Sự so sánh giữa lễ hội du lịch hiện đại và lễ hội truyền thống

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về lễ hội du lịch, nghiên cứu điển hình lễ hội hoa phượng đỏ hải phòng (Trang 31 - 33)

Sự giống nhau: là một hoạt động văn hoá nổi bật trong đời sống con người với nhiều hình thức khác nhau nhằm phục vụ lợi ích của con người. là một sản phẩm và biểu hiện của một nền văn hoá, là cách thức giao cảm cộng đồng, giao hoà giữa con người với

trời đất, giữa hiện tại với hồi tưởng trong quá khứ và hi vọng tương lai. Và ngày càng phát triển, gắn liền với sự phát triển, hội nhập của xã hội.

Sự khác nhau:

- Về thời gian tổ chức:

Lễ hội cổ truyền thường chỉ diễn ra vào hai mùa xuân – thu, thời gian tổ chức thường ngắn (dưới 3 ngày, trừ một số lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội xuân Yên Tử…). Các hoạt động trong lễ hội cổ truyền thường diễn ra ban ngày, nếu có hoạt động diễn ra vào buổi tối, đêm thì thường trong không gian thần điện. Trong khi đó, lễ hội du lịch có thể diễn ra vào những thời gian bất kỳ, thời gian tổ chức dài, các hoạt động diễn ra cả ban ngày lẫn buổi tối và ban đêm trên nhiều khu vực thuộc địa bàn ảnh hưởng của lễ hội.

- Không gian lễ hội:

Không gian của lễ hội cổ truyền hẹp, bao trùm trong khu vực sinh sống của cộng đồng cư dân, tâm điểm là hệ thống di tích lịch sử văn hóa của địa phương. Trong khi đó, không gian của lễ hội du lịch rộng, lan toả đến cả không gian phụ cận có liên quan, tâm điểm là những khu vực quảng trường, sân khấu trung tâm, và các tuyến điểm du lịch nội vùng và phụ cận như các di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống…

- Về mục đích, tính chất, nội dung:

Lễ hội cổ truyền được tổ chức không vì mục đích kinh tế, các hoạt động mang tính “ trao gửi ” hơn là “ nhận ”. Bên cạnh các mục đích chính trị, văn hóa xã hội, lễ hội du lịch còn mang nặng yếu tố kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Xét về tính chất, lễ hội cổ truyền mang tính thiêng, trang nghiêm, thành kính, thì lễ hội du lịch mang tính sôi động, hiệu quả, thiết thực… Trong lễ hội cổ truyền, tính “liên kết cộng đồng”, tính bản địa thể hiện rõ nét thì trong lễ hội du lịch tính “xã hội hóa”, tính liên kết, phối hợp đa phương, đa ngành, đa lãnh thổ trong lễ hội du lịch được chú trọng hơn cả.

- Về hình thức hoạt động:

Lễ hội cổ truyền có chu trình hoạt động mang tính bất biến trong thời gian dài trong khi lễ hội du lịch có chu trình hoạt động mang tính khả biến, thích ứng cao. Khác với

lễ hội cổ truyền sử dụng nhiều trang thiết bị, đạo cụ truyền thống thì lễ hội du lịch có sự phối kết hợp và sử dụng nhiều trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Lễ hội cổ truyền do người dân địa phương tiến hành nhưng lễ hội du lịch có sự phối kết hợp giữa địa phương và các địa phương bạn (cả trong nước và quốc tế) và các ngành hữu quan.

Bằng cách so sánh tương quan như vậy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về lễ hội truyền thống và lễ hội du lịch hiện đại. Cách thức khai thác tối đa hiệu quả của từng loại lễ hội, đem la cái nhìn tổng quan, sâu sắc hơn về các mặt ưu điểm và nhược điểm.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu về lễ hội du lịch, nghiên cứu điển hình lễ hội hoa phượng đỏ hải phòng (Trang 31 - 33)