- Bỏ sưu, giảm thuế, chia ruộng đất cho dân cày nghèo!
2.1. Đấu tranh phục hồi lực lượng cách mạng 1932-
Chúng ta biết rằng sau khi phá vỡ cơ sở Đảng và dập tắt phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên, các thế lực phản cách mạng cấu kết với nhau điên cuồng đàn áp, thực hiện âm mưu xóa sạch những thành quả cách mạng trong thời kỳ 1930- 1931. Nơi đâu chúng cũng cho lính lùng sục bắt bớ, tra tấn, giam cầm. Các đồn bang tá ngày càng chật ních những người cộng sản và cả những người dân vô tội. Ở nhiều “làng đỏ”, chúng cho đốn tận gốc các bờ tre, cây cổ thụ để dễ kiểm soát. Chúng cố tình gây cho nông thôn Hưng Nguyên một không khí hoang vắng, rùng rợn. Đêm đêm, trong các xóm làng không ngớt tiếng súng bắn chỉ thiên, tiếng mõ cầm canh, tiếng bước chân của Tây và lính đồn đi lùng sục.
Với những chính sách, thủ đoạn đó của thực dân Pháp đã dẫn tới sự thay đổi trong thái độ chính trị của các giai cấp ở Việt Nam.
Giai cấp địa chủ phong kiến, đặc biệt là bọn đại địa chủ quan lại được Pháp ban cho phẩm hàm chức tước này nọ, bọn phản động nấp trong hàng ngũ cha cố ở Nhà Chung xã Đoài thì trước sau vẫn ôm chân đế quốc Pháp để tiếp tục bóc lột nhân dân, đàn áp cách mạng.
Giai cấp tư sản thì chán nản, đầu hàng, tiêu cực.
Giai cấp tiểu tư sản thì hoang mang, dao động, căm ghét thực dân Pháp nhưng cũng kém phần tin tưởng vào cách mạng.
Còn giai cấp công nhân và nông dân, người trực tiếp gánh chịu lớn nhất, nặng nề nhất hậu quả của chính sách bóc lột, khủng bố, tàn sát dã man của thực dân Pháp và tay sai rất uất ức căm ghét kẻ thù.
Như vậy, tình hình phong trào lúc này rất bi đát. Nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở Hưng Nguyên bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc, trừ một số ít đầu hàng, thoái hóa còn hầu hết họ vẫn hy vọng ở ngày mai, vẫn giữ vững chí khí cách mạng, kiên trì đấu tranh vượt lên mọi nguy hiểm, gian lao, rèn luyện, học tập, tìm cách liên hệ với bên ngoài nhận tin tức chờ ngày vượt ngục trở về xây dựng lại phong trào cách mạng. Với niềm tin, khí tiết và đạo đức cách mạng của các chiến sỹ cộng sản, việc đấu tranh với đế quốc trong lao ngục vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức. Cũng từ trong lao tù, nhiều gương sáng nổi lên đã gây được ảnh hưởng tốt đẹp đến các đồng chí khác và có ý nghĩa to lớn trong quá trình chuẩn bị khôi phục tổ chức Đảng ở Hưng Nguyên. Trong Đảng bộ, nhiều đồng chí như Võ Trọng Cánh, Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Lễ, Phan Văn Lương, Hoàng Viện, Võ Trọng Ân… là những đảng viên tiêu biểu cho chí kiên trung, cho khí tiết anh hùng của người cộng sản.
