trị văn hóa dân tôc Thái ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
2.2.1.Về văn hóa vật chất
Văn hóa vật chất là một trong những lĩnh vực quan trọng trong văn hóa dân tộc Thái nói chung, văn hóa dân tộc Thái ở huyện Quế Phong nói riêng. Ngoài những giá trị về mặt vật chất, các thành tố của dạng thức văn hóa này còn chứa đựng các giá trị về mặt tinh thần. Cụ thể các giá trị của chúng được thể hiện thông qua công cụ lao động, nhà ở, trang phục, ăn uống...
Văn hóa vật chất là lĩnh vực vốn rất nhạy cảm, và có sự thay đổi rất nhanh, bởi nó gắn bó mật thiết và đáp ứng các nhu cầu tức thời, các nhu cầu sinh tồn và phát triển của con người. Có thể nhận thấy trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đồng bào dân tộc thái huyện Quế phong đã có sự kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với bảo tồn các giá trị văn hóa ở các phương diện sau đây:
Trước hết, phải kể đến đó là việc chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, mạnh dạn đưa những giống cây con mới, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều hộ bà con dân tộc Thái đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng chuyên canh cây trồng và đa canh, với hệ sinh thái VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng) ngày càng phù hợp và có hiệu quả, góp mặt vào một số cơ sở kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ở những nơi có hệ VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng) hống thủy nông cũ đã được cải tạo. Ruộng hai vụ phải thường xuyên có nước, hệ thống mương phai lái lin thực
hiện bằng thủ công nay phải chuyển thành những công trình thủy lợi nhỏ, vừa và lớn xây đắp bằng bê tông cốt thép. Hầu hết các cách đồng của bà con đã được xây dựng hệ thống tưới tiêu nhờ sự hỗ trợ của nhà nước hoặc do dân tự đóng góp xây dựng. Người Thái ở huyện Quế Phong đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới và chuyển canh tác lúa theo hai vụ, từ một vụ lúa nếp trở thành hai vụ lúa tẻ hoặc một nếp một tẻ. Đây là một cuộc cách mạng thay cũ đổi mới của người nông dân Thái. Mặt khác, để duy trì năng suất cây trồng đạt ở mức cao và ổn định, việc sử dụng các loại phân hóa học, phân vi sinh cũng trở thành thói quen của những người nông dân Thái vốn chỉ quen dựa vào nguồn phân bón và sự bồi đắp của mùn rác tự nhiên. Chính vì vậy, đời sống của bà con dân tộc Thái những năm gần đây đã khá hơn rất nhiều.
Được như ngày nay, là sự mong muốn và nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản thân bà con dân tộc Thái ở huyện Quế Phong. Song theo tôi nghĩ, mỗi người con dân tộc Thái nên khắc sâu nỗi nhọc nhằn của cha ông trước đây, đã xây dựng nên nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Để giữ gìn phát huy những truyền thống quý báu đó, khai thác nó. Làm cho cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc mình ngày càng lan tỏa, nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như các yếu tố kỹ thuật mới trong sản xuất, đã làm thay đổi một số thành tố trong bộ công cụ sản xuất truyền thống của người Thái. Trước đây, con dao, cày và mai là những công cụ không thể thiếu được trong lao động sản xuất. Thậm chí, chiếc cày còn đi vào đời sống tâm linh. Con dao còn được coi là vật hộ mệnh, thì ngày nay chúng đã có rất nhiều thay đổi về chức năng.
