Quan niệm về xu thế thời đại.

Một phần của tài liệu Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của việt nam trong xu thế thời đại luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 49 - 62)

Chương 3: SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VÔ SẢN CỦA VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI XU THẾ THỜI ĐẠ

3.1.Quan niệm về xu thế thời đại.

Thời đại là một khái niệm khoa học dùng để phân kì lịch sử xã hội, phân biệt những nấc thang phát triển xã hội loài người.

Theo Ăngghen: “Ở mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội- cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra- cả hai cái đó tạo thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của mỗi thời đại”[23- T21;11].

Theo Lênin, một giai đoạn lịch sử được gọi là thời đại trong đó nó bao hàm mọi hiện tượng, mọi sự kiện, thậm chí là mọi cuộc chiến tranh muôn màu, muôn vẻ. Lênin còn cụ thể hóa mỗi thời đại lịch sử lớn thành nhiều thời đại nhỏ, tương ứng với từng giai đoạn nhất định như thời đại đế quốc chủ nghĩa trong thời đại tư bản chủ nghĩa, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thời đại phục hưng...

Như vậy, thời đại là một khái niệm rộng. Khái niệm đó xác định những giai đoạn phát triển lớn của loài người có tính đến toàn bộ các quá trình xã hội và xu hướng khách quan vốn có của sự phát triển đó. Sự tác động qua lại giữa các hình thái kinh tế- xã hội khác nhau, giữa các phong trào giai cấp, phong trào xã hội và phong trào chính trị. Đặc trưng về chất của mỗi giai đoạn đó, những đặc điểm của nó, trước hết gắn liền với giai cấp nào là lực lượng chủ đạo quyết định sự phát triển xã hội. Lênin đã khẳng định: “Chúng ta không thể biết những phong trào lịch sử cá biệt của một thời đại nào đó sẽ phát triển nhanh chóng đến mức nào và đạt kết quả như thế nào. Nhưng chúng ta có thể biết và chúng ta biết giai cấp nào đứng ở trung tâm của thời đại này hay thời đại khác và xác định những nội dung cơ bản, phương hướng phát triển chính của thời đại ấy, những đặc điểm chủ yếu của bối cảnh lịch sử của thời đại ấy. Chỉ trên cơ sở này, nghĩa là trước hết, xem xét những nét khác nhau cơ bản

của các “thời đại” (chứ không phải của các giai đoạn lịch sử cá biệt ở các nước) thì chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta; và chỉ trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”[20- T26; 174].

Tuy nhiên, dựa trên cơ sở khác nhau nên việc phân chia thời đại cũng khác nhau.

Nhà triết học Vicô (Italia) thế kỉ XVIII cho rằng lịch sử xã hội loài người trải qua các giai đoạn: tuổi ấu thơ, tuổi thành niên, sau thành niên.

Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp là Phuriê (1772- 1837) chia lịch sử phát triển xã hội loài người thành bốn giai đoạn: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh.

Nhà nhân chủng học Mỹ là Moócgan (1818- 1883) lại phân chia thành ba giai đoạn: mông muội, dã man và văn minh.

Nhà tương lai học người Mỹ Anvin Tôpphlơ lại dựa vào trình độ phát triển công cụ sản xuất, chia lịch sử phát triển văn minh nhân loại thành ba nền văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp.

Chủ nghĩa Mác- Lênin xem xét một cách khoa học vấn đề thời đại trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và học thuyết về các hình thái kinh tế- xã hội. Trong đó, lí luận hình thái kinh tế- xã hội của chủ nghĩa Mác- Lênin xem xét thời đại trên cả ba phương diện: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Ngoài việc lấy hình thái kinh tế- xã hội làm cơ sở cho việc phân chia thì theo quan niệm của chủ nghĩa Mác- Lênin còn dựa vào sự thay đổi vị trí trung tâm của các giai cấp trong xã hội. Giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại phải là giai cấp tiên tiến, giai cấp đại diện cho xu hướng vận động của lịch sử, có khả năng tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động khác vào cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ cũ, thiết lập chế độ xã hội mới. Giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại có vai trò quyết định xu hướng vận động của lịch sử trong thời đại đó.

Như vậy, cơ sở khoa học để phân chia thời đại là sự thay thế một hình thái kinh tế- xã hội này bằng một hình thái kinh tế- xã hội khác cao hơn, với một giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại. Theo quan điểm đó, mỗi hình thái kinh tế- xã hội tương ứng với một thời đại.

Vậy xu thế thời đại mới bắt đầu từ khi nào ?

