Xây dựng thành Cổ Loa 42.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị lịch sử văn hóa làng cổ loa (huyện đông anh, thành phố hà nội) phục vụ phát triển du lịch (Trang 44 - 45)

6. BỐ CỤC CỦA KHÓA LUẬN 5.

2.1.2.1. Xây dựng thành Cổ Loa 42.

Sau khi lập nước Âu Lạc, An Dương Vương cho dời đô từ Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ) xuống Cổ Loa, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của sự phát triển Việt Nam về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Đây còn là bước phát triển kế tục của nước Văn Lang với hai thành tựu nổi bật là xây đắp thành Cổ Loa và cải tiến vũ khí mà chủ lực là nỏ và tên nỏ.

Thành Cổ Loa còn có tên là thành Tư Long, có nghĩa là rồng uốn mình nằm trầm tư suy nghĩ. Thành được dựng ở vị trí trung tâm của nước Âu Lạc, trên một khu đất ở Tả ngạn sông Hoàng Giang. Theo sử cũ và lưu truyền dân gian, thành được xây dựng quanh co chín lớp, xây dựng theo hình xoáy trôn ốc, trôn ốc là xóm Chùa, mình ốc là đường thành từ xóm Chùa qua xóm Chợ, xóm Hương, về Gồ Cháy. Chất liệu xây dựng thành chủ yếu là bằng đất, đá và gốm vỡ. Dùng đá để kè cho chân thành được vững chắc, các đoạn ven sông ven đầm được kè đá nhiều hơn. Loại đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở từ miền khác về. Kết hợp xen giữa các đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, rải nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở. Phương pháp xây dựng thành là đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu lũy xây đến đó.

Mặt ngoài lũy thì dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ, đắp lũy cao trung bình từ 4 - 5 mét, có chỗ 8 - 12 mét, chân lũy rộng 20 - 30 mét, mặt lũy rộng 6 - 12 mét, khối lượng đào đất ước tính 2,2 triệu mét khối. Mặt trên của thành thì có nhiều ụ đất cao và nhô ra phía ngoài để làm vọng gác và công sự phòng ngự (điển hình nhất là khu vực thành Nội), dưới chân thành các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều di tích là nơi cư trú của cư dân trước khi xây dựng thành, thuộc buổi đầu thời đại đồ sắt. Với nền đất yếu nên việc xây dựng thành rất khó khăn và dễ đổ thành; do vậy việc kết hợp kè đá nhằm tạo thế vững chắc lâu dài cho thành.

Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên. Họ tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài. Vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh sông Hoàng để dùng sông này làm hào bảo vệ thành và cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào, cũng là đường thủy quan trọng. Con đầm Cả rộng lớn ở phía Đông cũng được tận dụng biến thành bến cảng, làm nơi tụ họp cho cả hàng trăm thuyền bè.

Một phần của tài liệu Khai thác các giá trị lịch sử văn hóa làng cổ loa (huyện đông anh, thành phố hà nội) phục vụ phát triển du lịch (Trang 44 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)