Ngày nay, người Thái ở huyện Quế Phong nhiều nhà không sử dụng "Con Trâu đi trước cái cày đi sau" nhiều nhà dã có máy cày, hay dùng bừa bằng răng sắt. Những năm gần đây, mặc dù tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi và có những bước phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội...người Thái nơi đây cũng từng bước có những chuyển biến tích cực về mọi mặt. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách dân
tộc hợp lý tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược về mọi mặt và bước đầu đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, điều đó đến nay vẫn chưa thể nói được rằng nền nông nghiệp của dân tộc này vẫn chưa thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, người cày theo sau”, và việc phá hủy môi sinh vì nhu cầu cuộc sống vẫn là một thực tế. Nên chăng, ở đây phải bắt đầu từ nhân tố con người? Việc thay đổi công cụ lao động là một trong những yếu tố quan trọng để thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội. Song với điều kiện sống và sinh hoạt, trình độ dân trí hiện nay của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong thì việc cần thiết phải chăng là thay đổi nhận thức, và nâng cao trình độ văn hóa của bà con. Việc thay đổi công cụ lao động vẫn là rất cần thiết, nhưng thiết nghĩ không thể ngay lập tức thay đổi toàn bộ, khi mà hoàn cảnh và con người chưa thể thích nghi. Vấn đề đặt ra là vừa tiếp thu những công cụ lao động hiện đại, nhưng không thể vứt bỏ những công cụ lao động truyền thống vẫn phù hợp với hoàn cảnh sống và lao động của bà con. Như hệ thống mương, phai, lái, lin vẫn còn phát huy tác dụng với các bản làng, nương ruộng xa nguồn nước. Nhiều nương rẫy địa hình phức tạp vẫn cần đến công cụ chọc lỗ tra hạt, chiếc cày. Để phục hồi lại môi trường sinh thái, vẫn phải tận dụng sự bồi đắp và nguồn phân bón tự nhiên...
Sự biến đổi trong hoạt động kinh tế, đã tác động trực tiếp đến tập quán ăn uống của người Thái, cả trong cơ cấu lương thực thực phẩm, cũng như thời gian chuẩn bị và thời điểm tổ chức mỗi bữa ăn. Ngày nay, việc tiếp thu những giống lúa mới, đặc biệt là lúa tẻ với ưu thế và năng suất vượt trội, đã tạo ra hệ quả tất yếu là thói quen ăn cơm nếp đang dần được thay bằng cơm tẻ. Theo quan sát trong xã lân cận thị trấn Kim Sơn, Tiền phong, Châu Kim, cho thấy: Phần lớn các hộ gia đình đều chuyển sang dùng cơm tẻ cho bữa ăn thường ngày. Cơm nếp vẫn được dùng nhưng ít hơn, chủ yếu trong các dịp lễ tết, hội hè. Trước đây, trong các bản vùng sâu vùng xa chỉ có gạo nếp và chỉ ăn cơm nếp. Song gần đây, họ đã trồng lúa tẻ và có thêm cơm tẻ trong bữa ăn thường nhật.
Cơm Lam xưa là thức ăn văn hóa phổ biến của người Thái, ngày nay dường như chủ yếu có mặt tại các nhà hàng ăn dân tộc hay các điểm du lịch, ít
thấy xuất hiện trong các gia đình hàng ngày. Rừng bị tàn phá, lượng thịt thú, rau mầm khan hiếm dần, sông suối do khai thác bừa bãi và ô nhiễm môi trường cũng không còn cung cấp thức ăn cho con người như trước…Cùng với những thay đổi về tập quán ăn uống, một số đồ gia dụng cũng được tiếp thu từ người Kinh, người Thái ở Quế Phong cũng đã được sử dụng phổ biến như chiếc cối xay lúa, cối xay ngô, cót phơi thóc và thói quen để thóc hạt thay bằng để lúa và giã thóc bằng máng, cối gỗ truyền thống.
Cách uống và tiếp mời rượu cũng là một nét văn hóa hết sức độc đáo của dân tộc này. Trước đây, người Thái uống rượu trong các dịp vui, buồn cùng chuyện trò tâm tình và ca hát. Người Thái có câu: “uống rượu đừng uống say, say nhiều thành vơ vất người đời cười chê”. Ngày nay, cách thức uống rượu đã thay đổi, lệ uống và ép uống rượu đến say mềm lại đang trở thành tập quán không lành mạnh nhưng lại được coi là hợp lý và phổ biến. Người ta uống rượu tùy hứng bất kể lý do gì, có khi uống cả ngày thâu đêm… Người Thái cần phải coi đó như một tệ nạn xã hội, cần thống nhất có quy định hạn chế làm sao để phục hồi, gìn giữ lại nét văn hóa từ ngàn xưa của cha ông mình.
+ Nhà ở, một loại hình văn hóa vật chất in đậm bản sắc văn hóa tộc
người cũng có những biến đổi rất rõ rệt. Hiện nay, nhiều nơi như đã vắng bóng hoàn toàn kiểu nhà sàn cổ, và thay thế vào đó là những mẫu kiến trúc mới cải tiến theo cốt cách của nhà sàn truyền thống. Nhà được đóng bằng khung gỗ: cưa, xẻ, bào, đục, đẽo và lắp ráp theo kỹ thuật mộng thắt học từ người Kinh. Mái lợp bằng ngói, tôn lạnh, pôrôximăng không lợp bằng tranh như trước, sàn nhà không bằng tre gỗ như trước mà bằng xi măng, gạch lát nền…Thay đổi nhiều nhất trong ngôi nhà người Thái có lẽ không gian sinh hoạt hàng ngày. Ngày nay đa phần người Thái ở Quế Phong không còn buộc trâu dưới gầm sàn. Chuồng gà gia súc được tách riêng, trong nhiều trường hợp bếp đã được chuyển xuống đất. Ở những trường hợp này, thông thường một ngôi nhà trệt được xây dựng nối liền với nhà truyền thống. Một nửa mang tính dân tộc, một nửa mang tính hiện đại được ghép với nhau mà chẳng đối
lập gì. Gần đây, còn xuất hiện kiểu nhà sàn được xây cất bằng xi măng, bê tông cốt sắt do nhà nước đầu tư hàng loạt cho các hộ gia đình di cư khỏi lòng hồ thủy điện Hủa Na đến ở các khu tái định cư ở Piêng Cu (thuộc Tiền Phong), Huôi Siu huôi lạn, Huôi Duộc huôi man, Khủn Na 2... thuộc xã Đồng Văn. Hiện nay đang với việc xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào hai xã Thông Thụ và xã Đồng Văn thuộc huyện Quế Phong cũng nhiều nhà đang được nhà nước hỗ trợ xây dựng bằng nhà bê tông cốt thép tuy nhiên nhiều nhà lại yêu cầu xây dựng nhà sàn bằng bê tông cốt thép. Điểm nổi trội của kiến trúc nhà sàn mới hiện nay là chắc chắn, ít bắt lửa gây hỏa hoạn, nhưng mặt khác có điểm rất yếu là đã xóa mất hẳn dáng vẻ hoàn mỹ của nếp nhà sàn vốn mang trong nó bản sắc văn hóa cộng đồng tộc người.
Ngày xưa, người ta chỉ cần nhìn vào cấu trúc mái có thể phân biệt được các kiểu nhà sàn Thái. Ngày nay, điều đã từng gây ấn tượng ấy không còn nữa. Kiểu nhà sàn to rộng (để chứa các công cụ lao động, đồ dùng cồng kềnh như khung cửu, cày bừa...) và thoáng mát trước đây, nay được làm không còn quá rộng. Một số ít dân cư Thái sống ở các khu trung tâm thị trấn Kim Sơn- huyện Quế Phong không còn sống trong các ngôi nhà sàn truyền thống của mình mà họ ở trong các ngôi nhà bằng gỗ (nhà trệt một tầng), hoặc xây nhà bằng bê tông nhiều tầng kiên cố.
Đồ dùng sinh hoạt, cách bài trí trong nhà cũng có sự tiến bộ rõ rệt, sạch sẽ và tiện nghi hơn, song từ đó cũng nảy sinh nhiều khía cạnh văn hóa cần phải xem xét. Đó là xu thế chuộng hàng ngoại, hàng lạ dẫn đến coi thường các sản phẩm dân tộc mình tự tạo ra, và sự mất cân đối giữa ngôi nhà sàn với các vật dụng sinh hoạt hiện đại như giường, tủ, bàn ghế theo kiểu người Kinh làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nếp nhà sàn.
