TRONG CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG MỸ
Thành công của cá nhân được hun đúc bởi những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt trong nhiều thế kỷ đã làm nên sự phát triển thần kỳ với tốc độ như vũ bão của nước Mỹ. Ở Mỹ, đã có một huyền thoại hấp dẫn lâu đời về “con người tự lập thân” (self - made-man), nhân vật ấy không chỉ được xây dựng ở những sách viết về lịch sử mà còn ở những tiểu thuyết của Horatio Alger, những con người làm giàu bằng hai bàn tay trắng của mình. Như vậy, có thể thấy, con người tự lập thân là một ý tưởng đã trở thành truyền thống vững bền của người Mỹ.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, tinh thần tự lập thân, lập nghiệp đã tồn tại trong lịch sử. Lịch sử các dân tộc còn lưu giữ hình ảnh vể nhiều tấm gương xuất thân từ nghèo khổ và có những nỗ lực phi thường để vượt qua khó khăn của con người, tuy nhiên tinh thần của người Mỹ xuất hiện mang tính đặc thù riêng của nước Mỹ. Con người tự lập thân ở Mỹ là lý tưởng điển hình của một thứ chủ nghĩa cá nhân đã phát triển đến điểm đỉnh. Nhưng con người tự lập thân này phải tự lập thân như thế nào, bằng cách nào, thì chủ nghĩa thực dụng Mỹ đó chính là tính thực tế, tính hiệu quả. Nếu thiếu công cụ này, con người đến đất Mỹ khó có thể tồn tại chứ chưa nói gì đến thành công, mặc dù họ có thể thành công ở Châu Âu hay ở nhiều nơi khác. Người Mỹ mới, là kết quả của “melting pot”, là sự pha trộn về văn hóa của nhiều chủng tộc người trên thế giới. Đặt chân tới “vùng đất hứa” - một nơi còn hoang vu và chưa được khai phá, chính điều đó đã khiến những cư dân đầu tiên buộc phải sớm hình thành một tính cách dựa vào mình. Và Crevecoeur sau này đã
viết về quá trình đó như “một cuộc đổi đời”: “Những người Châu Âu di cư sang Mỹ đã từ thân phận ti tiện trở thành một nhân cách, từ người phục vụ trở thành người chủ, từ tên nô lệ của một lãnh chúa tàn bạo trở thành người tự do, có quyền sở hữu ruộng đất và của cải của một xã hội tự quản. Thật là một cuộc đổi đời! Chỉ là sự thay đổi như thế nào đã tạo ra những con người Mỹ” [dẫn theo 1, tr.47].
Về mặt lịch sử, ngay từ thuở bình minh của nước Mỹ, một nhóm nhỏ dân di cư người Anh đã ấp ủ niềm tin mạnh mẽ vào sứ mạng xây dựng “vương quốc của Chúa” ngay tại miền đất hứa này. Đó là những con người dám từ bỏ quê hương cũ, là những con người có ước mơ đổi đời, những con người không còn muốn sống dưới vương triều phong kiến mục rỗng với việc thực hành tôn giáo bất khoan dung ở Châu Âu. Và ý tưởng trên đây còn nằm trong bối cảnh, những con người đó định cư ở một vùng đất mới rộng lớn, phong phú và đa dạng về tài nguyên, lại chưa từng trải qua chế độ phong kiến, cùng với việc phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mang đậm dấu ấn của đạo đức Tin lành. Điều này đặt ra một vấn đề: muốn thúc đẩy sự phát triển đó thì giai cấp tư sản cần giải phóng cá nhân, tự do hành động và xác lập niềm tin. “Lòng khao khát của cải, lòng hăng say lao động và vui sống đạm bạc, tất cả như biện minh cho việc kinh doanh buôn bán chính là một phương thức dành thắng lợi” [5, tr.39].
Sử gia Alexis de Tocqueville (1805 - 1859) đã ghi lại như sau: “Chế độ quý tộc đã biến các công dân thành cái xích dài bắt đầu từ người nông dân đến nhà vua. Chế độ dân chủ phá tung chiếc xích đó và vứt mỗi mắt xích ra một nơi. Còn chủ nghĩa bình quân chỉ sản sinh ra một số cá nhân đủ giàu mạnh để khống chế chính đồng bào mình, nhưng nhiều cá nhân ấy lại có khả năng tự lực cánh sinh. Nhưng người đó không nhờ vả ai, không chờ ai ban cho thứ gì, họ tách mình ra, sẵn sàng coi vận mạng của mình nằm chính trong tay mình” .
Hơn 400 năm tạo dựng và phát triển với biết bao biến cố, quan niệm về người tự lập thân của Mỹ không ngừng hoàn thiện. Đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, khi nước Mỹ trở thành siêu cường thì quan niệm đó lại càng được phổ biến rộng rãi. Các nhà cải cách, các nhân vật có khuynh hướng tiến bộ đã lần lượt thay nhau giải quyết những thách thức về kinh tế, chính trị và xã hội do hiện đại hóa đặt ra bằng cách dựa vào niềm tin vững chắc. Chủ nghĩa tư sản Mỹ bước nhanh tới thời kỳ hiện đại.
Quan niệm về người tự lập thân trong chủ nghĩa thực dụng Mỹ mang chở nhiều nội dung, sắc thái. Nhưng trọng tâm nhất của nó là nhấn mạnh vào con người có tính tự chủ, con người có niềm tin và con người hành động.