Các con đường cách mạng cơ bản trên thế giới từ đó cho đến nay

Một phần của tài liệu Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của việt nam trong xu thế thời đại luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 62 - 68)

Chương 3: SỰ LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VÔ SẢN CỦA VIỆT NAM PHÙ HỢP VỚI XU THẾ THỜI ĐẠ

3.2.Các con đường cách mạng cơ bản trên thế giới từ đó cho đến nay

Phải thừa nhận rằng theo quan điểm cũ của chúng ta từ sau Cách mạng tháng Mười Nga chỉ có con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ngày nay khi nhìn nhận lại ta thấy trước 1917 loài người chỉ có một con đường duy nhất, là tiến bộ, là cách mạng đó là con đường cách mạng tư sản: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên kể từ sau Cách mạng tháng Mười Nga thì loài người đã có thêm một con đường mới- cách mạng vô sản: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó cho đến nay, các quốc gia, dân tộc trên thế giới tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình hoặc là đi theo con đường này hoặc là đi theo con đường kia. Điều quan trọng cả hai con đường đều có ý nghĩa trong bước tiến của nhân loại.

Xem xét con đường giải phóng dân tộc của Inđônêxia, Ấn Độ chúng ta sẽ thấy rõ các dân tộc sẽ có sự lựa chọn con đường cứu nước phù hợp với điều kiện đất nước đó. Và con đường mà các dân tộc đó lựa chọn là con đường cách mạng tư sản.

Ở Inđônêxia, Đảng cộng sản đã ra đời sớm nhất ở Đông Nam Á (1920), có uy tín đối với nhân dân Inđônêxia và đã nhanh chóng đứng ra lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở đất nước này. Lẽ ra, Đảng cộng sản phải tận dụng những thuận lợi để vạch ra con đường đúng đắn phù hợp với dân tộc, với hoàn cảnh đất nước để dẫn dắt cách mạng Inđônêxia tới thành công. Thế nhưng, Đảng cộng sản lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng và triền miên để rồi mất đi lòng tin vào quần chúng, mất đi vai trò đã có ngay từ khi ra đời trong việc đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở đất nước nghìn đảo này. Sai lầm của Đảng cộng sản tập trung ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, Đảng cộng sản đã không củng cố được mối cảm tình rộng lớn của quần chúng đông đảo đối với Đảng. Trong một nước thuộc địa, kẻ thù không từ một thủ đoạn nào để duy trì ách thống trị, đất nước lại phân tán về mặt địa lí, đa dân tộc, nhiều tôn giáo, muốn giành được độc lập dân tộc thì nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là phải tập hợp các lực lượng dân tộc để

tạo nên sức mạnh. Đảng cộng sản Inđônêxia không làm được nhiệm vụ này. Họ rơi vào chủ nghĩa “tả khuynh” không nắm được thực tiễn của đất nước. Đảng muốn giải quyết mọi vấn đề bằng một đòn tiêu diệt phong kiến, giải phóng đất nước khỏi thực dân Hà Lan, lật đổ chính phủ phản động, thanh toán phú nông, thanh toán tư sản dân tộc.

Trong một nước thuộc địa, tư sản dân tộc có những nhược điểm của họ nhưng về căn bản họ có những mâu thuẫn với đế quốc thực dân, cũng muốn đánh đuổi thực dân để giành độc lập cho dân tộc. Ở Inđônêxia, lực lượng này cũng sớm trăn trở, tìm đường cứu nước. Thế nhưng, Đảng cộng sản đã “bỏ qua” họ, thậm chí đòi tiêu diệt họ, thực hiện ngay “chuyên chính vô sản”.

Ở Inđônêxia sớm tồn tại các tôn giáo lớn, trước hết là đạo Hồi (dân số theo đạo Hồi chiếm tới gần 80 %). Đạo Hồi không những thâm nhập vào đông đảo vào quần chúng mà còn là lực lượng đáng kể chống đế quốc từ sớm, lẽ ra phải đoàn kết với các tôn giáo, tranh thủ họ thì Đảng cộng sản lại nóng vội “quyết định rằng chủ nghĩa cộng sản đối lập với cả chủ nghĩa Đại Hồi giáo”. Kết quả là Đảng cộng sản đã đẩy lực lượng dân tộc đối lập với Đảng, chống lại Đảng.

