- Bỏ sưu, giảm thuế, chia ruộng đất cho dân cày nghèo!
2.2. Hưng Nguyên trong cuộc vận động dân chủ 1936
Phong trào cách mạng của quần chúng ở Nghệ Tĩnh được phục hồi giữa lúc trên thế giới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa đang lan tràn trầm trọng. Tiếp đó, tình trạng tiêu điều trong kinh tế của giới tư bản đã làm cho những mối mâu thuẫn vốn có trong các nước đó càng sâu sắc. Bọn tư bản tài chính lũng đoạn không thể duy trì nền
thống trị của chúng như cũ được nữa mà phải lập nền chuyên chính công khai của các phần tử phản động nhất, sô vanh nhất nhằm thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, trút tất cả gánh nặng lên vai nhân dân lao động ở chính quốc và nhất là ở các nước thuộc địa.
Trước tình hình đó, Quốc tế cộng sản họp Đại hội lần thứ VII (7/1935) xác định con đường, phương pháp đấu tranh cho cách mạng thế giới.
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Quốc tế cộng sản, giữa năm 1936, Mặt trận nhân dân lên nắm chính quyền ở Pháp. Sự kiện này ảnh hưởng lớn đến tình hình ở Đông Dương.
Ngày 26/7/1936, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ra chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế, tạm gác khẩu hiệu hành động cũ mà nêu khẩu hiệu đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chiến tranh, chống phát xít, đòi tự do cơm áo, hòa bình. Hội nghị quyết định dùng các biện pháp công khai và bán công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp nhằm “tập hợp rộng rãi quảng đại nhân dân từ thành thị đến thôn quê, từ dân tộc tiên tiến đến các bộ lạc lạc hậu, từ phần tử có giác ngộ cho tới những lớp dân chúng mấy lâu nay còn yên tĩnh, rụt rè, nay trở ra tham gia Mặt trận thống nhất”.
Ngày 20/9/1936, Tỉnh ủy Nghệ An triệu tập Đông Dương Đại hội tại thành phố Vinh. Các đồng chí Võ Trọng Ân, Nguyễn Xuân Thành được cử đi dự Đại hội. Dự hội nghị về, các đồng chí liên lạc với một số chính trị phạm khác bàn kế hoạch phát động phong trào Đông Dương đại hội tại Hưng Nguyên. Các đồng chí đã phân công nhau đi về các cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng vừa mới được khôi phục bước đầu, giải thích chủ trương mới của Đảng, hướng dẫn kế hoạch thực hiện, thành lập các ban vận động và các Uỷ ban hành động cơ sở. Khắp nơi dấy lên phong trào quần chúng hội họp công khai bàn luận chủ trương của Đảng. Nội dung cuộc họp là đòi triệu tập Đông Dương đại hội, đòi các quyền dân chủ, dân sinh theo 12 điều yêu cầu về tự do, dân chủ của Đảng nêu ra và lập bản “dân nguyện”. Phong trào lên nhanh
và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của mọi người. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều làng xã đã tổ chức mít tinh vận động ký vào bản “dân nguyện” và cử đại diện mang đến các nhà cầm quyền địa phương để chuyển lên phái bộ điều tra của Mặt trận Pháp.
Ngày 23/2/1937, phái bộ điều tra của Mặt trận nhân dân Pháp đến Nghệ An. Mặc dầu bọn phản động thuộc địa cố tình bưng bít tin này và tìm cách ngăn cản nhân dân tiếp xúc với phái bộ, nhưng chúng đã thất bại. Cùng với nhân dân Vinh - Bến Thuỷ và một số phủ huyện khác, nhiều làng xã của Hưng Nguyên thuộc các tổng Yên Trường, Đô Yên, Phù Long, Thông Lạng… đã vận động được hàng ngàn quần chúng tham gia đón tiếp phái đoàn Gô-đa và trao bản “dân nguyện”. Mọi người giơ cao biểu ngữ, phù hiệu, giơ cao nắm tay chào kiểu bình dân, hô vang các khẩu hiệu: