4.1.2.1. Tài nguyên đất:
Được hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên việc phân loại đất khá đa dạng, phân bố trên nhiều loại địa hình nên khả năng khai thác và sử dụng cũng hết sức đa dạng và phong phú.
Theo số liệu điều tra về nông hóa thổ nhưỡng của tỉnh Hà Tĩnh năm 1976 và các cuộc điều tra bổ sung của huyện Kỳ Anh thì đất đai của xã được chia ra các nhóm sau:
* Nhóm đất đồi núi:
- Đất dốc tụ ven đồi núi bạc màu, đào sâu 30cm chưa có tầng cứng rắn. Loại đất này tập trung chủ yếu ven đồi núi phía Đông chiếm khoảng 5% diện tích đất tự nhiên của xã.
- Đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá phiến thạch sét và biến chất dưới rừng. Loại đất này chủ yếu tập trung ở vùng đồi núi giáp Kỳ Hưng chiếm khoảng 5% diện tích đất tự nhiên của xã.
- Đất phù sa cũ có sản phẩm feralit. Loại đất này tập trung chủ yếu ở các vùng giáp xã Kỳ Thịnh và xã Kỳ Hưng chiếm khoảng 10% diện tích đất của xã.
-Đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá, tập trung chủ yếu ở đồi núi phía Đông và phía Tây, loại đất này chiếm khoảng 45% diện tích đất tự nhiên của xã.
* Nhóm đất đồng bằng:
- Đất cát nhẹ, tập trung chủ yếu ở vùng giữa xã chiếm khoảng 15% diện tích đất tự nhiên của xã. Loại đất này rất có ý nghĩa cho sản xuất nông nghiệp và thực tế đã được
nông dân khai thác một cách triệt để vào sản xuất hoa màu, lương thực cũng như các cây công nghiệp ngắn ngày hàng năm.
Đây chính là tiềm năng để phát triển nông nghiệp bởi những đặc điểm khá ưu việt như : tỷ lệ đạm, mùn từ trung bình đến khá, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước, địa hình bằng phẳng, tập trung.
- Đất cồn hoang và trồng cây rừng tập trung chủ yếu ở vùng giáp xã Kỳ Thịnh chiếm khoảng 7% diện tích đất tự nhiên của xã.
- Đất mặn chua chiếm khoảng 10% diện tích đất tự nhiên và tập trung chủ yếu ở ven sông Quyền.Đặc điểm chung nhất là : đất có màu tím hoặc hơi xám, đất chua, tỷ lệ đạm và mùn từ trung bình đến khá, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, phân bố tập trung, địa hình bằng phẳng, phù hợp cho việc nuôc trồng thủy sản.
* Nhận xét chung về đất :
Căn cứ vào phân loại, đặc điểm, tính chất cũng như mức độ phân bố của các loại đất nói trên có thể đi đến một số nhận xét:
+ Độ dốc một số vùng không lớn nhưng đất đai bị nhiễm mặn một phần, hoặc đất bị bỏ hoang ở trên các sườn đồi phía Đông và phía Tây làm cho sự xói mòn ngày càng gia tăng nên làm giảm hiệu quả sử dụng đất.
+ Những vùng thuận lợi để phát triển nông nghiệp đặc biệt là loại đất cát nhẹ cần phải tận dụng khai thác triệt để hơn nữa nhằm nâng cao giá trị sử dụng của chúng.
+ Cần có chính sách mở rộng hơn nữa diện tích đất nông nghiệp hiện có của địa phương, xây dựng và thực hiện mô hình trồng rừng nhằm giảm thiểu sự xói mòn đất.
4.1.2.2. Tài nguyên nước
Xã có nguồn nước mặt ít về số lượng, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu bằng giếng khơi, nguồn nước phục vụ cho sản xuất chủ yếu lấy từ kênh sông Trí đây là mặt hạn chế về nguồn nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của xã đặc biệt vào mùa khô.
Nguồn nước ngầm của xã Kỳ Trinh khá phong phú về số lượng, chất lượng nước tương đối tốt, mực nước ngầm thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa trong năm. Trung bình từ 3m đến 6m.
4.1.2.3. Tài nguyên rừng
Theo số liệu thống kê thì diện tích đất lâm nghiệp có rừng của xã là 1674,49 ha bao gồm:
- Diện tích đất rừng phòng hộ là 1062,60 ha. Trong đó: + Đất có rừng tự nhiên phòng hộ là 785,36 ha + Đất có rừng trồng phòng hộ là 277,24 ha
- Diện tích đất rừng sản xuất là 611,89 ha
4.1.2.4. Thực trạng về môi trường
Do trình độ thâm canh thấp và chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên các hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân đã làm cho đất bị suy thoái, chủ yếu là do quá trình xói mòn, rửa trôi, thêm vào đó do tập quán canh tác lạc hậu đã làm rừng suy giảm về diện tích và chất lượng kéo theo sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên trong những năm gần đây việc trồng rừng trên địa bàn xã được đẩy mạnh nhằm nâng cao độ che phủ, ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến môi trường của việc mất rừng.
Việc mất rừng gây nên sự suy thoái về trữ lượng nước và làm ô nhiễm môi trường nước, dạng nhiễm bẩn phổ biến là cát bùn và tăng độ đục của nước khe suối. Việc sử dụng phân hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hiện tại chưa có tác động lớn đến môi trương nước, tuy nhiên đó là một nguyên nhân tiềm ẩn tác động đến chất lượng nước mà chúng ta cần phải quan tâm.
Một vấn đề nữa đó là vệ sinh môi trường nông thôn do phong tục tập quán lạc hậu của vùng dân cư, thêm vào đó cơ sở hạ tầng hầu như không đảm bảo nên vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn xã còn kém. Bên cạnh đó nước thải từ việc nuôi trồng thủy sản cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.