Cách mạng tháng Mười đã mở đầu thời đại mới- thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Về điều này, Lênin đã nhấn mạnh như sau: “Một thời đại mới của lịch sử toàn thế giới đã bắt đầu. Loài người vứt bỏ hình thức nô lệ cuối cùng: chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa hay nô lệ làm thuê. Tự giải phóng khỏi ách nô lệ lần đầu tiên loài người đang tiến tới tự do thật sự”[20- T26; 281]. Cuộc cách mạng này xét về tính chất, phạm vi, sự sâu sắc cũng như ảnh hưởng của nó, vượt xa tất cả mọi cuộc cách mạng trước đây. Nó là sự kiện chủ yếu của thế kỉ XX. Lần đầu tiên trên thế giới, chính quyền của bọn bóc lột đã bị đánh đổ và nền chuyên chính vững mạnh của giai cấp vô sản được thiết lập.

Cách mạng tháng Mười đã chấm dứt sự thống trị tuyệt đối của chế độ tư hữu và nạn bóc lột tư bản chủ nghĩa kéo dài hàng mấy trăm năm, do đó đã mở ra giai đoạn mới về chất trong sự phát triển của nền văn minh thế giới. Cuộc cách mạng này cũng được xem “cuộc cách mạng sâu xa nhất trong lịch sử loài người. Lần đầu tiên trên thế giới, chính quyền đã từ trong tay một thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người bị bóc lột”[20- T28; 442].

Các cuộc cách mạng trước đây chỉ dẫn đến sự thay đổi hình thức người bóc lột người, chế độ tư hữu và tình trạng áp bức bóc lột không bị xóa bỏ. Cách mạng tháng Mười tuyên bố thủ tiêu mọi hình thức tư hữu và chế độ người bóc lột người, mọi hình thức bất bình đẳng dân tộc và xã hội.

Thời đại lịch sử hiện nay được hiểu là một thời đại lịch sử lâu dài mà ở đó, trong quá trình đấu tranh giai cấp gay gắt, với vai trò chủ đạo của giai cấp công nhân đang diễn ra bước chuyển biến cách mạng của loài người từ chủ nghĩa tư bản cũng như các hình thái kinh tế nửa tư bản chủ nghĩa và tiền tư

bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Hay C. Mác đã khẳng định rằng từ Cách mạng tháng Mười năn 1917, thời kì tiền sử đã kết thúc và bắt đầu lịch sử chân chính của loài người.

Tháng 6/1918, Lênin đã khẳng định ý nghĩa mở đầu thời đại mới của Cách mạng tháng Mười: “Chúng ta có quyền tự hào và quả thật chúng ta tự hào là chúng ta có vinh dự được bắt đầu việc xây dựng nhà nước Xô viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi trên thế giới đều tiến tới một cuộc đổi mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[20- T36; 478].

Chính thực chất của thời đại hiện nay được Lênin xác định một cách cô đọng và rõ ràng ba năm sau Cách mạng tháng Mười: “Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và những tàn tích của nó, việc thiết lập những cơ sở của chế độ cộng sản là nội dung của thời đại mới của lịch sử toàn thế giới vừa mới được bắt đầu”[27- T41; 425].

Bốn mươi năm sau đó, tại Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân năm 1960 ở Matxcơva, những tư tưởng của Lênin nói trên đã được khẳng định và cụ thể hóa về bản chất của thời đại hiện nay như sau: “Thời đại chúng ta mà nội dung chủ yếu là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mở đầu bằng Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại, là thời đại đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập, là thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc, là thời đại chủ nghĩa đế quốc bị sụp đổ và hệ thống thuộc địa bị thủ tiêu, là thời đại ngày càng có thêm nhiều dân tộc tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, là thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới”...[19; 29].

Như vậy, “Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã trở thành sự kiện mang tính chất bước ngoặt của lịch sử toàn thế giới, xác định phương hướng chung và các xu thế chủ yếu của sự phát triển thế giới, mở đầu một quá trình không thể

đảo ngược là quá trình thay thế chủ nghĩa tư bản bằng hình thái kinh tế- xã hội mới cộng sản chủ nghĩa”[6; 10- 11].

Sở dĩ Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu một thời đại mới- thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới:

Thứ nhất, sau Cách mạng tháng Mười Nga chủ nghĩa xã hội đã từ lý luận trở thành thực tiễn. Điều này có nghĩa là đã xuất hiện hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa, là cái đối lập, phủ định hình thái kinh tế- xã hội tư bản chủ nghĩa.

Thứ hai, chiều hướng phát triển chủ yếu, trục xuyên suốt của sự vận động lịch sử từ sau Cách mạng tháng Mười là đấu tranh xóa bỏ trật tự tư bản chủ nghĩa, thiết lập và từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Cách mạng tháng Mười Nga mở đầu quá trình sụp đổ không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản. Cuộc cách mạng này đã đào sâu thêm cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản xuất hiện trong thời kì chiến tranh thế giới thứ nhất, làm suy yếu nghiêm trọng chủ nghĩa đế quốc và đẩy nhanh quá trình tan rã của chủ nghĩa tư bản. Bằng việc chọc thủng mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, Cách mạng tháng Mười đã kết thúc thời kì thống trị tuyệt đối, bao trùm của chủ nghĩa tư bản trên thế giới. Với thắng lợi của cách mạng tháng Mười và sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ở một phần sáu hành tinh, phạm vi thống trị của chủ nghĩa tư bản đã bị thu hẹp lại. Tính tất yếu bị diệt vong về mặt lịch sử của nó ngày càng trở nên rõ ràng. Bên cạnh những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản và gay gắt thêm trong điều kiện tổng khủng hoảng xuất hiện một mâu thuẫn mới giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời phản động với hệ thống xã hội chủ nghĩa tiến bộ mới ra đời. Mâu thuẫn giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa là mâu thuẫn cơ bản nhất của thời đại. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống đó đang quyết định những đặc điểm chủ yếu, nội dung chủ yếu và phương hướng chủ yếu của nhân loại kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga đến nay.

