Tính tất yếu khách quan của việc kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề trong dạy học phần “Công dân với đạo đức” môn

Một phần của tài liệu Kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề trong dạy học phần công dân với đạo đức môn giáo dục công dân lơp 10 ở trường trung học phổ thông hiện nay (Trang 26 - 31)

phương pháp nêu vấn đề trong dạy học phần “Công dân với đạo đức” môn Giáo dục công dân lớp 10

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình SGK thì việc đổi mới phương pháp dạy học là tất yếu để nâng cao chất lượng dạy học, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh đặc biệt là đối với phần “Công dân với đạo đức” môn GDCD lớp 10.

Tính tất yếu của việc đổi mới PPDH môn GDCD nói chung, kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn trong dạy học phần “Công dân với đạo đức” nói riêng là do xuất phát từ thực trạng đổi mới PPDH của bộ môn; mục tiêu của môn học; nội dung của phần “Công dân với đạo đức” và xuất phát từ mối quan hệ giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề và cả đặc điểm tâm lí của học sinh lớp 10.

Thứ nhất, xuất phát từ thực trạng đổi mới PPDH của bộ môn GDCD hiện nay. Tại hội thảo đánh giá hiệu quả dạy học môn GDCD tháng 4/ 2009, Bộ GD & ĐT đã có nhận định như sau: “Về phương pháp dạy học, giáo viên dạy GDCD đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, hiện tượng dạy học lệ thuộc vào SGK và SGV còn phổ biến. Việc rèn luyện kĩ năng và giáo dục thái độ, hành vi của HS trong dạy học GDCD thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra của chương trình” [6; 30].

Thực tiễn dạy học cho thấy, việc đổi mới PPDH bộ môn đã được quan tâm thực hiện và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế nêu trên là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do nội dung của bộ môn GDCD các khối lớp phần nhiều là các khái niệm, chính sách, quy định pháp luật của nhà nước... mang tính khái quát và đòi hỏi tính chính xác cao; do đó, việc hướng dẫn để HS có thể hiểu được bài là vô cùng cần thiết, điều đó đòi hỏi vai trò của người giáo viên, tức là chúng ta cần phát huy những ưu điểm của phương pháp thuyết trình. Bên cạnh đó nội dung của một số bài thì quá dài và khó hiểu, thời lượng thì ít nên giáo viên khó có thể áp dụng các PPDH theo hướng đổi mới. Hơn nữa trình độ của HS không đồng đều cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc

đổi mới PPDH không đạt kết quả như mong muốn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là đồ dùng dạy học của môn GDCD ở một số trường nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện đổi mới phương pháp theo hướng hiện đại nhằm phát huy tính tích cực tự giác của HS... Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là một số giáo viên nói chung, giáo viên dạy bộ môn GDCD nói riêng có tâm lí rất ngại đổi mới vì muốn đổi mới PPDH thì đòi hỏi đầu tư rất nhiều do đó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhận thức về đổi mới phương pháp của một số giáo viên còn chưa đầy đủ như cho rằng đổi mới PPDH là loại bỏ hoàn toàn các PPDH truyền thống và chỉ sử dụng PPDH theo hướng hiện đại hoặc đồng nghĩa đổi mới phương pháp với đổi mới phương tiện, thiết bị dạy học, nên cho rằng khi có đầy đủ phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại thì đã đổi mới được phương pháp. Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta cần phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp phù hợp làm thay đổi cả nhận thức và đẩy mạnh cả quá trình thực hiện đổi mới PPDH môn GDCD trong nhà trường THPT hiện nay.

Thứ hai, xuất phát từ mục tiêu dạy học môn GDCD. “Quá trình dạy học môn GDCD là quá trình khai thác tiềm năng và phát triển tâm lực của HS, phát triển tính tích cực hoạt động nhận thức và năng lực tự hoàn thiện của HS” [6; 24]. Muốn thực hiện được mục tiêu trên việc đổi mới PPDH theo hướng hiện đại là yêu cầu tất yếu vì với các PPDH truyền thống thì người dạy vẫn giữ vai trò chủ đạo, người học chỉ có thể tiếp thu kiến thức một chiều, thụ động ghi nhớ lại những kiến thức đã được trình bày nên không thể phát huy được tính tích cực, sáng tạo của mình; do đó, hạn chế trong việc phát triển hoàn thiện bản thân người học. Hơn nữa, “Môn GDCD ở trường THPT không những trang bị cho HS những kiến thức phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi HS mà còn hình thành và phát triển ở các em những tình cảm, niềm tin, những hành vi và thói quen phù hợp với những giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống; giúp HS có sự thống nhất cao giữa ý thức và hành vi” [6; 25]. Đặc biệt, những tri thức phần

“Công dân với đạo đức” môn GDCD lớp 10 nhằm trang bị cho HS THPT một cách tương đối có hệ thống những tri thức cơ bản phổ thông thiết thực về đạo đức và lối sống có đạo đức, về thời đại, về con người, về cộng đồng, về quá trình xã hội đang diễn ra trên thế giới và trên đất nước ta, về cuộc đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội giữa cái tiến bộ và cái phản tiến bộ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải làm như thế nào để phát huy tối đa năng lực hoạt động của học sinh, vận dụng những kiến thức các em đã được học vào cuộc sống, đồng thời áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức mà các em có trong cuộc sống và được học từ môn học khác để hiểu bài dễ dàng hơn, khắc sâu kiến thức đã học qua đó rèn luyện cho HS các kĩ năng cần thiết, góp phần tự hoàn thiện mình hơn.

