Để phát huy hiệu quả sử dụng trò chơi dân gian trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo thì việc lựa chọn trò chơi phù hợp là rất quan trọng. Theo chúng tôi việc lựa chọn trò chơi dân gian cần đảm bảo các nguyên tắc sau và phải dựa trên nhiều yếu tố:
1.1. Lựa chọn trò chơi phù hợp khả năng phát triển ở từng độ tuổi
Trẻ em ở mỗi độ tuổi phát triển khác nhau có những đặc điểm tâm-sinh lí, nhận thức khác nhau. Nên việc lựa chọn trò chơi phải đảm bảo được các nhân tố trên để đạt được hiệu quả tác động, tránh sự phát triển lệch lạc.
Trẻ mẫu giáo bé nhận thức về thế giới xung quanh còn ít, năng lực ngôn ngữ còn hạn chế (khả năng phát âm chưa chuẩn, nói còn ê a, ậm ừ, vốn từ chưa phát triển, khả năng nói câu hoàn chỉnh còn mắc nhiều lỗi, ngôn ngữ nói chưa mạch lac..). Kỹ năng chơi còn đang ở giai đoạn hình thành, trẻ chưa biết phối hợp hành động của mình với hành động của bạn chơi…
Vì vậy, khi lựa chọn trò chơi dân gian nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo bé cần chọn những trò chơi đơn giản, ngôn từ lời ca (ngắn, dễ hiểu, dể đọc..) phù hợp với khả năng phát triển ngôn ngữ, nhận thức của trẻ cũng như đảm bảo về mặt thời gian, khối lượng vận động có trong trò chơi cho trẻ. Có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển đúng đắn cho trẻ.
Chẳng hạn: Một số trò chơi dân gian dành cho trẻ mẫu giáo bé (3-4 tuổi) như: nu na nu nống, oẳn rù tì, kéo cưa lừa xẻ….
Đới trẻ mẫu giáo nhỡ (4-5 tuổi) và mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) trẻ đã có những hiểu biết nhất định về thế giới xung quanh, tư duy phát triển hơn, vốn sống, sự trải nghiệm của trẻ được mở rộng. Ngôn ngữ phát triển nhanh giúp trẻ có thể tham gia thảo luận, bàn bạc về luật chơi, cùng các bạn chơi, từ đó biết thiết lập các mối quan hệ chơi, mà ở trẻ mẫu giáo bé chưa làm đuợc. Ở tuổi này trẻ cũng đã có nhiều kỹ năng thao tác trò chơi thành thục, biết chơi phối hợp cùng nhau, biết chủ động sáng tạo và tích cực hoạt động.
Đây là những điều kiện thuận lợi để giáo viên lựa chọn những trò chơi với yêu cầu cao hơn, nội dung phong phú và luật chơi chặt chẽ hơn. Với trò chơi dân gian nhằm phát triển ngôn ngữ giáo viên có thể lựa chọn những trò chơi có khả năng phát triển ngôn ngữ cao (ngôn từ lời ca trong trò chơi có thể dài hơn, phức tạp hơn, trò chơi kích thích được trẻ sáng tạo ngôn ngữ trong khi chơi..). Đồng thời thời gian chơi phải dài hơn, các kỹ năng vận động nếu có trong trò chơi phải khó hơn, nhằm kích thích sự tham gia tích cực, chủ động vào trò chơi, tránh cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt.
1.2. Lựa chọn trò chơi theo chủ điểm giáo dục
Theo quan điểm giáo dục học mầm non thì chủ điểm giáo dục học mầm non là phần nội dung kiến thức, kỹ năng cùng phản ánh một vấn đề nào đó mà trẻ mầm non có thể tìm hiểu, khám phá và học theo nhiều cách khác nhau dưới sự tổ chức hướng dẫn của giáo viên trong một khoảng thời gian.
Do đó khi xây dựng một chủ điểm giáo dục chúng ta luôn chú ý đến sự phát triển toàn diện ở trẻ. Mà trước hết chủ điểm và nội dung chủ điểm cần xuất phát từ chính đứa trẻ:
+ Xuất phát từ nhu cầu và hứng thú, mối quan tâm của trẻ.
+ Xuất phát từ vốn kinh nghiệm sống, những hiểu biết và kỹ năng mà trẻ có.
Đồng thời sự lựa chọn đó phải phù hợp với điều kiện vùng miền, địa phương, trường lớp, cơ sở vật chất…
Như vậy, việc lựa chọn trò chơi dân gian theo chủ điểm giáo dục phải tuân thủ vào những tiêu chí xây dựng chủ điểm giáo dục trên mới đảm bảo được tính khoa học, thống nhất trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
Gắn với mỗi chủ điểm giáo dục sẽ có những trò chơi dân gian tương ứng nhằm thoã mãn mục đích vui chơi, học tập và phát triển của trẻ.
Một số trò chơi dân gian lựa chọn theo chủ điểm mà chúng tôi chúng tôi giới thiệu sau đây hy vọng sẽ là tài liệu giúp giáo viên dể dàng lựa chọn và sử dụng hơn trong công tác giáo dục của mình.
1. Chủ điểm “Bản thân”
Một số trò chơi như: Nu na nu nống, Oẳn tù tì, Xỉa cá mè.. 2. Chủ điểm “Gia đình”
Một số trò chơi như: Tập tầm vông, Chi chi chành chàn, Lộn cầu vồng, Kéo cưa lừa xẻ…
3. Chủ điểm “Thế giới thực vật”
Một số trò chơi như: Kéo cưa lừa xẻ, mít mật mít gai, đúc cây dừa, trồng đậu trồng cà….
