Sự thay đổi trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần ở vùng người Thái ở huyện Quế Phong trong những năm trở lại đây, khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường thì sự thay đổi này diễn ra nhanh và mạnh hơn rất nhiều. Trong quá trình ấy, một số loại hình văn hóa truyền thống (như các hình thức tín ngưỡng dân gian, nghi lễ trong nông nghiệp, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên…) do chưa được nhận thức đầy đủ, đúng đắn nên những yếu tố tiến bộ, còn phù hợp đang dần bị mai một, kể cả một số sinh hoạt văn hóa dân gian rất đáng được trân trọng và cần phải được giữ gìn, kế thừa và phát huy cũng đang bị mất dần. Nhiều nghi lễ, lễ hội dường như đã mất hẳn trên thực tế, chỉ còn lại trên sách vở cổ hoặc ghi nhớ của các già làng trưởng bản mà thôi.
Có một điều cần nhận rõ là trong mấy chục năm xây dựng nền văn hóa mới, đồng bào Thái ở huyện Quế Phong đã xóa bỏ, loại trừ được khá nhiều tập quán, thói quen, sinh hoạt tín ngưỡng không còn phù hợp với đời sống xã hội mới như: các nghi lễ cúng hồn, gọi hồn, chữa bệnh bằng phép thuật, cúng bái, bùa chú, phù phép…Khi ốm bà con đã chủ động đến các bệnh viện, các trạm y tế khám chữa bệnh. Đặc biệt trong những năm gần đây, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo ngày càng thu được nhiều thành tựu to lớn, đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc nói chung, và người Thái nói riêng đã và đang ngày một nâng cao. Vì thế nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, lễ hội của các dân tộc thiểu số cũng có điều kiện để phục hồi, kế thừa và phát huy. Phải thừa nhận là, sự phục hồi và phát triển các sinh hoạt văn hóa truyền thống của các đồng bào các dân tộc, đã đáp ứng một phần nhu cầu về sinh hoạt văn hóa ở vùng các dân tộc miền núi. Trong bối cảnh đó, văn hóa các
dân tộc ở huyện Quế Phong, trong đó có văn hóa của người Thái cũng đang dần dần được khôi phục dưới nhiều hình thức và theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Đầu tiên, phải kể đến tiếng nói và chữ viết - một di sản cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa của tộc người. Hiện nay, chữ viết của người Thái nói chung, và người Thái ở huyện Quế Phong nói riêng ngày càng bị thu hẹp dần phạm vi sử dụng. Mặc dù, những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách để khuyến khích phát triển tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Thái. Tuy nhiên hiện nay ở huyện huyện Quế Phong chưa có lớp dạy chữ Thái nào được mở. Theo điều tra ở xã Đồng Văn huyện Quế Phong thì hiện nay chỉ còn khoảng 10 người biết chữ Thái trong đó hầu như là người già. Số sách viết bằng chữ Thái còn lại rất ít.
Ở những vùng sâu vùng xa, bà con vẫn nói tiếng của dân tộc mình nhưng rất ít người còn biết viết và đọc chữ Thái. Ở thị trấn Kim Sơn huyện Quế Phong, sử dụng tiếng Kinh là chủ yếu, chỉ dùng tiếng dân tộc khi ở nhà hoặc có dùng lẫn với tiếng Kinh, đặc biệt là lớp trẻ nhiều gia đình người Thái dạy con tiếng Kinh từ còn nhỏ lớn lên nhiều người không biết được tiếng mẹ đẻ. Do sống trong gia đình song ngữ nên có tình trạng nói tiếng mẹ đẻ không được tốt đồng thời nói tiếng Việt cũng không hay. Rõ ràng, xu hướng phát triển tiếng nói và chữ viết của tộc người Thái ở huyện Quế Phong đang bị thu hẹp dần theo không gian và thời gian.