Thứ hai: Sai lầm của Đảng cộng sản trong đường lối thể hiện ở tư tưởng nóng vội trong việc đi tới đích cuối cùng (xây dựng chủ nghĩa xã hội) đó là: không thiết lập mặt trận rộng rãi đoàn kết các giai cấp mà lại “chống tất cả mọi thứ chủ nghĩa tư bản”, thậm chí “không thể tin vào nông dân trong bất cứ việc gì”, tất cả “các tầng lớp trung gian và trí thức đã trở thành công cụ của chủ nghĩa tư bản”.

Thứ ba: Hình thức cách mạng mà Đảng cộng sản tiến hành lại cứng nhắc, hầu như và chủ yếu chỉ có đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa trong điều kiện chưa chín muồi và bất lợi (nhân dân chưa được giác ngộ cách mạng).

Sai lầm đó đã đẩy Đảng đi tới thất bại, “tiếng nói” của Đảng trong phong trào quần chúng thiếu trọng lượng.

Trong hoàn cảnh đó, uy tín và vai trò của Đảng Dân tộc ngày càng lên cao. Đảng Dân tộc ra đời năm 1927 do Xucácnô và Kusama lãnh đạo. Cơ sở tư tưởng và cương lĩnh của Đảng Dân tộc là Marhaenism của Xucácnô. (Marhaenism: tên gọi mà người dân ở Tây Giava hay dùng để đặt tên cho con cái Marhaen. Xucácnô dùng cái tên bình dân đó đặt tên cho học thuyết của mình với ý muốn là học thuyết của ông phù hợp với quyền lợi của người lao động). Đảng Dân tộc của Xucácnô đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa dân tộc để tập hợp lực lượng, lôi kéo dân chúng thành một khối, bất kể thuộc thành phần dân tộc, tôn giáo nào. “Chủ nghĩa dân tộc thống nhất trên toàn lãnh thổ Inđônêxia” là nguyên tắc đầu tiên trong năm nguyên tắc mà Xucácnô đã đề ra. Đây cũng chính là nền tảng của sự thống nhất dân tộc Inđônêxia. Với đường lối đúng đắn như vậy, Đảng Dân tộc đã tập hợp được nhân dân chống lại kẻ thù chung.

Về phương pháp cách mạng: Cuộc đấu tranh đòi độc lập của Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản dân tộc diễn ra theo con đường hòa bình. Cuộc đấu tranh đó bắt đầu từ việc đòi phục hưng văn hóa, giáo dục, kinh tế dân tộc tiến lên đòi quyền tự trị và cuối cùng là đòi quyền độc lập hoàn toàn.

Kết quả ngày 14/ 8/ 1945, phát xít Nhật đầu hàng, đã tạo điều kiện cho Inđônêxia đứng lên giải phóng. Trước thời cơ thuận lợi, phong trào đấu tranh đòi độc lập lên cao, sôi nổi ở nhiều nơi. Ngày 17/ 8/ 1945, trên đà thắng lợi nhân dân đã thúc đẩy bác sĩ Xucácnô và Hà Lan soạn thảo Tuyên ngôn độc lập tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Inđônêxia. Sau khi nước Cộng hòa Inđônêxia ra đời, thực dân Hà Lan quay trở lại đặt ách đô hộ, nhân dân Inđônêxia lại tiếp tục cuộc đấu tranh chống Hà Lan trong điều kiện mới. Tuy nhiên, con đường bảo vệ độc lập vẫn là con đường của chủ nghĩa dân tộc với hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, có kết hợp với hình thức đấu tranh vũ trang. Ngày 15/ 8/ 1950, Xucácnô tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Inđônêxia tách khỏi sự thống trị của thực dân Hà Lan. Tuy nhiên phải đến cuối những năm 60, nền độc lập của Inđônêxia mới được củng cố.

Như vậy với đường lối cách mạng đúng đắn thì Đảng Dân tộc đã lãnh đạo đất nước Inđônêxia thoát khỏi ách thống trị của thực dân Hà Lan. Đường lối này phù hợp với Inđônêxia- quốc gia đông dân với những thành phần dân tộc khác nhau, trong đó chủ yếu là đạo Hồi, lại phân tán về địa lý đất nước.

Cũng giống như ở Inđônêxia, ở Ấn Độ Đảng cộng sản ra đời năm 1925 có xu hướng đấu tranh bằng bạo động, vũ trang quá cứng nhắc trong điều kiện quốc gia đa tôn giáo, nhân dân chưa được giác ngộ cách mạng thì thật là sai lầm. Chính vì vậy, giai cấp tư sản Ấn Độ nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Năm 1885, Đảng Quốc đại ra đời theo ý muốn của chính quyền thực dân nhưng ngay 10 năm sau đó (1895), nó đã bắt đầu nói tiếng nói của riêng mình. Đến những năm 1917- 1920, nó đã có một đường lối chính trị vững chắc- đó là chủ nghĩa Găngđi. Có thể nói, chủ nghĩa Găngđi là sản phẩm của sự kết hợp những truyền thống văn hóa Ấn Độ với quyền lợi của tư sản Ấn và dân tộc Ấn. Tư tưởng của Găngđi có nguồn gốc sâu xa từ những tư tưởng triết học, tôn giáo đạo Hinđu dòng Giaina và thực tiễn đặc trưng dân tộc Ấn Độ cũng như vấn đề tôn giáo, đẳng cấp. Găngđi xuất thân từ một gia đình theo đạo Hinđu, dòng Giana. Ông đã dựa vào giáo lí của phái Giana với hai nguyên tắc “Ahimsa” và “Satyagraha” để xây dựng đường lối cứu nước của mình.

Từ “Ahimsa” có “A” có nghĩa là “phủ định”, “himsa” là “điều ác”. Điều này có nghĩa rằng giáo phái này tránh làm điều ác, trước hết là không sát hại động vật, kể cả côn trùng, sâu bọ, kiêng ăn thịt động vật. Từ nguyên tắc này mà hình thành nên tư tưởng “bất bạo động” ở Găngđi. Nhưng làm cách mạng mà lại “bất bạo động” thì làm sao có thể đánh đuổi thực dân Anh, giải phóng Ấn Độ ? Chính từ băn khoăn này mà Găngđi đã hình thành nên danh từ “bất hợp tác”. “Bất hợp tác” phải được xem là hình thức đấu tranh. Theo Găngđi, nó là sự phản kháng quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân Anh, nhưng không sử dụng bạo lực. Bất bạo lực chính là phương tiện để giữ vững nguyên tắc “Ahimsa”.

Từ “Satyagraha” gồm “Satya”- “chân lý”, “graha”- “nắm lấy”. Điều này có nghĩa là “kiên trì chân lý”. Theo giáo phái Giaina, nếu con người kiên trì chân lí, kiên trì tin tưởng, không mảy may dao động và mất lòng tin thì kiếp sau sẽ được lên cõi Niết Bàn. Đối với Găngđi, việc kiên trì đấu tranh bằng phương pháp “bất hợp tác”, không được sử dụng bạo lực cuối cùng sẽ giành được độc lập cho Ấn Độ.

Từ nguyên tắc của tôn giáo, Găngđi coi “Ahimsa” và “Satygraha” là sự phản kháng quyết liệt, kiên định để giành được độc lập dân tộc bằng phương pháp “bất hợp tác”, “bất bạo động”. Ông kêu gọi toàn thể dân tộc Ấn Độ trung thành với nguyên tắc đó, đoàn kết xung quanh Đảng Quốc đại, đưa cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đường lối của ông có khả năng tập hợp được đông đảo lực lượng đấu tranh vì mục tiêu độc lập cho Ấn Độ. Găngđi cho rằng ngay cả đến những kẻ thống trị hùng mạnh nhất cũng không thể thống trị được nếu không có sự hợp tác của những người bị trị. Từ đó, ông khẳng định nếu người Ấn Độ không làm việc cho người Anh, nông dân không nộp thuế cho chính phủ thực dân, công nhân không đến nhà máy, không đi lính và kiên quyết thì cuối cùng thực dân Anh cũng phải thua.

