Chính sách của Pháp Nhật

Một phần của tài liệu Hưng nguyên từ cao trào xô viết đến cách mạng tháng tám luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 49 - 54)

- Tổng đại xá chính trị phạm!

2.3.1. Chính sách của Pháp Nhật

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công xâm lược Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đã đẩy loài người vào cuộc thảm sát chưa từng có. Ở Đông Dương lúc này thực Pháp đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng của nhân dân ba nước, bên cạnh đó chúng còn ban bố lệnh tổng động viên, thi hành chính sách kinh tế thời chiến để bắt người, cướp của phục vụ chiến tranh làm cho đời sống nhân dân hết sức cực khổ, điêu đứng.

Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như chính sách phản động của đế quốc Pháp ở Đông Dương đã nhanh chóng tác động đến tình hình ở Nghệ An trong đó có Hưng Nguyên. Ở Hưng Nguyên, nhiều quyền lợi về chính trị, kinh tế cũng như các mặt khác mà quần chúng nhân dân vừa giành được trong thời kỳ dân chủ 1936 - 1939 đều dần dần bị thủ tiêu.

Ở Nghệ An nói chung và ở Hưng Nguyên nói riêng thời điểm bấy giờ đại đa số người dân làm kinh tế nông nghiệp nhưng dưới thời phong kiến diện tích trồng trọt của nhân dân chẳng được là bao, hầu hết đều nằm trong tay địa chủ phong kiến. Nhiều tên địa chủ kếch xù xuất hiện, bởi vì sau khi ổn định bộ máy cai trị, chúng đã âm mưu chiếm ruộng đất với nhiều hình thức như: tìm cách rút ruộng tốt để làm đất công rồi chia chác, phân phát, biếu xén cho các quan lại, chức sắc, bao chiếm ruộng liền vùng, liền thửa. Đã thế chính sách thu tô rất nặng nề, mà sản lượng thu hoạch đạt dưới mức tối thiểu, sản lượng lương thực bình quân chia theo đầu người của người dân ngày một sụt giảm nên cuộc sống của người dân ở đây hết sức khổ cực, điêu đứng. Ngoài việc bị bóc lột địa tô, họ còn phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, các thứ thuế cũ ngày một tăng, nhiều thứ thuế mới được ban hành hết sức vô lý như thuế

súc vật, thuế cây ăn quả… nợ nần chồng chất, bị chửi bới, đánh đập dã man. Chúng trưng thu, trưng mua lương thực của nhân dân với giá rẻ mạt.

Một số người phải tha phương cầu thực, bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc hay nơi đất khách quê người. Bên cạnh đó họ còn phải đối mặt với thực trạng chiếm đoạt, đầu cơ tích trữ lương thực của các gian thương, địa chủ, tư sản và nhiều tác động khác do chiến tranh nổ ra.

Ngày 28/2/1939, toàn quyền Đông Dương Catơru ra nghị định giải tán các nghiệp đoàn, tương tế, ái hữu ở Đông Dương. Ngay sau đó, ngày 5/10/1939, chính phủ Nam Triều ra đạo dụ cấm hội họp, cấm tuyên truyền cộng sản và thu các sách báo tiến bộ ở Trung Kỳ.

Nghị định của toàn quyền Đông Dương và đạo dụ của chính quyền Nam Triều vừa mới được ban hành thì ngay lập tức phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên bị bọn cầm quyền Pháp khủng bố dữ dội. Chúng giải tán các tổ chức ái hữu, cấm đoán tự do, bóp nghẹt dân chủ, xóa bỏ những thành quả cách mạng đã giành được. Đặc biệt chúng mở rộng sử dụng các phần tử phản bội ngấm ngầm hoạt động trong nội bộ Đảng để chống phá cách mạng. Điển hình là vụ Đinh Văn Di bị mật thám mua chuộc đã đầu hàng khoác áo cán bộ lãnh đạo trọng yếu trong Đảng, làm tay sai chỉ điểm cho giặc, truy bắt cán bộ, Đảng viên trên phạm vi rất rộng, gây nguy hại cho phong trào cách mạng.

Hưng Nguyên là một trong những vùng có phong trào cách mạng từ thời kỳ 1930-1931, nên cũng là nơi bị các thế lực phản cách mạng đàn áp khốc liệt nhất. Do đó, mọi tổ chức và cá nhân hoạt động trong phong trào công khai dân chủ bị khống chế, theo dõi. Tính từ năm 1939 đến cuối năm 1942, Hưng Nguyên đã có 33 cán bộ, đảng viên và quần chúng bị địch bắt đưa đi an trí ở các trại tập trung như Đắc Lay, Buôn Mê Thuột, Ly Hy, Nhà lao Vinh. Nhiều nhân vật quan trọng bị sa vào tay giặc. [1, tr139].

