BÁO CHÍ CÁCH MẠNG THANH NGHỆ TĨNH GIAI ĐOẠN 1930 –
2.1.1. Hoàn cảnh lịch sử
* Tình hình thế giới:
Cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1929 – 1933 ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa đã làm cho mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản ngày càng gay gắt và phong trào cách mạng của quần chúng tăng cao.
Chủ nghĩa Phát xít đã xuất hiện và thắng thế ở một số nơi như: Phát xít Hít le ở Đức, Phát xít Phăng Cô ở Tây Ban Nha, phát xít Mútxôlini ở Italia… chế độ độc tài phát xít làm nền chuyên chính của những thế lực phản động nhất, sô vanh nhất, tàn bạo và dã man nhất. Chúng tiến hành chiến tranh xâm lược, bành chướng và nô dịch các nước khác. Tập đoàn phát xít cầm quyền ở Đức, Ý và Nhật đã liên kết với nhau thành khối “Trục”, ráo riết chuẩn bị chiến tranh để chia lại thị trường thế giới và thực hiện mưu đồ tiêu diệt Liên Xô - Thành trì cách mạng thế giới - nhằm hi vọng đẩy lùi phong trào cách mạng vô sản đang phát triển mạnh mẽ. Nguy cơ chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới đe dọa nghiêm trọng nền hòa bình và an ninh quốc tế.
Trước tình hình đó Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Mátxcơva (tháng 7/1935) dưới sự chủ trì của G. Đimitơrốp. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong dẫn đầu đã tham dự Đại hội.
Đại hội xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của giai cấp vô sản và nhân dân lao động lúc này chưa phải là chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít.
Đại hội vạch ra nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới lúc này chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản giành chính quyền mà là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ dân chủ và hòa bình.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách đó, các Đảng cộng sản và nhân dân các nước trên thế giới phải thống nhất hàng ngũ của mình, lập mặt trận nhân dân rộng rãi, chống phát xít và chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hòa bình và cải thiện đời sống.
Đối với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, đại hội chỉ rõ: Do tình hình thế giới và trong nước thay đổi nên vấn đề lập mặt trận thống nhất chống đế quốc có tầm quan trọng đặc biệt.
* Tình hình trong nước - Tình hình kinh tế:
Năm 1930, do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam suy thoái, bắt đầu từ trong nông nghiệp: Lúa gạo bị sụt giá, ruộng đất bỏ hoang, năm 1933 là 500 ha. Về công nghiệp thì suy giảm. Thương nghiệp, xuất nhập khẩu đình đốn, giá cả đắt đỏ. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam rất nặng nề so với các thuộc địa khác của Pháp cũng như so với các nước trong khu vực.
Sau cao trào 1930 – 1931 đời sống nhân dân thêm cực khổ, trong những năm 1936 – 1939 tình hình kinh tế mặc dầu có bước phục hồi song đời sống nhân dân không được cải thiện là bao.
- Tình hình xã hội:
Nông dân: Chịu thuế cao, vay nợ nặng lãi, nông phẩm làm ra phải bán giá hạ. Ruộng đất bị địa chủ thâu tóm, bị bần cùng hóa.
Tiểu thương, tiểu chủ, các ngành nghề thủ công: Bị phá sản, bị sa thải, thất nghiệp, tư sản dân tộc gặp khó khăn trong kinh doanh, nhà buôn nhỏ đóng cửa.
Xã hội Việt Nam có 2 mâu thuẫn cơ bản là: Dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và nông dân với địa chủ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 đã ảnh hưởng sâu sắc không những đến đời sống các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động mà còn đến cả những nhà tư sản, địa chủ hạng vừa và nhỏ. Trong khi đó bọn cầm quyền phản động ở Đông Dương vẫn ra sức vơ vét, bóc lột, bóp ngẹt, mọi quyền tự do, dân chủ và thi hành chính sách khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta.
Tình hình trên đây làm cho các giai cấp và tầng lớp tuy có quyền lợi khác nhau nhưng đều căm thù thực dân, tư bản độc quyền Pháp, và đều có nguyện vọng chung trước mắt là đấu tranh đòi được quyền sống, quyền tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Trong lúc này, hệ thống tổ chức của Đảng và các cơ sở cách mạng quần chúng đã được khôi phục. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định bước phát triển mới của phong trào cách mạng nước ta.
Đối với chính quyền thực dân, trong suốt ba năm vận động dân chủ, chính phủ Pháp và chính quyền thực dân có trên 40 văn bản quy định bổ sung về báo chí quan hệ đến báo chí.
Ngày 12 - 8 - 1936, chính phủ pháp ra sắc lệnh mới về báo chí do tổng thống Lơbroong ký có tiếp chữ ký của bộ trưởng tư pháp Ruyca, bộ rưởng thuộc địa Mutê, ngày 17 - 9 - 1936, xinvetxơtơrơ thay mặt toàn quyền Đông Dương Roobanh ký nghị định ban hành ở Đông Dương, sắc lệnh có ba điều. Sau đây là điều 1 và điều 2.
“Điều 1: Trong các lãnh thổ ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên và Lào, việc công bố hay truyền bá bằng biện pháp nào những tin tức sai lầm, những văn bản xuyên tạc và vu cáo đối với người khác vì cố tình mà làm giảm lòng tin, sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm và phạt tiền từ 100 đến 3000 phrăng, hoặc một trong hai hình thức đó, khi ấn phẩm hoặc việc truyền bá ấy dẫn tới làm rối loạn kỷ luật và đạo đức và các lực lượng lục quân, hải quân và không quân”.
Điều 2: Những vi phạm điều trên sẽ bị đưa ra xử trước tòa án tiểu hình” Chính điều kiện mới đã làm cho báo chí cách mạng có điều kiện phát triển trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên nhiều đơn gửi lên Toàn quyền xin phép ra báo đã bị bác bỏ. May lắm có tờ nào được ra thì cũng qua một thời gian dài điều tra xem xét.