ứng mạnh mẽ cho tiền phương.

Phương tiện vận tải chủ yếu dựa vào thuyền sông và thuyền biển. Về đường bộ, nhiều tuyến đường đã bị hư hỏng, số xe ô tô vận tải không đáng kể, các loại xe thô sơ đường bộ cũng bị hạn chế. Ngành giao thông vận tải kiểm tra lại lực lượng thuyền vận tải trong tỉnh, số thuyền vận tải đường sông từ huyện Hưng Nguyên đến huyện Anh Sơn có 55 chiếc loại từ 10 đến 30 tấn với trọng tải là 776 tấn. Về thuyền vận tải đường biển có 38 chiếc tại các xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Hải, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu), Nghi Phú, Nghi Thu (Nghi Lộc) với trọng tải trên 1000 tấn. Với thuyền vận tải biển, trong các

năm 1948 - 1949 đã có những lần vượt biên sang đảo Hải Nam (Trung Quốc) trao đổi hàng hóa với nước bạn.

Một lực lượng vận tải lớn khác là dân công, lực lượng dân công được tổ chức và huy động từ năm 1948 làm nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường. Lực lượng dân công là nam nữ thanh niên, lao động trung niên và ở nhiều địa phương có những người cao tuổi nhưng sức khỏe còn vẫn tốt vẫn tự nguyện xung phong vào đội ngũ.

Những năm tháng này hoạt động của thuyền vận tải trên sông biển, cũng như dân công trên bộ ngày càng căng thẳng, khẩn trương vì khi giặc Pháp phát hiện chúng đã tìm mọi cách đánh phá. Trên biển, chúng cho máy bay rà sát trên mặt nước để phân biệt thuyền vận tải hay thuyền đánh cá, đồng thời cho tàu chiến và xuồng máy săn lùng các con thuyền mà chúng nghi ngờ là thuyền vận tải. Trên sông chúng cho máy bay của chúng bay theo dọc tuyến, xả súng vào các thuyền. Dần dần thủy thủ của ta có cách ứng phó hữu hiệu bằng ngụy trang giăng lưới làm “thuyền nghề ”. Khi máy bay địch sát thuyền uy hiếp, thuyền ta vẫn căng buồm, bẻ lái cho thuyền lướt đoạn chậm, đoạn nhanh, luôn luôn tạo ra mục tiêu di động thất thường khiến địch khó bắn trúng. Dân công trên bộ thuận lợi hơn là dựa theo địa hình của xóm làng và rừng núi mà hành động, nhiều nơi có dân công “vạch lối mở đường ” đi qua rồi làm lại như cũ cho rừng núi.

Việc huy động dân công bộ bước đầu đã đi vào quy cũ. Riêng về vận tải đường thủy. Tỉnh và ngành giao thông vận tải cùng với Công đoàn tỉnh đề ra việc xây dựng các công đoàn vận tải đường thuỷ. Gọi là “Công đoàn thương thuyền Sông Lam” và “Công đoàn thương thuyền đường biển”. Sau này có thêm tổ chức Công đoàn thuyền Sông đào tức kênh Nhà Lê. Tuyến mạn dưới Sông Lam tổ chức thành các

trạm trung chuyển. Từ chợ Đuồi (Hưng Nguyên) lên Sa Nam (Nam Đàn) ngược lên Đô Lương, Anh Sơn,… một ngã khác ở mạn ngược Sông Lam, đoạn Con Cuông - Cửa Rào do đoạn sông khuất khúc, nhiều thác ghềnh, lòng sông có đá ngầm và bãi cát lồi nên ngược lên Cửa Hào hoặc vào sông Nậm Mộ phải dùng thuyền độc mộc.Cũng trong thời gian này xuất hiện nhiều thuyền trọng tải 2 đến 5 tấn trên vùng mạn ngược Sông Lam.

Tháng 8 năm 1951, Đại hội Đảng bộ Tỉnh nêu phương hướng nhiệm vụ là:

“ xây dựng Nghệ An thành hậu phương vững chắc, kho dữ trữ dồi dào về người và của làm tròn nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến”. Trong đó các mặt thương mại, giao thông vận tải được chú trọng khôi phục và phát triển. Hoạt động giao thông vận tải phát triển trên nhiều vùng đã tác động tốt đến hoạt động sản xuất và thương mại. Dựa vào các đầu mối đường bộ và đương thủy tiện lợi, việc giao lưu hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược, từ các thị trấn tỏa về các nông thôn. Chợ Tràng, chợ Si, chợ Lường, chợ Giát, chợ Thái Hòa trở nên nhổn nhịp hơn mặc dù chủ yếu là hoạt động vào ban đêm. Cạnh nguồn hàng nội tỉnh có các nguồn hàng từ vùng tạm chiếm Bình - Trị - Thiên, Nho Quan mang đến như dầu hỏa, đường, sữa, thuốc chữa bệnh,… đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Năm 1952, trên đường số 1 có một số xe ô tô tư nhân chạy tuyến Hoàng Mai - Vinh.

Ngày 17 tháng 10 năm 1953, Tỉnh thành lập Chi cục tiếp vận nhằm tăng cường quản lý lực lượng giao thông vận tải trước yêu cầu xây dựng hậu phương chi viện cho tiền tuyến. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Dựa trên thế thẳng và chủ động của quân ta và sự trưởng thành của quân đội bạn, Trung Ương Đảng ta và Đảng bạn quyết định mở chiến dịch giải phóng Thượng Lào.