Thứ ba, từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới.

Cách mạng tháng Mười Nga trở thành điểm xuất phát của quá trình cách mạng toàn thế giới hiện nay. Các phong trào và các lực lượng có tính chất vô sản, nông dân, dân chủ, giải phóng dân tộc mà trước đây thường phát triển độc lập với nhau, tách biệt nhau không chỉ về địa lí mà cả về chính trị, khác nhau về động lực, mục đích và nội dung xã hội, đến nay đã tập hợp chung quanh nước Nga Xô viết và hợp thành một quá trình cách mạng thống nhất.

Cuộc cách mạng này đã làm rung động toàn bộ thế giới. Không một lục địa nào không chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga. Những người mácxít- lêninít trên khắp hành tinh đã đánh giá cao vai trò đổi mới có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của Cách mạng tháng Mười. Trên báo Nhân dân ngày 6/ 11/ 1967, đồng chí Lê Duẩn đã cho rằng: “Cách mạng tháng Mười có ý nghĩa lịch sử trọng đại mà không một cuộc cách mạng nào trước đó cũng như sau nó có thể so sánh được, là vì nó mở đường tạo nên tiền đề và điều kiện thuận lợi cho hàng loạt cuộc cách mạng khác lần lượt diễn ra và giành được thắng lợi trên toàn thế giới”.

Còn đồng chí Gioócgiơ Macse, Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp đã nhấn mạnh tại Đại hội XXIII Đảng cộng sản Pháp (1979): “Trong mấy thập kỉ gần đây, tương quan lực lượng trên thế giới đã thay đổi có lợi cho các lực lượng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng nhân loại. Cách mạng tháng Mười vĩ đại năm 1917 ở nước Nga đã và vẫn là sự kiện quyết định những sự thay đổi ấy và sẽ hoài công nếu chờ Đảng cộng sản Pháp bằng cách nào đó góp phần hạ thấp ý nghĩa của cuộc cách mạng ấy. Cách mạng tháng Mười đã đưa chủ nghĩa xã hội từ lĩnh vực hi vọng sang lĩnh vực hiện thực. Cách mạng tháng Mười cũng sẽ là tín hiệu về sự quyết định của các lực lượng tiến bộ và hòa bình hùng mạnh trên toàn thế giới, về việc các dân tộc khác

tiến lên xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội” (trích báo Pravađa ngày 11/ 5/ 1979).

Xét về phong trào công nhân quốc tế: Cách mạng tháng Mười đã mở ra giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân các nước tư bản chủ nghĩa. Nó đã giải phóng cho tinh thần sáng tạo của quần chúng nhân dân. Từ khi Công xã Pari thất bại (1871), trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới đã phát triển tương đối hòa bình. Nhưng dưới ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng tháng Mười Nga, nhân dân lao động đã bắt đầu tấn công vào chủ nghĩa tư bản.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, do ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, giai cấp vô sản đã trở nên già dặn hơn và tích cực hơn về chính trị. Tính tổ chức của đội ngũ giai cấp vô sản đã được nâng cao. Trước Cách mạng tháng Mười có khoảng 10- 12 triệu công nhân tham gia vào các công đoàn. Chỉ một năm đầu sau, con số đó đã lên gần gấp đôi. Giai cấp vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa đã trở thành lực lượng hùng mạnh. Nó tập hợp những người lao động và tất cả mọi người vào cuộc đấu tranh chống tư bản độc quyền vì dân sinh và chủ nghĩa xã hội.

Năm 1918, ở Phần Lan, Extônia, Litva và Latvia đã nổ ra những trận chiến đấu giai cấp rộng lớn. Trong quá trình đấu tranh, quần chúng cách mạng theo gương nước Nga Xô viết đã lập ra các Xô viết. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở Ba Lan cũng diễn ra hết sức gay gắt. Tháng 10/ 1918 ở đế quốc Áo- Hung một cao trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của các dân tộc đứng đầu là giai cấp công nhân đã nổ ra và kết quả là triều đình Hapxbua đã bị đánh đổ. Cách mạng tháng Mười Một năm 1918 ở Đức đánh đổ chính thể quân chủ

Một phần của tài liệu Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của việt nam trong xu thế thời đại luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 49 - 62)