4. Chủ điểm “Thế giới động vật”
Một số trò chơi như: Dung dăng dung dẻ, mèo đuổi chuột, Cắp cua, Thả địa ba ba, lặc cò cò…
5. Chủ điểm “Nghề nghiệp”
Một số trò chơi như: Dệt vải, kéo cưa lừa xẻ, nu na nu nống, xỉa cá mè… 6. Chủ điểm “ Giao thông”
Một số trò chơi như: Nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, mèo đuổi chuột…
7. Chủ điểm “Quê hương- Đất nước- Bác Hồ”
Một số trò chơi như: Lộn cầu vồng, chi chi chành chành, oẳn tù tì, xỉa ca mè…
1.3 Lựa chọn trò chơi cần căn cứ vào mục tiêu phát triển ngôn ngữ cho trẻ
Ở mỗi độ tuổi khác nhau đều có những mục tiêu giáo dục cần đạt được, trong phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo thì mục tiêu phát triển ngôn ngữ cuối độ tuổi được cụ thể như sau:
- Trẻ nghe và hiểu lời nói trong giao tiếp
- Trẻ có khả năng diễn đạt bằng lời để biểu hiện ý muốn, cảm xúc, tình cảm, ý nghĩ của mình và người khác
- Trẻ nói rõ ràng mạch lạc trong giao tiếp
- Trẻ có một số kĩ năng chuẩn bị đọc và viết vào lớp 1.
Việc lựa chọn trò chơi dựa vào mục tiêu giáo dục nhằm đi đúng hướng phát triển ngôn ngữ cho trẻ, góp phần vào sự phát triển chung của mục tiêu phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo.
Từ những mục tiêu chung theo nội dung chương trình thực hiện của độ tuổi được triển khai thành những mục tiêu nhỏ trong chương trình giáo dục trẻ.
Với những hoạt động nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, giáo viên phải xác định được mục đích yêu cầu cụ thể của bài dạy, cũng như trò chơi đưa vào bài dạy của mình. Giáo viên phải xác định được “sử dụng trò chơi đó vào mục đích gì? Phát triển nhiệm vụ ngôn ngữ nào ở trẻ? Trò chơi hình thành
hay rèn luyện kĩ năng gì? thực hiện trò chơi ở đâu?... Từ đó giáo viên mới lựa chọn trò chơi phù hợp.
Như vậy, lựa chọn trò chơi căn cứ vào mục tiêu phát triển ngôn ngữ, chính là khi lựa chọn trò chơi nào đó giáo viên cần căn vào mục tiêu giáo dục chung và căn cứ vào mục đích yêu cầu riêng của mỗi bài dạy cụ thể.
Một số trò chơi dân gian đã được chúng tôi phân loại theo nhiệm vụ giáo dục ngôn ngữ như sau:
1. Với nội dung luyện phát âm có thể sử dụng các trò chơi sau:
Giã chày một, ô nô ô nốc, này cò này cấu, chồng lộng chồng cà (I), trồng đậu trồng cà, ù à ù ập, nu na nu nống…
2. Với nội dung phát triển vốn từ có thể sử dụng các trò chơi sau:
Chồng lộng chồng cà (II), nu na nu nống, vấn đáp, lạc cò cò, trông đậu trồng cà, đúc cây dừa…
3. Với nội dung nói đúng ngữ pháp có thể sử dụng các trò chơi sau:
lộn cầu vồng,kéo cưa lừa xẻ, mèo đuổi chuột, chồng lộng chồng cà (I), dung dăng dung dẻ…
4. Với nội dung nói mạch lạc có thể sử dụng các trò chơi sau:
Dệt vải, xỉa cá mè, thả địa ba ba, mít mật mít gai, xuác xắc xuác xẻ, rán mở, nu na nu nống…
5.Với nội dung làm quen chữ viết có thể sử dụng các trò chơi sau:
Con rùa, hoa sen hoa súng, ô nô ô nốc, nu na nu nống, tập tầm vông, dung dăng dung dẻ…
1.4 Lựa chọn trò chơi dựa vào hình thức tổ chức hoạt động
Hình thức giáo dục phát triển ngôn ngữ bao gồm: phát triển ngôn ngữ qua các giờ học và phát triển ngôn ngữ qua các hoạt động ngoài giờ. Tức là phát triển ngôn ngữ theo quan điểm tích hợp là ở mọi lúc mọi nơi.
- Đối với các tiết học: ngoài những yêu cầu về lựa chọn trò chơi như trên. Thì ở trong tiết học điều kiện về thời gian ngắn, không gian lớp học nhỏ, hẹp chính vì vậy khi lựa chọn trò chơi sử dụng trong tiết học chúng ta cần lưu ý lựa
chọn trò chơi:
+ Trò chơi đưa vào tiết học phải là trò chơi quen thuộc đối với trẻ. Nghĩa là trò chơi đó đã được làm quen từ các buổi trước, trẻ hiểu nội dung chơi, cách chơi, trẻ phải thuộc đồng dao nếu có.
+ Thời gian dành cho trò chơi ngắn vì vậy cần chọn trò chơi đơn giản, dễ chơi để trẻ có thể chơi nhiều lần mà vẫn đảm bảo thời gian và tất cả trẻ đều được tham gia.
- Đối với hoạt động ngoài giờ: điều kiện về không gian rộng rải có thể tổ chức ở sân, vườn trường…thời gian dài hơn, thoải mái hơn so với trong tiết học.