+ Ý thức chính trị
Hình thái ý thức chính trị xuất hiện trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Nó phản ánh các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội giữa các giai cấp, cũng như thái độ của các giai cấp đối với quyền lực nhà nước. Đặc trưng cơ bản nhất của ý thức chính trị là thể hiện trực tiếp và tập trung lợi ích giai cấp.
+ Ý thức pháp quyền
Ý thức pháp quyền là toàn bộ các tư tưởng, quan điểm của một giai cấp về bản chất, vai trò của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của nhà nước, về các tổ chức xã hội và tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con người.
+ Ý thức đạo đức
Ý thức đạo đức là toàn bộ những quan niệm về thiện, ác, lương tâm, trách nhiệm, hạnh phúc, công bằng … và về các quy tắc đánh giá, điều chỉnh hành vi ứng xử của con người.
Trong tiến trình phát triển của xã hội đã hình thành những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại, tồn tại trong mọi xã hội.
Tuy nhiên trong xã hội có giai cấp, đạo đức cũng mang tính giai cấp. Các phạm trù đạo đức phản ánh địa vị và lợi ích giai cấp.
+ Ý thức khoa học
Ý thức khoa học vừa là một hình thái ý thức xã hội vừa là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Ý thức khoa học là hệ thống tri thức phản ánh chân thực dưới dạng logich trừu tượng về thế giới đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Ý thức khoa học khi thâm nhập vào các hình thái ý thức xã hội khác, hình thành các khoa học tương ứng với từng hình thái ý thức đó.
+ Ý thức thẩm mỹ
Ý thức thẩm mỹ là sự phản ánh hiện thực vào ý thức con người trong quan hệ với nhu cầu thưởng thức và sáng tạo cái đẹp. Trong hình thức hoạt động thưởng thức và sáng tạo cái đẹp thì nghệ thuật là hình thức biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật là sự phản ánh hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật cũng phản ánh cái bản chất của đời sống hiện thực nhưng thông qua cái cụ thể, cá biệt, cụ thể cảm tính, sinh động.
+ Ý thức tôn giáo
Tôn giáo chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức của lực lượng siêu trần thế. Tôn giáo có nguồn gốc từ kinh tế-xã hội, từ nhận thức và tâm lý.
- Chủ nghĩa duy vật lịch sử cho rằng : tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội. Mỗi khi tồn tại xã hội thay đổi nhất là phương thức sản xuất biến đổi thì những tư tưởng và ý thức xã hội … sớm muộn cũng sẽ biến đổi theo.
- Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội nhưng không phải trực tiếp mà thường thông qua những khâu trung gian.
2. Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội
a. Ý thức xã hội thường lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội
Lịch sử cho thấy, nhiều khi xã hội cũ đã mất đi, nhưng ý thức do nó sinh ra vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Tính độc lập tương đối này biểu hiện đặc biệt rõ trong tâm lý xã hội. Ý thức xã hội thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội do những nguyên nhân : thường được giữ lại và truyền bá nhằm chống lại các lực lượng tiến bộ xã hội.
b. Ý thức xã hội có thể vượt trước tồn tại xã hội
Những tư tưởng tiên tiến, khoa học có thể vượt trước sự phát triển của tồn tại, dự báo sự phát triển tương lai, có tác dụng hướng dẫn, chỉ đạo thực tiễn, hướng đến giải quyết những nhiệm vụ mới của xã hội đặt ra.
c. Ý thức xã hội có tính kế thừa
Tất cả các hình thái ý thức xã hội đều có tính kế thừa những yếu tố tích cực trong sự phát triển, vì thế chúng ta không chỉ dựa trên tồn tại xã hội để giải thích ý thức xã hội mà phải dựa trên cả quan hệ kế thừa của ý thức xã hội từ các xã hội trước đó như thế nào.
d. Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội
Sự tác động qua lại giữa các hình thái ý thức xã hội khiến cho mỗi hình thái có những mặt, những tính chất không thể giải thích được một cách trực tiếp bằng tồn tại xã hội hay các điều kiện vật chất.
đ. Ý thức xã hội tác động trở lại tồn tại xã hội
Các hình thái ý thức xã hội đều có ảnh hưởng lẫn nhau và đều tác động trở lại tồn tại xã hội. Mức độ ảnh hưởng của ý thức xã hội phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể, vào tính chất của những mối quan hệ kinh tế, vào vai trò của con người, vào mức độ ảnh hưởng trong quảng đại quần chúng … kể cả ý thức tiến bộ lẫn ý thức lạc hậu.