Cùng với ngôn ngữ và chữ viết, các thể loại văn học dân gian dưới sự tác động của kinh tế thị trường và sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại cũng đang bị co dần lại. Hiện nay, trải qua nhiều những thăng trầm biến cố của lịch sử xã hội nên kho tàng sách cổ này đã bị mất mát đi rất nhiều, nhiều tác phẩm chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi hoặc được truyền miệng lại. Những thế hệ con cháu dân tộc Thái sau này, dường như ít biết đến một khối lượng tri thức khổng lồ đã được cha ông mình đúc kết lại qua bao đời có giá trị rất to lớn, là những câu truyện hay, những bài thuốc quý, những phong tục tập quán có giá trị mà ngày nay không dễ gì tìm thấy. Lớp trẻ một mặt không đủ khả năng và trình độ hấp thụ, mặt khác có tâm lý
coi thường, đánh giá thấp di sản văn hóa của tổ tiên, hoặc bởi những cái gì là ngoại lai đang dồn dập xô tới. Mặt khác, đội ngũ cán bộ đương chức một số ngành chức năng như văn hóa, thư viện...chưa được học chữ Thái để có thể tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu biên dịch về sau. Trong khi đó, các nhà biên dịch chữ Thái cổ đã ít lại đã quá già yếu. Tình trạng này đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc bảo tồn văn hóa Thái có lẽ phải đi từ gốc là phải tăng cường công việc dạy và học chữ Thái cho cán bộ, nhân dân.
Một số làn điệu khắp trước đây rất phổ biến trong các bản, mường như những cuộc hát giao duyên, hát mo lễ hội đã vắng bóng. Hiện nay, nó chỉ hiện diện chủ yếu trong các dịp diễn ra lễ hội và các ngày hội văn hóa thể thao do các cơ quan văn hóa địa phương tổ chức, đã được cải biên nâng cao. Các phương tiện sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng dần thay thế bằng các đồ điện tử, băng đài, đầu đĩa, đàn oócgan đã dần thay thế cho khèn bè, kèn môi, kèn lá, trống, chiêng, pí, sáo…
Phần được coi là “bền vững” nhất của đời sống tinh thần người Thái là đời sống tín ngưỡng tôn giáo cũng đang có xu hướng chuyển dịch ở một số địa phương. Nhìn chung, diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của người Thái ở huyện Quế Phong đã có những đổi thay khá mạnh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lĩnh vực vốn nhạy cảm nhất trong đời sống tâm linh của bà trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng là hoàn toàn mất đi, mà ngược lại nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thậm chí, nhiều hình thức tín ngưỡng vẫn còn sức sống và trong nhiều trường hợp có tác động rất lớn đối với đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt, những nghi lễ, tín ngưỡng gắn liền với các phong tục tập quán, lễ hội đang ngày càng có xu hướng phục hồi nguyên vẹn như lễ, lễ mừng cơm mới, lễ lớn cúng tổ tiên (xên hươn), Lễ hội Đền chín gian. Tục xên Bản, xên Mường trước được đồng bào rất coi trọng, tục này có mặt hay, mặt chưa hay (mê tín) nên nhiều năm không tổ chức, nhưng ngày nay đã và đang được phục hồi. Sự phục hồi của các tín ngưỡng truyền thống hiện nay chứng tỏ, sự cần thiết của một số loại hình tín ngưỡng trong đời sống xã hội tộc người. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển không thể không có sự du nhập,
đan xen tín ngưỡng của các dân tộc khác. Ví dụ như hàng năm, người Thái vẫn ăn tết độc lập nhân dịp quốc khánh 2/9. Trước đây, người Thái không lập bàn thờ, bát hương, hoa quả cúng bái nhưng do ảnh hưởng của tập quán người Kinh, hiện nay không ít các gia đình người dân tộc cũng thắp hương, thờ cúng trong các dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một. Trong bối cảnh có sự du nhập đan xen giữa các nền văn hóa như vậy, một số tín ngưỡng không được tổ chức một cách quy củ nên cũng tự biến mất. Do đó, đây là vấn đề cần được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa xem xét một cách nghiêm túc trong thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương.