Thứ ba, xuất phát từ nội dung phần “Công dân với đạo đức” môn GDCD lớp 10, có nhiệm vụ giúp HS nắm được những kiến thức cơ bản: một số phạm trù cơ bản của đạo đức học, các yêu cầu cơ bản của người công dân Việt Nam trong thời kì CNH, HĐH như: công dân với tình yêu, hôn nhân, gia đình; công dân với cộng đồng; công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...Để giúp HS hiểu được các nội dung đó, vận dụng kiến thức vào thực tiễn có hiệu quả thì đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của giáo viên. Phương pháp thuyết trình được coi là một trong những PPDH được xem là phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất trong việc giảng dạy hệ thống các khái niệm, đồng thời cũng qua đó có thể phát huy được tối đa hiệu quả của phương pháp thuyết trình. Tuy nhiên, nội dung kiến thức ở phần này không đơn thuần là kiến thức về đạo đức mà là những kiến thức đạo đức được nhìn từ góc dộ GDCD, gắn liền với thực tế cuộc sống. Nên những kiến thức đã học HS hoàn toàn có thể hiểu và vận dụng được vào thực tiễn cụ thể của bản thân dưới sự hướng dẫn, gợi ý của giáo viên qua việc tổ chức cho HS tham gia giải quyết những tình huống có vấn đề.

Như vậy, trong phần “Công dân với đạo đức” môn GDCD lớp 10 việc kết hợp PPDH thuyết trình với PPDH nêu vấn đề là vô cùng cần thiết để vừa truyền đạt kiến thức bộ môn, vừa phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của học sinh.

Thứ tư, xuất phát từ mối quan hệ giữa phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề. Với những ưu điểm của phương pháp thuyết trình và phương pháp nêu vấn đề chúng hỗ trợ cho nhau là cần thiết giúp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm của mỗi phương pháp. Muốn thực hiện được giờ học nêu vấn đề và giải quyết tình huống có vấn đề một cách hiệu quả thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ của phương pháp thuyết trình để giới thiệu về tình huống, nghịch lí, bí ẩn hay vấn đề cần giải quyết. Ngược lại, phương pháp nêu vấn đề cũng hỗ trợ rất nhiều cho phương pháp thuyết trình nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh. Với phương pháp dạy học nêu vấn đề giáo viên có thể khuyến khích HS tìm tòi, suy nghĩ, phát hiện vấn đề mới nhờ vậy HS hiểu và ghi nhớ bài sâu sắc hơn, PPNVĐ giúp tiết học trở nên sinh động, thu hút được sự tham gia tích cực của HS. Khắc phục được lối truyền đạt một chiều từ phía người dạy của PPTT; tạo cơ hội cho HS tự tin, thoải mái trình bày hiểu biết, suy nghĨ của mình về tình huống, nghịch lí có vấn đề. Giúp học sinh rèn luyện kĩ năng diễn đạt suy nghĩ của mình về vấn đề được học một cách logic, phát huy được kĩ năng giao tiếp ở học sinh, đồng thời qua đó hỗ trợ cho giáo viên trong việc khái quát, kết luận vấn đề. Kết quả thu được tri thức mới, cách thức hoạt động mới.

Kết hợp PPTT với PPNVĐ góp phần đổi mới phương pháp thuyết trình. Lúc này phương pháp thuyết trình không đơn giản là sự truyền thụ tri thức mà còn được sử dụng để hướng dẫn học sinh cách thức làm việc, gợi ý một số tư liệu phục vụ cho quá trình học tập. Đặc biệt là lời giảng của giáo viên trở nên có hiệu quả, được học sinh chú ý tiếp thu khi làm nhiệm vụ lý giải, phân xử những tranh luận về tình huống có vấn đề.

Thứ năm, xuất phát từ đặc điểm tâm lí của học sinh lớp 10. Cùng với sự phát triển về mặt thể lực, tâm sinh lí, ở học sinh lớp 10 cũng có những thay đổi về mặt tư duy: Các em có khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập, chặt chẽ, có căn cứ và mang tính nhất quán hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em trong học tập. Bên cạnh đó, tuổi thanh niên mới lớn là lứa tuổi mang tính chất tập thể nhất, ở lứa tuổi này, các em có khuynh hướng làm bạn với bạn bè cùng tuổi, các em muốn tham gia vào các nhóm khác nhau để có thêm nhiều bạn bè. Điều đó rất thuận lợi cho việc triển khai và thực hiện phương pháp nêu vấn đề. Vì vậy, việc kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề một cách hợp lí sẽ giúp các em phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của mình, nhìn nhận và đánh giá vấn đề một cách khách quan. Hơn nữa khả năng tư duy của các em không đồng đều nên quá trình tranh luận, giải quyết vấn đề sẽ giúp các em biết học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau để dần hoàn thiện khả năng tư duy của bản thân. Tuy nhiên, ở độ tuổi này HS rất hiếu động, muốn thể hiện mình và nhìn chung tư duy nhận thức, tâm sinh lí của các em cũng chưa hoàn thiện.Vì vậy, để mang lại hiệu quả cao trong quá trình nêu vấn đề là rất cần có sự hướng dẫn, gợi mở của giáo viên giúp HS tìm ra vấn đề mới. Lúc này giáo viên với tư cách là người “trọng tài”, “cố vấn” cho HS trên con đường chiếm lĩnh tri thức của nhân loại.

Một phần của tài liệu Kết hợp phương pháp thuyết trình với phương pháp nêu vấn đề trong dạy học phần công dân với đạo đức môn giáo dục công dân lơp 10 ở trường trung học phổ thông hiện nay (Trang 26 - 31)