III. HÌNH THÁI KINH TẾ – XÃ HỘI CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA
a. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộ
- Khái niệm:
+ Bước quá độ là bước chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
+ Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội tư bản và tiền tư bản lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền nhà nước cho đến khi Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra được những cơ sở của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Tính tất yếu:
+ Theo C.Mác: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội Cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị…”
+ Theo V.I.Lênin:
“ Cần phải có một thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực trong cuộc sống và phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản…”).
Tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội:
- Một là, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội khác nhau về bản chất. Chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, không còn đối kháng giai cấp, không còn tình trạng áp bức bóc lột. Muốn có xã hội như vậy cần phải có một thời gian cải biến cách mạng khá lâu dài.
- Hai là, chủ nghĩa xã hội được xây dựng trên nền sản xuất đại công nghiệp có trình độ cao. Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra cơ sở vật chất- kỹ thuật nhất định cho chủ nghĩa xã hội, nhưng phải có thời gian tổ chức, sắp xếp lại.
- Ba là, các quan hệ xã hội của chủ nghĩa xã hội không tự phát nảy sinh trong lòng xã hội tư bản, chúng là kết quả của quá trình xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Do vậy cần phải có thời gian nhất định để xây dựng và phát triển những quan hệ đó.
- Bốn là, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một công việc mới mẻ, khó khăn và phức tạp, cần phải có thời gian để giai cấp công nhân từng bước làm quen với những công việc đó.
- Hai loại hình quá độ lên Chủ nghĩa xã hội:
+ Quá độ trực tiếp từ những nước Tư bản chủ nghĩa phát triển lên chủ nghĩa xã hội thì thời kỳ quá độ có thể tương đối ngắn vì những nước này đã có đại công nghiệp và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
+ Quá độ gián tiếp từ những nước tư bản chủ nghĩa trung bình và những nước chưa qua tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội.
Theo V.I.Lênin, đó là kiểu quá độ đặc biệt hoặc ” đặc biệt của đặc biệt” phải trải qua
rất nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài, chủ yếu vì các nước này chưa qua “ trường học dân chủ tư sản” và chưa có cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại.
- Đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội:
Đặc điểm nổi bật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là những nhân tố của xã hội mới và những tàn tích của xã hội cũ tồn tại đan xen lẫn nhau, đấu tranh với nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, tập quán…
+ Nội dung kinh tế: là nền kinh tế nhiều thành phần
Theo V.I.Lênin: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội? Bất cứ ai cũng thừa nhận là có…” V.I.Lênin nêu ra 5 thành phần kinh tế gồm:
+ Kinh tế nhà nước. + Kinh tế tập thể.
+ Kinh tế cá thể, tiểu chủ. + Kinh tế tư bản tư nhân. + Kinh tế tư bản nhà nước.
Trong đó kinh tế nhà nước chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đảm nhận các khâu then chốt và các lĩnh vực trọng yếu, nhất là trong công nghiệp, cơ sở hạ tầng và tài chính, tín dụng.
+ Nội dung chính trị: Nhà nước chuyên chính vô sản được thiết lập, củng cố, ngày càng hoàn thiện. Do kết cấu kinh tế đa dạng, phức tạp nên kết cấu giai cấp xã hội cũng đa dạng, phức tạp. Thời kỳ này bao gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, những người sản xuất nhỏ, tầng lớp tư sản. Các giai tầng này vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau. Trong một giai cấp, tầng lớp cũng có nhiều bộ phận có trình độ, ý thức khác nhau. Thu nhập, ý thức chính trị của các bộ phận khác nhau có sự khác nhau.
+ Nội dung văn hóa – tư tưởng: Chủ nghĩa Mác-Lênin, thế giới quan và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân từng bước giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Bên cạnh đó, còn tồn tại tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, tâm lý tiểu nông v. v… V.I.Lênin cho
rằng, tính tự phát tiểu tư sản là” kẻ thù giấu mặt hết sức nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả bọn phản cách mạng công khai”. Trên lĩnh vực văn hóa cũng tồn tại văn hóa cũ, văn hóa mới, chúng thường xuyên đấu tranh với nhau.
-Thực chất của thời kỳ quá độ… là thời kỳ diển ra cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản đã bị lật đổ nhưng chưa bị xóa bỏ hoàn toàn với giai cấp công nhân và quần chúng lao động đã giành được chính quyền đang ra sức đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh giai cấp với những nội dung, hình thức mới, diễn ra trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng, bằng tuyên truyền vận động là chủ yếu, bằng hành chính và luật pháp.