Trong các nhà lao, những tù chính trị phạm sắp mãn hạn bị chúng giữ lại. Những tù chính trị được chúng liệt vào hàng “quan trọng “hoặc có thái độ

chống đối thì chúng bí mật thủ tiêu, hoặc đưa đi giam giữ tại các trại tập trung đặc biệt. Những người tình nghi mà chưa bị bắt thì chúng ra lệnh quản thúc rất chặt chẽ. Những người này thậm chí cũng không được ngủ ở nhà mà phải ra nằm ở những điếm canh của làng, hàng tháng phải đến trình diện hào lý. Những người này đi đâu cũng phải xin phép chính quyền địa phương và lý trưởng đóng triện lệch vào thẻ thuế thân để làm mật hiệu cho các hào lý ở các địa phương khác chú ý kiểm soát và theo dõi. Các cựu chính trị phạm đã được tha, chúng bắt giam lại. Mặt khác chúng tăng cường bộ máy đàn áp để kìm chế phong trào đấu tranh của quần chúng. Những tổ chức chúng lập nên để đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh như hệ thống đồn binh, hệ thống bang tá, tổ chức đoàn phu… lúc này đều được phục hồi và củng cố lại. Các chòi canh, điếm gác mọc lên chi chít khắp nơi, nhất là dọc đường nhân dân thường qua lại. Chúng bố trí một mạng lưới mật thám dày đặc. Chúng sửa lại lương ước, đặt thêm chức chánh phó hương hội, thăng chức tước và tăng quyền hành cho bọn tổng lý hương chức…

Song song với những chính sách khủng bố về chính trị, bọn thực dân phản động Pháp còn cho thực hiện cái gọi là “chính sách kinh tế chỉ huy ”, bắt người, vét của để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Ngoài ra chúng còn điên cuồng đàn áp cách mạng, tổ chức hàng nghìn vụ khám xét, bắt bớ đối với nhân dân ta. Chúng ráo riết bắt phu, bắt lính ở Đà Lạt, Buôn Ma Thuột… Nhiều thanh niên bị bắt đi lính ONS (lính thợ không chuyên), đưa sang Pháp làm bia đỡ đạn.

Bên cạnh đó chúng còn bắt các làng xã phải lập quỹ “nghĩa thương trợ chiến” phải bán ruộng đất công để lấy tiền gây quỹ chiến tranh. Chúng tăng giờ làm việc của công nhân nhưng lương vẫn giữ nguyên.

Nhân cơ hội chiến tranh bọn tư sản mại bản và một số người khác ra sức vơ vét hàng hóa, đầu cơ tích trữ làm cho hàng hóa, vật liệu ngày càng khan hiếm, gây nên giá cả hàng hóa thị trường không ổn định. Trong khi đó,

tầng lớp địa chủ, quan lại thì dùng mọi mưu mẹo gian lận để bóc lột dân chúng một cách trắng trợn.

Giai cấp địa chủ ở Hưng Nguyên có sự phân hóa rõ rệt. Tầng lớp địa chủ có thế lực như quan lại và hào lý thì dựa vào bộ máy chính quyền bù nhìn để tìm mọi cách để giảm nhẹ thiệt hại của mình trong chiến tranh, và để bù đắp những thiệt hại đó chúng tăng cường bóc lột nhân dân. Bộ phận còn lại là địa chủ vừa và nhỏ chiếm phần lớn, họ không có thế lực do các hào lý nhũng nhiễu và bức bách, bị thiệt hại do chính sách ăn cướp của đế quốc Pháp nên quyền lợi thường xuyên bị uy hiếp. Do đó bộ phận này có thái độ bất bình với Pháp và trong chừng mực nào đó họ đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống đế quốc, tay sai.

Giai cấp tư sản ở Hưng Nguyên ở phương diện nào đó cũng bất bình với Pháp về chính sách thuế khóa, chính sách trưng thu và trưng mua nên mâu thuẫn giữa tư sản Hưng Nguyên với đế quốc Pháp ngày một tăng và trong một chừng mực nhất định họ đứng về phong trào đấu tranh của nhân dân. Trí thức, viên chức cũng bị bóc lột nặng nề, họ phải làm việc thay cho những viên chức bị điều động đi phục vụ chiến tranh. Nhiều học sinh bị thất học, viên chức mất việc làm, đồng lương bị giảm sút.

Tiểu thương, tiểu chủ bị đánh thuế môn bài nặng và bị kiềm chế mặt sản xuất, lưu thông nên buôn bán gặp nhiều khó khăn. Đời sống dân nghèo hết sức bấp bênh. Tiểu tư sản Hưng Nguyên vốn có tinh thần yêu nước nên hăng hái đấu tranh chống đế quốc Pháp.

