Một trong những trở ngại khoa học cho hoạt động nhận thức của học sinh là chính là những quan niệm sai lầm mà họ có được do đời sống hang ngày đem lại. Đôi lúc những quan niệm này phù hợp với tri thức khoa học. Trong trường hợp này học sinh có điều kiện củng cố khắc sâu tri thức ấy. Nhưng nếu quan niệm của họ về một sự kiện, một hiện tượng nào đó mà trái ngược với tri thức khoa học về sự kiện và hiện tượng ấy thì đó sẽ là chướng ngại. Nhiều thí nghiệm khoa học cho thấy rằng , những quan niệm ấy có sức bền kỳ lạ theo thời gian. Thậm chí sau khi đã học tập trưởng thành, ở nhiều người lớn tuổi, những quan niệm này vẫn thường xuất hiện, khi cần giải thích thực tiễn. Sở dĩ có sức bền kỳ lạ ấy là vì các quan niệm của học sinh được hình thành tự phát trong bối cảnh có tính chất thực tiễn sinh động. Do đó nó gây được dấu ấn mạnh mẽ, sâu đậm trong tiềm thức của học sinh. Mặt khác sự hiểu biết đơn giản thiếu cơ sở khoa học ấy, đôi lúc lại có ích cho giải thích sự kiện đời thường (Dù là không đúng với tri thức khoa học, song đời thường lại dễ chấp nhận một cách không cần lý lẽ). Chẳng hạn khi thả một hòn đá, hòn đá rơi nhanh xuống đất. Còn khi
thả một tờ giấy, tờ giấy rơi chậm xuống mặt đất. Thế là quan niệm vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ cứ đeo đẳng suốt trong đời sống con người. Bởi vì ở đây, con người không để ý đến, thậm chí không cần để ý đến sức cản của không khí lên vật đang rơi.
Điều hiển nhiên là hoạt động dạy học xảy ra song song với hoạt động đời thường của học sinh. Đối với mọi môn học học sinh chỉ cần tiếp xúc với tri thức khoa học, sau khi đã có những quan niệm đời thường. Vật lý học chỉ được dạy học cho học sinh khi họ đã học xong tiểu học, thậm chí đã được học một vài năm đầu của cấp THCS. Lúc tiếp xúc với vật lý học, học sinh đã từng va chạm với biết bao nhiêu là sự kiện trong thế giới tự nhiên. Do đó quá trình học vật lý luôn là sự giao hai nguồn tri thức “ Tri thức khoa học và tri thức đời thường” .
Như vậy chủ thể của quá trình học tập ( học sinh ) mang theo trong đầu óc những quan niệm đời thường khi đến trường để học vật lý. ở những học sinh khác nhau, các quan niệm này khác nhau về nội dung, độ rộng, độ sâu… Cách biểu hiện cũng khác nhau. Đó là điều mà giáo viên vật lý phải để ý, phải xử lý.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không thể bỏ qua quan điểm sai trái của học sinh. Cũng không thể xử lý một cách hời hợt. Chẳng hạn như dựa vào các quan niệm để tạo thuận lợi khi đặt vấn đề hoặc củng cố tri thức thì sẽ không có hiệu quả. Tốt nhất là tạo điều kiện cho những quan niệm của học sinh bộc lộ nhiều lần, cho các quan niệm đó vận hành nhiều lần khi có thể được, từ đó giúp học sinh vượt qua từ bỏ những quan niệm sai, chấp nhận một cách tự giác tri thức khoa học. Cách làm này tạo điều kiện thuận lợi cho sự va chạm giữa hai nguồn tri thức “ Tri thức khoa học và tri thức đời thường” . Rõ ràng thực tế chỉ chấp nhận một trong hai đối thủ. Sự cọ xát đó sẽ làm cho học sinh nhận ra chân lý khoa học một cách sâu sắc vì chính họ đã là đại diện cho một đối thủ. Chính học sinh phải điều chỉnh (nếu quan niệm đời thường có những khiếm khuyết) hoặc vứt bỏ quan niệm của mình nếu trái với chân lý.
Tóm lại, trong dạy học vật lý không thể bỏ qua các quan niệm đời thường của học sinh, cũng không thể tẩy xóa chúng ra khỏi đầu óc học sinh một cách dễ dàng mà phải tạo điều kiện cho chúng bộc lộ, vận hành và tìm cách vượt qua chúng.