Ngày 21 tháng 02 năm 1953, Nghệ An mở Hội nghị Quân dân chính Đảng bàn biện pháp cụ thể về tổ chức vận tải phục vụ chiến dịch Thượng Lào, tập trung vào các nhiệm vụ:

Đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các đơn vị quân đội ta tham gia chiến dịch.

Huy động dân công và các phương tiện vận tải đưa hàng từ đồng bằng lên biên giới phía Tây 1000 tấn gạo, 60 tấn vũ khí đạn dược, 50 tấn muối,…

Việc tổ chức vận chuyển chia làm hai giai đoạn :

Giai đoạn một từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 30 tháng 3 năm 1953, vận chuyển hàng từ Đô Lương lên Cửa Rào.

Giai đoạn hai từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 20 tháng 3 năm 1953, vận chuyển đến các nơi có đơn vị bộ đội chiến đấu.

Số thuyền vận tải được huy động 188 chiếc có trọng tải từ 2,5 đến 5 tấn, chia ra nhiều cung đoạn. Tính lượt đi từ Đô Lương lên Con Cuông ba ngày, từ Con Cuông lên Cửa Rào tám ngày (chở nặng ngược dòng) [14; 41].

Dân công cũng như đường thủy nhận gạo ở trạm trung chuyển Anh Sơn (sau khi trạm cho xay, đóng bao bì và bốc xếp xuống thuyền), chở đến trạm Cửa Rào, dân công chuyển bộ đến mặt trận trên đất bạn.

Ngày 7 tháng 3 năm 1953, UBKC Hành chính tỉnh Nghệ An ra chỉ thị số 1453 KT nêu rõ nhiệm vụ công tác giao thông vận tải là tích cực đấu tranh với địch trên mọi mặt đường sá, huy động mọi khả năng

quân, dân,… phục vụ cho công tác giao thông vận tải. Cụ thể là tích cực sửa chữa đường giao thông như lời Hồ Chủ Tịch dạy: “ Đường sá thông thì mọi việc đều thông ”.

Giữa năm 1953, số dân công đi phục vụ theo tuyền đường 7 có 12.000 lượt người, vận chuyển được 700 tấn gạo, 50 tấn muối, hàng trăm trâu bò cùng vật phẩm khác như: cá khô, nước mắm vượt qua đường 4,500 km sang đất bạn.

Về vận tải thuyền, sơ kết vận chuyển 20 ngày trong tháng 5 năm 1953 đã vượt qua hàng trăm thác ghềnh, mang tới địa điểm tập kết 1.316 tấn gạo, muối, đạn dược [14; 42].

Những đóng góp của Nghệ An góp một phần công sức cho nước bạn giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh Phong Xa Lỳ và Xiêng Khoảng.

2.2.4.3 Mở đường thẳng hướng chiến trường quan trọng.

Tháng 5 năm 1953, Tỉnh thành lập các đội thanh niên xung phong lên vùng Tân Kỳ, Nghĩa Đàn mở tiếp đoạn đường 15A, con đường chiến lược dài 320 km từ Vạn Mai (Thanh Hóa) qua Phủ Quỳ đến thị trấn Đô Lương, nối với đường 7 sang Lào.

Lực lượng lao động sửa chữa mặt đường, huy động tại các huyện miền núi Tây Bắc như: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Việc sửa chữa và làm cầu bằng gỗ, đá,… huy động một số người có nghề rèn, mộc ở miền xuôi. Mặt kỹ thuật lắp đặt mố cầu, thân cầu và mặt cầu do một số cán bộ kỹ thuật ngành giao thông và bộ đội công binh của Tỉnh hướng dẫn.

Mặc dầu gặp không ít khó khăn nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đường Đô Lương - Vạn Mai đã thông suốt.

Cùng thời gian này, nhân dân các huyện miền xuôi cùng với nhân dân huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ đóng góp hàng vạn ngày công sửa chữa nâng cấp (theo điều kiện thời chiến), một số tuyến đường từ Yên Thành đến Cầu Bùng, đường Bảo Nham dến Quán Hành,…

Công tác giao thông vận tải năm 1953 đã có nhiều tiến bộ trên các mặt sửa chữa đường bộ, vét kênh Na Đa đã tạo nên mạng lưới giao thông vận tải thủy bộ dày đặc, cơ động cho các loại phương tiện vận tải - liên lạc thông suốt giữa Nghệ An với các tỉnh trong liên khu IV, giữa khu IV với khu V về phía Nam và khu III về phía Bắc. Đoạn đường 7 nối liền Việt Lào đã thông suốt thời gian trước đó.

2.2.4.4 Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điên Biên Phủ làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc của ta và Thượng Lào. Ta cùng với nước bạn Lào tiếp tục chiến dịch Trung Lào, hai vạn dân công bộ, dân công thuyền và 1500 xe đạp thồ lên đường vào cuộc chiến đấu mới.

Khi quân địch pháp hiện chúng cho máy bay bắn phá các trục đường, kho bãi và đánh vào các công tình thủy lợi như Vòm Cóc, Cầu Mụ Bà (Đô Lương) đập nước Nam Đàn, Bến Thủy… Trên mặt biển, địch cho tàu chiến bắn phá vào bờ biển, bắt thuyền và ngư dân.

Khi Đảng ta quyết định mở chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, Trung Ương giao cho ngành giao thông vận tải Nghệ An huy động dân công lên chiến trường Điện Biên Phủ. Đúng mồng một tết Giáp Ngọ (1954), có 32.000 dân công và 2000 xe đạp thồ lên đường.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 43 - 53)