Khi bị địch bắt tra tấn, đồng chí Võ Trọng Cánh - người đảng viên chỉ huy cuộc đấu tranh của nông dân với tập đoàn địa chủ Trung Mưu đã nói thẳng vào mặt kẻ thù rằng: “chúng tao tổ chức ra đảng để hoạt động cho dân, không phải để khai cho chúng mày”. Cuối cùng không khai thác được gì, chúng đã đem đồng chí ra xử bắn ngày 2/4/1931. Đồng chí Lê Xuân Đào trên đường đi công tác cho xứ uỷ Trung Kỳ ngày 27/3/1932 bị địch vây bắt ở Chùa Kẻ Trẹ - Đôn Nhượng (Hưng Đạo hiện nay). Mặc dầu chỉ có một mình, đồng chí đã dùng súng cá nhân kháng cự kịch liệt cả với lũ giặc có đủ súng đạn, không chịu để chúng bắt. Cuối cùng đồng chí đã anh dũng hi sinh trước mũi súng của quân thù. Đồng chí Nguyễn Hữu Lễ - đảng viên thuộc chi bộ Long Cù, xuất thân từ một gia đình nông dân theo đạo thiên chúa, bị địch đem ra xử bắn ngày 30/3/1931. Bọn giặc đã bày trò cho cha cố đến rửa tội, đồng chí Lễ đã nói thẳng: “Chúng tôi là những người yêu nước, thương nòi, không có tội gì mà rửa, ông muốn rửa tội thì đi rửa cho quân cướp nước và bán
nước”. Trước giây phút bị xử bắn, đồng chí đã hô to khẩu hiệu “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm”. Đồng chí Phan Văn Lương, đảng viên thuộc chi bộ Hải Quận (Hưng Trung ngày nay) cũng xuất thân từ một gia đình nông dân theo đạo thiên chúa. Bị giặc bắt và tra tấn hết sức dã man, đồng chí không hề khai báo nửa lời mà còn mắng nhiếc quân giặc cướp nước và lũ tay sai bán nước, đồng chí đã bình thản và anh dũng hi sinh trước mũi súng quân thù.
Các đồng chí Hoàng Viện, phủ uỷ viên, đảng viên thuộc chi bộ Phúc Mỹ; Võ Trọng Ân, thuộc chi bộ Phù Xá là những người sớm giác ngộ cách mạng, mặc dù phải vào tù ra tội nhiều lần, các đồng chí vẫn một lòng trung kiên, bất khuất, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì dân, vì nước, vì lý tưởng cộng sản.
Những tấm gương sáng của các đảng viên tiêu biểu, đấu tranh bất khuất, dũng cảm hi sinh đã có tác dụng to lớn nung nấu chí căm thù giặc, củng cố và nâng cao lòng tin vào Đảng, vào cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Trong nhà tù, trại giam, các cuộc đấu tranh của chính trị phạm cộng sản liên tiếp nổ ra dưới nhiều hình thức như tuyệt thực, làm “reo” không đi hành dịch… Nhiều đồng chí như Nguyễn Ngô Dật, Võ Trọng Ân, Hoàng Em, Lê Viện… đã cùng các đồng chí khác lập ra chi bộ Đảng nhà tù, tổ chức viết báo, làm thơ học tập văn hoá, chính trị, trao đổi kinh nghiệm… chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sau khi ra tù “biến cái rủi thành cái may”. Các đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Nhờ vậy, khi được ra tù, tuy còn bị quản thúc, kiểm soát nghiêm ngặt và có khi chưa bắt được liên lạc với Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên đã tìm cách gặp lại các cơ sở cũ qua các đám tang, lễ cưới, ngày giỗ, ngày tết… Họ thăm dò, tìm hiểu lại nhau, cùng nhau trao đổi tình hình thời cuộc và cùng nhau hứa hẹn tiếp tục hoạt động.
Từ năm 1932, 1933 khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang bị tù, đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư của Đảng đã hi sinh, tuy vậy nhờ sự giúp đỡ của Đông Dương viện trợ bộ, một số cơ sở Đảng ở Hưng Nguyên bắt đầu được nhen nhóm lại.