Công nhân và nông dân là 2 giai cấp chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất. Giai cấp công nhân điêu đứng vì hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ. Số công nhân bị sa thải, thất nghiệp ngày càng nhiều. Nông dân vốn đã nghèo khổ nay bước vào chiến tranh càng bần cùng hơn vì họ bị bóc lột tô thuế nặng nề, chính sách thu mua nông phẩm với giá ăn cướp của thực dân Pháp. Vốn có

tinh thần cách mạng từ trước nên họ càng căm ghét đế quốc Pháp và quyết tâm đứng lên đấu tranh để đánh đổ chúng.

Như vậy chiến tranh và những chính sách của đế quốc Pháp làm cho đời sống của các tầng lớp nhân dân ở Hưng Nguyên bị uy hiếp và sa sút nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa nhân dân Hưng Nguyên với thực dân Pháp ngày càng thêm sâu sắc và gay gắt. Tất cả mọi giai cấp đều tỏ thái độ “chán ghét chế độ hiện nay và muốn lật đổ hoàn toàn chế độ đó”. Nhất là khi Pháp đầu hàng phát xít Đức và phát xít Nhật chuẩn bị xâm chiếm Đông Dương, tinh thần chống Pháp trong nhân dân Hưng Nguyên ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đúng như hội nghị lần thứ VI của Trung ương Đảng nhận định “Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương cách mạng hoá. Cuộc cách mạng đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ bùng nổ”.

Mặt khác, bọn đế quốc và tay sai đã dùng những âm mưu hết sức tinh vi và thâm độc để phá hoại phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên, chúng sử dụng những tên phản bội để chỉ điểm, bắt cả những chiến sỹ trung kiên đi theo trong những trận truy lùng, chúng thả lỏng những người đã khai báo hoặc ra đầu thú để dụ hàng và điều tra những người chưa bị lộ hoặc đang trốn tránh để phá hết cơ sở và vây vét hết lực lượng của ta. Chúng dùng tiền tài, danh vọng mua chuộc những phần tử thoái hóa, khoác áo cách mạng, khoác áo cộng sản để đánh bẫy cán bộ. Đối với các cựu chính trị phạm, chúng vừa khống chế tinh thần, vừa tạo điều kiện cho làm ăn, để hướng họ vào hoạt động kinh tế mà xa lánh hoạt động chính trị.Chúng tung ra luận điệu thâm độc làm cách mạng khi bị bắt nếu có khai báo chút ít thì cũng không hề gì, để kích thích tư tưởng cầu an thỏa hiệp đối với những người còn đang bị giam giữ hoặc khi bị tra tấn.

Lúc này ở Hưng Nguyên, phần lớn cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm đã bị bắt, còn lại một số cán bộ chưa bị bắt thì lại thiếu cảnh giác trước âm mưu

của địch, hoặc hoang mang giao động trước sự khủng bố của kẻ thù nên tinh thần bị giảm sút mạnh, đặc biệt khi Đinh Văn Di và những phần tử phản bội lén lút hoạt động phá hoại trong Đảng được truyền ra. Do bị địch khủng bố liên tiếp, tổ chức Đảng không ổn định nên việc vạch mặt tên phản bội Đinh Văn Di và những phần tử AB không được tiến hành kịp thời. Điều này đã gây ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Do không phân biệt được âm mưu phá hoại và gây ly gián của địch, thêm vào đó là những sơ hở, thiếu sót của ta trong công tác xây dựng Đảng nên đứng trước hiện tượng tổ chức liên tiếp bị phá vỡ, trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên đã phát sinh tư tưởng hoài nghi và ngờ vực lẫn nhau. Một số người thì không tin vào quần chúng và sợ địch nên chỉ biết nằm im, có người ra hoạt động thì lại nghi ngờ, đố kỵ lẫn nhau.

Với tình hình đó nên từ cuối năm 1942 trở đi việc khôi phục hoạt động của Đảng ở Hưng Nguyên gặp rất nhiều khó khăn. Phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên lại tạm lắng xuống. Tuy vậy trong các nhà tù các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên trì đấu tranh. Nhiều tài liệu của mặt trận Việt Minh lan truyền trong quần chúng nhân dân bằng nhiều con đường đã góp phần hướng dẫn, động viên tinh thần của quần chúng, tạo niềm tin cho việc xây dựng phong trào sau này. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để phục hồi phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên.

Một phần của tài liệu Hưng nguyên từ cao trào xô viết đến cách mạng tháng tám luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w