+ Về mặc: Phạm vi sử dụng trang phục truyền thống của người Thái đã
và đang bị thu hẹp dần. Hiện nay, y phục truyền thống chỉ chủ yếu phổ biến ở vùng sâu vùng xa, hoặc các cụ già là còn giữ được thói quen mặc trang phục cổ truyền hàng ngày. Đa số các thành phần khác, nhất là thanh thiếu niên đều ưa dùng loại quần áo may sẵn bằng vải dệt công nghiệp như ở miền xuôi.
Do tiếp thu trực tiếp từ người Kinh, trang phục nam giới Thái ở huyện Quế Phong đang phát triển theo con đường âu hóa mạnh. Nam giới Thái ngày nay thường mặc áo sơ- mi và quần âu, Hiện nay rất khó để tìm được một bộ trang phục nam của người Thái. Trang phục nữ giới cũng bắt đầu có hiện tượng âu hóa, nhưng diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn. Hiện tượng bỏ hẳn áo cỏm thay thế bằng áo sơ mi đang diễn ra khá mạnh và phổ biến, nhất là các trung tâm thị trấn Kim Sơn, các Xã Tiền Phong, Châu Kim, Chất liệu vải cũng sử dụng nhiều loại vải khác nhau, nhiều sắc màu hoa văn, chủ yếu được may bằng vải hoa, lụa công nghiệp. Váy thường được may bằng vải lụa, nhưng thay bằng vải thổ cẩm như trước kia. Theo đó, nghề trồng bông dệt vải truyền thống cũng mất dần. Các khung dệt vải, các công cụ thêu thùa, căng nhuộm vải cũng dần vắng bóng trong các gia đình. Nay rất ít các thiếu nữ Thái còn biết dệt vải, thêu thùa như trước kia, còn dệt thổ cẩm thì chỉ có những người trung niên mới có khả năng thao tác. Hoặc nếu có dệt vải thì sử dụng các loại sợi công nghiệp mua sẵn ở chợ thay bằng tự trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu như trước đây. Tình trạng này sẽ dẫn đến một hệ quả đáng tiếc là nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng đang dần bị lãng quên.
Cùng với xu thế phát triển chung đang diễn ra rất mạnh, quá trình âu hóa đã thay thế cơ bản cách ăn mặc truyền thống, đây cũng là một trong những tín hiệu cho thấy sự mai một dần về bản sắc văn hóa dân tộc hiện đang diễn ra rất mạnh do nhiều những nhân tố tác động khác nhau. Và một điều tệ hại hơn cả là chính bà con đã bắt đầu có tâm lý mặc cảm với cái của dân tộc mình, không thấy được cái hay, cái đẹp, cái thân thương gần gũi của mình. Nếu không có ý thức gìn giữ và kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Đồ dùng chủ yếu là đồ nhựa, đồ nhôm, tiện thì rất tiện nhưng nghề truyền thống thì không còn. Không còn ai trồng bông, đa đa số dùng vải công nghiệp, người kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm còn rất hiếm: Hơn 90% thanh niên không biết làm. Chỉ còn số người mặc trang phục dân tộc chủ yếu là người già. Thanh thiếu niên ít người biết hát dân ca, làm và sử dụng nhạc cụ dân tộc, không biết truyện dân gian của dân tộc mình…
Có thể nói rằng, vươn tới sự thuận lợi và hiệu quả trong sinh hoạt vật chất là xu hướng tất yếu và cũng là nguyện vọng chính đáng của mỗi xã hội. Nhưng, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc trưng cho một tộc người cũng là một trong những điểm mạnh cần phải phát huy cho dù dân tộc ấy đã tiến bộ đến mức nào. Bởi những giá trị văn hóa ấy, là những minh chứng cho bản sắc và bản lĩnh trường tồn của một dân tộc.