“Nguyễn Duy Hài (tức Phua) một thành viên trong nhóm Văn Lan sang Xiêm bắt liên lạc với Đông Dương viện trợ bộ, để tiếp thu hướng dẫn về chương trình, điều lệ, phương pháp hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó Nguyễn Duy Hài về nước lựa chọn những hội viên tích cực của Hội thanh niên ở cơ sở cũ, lập ra các chi bộ Đảng. Lê Hữu Lập được Đông Dương viện trợ bộ cử về Nghệ An giúp việc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị tại làng Đông Chữ (Nghi Lộc). Cuối năm 1933, Đông Dương viện trợ bộ đã chỉ định ra Tỉnh uỷ lâm thời Nghệ An do Nguyễn Duy Hài làm Bí thư. Sau một thời gian ngắn, nhiều chi bộ cơ sở được hình thành ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu…”.[5, tr 107]. Đông Dương viện trợ đã cử Ngô Tuân (Ba Đốc) về Nghệ An chỉ đạo phong trào.
Chi bộ đầu tiên ở Hưng Nguyên được khôi phục thời gian này là chi bộ Yên Lưu gồm 9 đảng viên; nhưng liền sau đó, chi bộ này cũng tan đi hợp lại 2-3 lần; 2 đồng chí bí thư chi bộ lần lượt bị bắt. Chi bộ phải cử đồng chí bí thư thứ 3 là đồng chí Chu Huy Mân. Sau khi được khôi phục, chi bộ đã xây dựng được một số cơ sở quần chúng như hội tương tế ái hữu, hội làng trai, hội cày (có 30 mẫu ruộng). Đến tháng 6/1933, chi bộ tổ chức ra hội buôn chiếu hoạt động đến năm 1935.
Năm 1935, sau khi ra tù, đồng chí Võ Trọng Ân đã tổ chức một chi bộ ghép gồm 3 đảng viên hoạt động ở 2 tổng Phù Long, Thông Lạng. Chi bộ đã xây dựng được một số cơ sở quần chúng như phường lợp nhà, phường thợ mộc, chuyển hội làng trai thành hội hiếu nghĩa. Những năm trước đó, các hội hiếu nghĩa, tương tế ái hữu cũng đã được sơ khai ở khá nhiều xã, thôn như
Ngọc Điền, Thái Lão, Hoàng Cần, Phan Thôn, Thông Lạng, Tràng Lạng, Đông thôn, Thương Thôn, Thiều Xá, Thạch Tiền…
Thông qua các tổ chức quần chúng công khai này, đảng viên và quần chúng trung kiên đã kín đáo trao đổi với nhau về tình hình cách mạng, về âm mưu của địch và nhắc nhở nhau giữ vững lòng tin.
Các tổ chức này giúp cho đảng viên và quần chúng cách mạng hoạt động công khai trước mắt địch mà chúng không hay biết gì, không vin được cớ gì để bắt bớ, khủng bố. Đây cũng là mầm mống của một phương pháp hoạt động, phương pháp đấu tranh mới của đảng trong thời kì tiếp theo.
Không đàn áp nổi bằng chính trị và quân sự, thực dân Pháp quay trở lại dùng chính sách cải lương. Để tuyên truyền lừa bịp về “công ơn khai hoá” của Đại Pháp và để xoa dịu sức đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp cho xây dựng đập Sa Nam tưới cho Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc; cho một số cán bộ đảng viên và quần chúng mới ra tù có công ăn việc làm, phát môn bài cho những ai có vốn cần buôn bán… Tuy nhiên, quần chúng luôn luôn cảnh giác trước những mưu đồ cải lương của địch. Cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng tuy vừa trải qua biết bao cực hình tra tấn, đầy ải, cơ thể còn đầy thương tích, gia đình tan nát, vẫn không ngã lòng trước cảnh sống yên ổn mà kẻ địch hứa hẹn.
Điều chúng không ngờ đến và không ngăn cản nổi là trong khó khăn, gian khổ, trong áp bức bóc lột, phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên vẫn được gây dựng, phục hồi.