Thông qua các lễ hội, các sắc thái văn hóa tộc người như các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, nhảy sạp, kéo co…cũng được khôi phục. Một sự biến đổi khác trong hội hiện nay là phần nghi lễ ngày càng được đơn giản hóa, không còn các nghi lễ cúng tế kéo dài nhiều ngày gây tốn kém về của cải, tiền bạc và ảnh hưởng đến sản xuất như trước đây. Phần lễ trong các lễ hội có xu hướng giảm xuống, phần hội lại có xu hướng tăng lên và đóng vai trò chủ đạo trong lễ hội, đây là bước chuyển lớn trong đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, không thể không kể đến ảnh hưởng của một số yếu tố văn hóa ngoại lai và những lối sống không phù hợp với truyền thống văn hóa các dân tộc, đang tiêm nhiễm, thẩm thấu vào đời sống văn hóa xã hội các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái. Điều này gây tác động không nhỏ tới công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở huyện Quế Phong.
Hôn nhân và gia đình người Thái huyện Quế Phong hiện nay có sự thay đổi lớn. Hiện tượng kết hôn với người của các nhóm dân tộc khác, nhất là kết hôn với người Kinh đã trở nên phổ biến hơn. Trở ngại về huyết thống trong hôn nhân giờ đây cũng được tháo bỏ. mặc dù không còn "ha quái xê" để tách họ nhưng nhờ sự điều chỉnh của luật hôn nhân và gia đình, sau ba đời các thành viên trong họ cũng có thể lấy được nhau. Tuy nhiên, do sức ép về tâm lý truyền thống và dư luận xã hội, hiện tượng này trở nên không phổ biến.
Trong quan hệ hôn nhân truyền thống mặc dù trai gái được tự do yêu đương nhưng vai trò của cha mẹ và nhất là ông cậu mang tính quyết định. Ngày nay chẳng những nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu mà còn có quyền quyết định hạnh phúc của mình. Cha mẹ và ông cậu có ý kiến với con cái nhưng tiếng nói của họ chỉ mang tính chất tham khảo. Tuổi kết hôn trung bình hiện nay của nam nữ thanh niên Thái ở Quế Phong cao hơn trước đây (18 - 19 đối với nữ, 21 - 22 đối với nam so với trước đây 14 -15 đối với nữ, 15 -16 đối với nam).
Quy mô gia đình Thái ở Quế Phong hiện nay đang bị thu hẹp, số nhân khẩu trung bình trước đó mỗi hộ dân hiện nay khoang 5 - 6 người. Các gia đình lớn hầu như bị giải thể, loại hình gia đình phổ biến nhất hiện nay là gia đình hạt nhân (cặp vợ chồng và các con), thứ đến là gia đình hạt nhân mở rộng (ông bà, cha mẹ và các con). Một mặt đây là hệ quả của quá trình công tác tuyên truyền kết hoạch hoá gia đình của đảng và nhà nước thông qua nhiều kênh như sự vận động các cán bộ chuyên trách, các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng…Mặt khác, cũng không thể phụ nhận những tiến bộ trong nhận thức người dân nhất là trong giới trẻ. Mối quan tâm của các cặp vợ chồng trẻ hiện nay không phải là nhiều hay ít con mà cái chính là tương lai của chúng sau này như thế nào. Đây là sự chuyển biến cơ bản trong gia đình, hoàn toàn phù với xu thế của thời đại.
Một thực nữa cũng cần đề cập đến trong vấn đề gia đình, đó là những hiện tượng có phần ngược với các tiêu chí gia đình truyền thống. Ngoại tình có con ngoài giã thú và ly dị. Việc ngoại tình có con ngoài giã thú ly dị xưa kia rất hiếm và không được dư luận ủng hộ, thẩm chí còn bị xét xử rất nặng theo luật tục nhưng ngày nay lại đang có xu hướng gia tăng, nhất là tình trạng ly dị. Đây là vấn đề xã hội khá nhảy cảm không thể tuỳ tiện phán xét và quá bi luỵ hoá trước những hiện tượng đó nhưng rõ ràng là quan hệ hài hoà, bình ổn và bền vững vốn có của các gia đình người Thái ở Quế Phong đang bị đe doạ.