Về phương pháp cách mạng: Cuộc đấu tranh đòi độc lập của nhân dân Ấn Độ diễn ra theo con đường của Găngđi- con đường hòa bình. Tư tưởng đấu tranh hòa bình phản ánh một cách đi riêng, một cách hiểu riêng của người Ấn về con đường đi tới tự do. Và tất nhiên cách đi riêng ấy, cách hiểu riêng ấy được quy định bởi những truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Ấn.

Về văn hóa, Ấn Độ là xứ sở của tôn giáo (Ấn Độ giáo và Hồi giáo) và đó là cơ sở để Găngđi đề ra tư tưởng “bất bạo lực”. Ấn Độ có một nền văn minh phát triển rực rỡ từ rất sớm, được kết tinh trong các trường phái triết học mà chủ yếu là tìm về cái “bản ngã” đó là cơ sở của lý thuyết “bất hợp tác”. Về lịch sử, Ấn Độ là “một đế quốc hướng nội”, đã chịu nhiều cuộc xâm lăng từ bên ngoài, nhưng người Ấn luôn chiến thắng bởi đặc điểm “thu hút vào vòng ôm của họ” những khác biệt đã tạo nên sự thống nhất trong đa dạng.

Hơn nữa, địa hình của Ấn Độ bị chia cắt, phân tán. Vì vậy, việc tập hợp lực lượng để đấu tranh bằng bạo động rất khó khăn và phức tạp.

Điều quan trọng hơn cả giai cấp tư sản có mối quan hệ mật thiết với tư bản nước ngoài. Họ không muốn đấu tranh bạo lực ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Sức mạnh của đế quốc phương Tây làm cho họ lo sợ. Nhưng những cuộc đấu tranh bạo lực quần chúng cũng khiến họ lo sợ sẽ vượt quá mong muốn, khó dừng lại. Chính vì vậy giai cấp tư sản lựa chọn con đường hòa bình.

Tư tưởng đấu tranh “bất bạo lực”, sự lãnh đạo của tư sản Ấn cũng như từ đối sánh lực lượng đã quy định con đường đấu tranh của nhân dân Ấn Độ con đường đó là tự trị- độc lập hoàn toàn. Tất nhiên giữa cái gạch nối đó là những bước chuyển hóa tuần tự. Ngược lại, chính con đường đi tiệm tiến này (tự trị- độc lập) cũng là điều kiện đảm bảo cho nhân dân Ấn tiến hành cuộc đấu tranh một cách hòa bình.

Tuy nhiên, đường lối “bất bạo động” của Găngđi khi thâm nhập vào quần chúng đã được họ sử dụng một cách linh hoạt, ra khỏi sự kiểm soát của chính Găngđi. Điều đó có nghĩa là các lực lượng khác trong xã hội Ấn Độ đã sử dụng các hình thức đấu tranh khá phong phú, có cả bạo lực. Công nhân và nông dân là hai lực lượng cơ bản tạo thành động lực của cuộc đấu tranh. Đảng Quốc đại đã đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội vào cuộc đấu tranh chung.

Để đối phó với phong trào cách mạng, thực dân Anh tiến hành khoét sâu mâu thuẫn giữa người Ấn và người Hồi. Kế hoạch Maobattơn được thông qua đánh dấu sự ra đời của quốc gia Ấn Độ tự trị. Sự kiện này tạo ra những bước ngoặt cơ bản, chấm dứt trên 200 năm cai trị trực tiếp của thực dân Anh, mở ra thời kì mới trong đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ. Lần đầu tiên, sau hàng ngàn năm đô hộ Ấn Độ mới thực sự làm chủ vận mệnh của mình dù còn rất hạn chế. Nó đánh dấu thắng lợi đầu tiên trên con đường tự trị đến độc lập, tạo bước đệm cho Ấn Độ giành lại độc lập hoàn toàn năm 1950.

Như vậy, chúng ta thấy rằng với con đường cách mạng tư sản thì Inđônêxia và Ấn Độ đã giành được những kết quả nhất định. Việc lựa chọn con đường cách mạng này là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân mỗi nước đó.

Một phần của tài liệu Sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của việt nam trong xu thế thời đại luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 62 - 68)